18:53 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 13


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267647

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997054

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Thiên Tình

Thứ hai - 02/04/2018 21:21
Thiên Tình

Thiên Tình

Lịch sử nước ta ký thuật lại câu chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa. Vào tháng 5, năm 1419, lúc Bình Định Vương Lê Lợi bị quân đội nhà Minh bao vây ở vùng núi Chí Linh thuộc Thanh Hóa, Nghệ An

                 
                 Lịch sử nước ta ký thuật lại câu chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa. Vào tháng 5, năm 1419, lúc Bình Định Vương Lê Lợi bị quân đội nhà Minh bao vây ở vùng núi Chí Linh thuộc Thanh Hóa, Nghệ An, Lê Lợi tập họp các tướng sĩ lại nói: "Ai có thể mặc áo bào của Trẫm, lãnh năm trăm quân, hai thớt voi, phá vòng dây để trẫm thoát thân, tiếp tục cuộc khởi nghĩa." Các tướng lãnh đều lặng thinh, không ai dám nhận lời. Chỉ có Lê-Lai đứng lên thưa rằng: "Tâu bệ hạ, hạ thần xin nhận lãnh sứ mạng nầy. Chỉ mong ngày sau bệ hạ gây dựng lại cơ đồ, nghĩ đến con cháu hạ thần!"

                 Nhà Vua lạy Trời mà khấn thề rằng: "Lê Lai, đã liều mình cứu chúa, trẫm sẽ không quên hậu tạ con cháu của người." Nhà Vua khấn xong, Lê-Lai liền kéo quân tấn công vào trại giặc. Giặc cậy thế mạnh, xúm lại vây bắt lấy Lê Lại, xử tử bằng những cực hình khủng khiếp khác với những cực hình bình thường. Sau đó quân giặc an tâm tưởng rằng mình đã trừ được hậu hoạn. Không ngờ Lê Lợi sau khi củng cố lại quân đội, thống lãnh toàn dân đánh đuổi giặc thù.

                 Thưa quý vị,

                 Lê-Lai hy sinh mạng sống mình trong một hoàn cảnh cấp bách, không lối thoát, để cứu vua, và có điều kiện kèm theo. Nhưng Chúa Cứu Thế Jesus đã hy sinh tính mạng mình cho loài người chúng ta mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Thánh Kinh ký thuật lại rằng: “Vì khó có ai chết cho một người công chính, họa may còn có người dám chết cho người tốt, nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu Thế vì chúng ta chịu chết." (Rô-ma 5:7-8) 

                 Đang khi loài người chúng ta bó tay tuyệt vọng, Cứu Thế Jesus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã giáng trần để chết thế tội cho chúng ta. Trong chiến tranh Việt Nam, một người lính trẻ Hoa Kỳ tốt nghiệp khóa sĩ quan West Point (4 năm) đã lãnh đạo một toán lính. Một đêm kia toán lính của anh bị tấn công, và một chiến hữu bị trọng thương và sẽ chết nếu không được kịp thời cứu chữa. Viên sĩ quan trẻ nầy liều mình, chạy ra khỏi nơi trú ẩn, cõng bạn mình đem vào chỗ an toàn. Vừa khi bạn anh được an toàn trong hầm trú ẩn thì anh bị trúng đạn và chết ngay tại chỗ.

                 Sau đó cha mẹ của sĩ vị quan đã hy sinh mời người bạn được anh cứu sống đến nhà dùng bữa ăn chiều. Kẻ được thọ ân đến nhà của ông bà với thái độ bất nhã. Miệng anh toát ra men rượu. Sau bữa ăn, y ra khỏi nhà, người mẹ của đứa con đã hy sinh đã không cầm được nước mắt, bà ta đau lòng vì con mình đã hy sinh tánh mạng để cứu sống một kẻ say sưa chẳng ra gì!

                 Thưa quý vị, Thánh Kinh cũng cho ta biết Chúa đã chết thay cho loài người chúng ta, là những kẻ chẳng ra gì. Khi bị thập hình, tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện qua 3 tặng phẩm:

                 1. Chiếc Áo: Khi Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, Ngài đã tặng cho chúng ta chiếc áo của Ngài. Chiếc áo đó là chiếc áo công nghĩa.

                 Áo của Ngài là tấm vải nguyên vẹn không có đường may. Chiếc áo nầy bị lính La Mã tước đoạt. Trước khi Chúa bị hành hình 14 thế ký (1444 BC) có lời tiên tri báo trước điều nầy. Kinh Thánh ít khi đề cập đến y phục của Chúa Jesus. Chỉ một lần duy nhất là lúc Chúa bị hành hình trên cây thập tự: “Quân lính đã đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài, nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới. Vậy họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo này ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được”(Giăng 19:23-24)

                 Khi tử tội bị dẫn ra pháp trường, có bốn tên lính theo hộ tống. Một trong những thù lao cho bọn lính làm nhiệm vụ xử tử là y phục của nạn nhân. Người đàn ông Do Thái bình thường khoác lên mình khăn trùm đầu, áo ngắn, áo dài, giây thắt lưng và đôi giày. Tại đây có bốn tên lính nhưng lại có đến năm 5 trang phục. Họ bắt thăm mỗi tên một thứ, còn lại là chiếc áo dài. Chiếc áo này được dệt nguyên miếng. Nếu xé ra làm 4 mảnh để chia nhau thì chiếc áo đó trở thành miếng vải vô dụng. Cho nên chúng phải bắt thăm lần nữa để xem ai được.

                 Thật oái ăm thay! Bọn lính đã cờ bạc, đỏ đen ngay dưới chân cây thập tự. Không có hình ảnh nào bày tỏ sự dửng dưng của thế nhân đầy gian dối với Đấng Tạo Hóa của họ như thế! Họ không nhận ra rằng Cứu Chúa của họ đang hấp hối trên cây thập tự, thế mà họ đành ném những con súc sắc để bắt thăm, chia nhau áo xống của Ngài. Một hình ảnh lạnh lùng của con người đã xem cái chết của Chúa Jesus như chẳng quan hệ gì với họ, chẳng có gì quan trọng!

                 Cái áo dài này chắc là gia tài quý nhất của Chúa Jesus. Chiếc áo nguyên vẹn từ trời cao ban tặng cho thế nhân. Chiếc áo ấy nói đến:

                 - Từ tư tưởng của Chúa Trời đến hành động của Chúa Jesus. 
                 - Từ giọt nước mắt của Con của Đức Chúa Trời đến tình yêu loài người của Chúa Jesus
                 - Từ lời phán truyền của Đức Chúa Cha đến sự đáp ứng của Đức Chúa Con.

                 Tất cả họa thành một bức tranh mô tả đặc tính của Chúa Jesus. Khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, tấm vải nguyên vẹn không có đường may đó bị tước đoạt, Ngài bị lột trần! Ngài từ bỏ con người hoàn toàn, con người vô tội để mặc vào chiếc áo tội lỗi đầy sỉ nhục của con người chúng ta. Thánh Kinh đã mô tả "Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà chẳng hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi lại được sống cho sự công bình; lại nhân những đòn roi của Ngài mà anh em được lành bịnh.”(I Phi-e-rơ 2:23)

                 Có một mục sư kể lại rằng khi ông và vợ mình đến một nhà hàng kia, người hầu bàn trong nhà hàng nhất định không cho ông bà vào vì theo quy định của nhà hàng là nếu khách không bận veston sẽ không được vào, dẫu ông Mục sư đó cho biết hôm đó là ngày kỷ niệm 40 năm thành hôn của ông bà và từ trưa đến nay ông bà chưa ăn gì cả. Vợ chồng mục sư định qua nhà hàng khác nhưng sợ sẽ không còn chỗ trống. Sau cùng ông bà tiếp tục ở lại nài nỉ người hầu bàn. Người ấy đồng ý bảo hai người đứng chờ. Sau đó một hồi lâu, người đó trở ra với một cái áo veston đã cũ, bảo mục sư mặc vào. Vị mục sư nầy làm theo, ông bà được vào bàn và có một bữa ăn tối thật tuyệt vời!

                 Thưa quý vị! Ngồi chung bàn tiệc với Đức Chúa Trời không phải là chỗ của những kẻ ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Trong chúng ta, ai là người có đủ điều kiện để ngồi chung bàn với Đức Chúa Trời? Chúng ta là tội nhân, những người ăn mặc chiếc áo nhơ nhớp vì những hành vi tội lỗi và lòng dạ đen bạc của mình, chúng ta không giữ những giá trị đạo đức theo tiêu chuẩn của Chúa, không chân thật, không chú ý, quan tâm đến người khác. Đối với Chúa, chiếc áo đạo đức của chúng ta như là chiếc áo dơ. Nhưng nếu tiêu chuẩn để được ngồi chung bàn với Chúa thật cao thì ngược lại lòng yêu thương của Chúa đối với chúng ta lại cao hơn! Bởi vậy, Ngài tự tặng cho chúng ta một món quà, một ân sủng, đó là một chiếc áo công nghĩa, một vé vào thiên đàng, một vé vô cửa để dự tiệc với Ngài. Đây không phải cái veston đã cũ mà là một cái áo dài tinh sạch. Rất mong quý vị đón nhận chiếc áo đó!

                 2. Tấm Lòng của Ngài: Tặng phẩm nầy nói về tình Chúa đối với con người.

                 Thánh sử ký thuật lại sau khi Chúa đã tắt thở: "Người Do-thái không muốn để xác của những tử tội phơi trên cây thập tự vào ngày thứ bảy, hơn nữa ngày này rất long trọng vì trùng hợp với lễ Vượt qua, nên họ yêu cầu Phi-lát cho đánh gãy chân từng người cho chết hẳn rồi đem các thi thể ấy xuống. Mấy người lính đến đánh gãy chân hai tướng cướp bị đóng đinh với Chúa. Nhưng khi đến gần, họ thấy Chúa đã chết nên không đánh gãy chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm xuyên sườn Chúa, lập tức máu và nước đổ ra." (Giăng 19:31-34)

                 Thánh Kinh cho biết sự sống ở trong máu. Nhờ máu của Chúa,

                 (1) Chúng ta được kể là người vô tội. 
                 (2) Chúng ty được phục hòa với Đấng Tạo Hóa. 
                 (3) Chúng ta được bình an.

                 Đức Chúa Cha qua Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài; máu Chúa Cứu Thế đã đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Đức Chúa Trời và nhân loại. (Cô-lô-se 1:20)

                 James Nelson trong cơn say đánh mẹ mình cho đến chết. Anh bị ngồi tù suốt 9 năm. Trong lúc ở trong vòng lao lý anh ta được nghe được Tin Lành, anh mở lòng mình tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa Jesus, được Ngài tha thứ mọi tội lỗi, anh được sự bình an. Sau khi ra khỏi tù anh dùng quãng đời còn lại của mình rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa.

                 Chúa đã ban tặng chính tấm lòng của Ngài cho chúng ta qua sự chết của Ngài.

                 3. Tâm Trí của Ngài

                 Thưa quý vị! Dẫu anh ta là một tên cướp xấu xa, nhưng bởi nhờ vào đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, anh được cứu rỗi. Anh được vào Nước Thiên Đàng sau khi chết. Chúa tuyên bố rằng, hôm nay tên cướp nầy được cứu, được ở với Chúa trong Ba-ra-đi, tức là thiên đàng.

                 Chúng ta thấy hai tên cướp này bị bắt cùng một tội trạng, bị xử cùng một ngày, bị lãnh cùng một bản án. Nhưng có điều gì khác biệt giữa hai người? Một người ăn năn và tin nhận Chúa Jesus, còn người kia không tin. Tương tự như ngày nay, tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng ai tin nhận Chúa Jesus thì sẽ được cứu rỗi.

                 Một nhạc sĩ đã họa lên những dòng nhạc sau:

                 Nhìn lên thập giá mà dòng lệ trào tuôn 
                 Nhớ hoài tình Chúa yêu thương loài người. 
                 Một lần Chúa chịu khổ trên đồi Gô tha, 
                 Để tội lỗi con người được thứ tha. 
                 Tình Chúa Jesus ôi sao quá cao vời, 
                 Dòng huyết Ngài làm thay đổi đời con. 
                 Tạ ơn Chúa Jesus đã bắt nhịp cầu. 
                 Nối lại tình Chúa tình người thiết tha.

                 Thưa quý vị, Chúa Jesus đã chết thế tội cho quý vị và tôi. Ngài đã không chết luôn, đến ngày thứ ba, Chúa đã sống lại để ban tặng cho chúng ta sự cứu rỗi và sự sống đời đời. Tình yêu Ngài được thể hiện qua 3 tặng phẩm (1) Chiếc Áo Công Bình để ta được vào thiên đàng. (2) Tấm Lòng Tan Vỡ để tội ta được tha và (3) Tâm Trí Sáng Suốt như ngọn đèn soi vào linh hồn ta để nhận biết Ngài là Cứu Chúa của mình.

                 Rất mong ngay giờ nầy quý vị tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus làm Cứu Chúa, làm Chủ cuộc đời mình trong mùa Phục Sinh năm nay.

                 Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn