23:57 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 165


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268697

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22998104

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Ký Ức Của Trẻ Thơ

Thứ hai - 18/11/2019 20:20
Ký Ức Của Trẻ Thơ

Ký Ức Của Trẻ Thơ

Trong tuần trước, chúng ta đã đề cập đến nhu cầu tâm linh của con trẻ. Các em muốn biết tại sao mình có mặt trên đời này, ý nghĩa của cuộc đời là gì và các em muốn tìm một nơi nương tựa bình an và vững chắc trong suốt cuộc đời. Chúng ta đã đề cập đến hai yếu tố cần thiết để giúp đỡ về mặt thuộc linh cho trẻ. Đó là mối quan hệ cá nhân của cha mẹ chúng với Chúa và tình yêu vô điều kiện mà họ dành cho con mình.


Ký Ức Của Trẻ Thơ
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trong tuần trước, chúng ta đã đề cập đến nhu cầu tâm linh của con trẻ. Các em muốn biết tại sao mình có mặt trên đời này, ý nghĩa của cuộc đời là gì và các em muốn tìm một nơi nương tựa bình an và vững chắc trong suốt cuộc đời. Chúng ta đã đề cập đến hai yếu tố cần thiết để giúp đỡ về mặt thuộc linh cho trẻ. Đó là mối quan hệ cá nhân của cha mẹ chúng với Chúa và tình yêu vô điều kiện mà họ dành cho con mình.
 

        Điểm quan trọng tiếp theo mà chúng ta cần biết là sự hình thành ký ức của trẻ thơ. Nên nhớ rằng trẻ em sống thiên về mặt tình cảm hơn là nhận thức. Chính vì lẽ đó, chúng ghi nhớ những cảm xúc của mình kỹ hơn những thông tin. Trẻ em có thể nhớ được cảm giác của chúng trong một tình huống đặc biệt nào đó chứ ít nhớ đến những chi tiết của sự việc. Chẳng hạn, trẻ có thể quên ngay những gì đã được dạy trong lớp trường Chúa Nhật nhưng lại có thể nhớ một cách chính xác những cảm nhận của mình.
 

        Vì vậy, trên một số phương diện, việc trẻ có kinh nghiệm được niềm vui hay không vẫn quan trọng hơn rất nhiều các chi tiết bài học mà giáo viên dạy trong lớp. Khi dùng chữ “niềm vui”, tôi không có ý khuyên các giáo viên phải chấp nhận việc đùa giỡn trong lớp nhưng tôi mong họ đối xử với trẻ bằng một thái độ tôn trọng, yêu thương và quan tâm. Hãy giúp trẻ cảm thấy tự hào về bản thân mình. Đừng phê phán hay làm nhục trẻ vì điều đó sẽ khiến các em bị tổn thương. Đương nhiên, việc giáo dục trẻ là hết sức quan trọng nhưng nếu nó hạ thấp danh dự của trẻ và khiến chúng buồn chán thì trẻ sẽ khước từ sự dạy dỗ đó (nhất là khi sự dạy dỗ có kèm theo việc giáo dục về đạo lý hay đạo đức), dù đây có là phương pháp giảng dạy tốt nhất đi chăng nữa. Chính cách giáo dục này sẽ hình thành trong trẻ những thành kiến với các vấn đề tôn giáo và có khuynh hướng xem những người ở nhà thờ là những kẻ giả hình. Thái độ này rất khó sửa đổi về sau này và có thể kéo dài mãi mãi. Ngược lại, nếu sự giáo dục mà trẻ nhận được là những kinh nghiệm thỏa lòng, thì ký ức về những bài học thuộc linh của trẻ cũng sẽ êm đềm và có thể giúp trẻ hình thành nhân cách.
 

        Đây là một câu chuyện minh họa, bạn của chúng tôi có một đứa con trai tám tuổi tên là Michael. Michael thích học trường Chúa Nhật và thích nghe dạy về những vấn đề thuộc linh. Em không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc nhóm lại. Đáng tiếc, vào một buổi sáng Chúa Nhật nọ, Michael và một người bạn hiếu động trong lớp cứ nói chuyện và cười đùa suốt bài giảng của giáo viên. Trong lúc tức giận, giáo viên đưa Michael và cậu bạn ra ở riêng trong một căn phòng nhỏ và bắt chúng viết câu “Ngươi phải hiếu kính với cha mẹ ngươi” nhiều lần, cho đến khi bố mẹ Michael đến đón nó. Sự vô lý và thiếu tế nhị cùng với hình phạt bất công nhằm hạ thấp danh dự người khác nói trên để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nó khiến thằng bé giận dữ, đau đớn và phẫn uất đến nỗi thù ghét những gì liên quan đến vấn đề thuộc linh. Michael không muốn quay lại nhà thờ của mình và tất nhiên, nhận thức của em về Chúa cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Phải một vài tháng sau đó, chính tình yêu thương của cha mẹ mới có thể giúp Michael lại có thể tin vào những lẽ thật thuộc linh. Dù ít hay nhiều, những câu chuyện tương tự như trên vẫn có thể xảy ra khi chúng ta xem việc dạy dỗ quan trọng hơn những lợi ích về mặt tình cảm của trẻ. Nhu cầu cảm xúc và nhu cầu thuộc linh không phải là hai điều tách biệt với nhau nhưng cái này có liên hệ và phụ thuộc vào cái kia. Chính vì vậy, nếu cha mẹ muốn giúp con mình phát triển về mặt thuộc linh thì trước hết họ phải quan tâm đến cảm xúc của chúng. Vì trẻ em thường chỉ nhớ đến những cảm xúc chứ ít khi nhớ rõ chi tiết sự việc nên chúng ta phải đem đến cho trẻ những chuỗi ký ức thỏa lòng để giúp chúng có thể tích lũy được những thông tin, nhất là những bài học về mặt thuộc linh.
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Chúng ta hãy cùng nhau xem xét một vài quan niệm sai lầm phổ biến của cha mẹ, chẳng hạn như “Tôi muốn con của tôi học lấy cách tự quyết định sau khi đã được chỉ cho mọi thứ. Nó không nhất thiết phải tin theo những gì tôi tin. Tôi muốn nó biết nhiều tôn giáo và triết lý khác nhau để mai mốt lớn lên nó có thể lựa cho bản thân mình.”
 

        Bậc cha mẹ phát biểu như trên có thể là người trốn tránh trách nhiệm hoặc cũng có thể là những người hoàn toàn không quan tâm gì đến thế giới mà chúng ta đang sống! Thật đáng thương cho đứa trẻ nào được nuôi dạy theo cách như thế. Vì không được cha mẹ mình liên tục hướng dẫn và soi sáng về vấn đề đạo lý, đạo đức, cũng như thuộc linh nên trẻ trở nên bối rối về thế giới mà chúng đang sống. Có nhiều câu trả lời thỏa đáng cho những mâu thuẫn trong cuộc sống nhưng dường như lại trái ngược nhau. Một trong những món quà ý nghĩa nhất mà cha mẹ có thể đem đến cho con cái đó là giúp chúng hiểu biết một cách rõ ràng và cơ bản về thế giới chung quanh cũng như lý giải những điều đang làm chúng bối rối. Vì không được dạy dỗ bằng những nền tảng vững chắc nên không lạ gì khi trẻ luôn than thở với cha mẹ chúng rằng “Tại sao cha mẹ không cho con biết ý nghĩa của những điều này? Những điều đó có ý nghĩa gì?”
 

        Một lý do nữa mà cha mẹ hoàn toàn không quan tâm đến tình trạng thuộc linh của trẻ đó là càng ngày, càng có nhiều những nhóm, tổ chức và giáo phái xuất hiện, đưa ra những lời giải đáp lầm lạc cho những vấn đề về cuộc sống. Mục đích của những nhóm và tổ chức này không gì khác hơn là tìm kiếm những người được nuôi dưỡng trong môi trường dường như là “thoáng” này. Những trẻ được nuôi dạy trong môi trường “thoáng” như thế rất dễ trở thành nạn nhân cho những tổ chức nói trên vì họ đã mang đến cho các em những câu trả lời cụ thể, mặc dù những câu trả lời đó hết sức lệch lạc và nguy hại.
 

        Tôi thật ngạc nhiên và không hiểu vì sao một số bậc cha mẹ lại có thể xài đến hàng ngàn đô-la và lợi dụng chính trị để bảo đảm cho con họ có được một nền giáo dục tốt. Lẽ ra điều quan trọng nhất họ phải làm là chuẩn bị cho con mình để chúng có thể đối đầu với những trận chiến thuộc linh và tìm ra ý nghĩa thật sự cho cuộc sống. Vậy mà trẻ lại thường bị bỏ mặt để tự giải quyết mọi thứ. Những trẻ này rất dễ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực trong xã hội và dễ dàng trở thành nạn nhân của những giáo phái sai lầm.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Vậy, cha mẹ phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống tâm linh của con cái mình? Việc giáo dục và thực hành niềm tin là những điều hết sức quan trọng đối với việc phát triển về mặt thuộc linh của trẻ. Tuy nhiên, không có điều gì ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn gia đình và những gì mà chúng học được từ nơi đó. Điều này cũng đúng trong lĩnh vực thuộc linh. Cha mẹ phải chủ động giúp đỡ sự tăng trưởng thuộc linh của con cái. Họ không được để mặc con mình, thậm chí là giao chúng cho những giáo viên trường Chúa Nhật xuất sắc.
 

        Trước hết, cha mẹ phải là người dạy dỗ con mình về vấn đề thuộc linh. Họ không chỉ đưa ra những vấn đề thuộc linh mà còn phải giúp con áp dụng điều đó vào cuộc sống mỗi ngày. Điều này thật không dễ chút nào.
 

        Nếu chúng ta đơn thuần chỉ kể cho trẻ nghe những sự kiện và nhân vật trong Kinh Thánh và những việc làm của họ thì điều đó chẳng có gì khó. Nhưng đó không thể là điều mà chúng ta muốn đạt được. Trẻ nhỏ cần phải hiểu được ý nghĩa của những câu chuyện Kinh Thánh và rút ra được những nguyên tắc để áp dụng cho bản thân mình. Cha mẹ chỉ có thể làm được điều này nếu biết hy sinh bản thân, chẳng hạn dành thời gian của mình để quan tâm chú ý đến con. Chúng ta cần phải dành sự quan tâm chú ý đến con mình và sẵn sàng dành thời gian ở riêng với chúng để đáp ứng cho chúng những nhu cầu tình cảm cũng như những nhu cầu thuộc linh. Thật vậy, tại sao chúng ta lại không đem đến cho con mình cả hai điều đó cùng một lúc khi chúng có nhu cầu?
 

        Thông thường thời gian chuẩn bị lên giường ngủ là lúc tốt nhất để cha mẹ có thể làm điều này. Khi đó, đứa trẻ nào cũng thường tỏ ra rất quyết luyến cha mẹ mình. Có thể là do chúng muốn được cha mẹ đổ đầy bể chứa cảm xúc mà cũng có thể là vì chúng chưa muốn đi ngủ. Nhưng điều quan trọng là, đó là một cơ hội tuyệt vời để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con, cũng như để khuyên răn dạy dỗ về mặt thuộc linh cho chúng. Đó là một không khí học tập mà trẻ yêu thích và sẽ nhớ mãi. Cha mẹ còn có thể sử dụng những cách thức nào khác để có thể dạy con mình nhiều hơn nữa trong những lúc quá tốt như thế?
 

        Trẻ em nào cũng thích nghe kể chuyện. Khi con của chúng tôi còn nhỏ, Pat và tôi thường đọc cho từng đứa con của mình nghe, khi thì những câu chuyện về cuộc sống đời thường, khi thì những câu chuyện từ văn phẩm cơ đốc. Đôi lúc, các con tôi còn đưa ra lời yêu cầu được nghe những câu chuyện tôi tự đặt ra, chẳng hạn như “Bing Bing và Bong Bong,” “Ru-ta-ba-ga Vĩ Đại,” và nhiều câu chuyện tưởng tượng khác nữa.
 

        Trong lúc này, chúng ta cũng có thể đọc cho trẻ nghe những câu chuyện ngắn để trẻ suy gẫm. Con trai tôi đặc biệt thích được trả lời những câu hỏi đặt ra sau các câu chuyện. Những quyển sách với các câu hỏi ngay sau mỗi câu chuyện rất phù hợp với mục đích của chúng ta. Bạn có thể tìm mua những quyển sách thế này tại các nhà sách Cơ Đốc để kể cho con nghe.
 

        Khi trả lời những câu hỏi được đưa ra ngay sau câu chuyện, trẻ có thể tìm được những điểm tương đồng và áp dụng những bài học rút ra từ câu chuyện cho cuộc sống của chính mình. Điều khó nhất ở đây là phải tìm cách diễn đạt như thế nào để giúp trẻ hiểu câu chuyện. Vì một số bậc cha mẹ thường cảm thấy lúng túng và không có khả năng thực hiện điều này, họ thường rất dễ bỏ cuộc, nhất là khi thấy con mình không chịu hưởng ứng. Đừng để những giới hạn đó cản trở bạn! Dù trẻ có tỏ thái độ không hưởng ứng đi nữa thì bạn cứ tin rằng những gì mà bạn đem đến thực sự sẽ có ảnh hưởng rất mạnh mẽ với con mình. Việc dành thời gian ở riêng như thế với trẻ sẽ đem đến những ảnh hưởng hết sức to lớn về sau đối với chúng. Nếu bạn không phải là người có tác động mạnh mẽ đối với con mình trong lĩnh vực thuộc linh thì sau này, những người khác sẽ giành lấy quyền ảnh hưởng đó.
 

        Chúng ta sẽ tiếp tục đề tài giúp đỡ tâm linh cho con trẻ trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Ross Campbell

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn