03:04 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 10593

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 259167

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22988574

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Thời Điểm

Thứ tư - 08/07/2020 21:12
Thời Điểm

Thời Điểm

Câu hỏi: “Cho đến chừng nào?” chẳng những là câu hỏi người ta đặt ra cho cơn đại dịch Covid-19 nhưng cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra cho chình mình mỗi khi phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, thương đau.


Thời Điểm


       Thưa quý thính giả,
 

       Khi nào thì cơn đại dịch nầy chấm dứt? Đây có lẽ là câu hỏi mỗi người đều nêu ra bây giờ và không ai có câu trả lời, kể cả những chuyên viên, những người có thẩm quyền trên phương diện y khoa và vi trùng học. Chúng ta mong chờ con số trường hợp mắc bệnh sẽ giảm nhưng con số cứ gia tăng, dầu có khi giảm đôi chút. Câu hỏi: “Cho đến chừng nào?” chẳng những là câu hỏi người ta đặt ra cho cơn đại dịch Covid-19 nhưng cũng là câu hỏi nhiều người đặt ra cho chình mình mỗi khi phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, thương đau.
 

       “Cho đến chừng nào?” cũng là câu hỏi các tác giả Thánh Vịnh đặt ra cho Thiên Chúa khi họ sống trong cảnh lầm than. Tác giả Thánh Vịnh thứ 13 viết:
 

       Chúa ôi! Ngài mãi quên con cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt với con cho đến bao giờ? Con phải khốn khổ trong tâm hồn, hằng ngày con phải buồn thảm trong lòng cho đến bao giờ? (Thánh Vịnh 13:1-2)
 

       Mỗi lần các tác giả đặt câu hỏi như vậy thì họ cũng tự tìm thấy câu trả lời bằng hai cách. Trước hết, họ nhớ lại những ơn lành và việc Thiên Chúa đã làm trong quá khứ để được khích lệ. Và rồi họ trông mong, chờ đợi Chúa sẽ làm những việc tương tự trong tương lai.
 

       Đây cũng là thái độ chúng ta cần có trước cơn dịch bệnh nầy. Dựa vào lòng nhân từ, ơn thương xót của Thiên Chúa trong quá khứ, chúng ta biết rằng những ngày khó khăn sẽ qua và chúng ta sẽ trông thấy một ngày mai tươi sáng. Một yếu tố quan trọng khác trong cơn đại dịch nầy là vấn đề thời điểm. Thời điểm nói đến chương trình của Thiên Chúa trên dòng lịch sử của nhân loại. Thời điểm cũng nói đến quyền tể trị của Thiên Chúa. Vua Sa-lô-môn của Israel ngày xưa là vị vua khôn ngoan. Trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nhà vua đã viết những lời như sau:
 

       Mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó: Có kỳ sinh ra, có kỳ chết đi. Có kỳ gieo trồng, có kỳ nhổ vật đã trồng. Có kỳ giết chết, có kỳ chữa lành. Có kỳ phá đổ, có kỳ xây cất. Có kỳ khóc lóc, có kỳ vui cười. Có kỳ tang chế, có kỳ nhảy múa. Có kỳ ném đá, có kỳ gom đá. Có kỳ ôm ấp, có kỳ ruồng bỏ. Có kỳ tìm kiếm, có kỳ đánh mất. Có kỳ giữ lại, có kỳ ném đi. Có kỳ xé rách, có kỳ khâu vá. Có kỳ nín lặng, có kỳ lên tiếng. Có kỳ yêu, có kỳ ghét. Có kỳ chiến tranh, có kỳ hòa bình (Truyền Đạo 3:1-8, Bản Hiệu Đính)
 

       Và rồi tác giả kết luận như sau:
 

       Mọi việc Đức Chúa Trời đã làm đều là tốt đẹp trong thời điểm của nó (Truyền Đạo 3:11a)
 

       Hai điều chúng ta cần để ý là “tốt đẹp” và “thời điểm.” Tốt đẹp và thời điểm đi chung với nhau. Có những việc làm tốt nhưng không đúng thời điểm sẽ không còn tốt nữa. Có những điều chúng ta thấy như không tốt, nhưng đến đúng lúc, nhìn lại, chúng ta lại thấy đó là điều tốt. Lịch sử nhân loại ghi lại không biết bao nhiêu trường hợp vì không đúng thời điểm mà người ta đã thất bại hay đi đến những quyết định sai lầm.
 

       Dịch bệnh kéo dài hơn nửa năm qua cho đến chừng nào mới chấm dứt, chúng ta không biết. Điều chúng ta biết là đến đúng thời điểm của Thiên Chúa, nó sẽ chấm dứt. Và chúng ta ghi nhớ điều nầy: “Mọi việc Đức Chúa Trời đã làm đều là tốt đẹp trong thời điểm của nó.” Mọi việc chỉ tốt đẹp trong thời điểm của Thiên Chúa. Chính trong thời điểm nầy mà chúng ta có thì giờ suy nghĩ về đời sống, về thân phận con người, về quyền uy của Thiên Chúa và tính cách quan trọng của niềm tin trong đời sống. Đây là lúc cho chúng ta suy nghĩ đến những giá trị tâm linh, nếu không, đời sống sẽ không còn gì ý nghĩa!
 

       Tiếp theo phần Kinh Thánh nói về thời điểm của Thiên Chúa, vua Sa-lô-môn viết tiếp:
 

       Mặc dù Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người, nhưng họ vẫn không thể hiểu được công việc Ngài làm từ ban đầu cho đến cuối cùng (Truyền Đạo 3:11b)
 

       “Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người,” đây là một ý niệm vô cùng quan trọng. Don Richardson là một vị giáo sĩ người Canada, sau nhiều năm nghiên cứu, ông tìm thấy rằng, tất cả mọi dân tộc trên thế giới, từ lớn tới nhỏ, từ văn minh đến kém văn minh, trong lòng của mỗi người đều có ý thức về Đấng Tạo Hóa và về ý niệm vĩnh cửu. Đúng với lời dạy trong Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người.” Con người, bất cứ là ở đâu đều ý thức sâu xa về Đấng Tạo Hóa và đều biết rằng đời sống trên trần gian nầy chỉ là tạm. Con người thuộc về thế giới đời đời, ý niệm về vĩnh cửu là điều ai cũng có.
 

       Chính trong ý niệm về vĩnh cửu đó mà chúng ta có cái nhìn đúng về thời gian và thời điểm. Đó là cái nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta là con người, được Thiên Chúa đặt trong chỗ hữu hạn nầy và chúng ta phải sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình cũng như ý thức về thời điểm của Thiên Chúa.
 

       Sứ đồ Phao-lô khi công bố Phúc Âm cho dân thành Athens là những con người văn minh trong triết học Hy-lạp đã nói những lời như sau:
 

       Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của đất trời, không ngự trong các đền miếu bởi tay người làm nên. Ngài cũng chẳng cần tay người phục vụ như thể Ngài cần điều gì, vì chính Ngài là Đấng ban sự sống, hơi thở và mọi thứ khác cho mọi người. Từ một người, Ngài đã làm nên mọi dân tộc và khiến họ sống trên khắp mặt đất. Ngài ấn định thời kỳ và ranh giới cho họ cư trú, để họ dò dẫm, tìm kiếm Đức Chúa Trời và có thể gặp được Ngài, mặc dù Ngài chẳng ở xa mỗi người trong chúng ta. Vì ở trong Ngài, chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu (Công vụ 17:24-28)
 

       Quý vị và tôi sống trong thời điểm nầy, trong giai đoạn nầy, tại đất nước nầy là điều nằm trong chương trình của Thiên Chúa:
 

       Ngài ấn định thời kỳ và ranh giới cho họ cư trú, để họ dò dẫm, tìm kiếm Đức Chúa Trời và có thể gặp được Ngài, mặc dù Ngài chẳng ở xa mỗi người trong chúng ta. Vì ở trong Ngài, chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu (Công vụ 17:26-28)
 

       Thiên Chúa đặt chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại để chúng ta có thể biết Ngài. Thiên Chúa đặt chúng ta trong thời điểm nầy để chúng ta biết Chúa là ai để chúng ta tìm kiếm Chúa vì chỉ trong Chúa, chúng ta mới thật sự sống, hoạt động và hiện hữu.
 

       Chúng ta trông mong, chờ đợi, không biết chừng nào dịch bệnh mới chấm dứt. Là tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa có thời điểm của Ngài. Và Lời Chúa dạy:
 

       Mọi việc Đức Chúa Trời đã làm đều là tốt đẹp trong thời điểm của nó (Truyền Đạo 3:11a)
 

       Hãy tin rằng chúng ta đang sống trong chương trình của Đức Chúa Trời và thời điểm của Ngài là tốt đẹp để vui sống và trông mong điều tốt đẹp nhất Thiên Chúa dành cho chúng ta.
 

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Từ khóa: câu hỏi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn