14:23 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 5295

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271551

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000958

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Tấm Lòng

Thứ ba - 01/05/2018 21:58
Tấm Lòng

Tấm Lòng

Theo y khoa, trái tim là một chiếc máy bơm rất mạnh và bền, nó bơm máu qua hệ thống tuần hoàn để mang sự sống cho tất cả các cơ quan trong cơ thể con người. Trái tim cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng nuôi sống và bảo tồn cơ thể chúng ta.


                 Theo y khoa, trái tim là một chiếc máy bơm rất mạnh và bền, nó bơm máu qua hệ thống tuần hoàn để mang sự sống cho tất cả các cơ quan trong cơ thể con người. Trái tim cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng nuôi sống và bảo tồn cơ thể chúng ta.

                 Trái tim là biểu tượng của tấm lòng là một trong những điều quan trọng nhất được Đấng Tạo Hóa đặt trong người của mỗi chúng ta. Muốn sống lâu và sống năng động, con người phải có trái tim thật khỏe. Cũng tương tự như thế, muốn sống vui, sống đem lại hạnh phước cho người khác, thì người đó phải có tấm lòng tốt mà người Việt ta thường gọi là lòng trung hậu hay tấm lòng vàng.

                 Như bài thơ của Hoàng Đạo Thúy:

                 Gió thoảng, trăng trong buổi mát trời 
                 “Ngủ quên, không dậy” việc thường thôi
                 Các con chớ giận không từ biệt
                 Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi
                 Cái chính chỉ là một lời dặn:
                 “Giữ lòng trung hậu ở trên đời”
                 Nhớ thương ghi tạc tình cao cả
                 Tổ quốc bền lâu với đất trời.

                 Khi nói đến tấm lòng của ai là ta nói nói đến bản chất của người đó như lời Thánh Kinh dạy: "Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy." (Châm Ngôn 27:7a)

                 Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời đã diễn tả lòng người thật đầy đủ và thâm thúy. Thánh Kinh đã nói chữ tấm lòng khoảng 1000 lần. Theo Thánh Kinh, tấm lòng chính là linh hồn, tâm linh, tâm trí, lương tâm và ý muốn. Theo Tự Điển Thánh Kinh, tấm lòng chính là trung tâm của thể xác, tinh thần và sự sống tâm linh của con người. Tấm lòng cũng chính là trung tâm điểm của tình cảm và lý trí. Chính vì thế mà Thánh Kinh dạy:

                 "Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, 
                 Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra." (Châm Ngôn 4:23)

                 Nói đến nguồn sự sống, chúng ta liên tưởng đến nguồn suối tươi mát trong lành, nên sản sinh ra các sinh vật bơi lội trong đó như đàn cá lội tung tăng trong dòng nước biếc.

                 Vì sao ta phải gìn giữ tấm lòng, vì tấm lòng chẳng những là nguồn sự sống mà cũng là kho báu vô giá của Đức Chúa Trời ban tặng. Nếu ta không gìn giữ, kho báu ấy sẽ lọt vào tay của quỷ dữ như lời dạy của Thánh Kinh: "Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời, như người từ cõi chết sống lại, và dâng các chi thể mình cho Ngài,như những dụng cụ làm điều công chính." (Rô-ma 6:13)

                 Trong chiến tranh Mỹ với người thổ dân da đỏ, người da đỏ đã tịch thu được chiếc rương của quân đội Mỹ. Sau khi trở về làng, họ không thể mở rương ra vì rương sắt quá chắc chắn, dẫu đã dùng rìu và súng. Sau cùng họ mang lên trên triền núi cao, quăng xuống vực thẳm trúng vào đá, nhưng chỉ gãy những bánh xe. Một thời gian sau, người Mỹ tình cờ thấy nó nằm dưới khe suối, tất cả bửu vật, tiền vàng trong chiếc rương đó vẫn còn nguyên vặn.

                 Thưa quý vị! Mỗi chúng ta có một tấm lòng, là bảo vật Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Bảo vật nầy tồn tại mãi mãi. Thánh Kinh cho biết:

                 "Kẻ khốn khổ sẽ ăn uống thỏa thuê, 
                 Những người tìm Chúa sẽ gặp Ngài và ca ngợi. 
                 Nguyện lòng các ngươi được sống đời đời." (Thi Thiên 22:26)

                 Khác với tay chân, mắt mũi, khi chết đi sẽ trở về với cát bụi, nhưng tấm lòng ta sẽ sống mãi, vì tấm lòng chính là linh hồn ta, là nhận thức sẽ không bao giờ chết. Có một người nói rằng anh ta không muốn sống mãi. Nhưng dầu anh ta có muốn hay không, anh vẫn tiếp tục sống đời đời, hoặc là anh ta sống mãi để chịu khổ hình trong hỏa ngục hay hưởng phước đời đời trong cõi vĩnh hằng với Đức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế Jesus trấn an con dân của Ngài, là những người đặt lòng tin vào Chúa rằng: “Đừng sợ những người muốn giết hại các con vì họ chỉ có thể giết thể xác, mà không giết được linh hồn. Phải sợ Đức Chúa Trời, vì Ngài có quyền hủy diệt cả thể xác và linh hồn trong hỏa ngục. (Ma-thi-ơ 10:28)

                 Thưa quý vị! Dầu chúng ta lúc nào cũng ca tụng những tấm lòng nhân ái của con người, đề cao lòng cao cả của người mẹ, lòng vị tha, đức độ của người cha v.v… nhưng chúng ta cũng không khỏi lên án lòng dạ đen bạc của con người xấu xa, lòng lang dạ sói của những kẻ gian ác v.v…

                 Thật ra tấm lòng của con người đã bị ô nhiễm từ khi tổ phụ loài người phạm tội, quên ơn Đấng Tạo Hóa mình, vi phạm Luật Thánh của Ngài. Thánh Kinh lên án: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?" (Giê-rê-mi 17:9)

                 Đây là sự thật trong lòng của quý vị cũng như lòng của tôi. Lòng dạ của tất cả chúng ta đều đã bị tội lỗi làm hoen ố, hư hỏng và rất là xấu xa. Chính vì thế mà có người đi tu, tu có nghĩa là sửa lại. Nhưng chúng ta không thể nào sửa chữa lại những thói hư tật xấu của mình. Thánh Kinh nói rằng: "Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm ác quen rồi, sẽ làm lành được" (Giê-rê-mi 13:23)

                 Chính vì thế chúng ta cần đến với Đức Chúa Trời xin Ngài tha thứ và ban cho chúng ta tấm lòng mới. Chúa phán: "Ta, Chúa Hằng Hữu, dò xét tâm khảm, thử nghiệm trí óc để báo ứng đúng theo nếp sống và kết quả của hành động của mỗi người."(Giê-rê-mi 17:10)

                 Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể thay đổi lòng người. Con người chỉ có thể trị các bịnh liên hệ đến thân xác, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng xem xét sự nhận thức thuộc linh trong đời sống mỗi chúng ta. Khi chúng ta đến cùng Ngài, Ngài ban cho chúng ta tấm lòng mới để chúng ta sống một đời sống mới, chúng ta được sanh lại và được Ngài ban cho bản tính mới.

                 Có người nói là “Tôi dâng lòng tôi cho Đức Chúa Trời.” Quý vị nghĩ xem! Liệu Đức Chúa Trời có muốn nhận tấm lòng xấu xa, tội lỗi của chúng ta không? Chắc chắn là không! Điều Ngài muốn là chúng ta phải hạ mình đến với Ngài, xin Ngài đổi mới tấm lòng của chúng ta.

                 Vậy làm thế nào để ta có được tấm lòng mới? Chúng ta sẽ nhận lòng mới khi chúng ta ăn năn mọi tội lỗi mình, thành tâm đến với Chúa. Đức Chúa Trời là "Bác sĩ chuyên khoa" về tấm lòng. Ngài là Bác sĩ đại tài, Ngài có thể thay đổi tấm lòng chúng ta:"'Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi và các ngươi sẽ được sạch. Ta sẽ tẩy sạch mọi điều ô uế và mọi thần tượng của các ngươi. Ta cũng sẽ cho các ngươi tấm lòng mới, và sẽ đặt tâm linh mới trong các ngươi. Ta sẽ cất bỏ lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Linh Ta trong các ngươi và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, thì các ngươi sẽ vâng giữ và thi hành mệnh lệnh Ta." (Ê-xê-chi-ên 36:25-27)

                 Chúa Cứu Thế Jesus đã đến trần gian nầy vào 2000 năm trước để tái tạo tấm lòng những ai đến với Ngài, Jesus phán: “Đây là sự thật: nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa.” (Giăng 3:3) Sau khi nghe lời phán nầy nhà lãnh đạo dân Do Thái là Ni-cô-đem thắc mắc: “Người đã già làm cách nào tái sinh được? Không lẽ trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa sao?” Chúa Jesus đáp: “Đây là chân lý: Nếu không nhờ nước và Thánh Linh sinh ra, không ai được vào Nước Chúa. Thể xác chỉ sinh ra thể xác; Thánh Linh mới sinh ra tâm linh. Ngươi đừng ngạc nhiên khi nghe ta nói: ‘Con người phải tái sinh!’ Gió thổi hướng nào cũng được. Nghe tiếng gió, nhưng ngươi không biết gió đến từ đâu hay sẽ đi đâu. Người được Thánh Linh sinh thành cũng thế.” (Giăng 3:4-5)

                 Tái sinh có nghĩa là sanh lại lần thứ hai, lần thứ nhất ta được cha mẹ mình sanh ra, nhưng lần thứ hai ta được chính Đức Chúa Trời sinh thành. Chúa Cứu Thế Jesus đã từ trời giáng hạ để thực hiện công tác nầy. Ngài dùng cái chết của mình trên cây thập tự để rửa sạch mọi tội lỗi và mọi điều xấu xa trong lòng quý vị, sau đó Ngài biến đổi tấm lòng quý vị, nghĩa là từ lúc quý vị tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, quý vị tiếp nhận sự sống từ trời, tên của quý vị được ghi trong quyển sách sự sống của Chúa ở thiên đàng.

                 Chúa dùng hình ảnh tấm lòng bằng đá để diễn tả tấm lòng khô khan, cứng cỏi, không có sự sống tâm linh, tâm không cảm giác, vô tín, vô ơn, vô nghì, bất nghĩa, bất trung v.v… được Chúa thay vào tấm lòng bằng thịt, là tấm lòng có sự sống, cảm nhận được tình yêu của Chúa, cảm nhận được nhu cầu của người khác, biết kính sợ Chúa, yêu kính Ngài và hết lòng thờ phượng Ngài. Tấm lòng nầy chính là nơi ngự của Thần Đức Chúa Trời.

                 Tấm lòng của con người được Chúa tái tạo sẽ sống tốt đẹp hơn, sẽ có những quyết định tốt hơn, có mối liên hệ tốt hơn với mọi người nhất là được sự hướng dẫn khôn ngoan từ Đức Chúa Trời.

                 Một nữ tiếp viên hàng không Hoa Kỳ tâm sự rằng: Khi còn làm tiếp viên cho hãng hàng không Piedmont Airlines, tôi thường phải tiếp xúc với những hành khách khó tính, trong đó có một trường hợp khó quên. Vào hôm trước Lễ Tạ Ơn, trên chuyến bay từ Roanoke, Virginia đến Cincinnati, khi thấy một hành khách lên phi cơ đem theo một túi xách thật to, đây là loại phi cơ nhỏ YS-11, không có chỗ để hành lý trên trần. Tôi khuyên ông ta nên ký gửi trong khoang hành lý. Nhưng khi tôi vừa nói xong, ông ta tuôn ra một tràng chửi thề, nhưng dù sao đi nữa, cuối cùng rồi vẫn phải đem nó xuống khoang phi cơ.

                 Trong cơn giận, tôi chợt nhớ lại lời Kinh Thánh mà sáng nay tôi đã đọc, Chúa nhắc tôi rằng dù không muốn tôi cũng phải tử tế với cả những người không tử tế với mình. Người khách này tiếp tục quấy rầy tôi. Trước hết, ông ta đòi chiếc gối. Sau đó, than phiền trách cứ rằng tôi quá chậm chạp trong việc đem nước cho ông. Tiếp theo ông ta cằn nhằn về mẫu bánh mì sao ướt quá! Cuối cùng, ông ta bấm chuông gọi tôi. Khi đi đến chỗ ông ta ngồi, tôi bàng hoàng khi thấy ông ta ràn rụa nước mắt. Ông ta thổn thức: “Xin lỗi cô, mẹ tôi đang đau nặng, tôi đã trút đổ tất cả những nỗi ưu phiền của mình trên đầu cô! Xin tha lỗi cho tôi.” Từ trước đến nay tôi chưa hề cầu nguyện cho một hành khách nào, nhưng lúc đó tôi bỗng thấy có một thôi thúc trong lòng. Tôi hỏi: “Ông có muốn tôi cầu nguyện với ông không?” Được sự đồng ý, tôi đã cúi đầu chân thành cầu nguyện xin Chúa chữa lành mẹ ông cũng như ban bình an cho ông ta và cả gia đình.

                 Một năm sau, cũng đúng vào đêm trước Ngày Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ, cũng trên cùng chuyến bay, cùng hành trình, cùng giờ bay như năm trước, khi đang chào đón hành khách bước vào máy bay, tôi thoáng nghĩ đến người khách khó tính năm xưa. Rồi chợt một người đàn ông khựng lại nhìn tôi kêu lên: “Chính cô đây rồi! Năm ngoái cô cầu nguyện cho mẹ tôi. Khi vào bệnh viện tôi đã kể cho mẹ tôi nghe. Ngày hôm sau bà xuất viện và bây giờ vẫn khỏe. Năm nay chính bà là người chuẩn bị tiệc lễ Tạ Ơn cho chúng tôi đây. Ước gì tôi có thể báo tin ngay cho mẹ tôi biết tôi rằng đã gặp lại cô.” Tôi không hề nghĩ rằng chỉ có mình tôi cầu nguyện cho bà lành bệnh mà chắc bà đã được rất nhiều người cầu thay. Nhưng dù sao sứ điệp Chúa dành cho tôi rất rõ ràng: “Khi con có lòng tốt và cầu nguyện cho người khác, dù người đó không tử tế với con - thì tác dụng của lời cầu nguyện đó sẽ vượt qua mọi biên giới.” (Kay McDonald, Jeffersonville, PA, Guidepost Nov 2005)

                 Thưa quý vị! Đây chính là dấu hiệu của những tấm lòng của người được Chúa thay đổi. Nữ tiếp viên và người hành khách trên cùng một chuyến bay. Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, Chúa nhận cái chết nhục nhã trên cây thập tự để tái tạo tấm lòng và đổi mới đời sống quý vị. Nước thiên đàng của Ngài đã mở ra chờ quý vị. Rất mong quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus ngay giờ nầy và xin Chúa ngự vào lòng và quản cai đời sống quý vị.

                 Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn