05:04 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 21

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 3667

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269707

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999114

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Chọn Lựa Đối Chất Một Cách Đầy Yêu Thương

Thứ hai - 16/11/2020 20:14
Chọn Lựa Đối Chất Một Cách Đầy Yêu Thương

Chọn Lựa Đối Chất Một Cách Đầy Yêu Thương

Chúng ta đang ở chương thứ 3 Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.


Chọn Lựa Đối Chất Một Cách Đầy Yêu Thương


      Kính thưa quý thính giả,
 

      Chúng ta đang ở chương thứ 3 Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.
 

      Tiến sĩ Gary Chapman có đưa ra một tiến trình gồm năm bước để xử lý cơn giận một cách hợp lý, không những có thể tránh được những đỗ vỡ chia lìa, nhưng còn có tiềm năng giải quyết việc làm sai trái, chữa lành mối liên hệ và bày tỏ tình yêu thương với những người mình đang quan hệ.
 

      Năm bước của tiến trình này là:
 

      1. thừa nhận với chính mình một cách đầy ý thức rằng bạn đang tức giận
      2. kiềm chế phản ứng có thể bộc phát tức thì của bạn
      3. xác định tâm điểm cơn giận bạn đang hướng vào là gì
      4. phân tích các khả năng chọn lựa của bạn
      5. và có hành động xây dựng.

 

      Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những điểm chính yếu của ba bước đầu tiên và một phần của bước thứ tư mà chúng ta đã đề cập đến trong các tuần qua.
 

      Bước đầu tiên là hãy dừng lại, thừa nhận rằng mình đang giận dữ, thậm chí nói to lên với chính mình rằng: “Mình đang giận dữ về điều này! Bây giờ mình sẽ phải làm gì đây?”. Đây là bước đầu tiên quan trọng trong việc xử lý cơn giận theo cách thức tích cực, để phân biệt giữa cảm xúc và lý trí, để đủ sáng suốt suy nghĩ về những hành động cần phải làm theo sau.
 

      Bước thứ nhì là phải tập kiểm soát hay kiềm chế các phản ứng có thể bộc phát tức thì khi cơn giận nỗi lên. Hãy hít thở thật sâu, hãy đếm đến 10, đến 100 hay thậm chí đến 1000, để đủ thời giờ suy nghĩ, để hạ hỏa, để kiềm hãm, trước khi nói hay làm điều gì trong cơn giận có thể gây nhiều hối tiếc sau này. Nếu được, hãy tránh mặt người mình đang giận ít lâu để nguôi ngoai và lấy lại bình tĩnh.
 

      Bước thứ ba là trong khi đang kiềm chế các phản ứng có thể bộc phát tức thì, bạn hãy suy nghĩ lý do nào mình giận, hay trung tâm điểm của cơn giận là gì? Nếu người kia có làm gì đáng giận, thì vấn đề thực ra có quá đỗi nghiêm trọng như thoạt đầu mình nhìn thấy không?
 

      Bước thứ tư là phân tích và lựa chọn ra cách hành động tốt nhất.
 

      Những sự chọn lựa thì nhiều.
 

      Bạn có thể quay trở lại và mắng nhiếc người kia; bạn có thể khinh bỉ và xua đuổi họ ra khỏi tâm trí bạn; hoặc bạn có thể trả thù bằng cách cô lập hay bỏ rơi người kia.
 

      Những điều nào trong những sự chọn lựa này, nếu có, là những sự chọn lựa khôn ngoan?
 

      Hãy nhớ hai câu hỏi nền tảng của chúng ta: Sự chọn lựa đó có tích cực và có đầy yêu thương không? Và liệu nó có tốt nhất cho người mà tôi đang tức giận chăng?

      Đối với một Cơ-Đốc nhân thì chỉ có hai sự chọn lựa.
 

      Một là đối chất với người đó một cách đầy yêu thương. Hai là quyết định bỏ qua vấn đề một cách có chủ ý.
 

      Trong tuần trước, chúng ta đã bàn về cách lựa chọn thứ hai, tức là đứng trước một sự việc sai trái thật đáng giận, nhưng bạn quyết định cố tình bỏ qua vấn đề đó.
 

      Có những lúc sự chọn lựa tốt nhất của Cơ Đốc nhân là thú nhận rằng mình đã bị đối xử bất công nhưng quyết định rằng việc đối chất với người đã làm điều sai quấy chỉ có ít tác dụng hoặc chẳng có tác dụng gì cả. Vì thế, bạn chọn chấp nhận sự đối xử bất công của họ và giao thác người đó cho Đức Chúa Trời.
 

      Đây là điều mà Kinh Thánh gọi là sự nhịn nhục, và đó là việc giao thác cho Đức Chúa Trời quyền thực thi công lý, nhận biết rằng Ngài hoàn toàn biết rõ mọi sự. Theo cách đó, Đức Chúa Trời có thể thực hiện với người kia bất cứ điều gì Ngài thấy là khôn ngoan. Bạn đang lựa chọn để không trở thành một tên tù dễ bức xúc trước hành động bất công chống lại mình.
 

      Sự giận dữ của chúng ta được trao phó cho Đức Chúa Trời. Toàn thể vấn đề được đặt trong tay Ngài, và chúng ta tiếp tục với cuộc sống của mình.
 

      Quý thính giả thân mến,
 

      Hôm nay chúng ta sẽ theo dõi một sự chọn lựa khác trong bước thứ 4 trong tiến trình năm bước để xử lý cơn giận vì lý do chính đáng.
 

      Đó là chọn lựa việc Đối Chất Một Cách Đầy Yêu Thương Với Người Mình Đang Giận.
 

      Bên cạnh việc quyết định bỏ qua vấn đề có chủ ý, cách đáp ứng khôn ngoan xảy ra thường xuyên hơn là đối chất với người đã đối xử sai trật với bạn, trong một cách thức đầy yêu thương, nhằm nỗ lực tìm kiếm phương cách giải quyết.
 

      Sách Tin Lành Lu-ca 17:3 có chép: “Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ”. Lưu ý là Chúa Giê-xu đang nói về những người mà bạn có mối quan hệ. Ngài phán: “Nếu anh em ngươi phạm tội... cùng ngươi.” Hơn nữa, từ được dịch là “quở trách” nghĩa đen là “đặt một gánh nặng trên.” Theo cách đó, “quở trách” tức là “đặt một vấn đề trước một người nào đó”, đưa vấn đề ra cách rõ ràng để người ấy phải chú ý đến. Có nhiều ví dụ về điều này trong Tân Ước.
 

      Vào một dịp nọ Chúa Giê-xu khởi sự dạy dỗ các môn đồ rằng, Ngài sẽ phải chịu đau đớn nhiều, phải bị các trưởng lão và các thầy tế lễ cả loại ra, phải chịu chết và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Thánh Kinh ghi lại phản ứng của một môn đồ như sau: “Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà can gián Ngài” (Mác 8:32).
 

      Động từ “can gián” trong bản tiếng Anh dịch là “quở trách”. Vì sao Phi-e-rơ lại quở trách Chúa Giê-xu? Bởi vì trong tâm trí ông, điều Chúa Giê-xu đang nói là sai trật. “Đây không phải là cách thức Ngài thiết lập một vương quốc. Và chắc chắn Thầy mình sẽ không bị giết đi”. Có lẽ Phi-e-rơ cho rằng Chúa Giê-xu bị ngã lòng, nhưng chắc chắn là ông không đồng ý với điều Chúa Giê-xu đang nói, vì thế ông quở trách Ngài cách riêng tư.
 

      Để đáp lại, “Đức Chúa Giê-xu xoay lại ngó các môn đồ Ngài.” Rồi “Ngài quở trách Phi-e-rơ: “Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.”
 

      Chúa Giê-xu biết rằng Phi-e-rơ đã hiểu sai thực tại; rằng thực ra ông đang nói ra lời lẽ của Sa-tan. Tóm lại, Phi-e-rơ đã sai lầm, và Chúa Giê-xu đối chất rõ ràng với việc làm sai trái của ông.
 

      Vào một dịp khác, Chúa Giê-xu quở trách Gia-cơ và Giăng về thái độ thù nghịch đối với những người Sa-ma-ri chẳng tin. Họ đề nghị: “Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng?” Nhưng Đức Chúa Giê-xu xoay lại quở trách hai người. Rồi Ngài cùng môn đồ đi qua làng khác” (Lu-ca 9:54-56). Rõ ràng thái độ của họ là sai trật, và Chúa Giê-xu đã đưa vấn đề ra để họ phải chú ý đến.
 

      Quý thính giả thân mến,
 

      Sự quở trách không phải là sự lăng mạ bằng lời nói. Quở trách là đặt một vấn đề trước một anh em hoặc một chị em mà bạn nhận thấy là đã đối xử bất công với bạn. Một sự quở trách như thế cần được thực hiện cách nhân hậu và kiên quyết, với một nhận thức rõ rằng, có thể là chúng ta đã hiểu lầm những lời lẽ hoặc hành vi của người anh em mình, như Phi-e-rơ đã hiểu sai lời phán của Chúa Giê-xu về cách thức Đấng Cứu Thế sẽ phải chịu chết.
 

      Tôi thường gợi ý là người ta phải viết ra lời quở trách của họ trước khi cố gắng nói lời ấy ra. Nó có thể là như thế này: “Tôi đã bị một điều gì đó làm cho mình buồn bực, phiền lòng. Thực ra, tôi nghĩ mình sẽ phải nói rằng tôi đang cảm thấy giận dữ. Có lẽ tôi đang hiểu sai tình huống, nhưng khi bạn có cơ hội, tôi mong muốn nói chuyện với bạn về điều đó.”
 

      Một câu nói như thế cho thấy bạn đang ở vị trí nào, cởi mở bộc lộ cơn giận của mình, và đề nghị một cơ hội để giải quyết nó với người có liên quan tới. Bạn đã thừa nhận trước rằng sự nhận thức của bạn có thể là không hoàn hảo, nhưng dù sao đi nữa, bạn mong muốn vấn đề được giải quyết. Chẳng mấy người không chịu đáp ứng với một cơ hội để nói về nó nếu như bạn đến với họ trong một cách thức như thế. Nếu được ban cho cơ hội, thì bạn trình bày với họ sự nhận thức của mình về những gì bạn đã nghe hoặc thấy hoặc nghĩ là đúng, và hỏi họ xem bạn có đang hiểu tình huống cách đúng đắn không. Điều này tạo cho người kia một cơ hội để (1) chia sẻ với bạn thông tin mà bạn có thể không biết, hoặc (2) giải thích những động cơ trong những gì người ấy đã làm hoặc đã nói, hoặc (3) thừa nhận rõ với bạn rằng những gì người ấy đã làm là sai trật và cầu xin sự tha thứ của bạn.
 

      Trong bối cảnh của sự giao thông cởi mở này, mỗi người đang cố gắng hiểu người kia, vấn đề sẽ được giải quyết. Hoặc bởi sự giải thích của người kia hoặc sự xưng nhận của người kia về việc làm sai trái, nền tảng của sự giải hòa được thiết lập. Nếu người kia thú nhận đã làm điều sai quấy và biểu lộ một thái độ ăn năn, thì lời dạy rõ ràng của Chúa Giê-xu là chúng ta sẽ phải tha thứ cho người ấy.
 

      Trong Ma-thi-ơ 18, Chúa Giê-xu miêu tả cách thức nguyên tắc này hoạt động trong bối cảnh của hội thánh địa phương. “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ “lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn”. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.”
 

      Và bạn đối xử với một kẻ ngoại hay một kẻ thâu thuế như thế nào? Bạn cầu nguyện cho sự cứu rỗi của người ấy và bạn cầu nguyện cho sự phục hồi của họ. Bạn đối xử với người ấy với lòng tự trọng và sự tôn trọng, như một người mà Đấng Christ đã chết thay cho. Nhưng bạn không thể nào có mối thông công thân thiện với người ấy bởi vì họ từ chối xử lý sự vi phạm, là điều luôn gây ra chia rẽ.
 

      Vì lẽ đó, ở trong hội thánh hay ở ngoài hội thánh, sự giải hòa với một người bạn hay một thành viên trong gia đình luôn là điều lý tưởng. Việc đối chất không bao giờ nhằm mục đích lên án, nhưng đúng hơn là nhằm để phục hồi mối quan hệ trở nên một mối quan hệ chân thật, cởi mở, và yêu thương. Nếu đã từng có sự hiểu lầm, bầu không khí nặng nề sẽ phải được xua tan hầu cho chúng ta có thể bắt đầu lại mối thông công với nhau như những người anh em hoặc như vợ với chồng. Nếu việc làm sai quấy được xưng ra, thì chúng ta sẽ phải tha thứ và mối quan hệ được phục hồi. Sứ đồ Phao-lô viết rằng chúng ta phải luôn nhớ mình có thể là người phạm lỗi lần kế tiếp. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, và khi chúng ta sai phạm, chúng ta có thể lắm sẽ khích động cơn giận dữ nơi người khác.
 

      Sự đối chất đầy yêu thương không dễ dàng đối với hầu hết mọi người. Chúng ta chẳng từng được huấn luyện và đã có rất ít kinh nghiệm trong phương cách để xử lý cơn giận này. Chúng ta lại từng trải hơn nhiều trong việc hoặc là bày tỏ công khai hoặc là phủ nhận hay che đậy cơn giận của mình, nhưng những phương cách như thế luôn đem đến sự hủy diệt. Sự đối chất đầy yêu thương với một quan điểm hướng tới sự giải hòa thường là phương cách tốt nhất.
 

      Kính thưa quý thính giả,
 

      Khi một người bị người khác quát tháo, người đó bị rơi vào thế phải quát tháo lại thôi.
 

      Cơ quan Nghiên Cứu Lời Nói của đại học Kenyon tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ xác định đúng là như vậy, thậm chí khi người bị quát tháo không thấy mặt người đang quát tháo mình, và thậm chí khi vấn đề đang được bàn thảo chỉ là trung hòa, chẳng có gì là gây cấn cả.
 

      Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây để kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi khám phá tiếp bước thứ năm, cũng là bước cuối cùng trong tiến trình xử lý cơn giận một cách hợp lý, có thể đem lại hữu ích. Đó là: Có Hành Động Xây Dựng. Xin kính mời quý thính giả nhớ đón nghe.
 

      Phát Thanh Hy Vọng kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè. Xin thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn