06:30 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 6841

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 11916

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23020949

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Vòng Tay Mẹ Hiền

Thứ hai - 07/05/2018 21:30
Vòng Tay Mẹ Hiền

Vòng Tay Mẹ Hiền

Cách đây không lâu vào một ngày của mùa hạ tại vùng nam Florida Hoa Kỳ, có một cậu bé quyết định là sẽ bơi lội trong hồ nước ở sau nhà; cậu nghĩ là mình sẽ lặn xuống dòng nước mát đó cho thỏa thích.


                 Cách đây không lâu vào một ngày của mùa hạ tại vùng nam Florida Hoa Kỳ, có một cậu bé quyết định là sẽ bơi lội trong hồ nước ở sau nhà; cậu nghĩ là mình sẽ lặn xuống dòng nước mát đó cho thỏa thích. Không một phút chần chờ, cậu chạy ra khỏi nhà, đến bờ hồ, cởi áo sơ-mi và đôi giày ra, cậu nhảy xuống nước, bơi thật nhanh ra giữa hồ. Cậu bé không ngờ rằng đang lúc cậu vừa bơi đến giữa hồ, một con cá sấu xuất hiện. Mẹ cậu bé ở trong nhà nhìn qua cửa sổ thấy con cá sấu đang lội hướng về con bà, càng lúc càng tiến gần đến con mình, bà ta nhanh chân chạy ra bờ hồ, vừa chạy vừa la thật to. Cậu bé nghe tiếng kêu thất thanh của mẹ nên vội quay đầu trở lại, ngay lúc đó cậu mới nhận biết là cá sấu đang rượt theo mình. Cậu dùng hết sức, bơi thật nhanh. Nhưng đã quá trễ vì vừa tới bờ hồ, cá sấu đã chụp lấy chân cậu còn mẹ thì bấu lấy hai cánh tay cảu cậu. Thế là có cuộc chiến đấu vô cùng cam go giữa hai sức mạnh ở trên bờ và ở dưới nước, sự giằng co giữa tình thương của người mẹ và sự hủy diệt tàn bạo của loài thú ăn thịt người.

                 Dẫu rằng sức mạnh của cá sấu hơn người mẹ, nhưng lòng thương của người mẹ hiền nhất quyết không thể để con mình bị chết. Bà kêu cứu, một nông gia đang lái xe ngang qua đã vội ngừng lại, ông lấy khẩu súng ra, bắn giết cá sấu. Thế là cậu bé được cứu thoát, được ôm ấp trong vòng tay của mẹ mình.

                 Cậu phải nằm điều trị nhiều tuần trong bệnh viện, hai chân cậu có những vết sẹo thật to vì hàm răng ghê gớm của loài ác thú. Hai tay của cậu cũng bị thương tích vì những móng tay bấu mạnh của người mẹ, nhất quyết giành lại mạng sống của con mình.

                 Sau khi cậu được chữa lành, một phóng viên của một nhật báo đến phỏng vấn, phóng viên nầy xin cậu cho ông ta xem những vết thương. Cậu bé vén quần lên chỉ cho ông ta những vết sẹo to tướng ở đôi chân. Sau đó cậu cũng tự hào đưa hai cánh tay ra cho ông ta xem: “Thưa ông! Hai tay cháu cũng bị có những vết sẹo thật lớn như thế này vì mẹ cháu nhất quyết là không để mất cháu!”

                 Thưa quý vị, Tình thương của mẹ không có bút mực nào tả hết. Ca dao nước ta có câu:

                 Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
                 Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.
                 Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
                 Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
                 Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn 
                 Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con
                 Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, 
                 Con nuôi mẹ con kể từng ngày. 
                 Mẹ nuôi được mười con
                 Mười con không nuôi được một mẹ.
                 Công cha nghĩa mẹ cao vời,
                 Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
                 Nên người con phải xót xa,
                 Đáp đền nghĩa nặng như là Trời cao.
                 Đội ơn chín chữ cù lao,
                 Sanh thành kể mấy non cao cho vừa
                 Nuôi con buôn tảo bán tần,
                 Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
                 Những khi trái nắng trở trời,
                 Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
                 Trọn đời vất vả triền miên,
                 Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con

                 Thánh Kinh cũng đề cao tình thương của mẹ: "Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu." (Châm Ngôn 23:22) "Phải hiếu kính cha mẹ, như Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời, dạy ngươi, để ngươi được sống lâu và thịnh vượng trong đất Chúa cho ngươi." (Phục Truyền 5:16) "Chúa Hằng Hữu phán vậy. "Của cải châu báu của các dân tộc nước ngoài sẽ đổ về đây. Đàn con nó sẽ được bú mớm nâng niu, được cõng trên lưng, được ngồi chơi đong đưa trên đầu gối mẹ." (Ê-sai 66:12b-13)

                 Trong cuộc cách mạng đẫm máu tại Pháp, có một người mẹ dẫn hai đứa con bé bỏng trốn vào rừng. Vì đói, bà các con phải ăn rễ và lá cây. Đến ngày thứ ba bà nghe tiếng chân người, từ bụi rậm bà vạch lá nhìn xem là ai. Bà bị hai người lính phát hiện, một trong hai người lính mang cấp bậc trung sĩ. Thay vì bắt bà, anh lính nầy vô cùng xúc động khi thấy cả ba mẹ con đều hốc hác, xanh xao vì đói nên không nỡ lòng. Viên trung sĩ vội lấy phần ăn của mình là một mẫu bánh mình trao cho người mẹ. Sau khi nhận được mẫu bánh mì, người mẹ nầy đã xé đôi, trao lại cho hai con. Sau khi rời ba mẹ con đó, viên trung sĩ nói với thuộc hạ mình rằng: "Bà ấy không giữ bất cứ điều gì cho mình." Anh lính sĩ đáp: "Chắc là bà ta không đói." Viên trung sĩ lắc đầu: "Không phải đâu! Vì bà ấy là mẹ."

                 Tục ngữ Tây phương có câu: “Bàn tay của mẹ đưa đẩy chiếc nôi của nhà lãnh đạo thế giới.” Vâng, bàn tay của mẹ uốn nắn con trẻ trong lãnh vực tri thức, đạo đức, lẫn tâm linh để rồi những đứa con đó trở thành những con người vĩ đại như lời Thánh Kinh dạy: "Hãy dạy trẻ thơ nẻo chính đường ngay, dù đến già, nó chẳng đổi thay." (Châm Ngôn 22;6)

                 ‘Mẹ’ trong tiếng Do Thái cổ là có nghĩa là “keo, hồ”. Chữ viết của Do Thái được viết theo thể tượng hình như chữ viết của người Trung Hoa. Chữ mẹ được hai chữ kết hợp lại, chứ thứ nhất là hình ảnh của đầu con lừa có nghĩa là “sức mạnh” Chữ thứ nhì lấy ‘nước’ làm biểu tượng. Hai chữ nầy kết hợp lại với nhau là Nước Có Sức Mạnh. Khi người Do Thái làm keo, hay hồ để dán, họ lấy da thú ngâm trong nước rồi đun sôi. Nước thật nóng, sôi lên đã làm nứt những miếng da ra, trở thành một chất sền sệt nổi trên mặt nước. Họ hớt chất nầy lên bỏ vào bình. Đây chính là chất keo đùng để dán dính mọi đồ gia dụng trong nhà.

                 Trong ý nghĩa đó người mẹ chính là chất keo kết chặt mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Tục ngữ Do Thái có câu “Con không mẹ như cánh cửa không nắm” tương tự như tục ngữ nước ta. “Con không cha như nhà không nóc”

                 Người mẹ đã ôm ấp chồng con trong vòng tay của mình như lời Thánh Kinh dạy:

                 "Người nữ khôn ngoan xây dựng cửa nhà, 
                 Đàn bà khờ dại vung tay hủy phá. 
                 Ai đi đường ngay thẳng kính sợ Đức Chúa Trời, 
                 Ai theo nẻo cong queo ghét bỏ Chân Thần." (Châm Ngôn 14:1-2)

                 Lời Chúa cho thấy, chỉ có người mẹ hiền, người mẹ có lòng xây dựng và bảo vệ nhà mình, biết kính sợ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa mình, là người mẹ khôn ngoan, đem lại phước hạnh cho cả gia đình. Thánh Kinh đã cho ta biết chi tiết về phẩm hạnh và công việc của người mẹ nầy:

                 Một người vợ hiền đức, còn quý hơn châu ngọc. Nàng được chồng tín nhiệm, và thu hoa lợi không thiếu thốn. Nàng chẳng làm thương tổn, nhưng suốt đời đem hạnh phúc cho chồng. Nàng bận bịu quay sợi, dệt da và vải gai. Nàng giống như con tàu từ xa chở thực phẩm về. Thức giấc khi trời chưa sáng, nàng sửa soạn thức ăn cho gia đình, cắt đặt công việc cho các tớ gái. Nàng lưu ý một thửa ruộng, rồi tạo mãi, với lợi tức làm ra, nàng lập một vườn nho. Nàng đảm đang, chịu khó, thức làm việc đến khuya, theo dõi giá hàng hóa, để mua bán kịp thời. Nàng cần cù kéo chỉ dệt tơ, rộng rãi giúp người nghèo. Không sợ gia đình gặp tuyết giá, vì sắm sẵn áo ấm bằng da. Nàng dệt lấy chăn mền, áo xống nàng bằng vải gai mịn. Chồng nàng được nổi danh, thuộc hàng nhân vật cao cấp trong xứ. Nàng sản xuất áo quần, đem bán cho con buôn. Là người có nghị lực và duyên dáng, nàng hớn hở nhìn vào tương lai tươi sáng. Nàng ăn nói khôn ngoan, lấy nhân từ làm kim chỉ nam. Nàng chăm sóc mọi việc trong nhà, không bao giờ biếng nhác. Con cái chúc nàng hạnh phúc, chồng nàng tấm tắc khen: 'Có nhiều phụ nữ tài đức, nhưng mình vượt xa mọi người.' Duyên dáng thường giả trá, sắc đẹp cũng tàn phai. Nhưng ai kính sợ Chúa sẽ được ca ngợi hoài, cùng được hưởng thành quả, mọi công trình triển khai. Nàng đáng được danh giá giữa đất nước quê nhà" (Châm Ngôn 31:11-31)

                 Thưa quý vị, Nói đến tình thương và vòng tay mẹ hiền, chúng ta không thể quên nói đến tình yêu và sự chăm sóc bảo bọc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán: "Lẽ nào đàn bà quên không cho con bú, và không thương xót con ruột mình sao? Dù có người quên con đi nữa, Ta vẫn không bao giờ quên ngươi. Này, Ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay Ta; Ta luôn luôn nhìn các tường lũy ngươi." (Ê-sai 49:15-16)

                 Lời Chúa cho chúng ta thấy sự cao cả của tình mẹ đối với đứa con bé bỏng của mình, lúc nào cũng chăm sóc con, không có một sự sao lãng nào trong việc nuôi nấng con mình bằng dòng sữa của mình, truyền chất dinh dưỡng cho con cả ngày lẫn đêm. Dẫu vậy, cũng có lúc người mẹ quên con mình, chẳng hạn như bận rộn trong công việc. Có lúc người mẹ đã bỏ quên con mình trong xe trong ngày nắng gắt, gây tử vong cho con. Nhưng Đức Chúa Trời lại khác. Ngài không hề quên con cái của Ngài là những người tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.

                 Trong suốt 4 năm, từ 1986 đến 1990, Frank Reed bị bắt làm con tin ở nhà tù Lebanon. Suốt bốn tháng đầu tiên ông bị bịt mắt, bị tống giam trong căn phòng bao trùm bóng tối, bị xiềng trong tường tại một xà lim yên lặng tuyệt đối. Sau đó không biết vì lý do gì mà ông được chuyển đến căn phòng khác nhốt chung với những tù nhân khác. Mặc dầu vẫn bị bịt mắt nhưng ông có thể nhận ra những người chung quanh. Chưa đầy 3 tuần ở trong phòng giam nầy ông đã tự ý lấy ra hết tấm che mắt, nhìn thấy hai người bị xiềng cạnh mình là Terry Anderson and Tom Sutherland. Ông nhận ra rằng những tù nhân khác không bị xiềng xích đã không quan tâm gì đến ba con tin nầy, nhất là họ không hề quan tâm đến ông, một kẻ bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn đến sinh bệnh. Nhưng thay vì buồn tủi cho số phận của mình, ông lại cảm nhận được tình yêu và sự chăm sóc của Chúa, ông cảm thấy có một sức mạnh từ trời nâng đỡ, chăm sóc bảo bọc ông và hai người bạn kia.

                 Thưa quý vị, Có bao giờ quý vị cảm nhận được tình yêu và sự chăm sóc của Chúa cho cá nhân mình không? Vì muốn giải cứu loài người ra khỏi tội, và muốn bảo bọc, chăm sóc, dìu dắt chúng ta trọn con đường đời ta để đưa con người và thiên đàng vĩnh phúc mà Chúa Cứu Thế Jesus đã phải giáng trần vào hai ngàn năm trước. Ngài tình nguyện nhận án tử thay cho chúng ta, Ngài sống lại ban cho những ai tin nhận Ngài năng quyền, và tiếp tục chăm sóc và đáp ứng từng nhu cầu của con dân Ngài như lời Thánh Kinh đã khảng định: "Đừng tham tiền, có được bao nhiêu cũng nên thỏa lòng vì Chúa đã dạy: “Ta không bao giờ bỏ con, chẳng khi nào quên con”. Vì thế, ta vững lòng xác nhận: “Chúa luôn luôn cứu giúp tôi; Khi loài người làm hại, tôi chẳng lo sợ gì” (Hê-bơ-rơ 13:5-6)

                 Trờ lai câu chuyện của cậu bé được mẹ cứu khỏi nanh vuốt của cá sấu, đã mang lấy những vết sẹo của loài ác thù và những vết sẹo của tình yêu. Cậu chuyện thật nầy cũng nhắc mỗi chúng ta thế nào quỷ vương đã gây bao khổ đau cho đời sống ta. Đồng thời chúng ta cũng bị những khó khăn, khốn khổ, bế tắc, nhưng những khổ đau nầy được nằm trong chương trình giải cứu của Chúa, để chúng ta biết nhìn lên Chúa, tìm kiếm Chúa và kêu xin Ngài để được Ngài giải cứu và ban ơn như tục ngữ Do Thái có câu: "Đường cùng của loài người là cơ hội của Đức Chúa Trời."

                 Chúa yêu quý vị, Tình yêu Chúa cao cả hơn cả tình mẹ. Vì Chúa Cứu Thế Jesus chính là Đấng Tạo Hóa, Đấng sáng tạo, sinh thành loài người. Rất mong quý vị đến tiếp nhận ơn cửu rỗi Chúa Cứu Thế Jesus và mời Ngài bước vào đời sống mình ngay giờ nầy.

                 Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn