08:26 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 43

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 41


Hôm nayHôm nay : 8292

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 22331

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23031364

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Năng Lực Của Lòng Biết Ơn

Thứ tư - 11/11/2015 20:34
Năng Lực Của Lòng Biết Ơn

Năng Lực Của Lòng Biết Ơn

Tôi đập mạnh cái cào vào đống lá với cả lòng căm giận, khiến cho bụi và lá văng lên tung tóe. Ngừng lại một chút, tôi đảo mắt xem chung quanh cái sân vườn, kiểm coi mình đã làm được đến đâu rồi.



              Tôi đập mạnh cái cào vào đống lá với cả lòng căm giận, khiến cho bụi và lá văng lên tung tóe. Ngừng lại một chút, tôi đảo mắt xem chung quanh cái sân vườn, kiểm coi mình đã làm được đến đâu rồi. Khi mua căn nhà này, tôi rất thích cái bóng râm dưới bóng cây sồi và cây maple thật cao lớn trong sân. Không biết tại sao hồi đó tôi lại không nhớ ra rằng, trước sau gì, cả một rừng lá từ hai cây này sẽ trút xuống, che kín cả thảm cỏ trước sân? Nhưng không chỉ cái chuyện dọn lá cây khiến tôi lại đâm ra nổi nóng như vậy. Tôi vừa nhận được một hung tin là người bạn của tôi đang lâm bịnh nặng, và tôi tức giận vì sao trên đời này, có người phải lãnh chịu khổ sở một cách bất công như vậy. Còn chồng tôi thì vì công việc làm ăn cần kíp nên phải đi xa, và tôi thật bực tức vì phải ở nhà một mình trơ trọi. Càng nghĩ đến những điều này khiến tôi càng muốn điên tiết lên, cho đến lúc không chịu được nữa, khiến tôi đập túi bụi vào lớp lá rụng đầy trong sân vườn. Tôi cần phải nghỉ một chút. Có thể một tách cà-phê nóng sẽ giúp tôi bình tâm trở lại.

              Khi đang ngồi thật dễ chịu trong nhà bếp để nhấm nháp tách cà-phê, mắt tôi đảo quanh rồi dừng lại ở trên cánh cửa của cái tủ lạnh, nơi có treo một bức tranh của đứa cháu tôi vẽ trong lớp Chúa Nhật tuần rồi. Cái bức tranh đơn sơ, với những nét màu sáp crayon, vẽ hình một con mèo gầy khẳng khiu đang ngồi trên một cái bàn. Dưới sàn nhà, bên cạnh cái chân bàn là một cái bình hoa đã bị vỡ, đây đó một vài đóa hoa với những cái cuống dài nằm vất vưởng, bên cạnh một ít đốm màu xanh, mà tôi đoán là đứa cháu muốn vẽ nước bị đổ ra từ cái bình đã vỡ. Ai đó đã viết một hàng chữ thật rõ ràng ở phần dưới của bức tranh: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”.

              Tôi suýt bật cười thật lớn tiếng. Làm sao tôi có thể cảm tạ ơn Chúa được vì cả một cái sân vườn toàn lá với lá phủ đầy mà không một ai bên cạnh để giúp tôi? Làm sao tôi cảm tạ ơn Chúa được vì một người bạn thân đang mắc bệnh ngặt nghèo? Rồi tôi nhìn lại hàng chữ ghi ở phía dưới bức tranh một lần nữa và tôi chợt nhận ra một điều gì đó mà mình đã bỏ sót khi đọc qua lần đầu hồi nãy.

              Một chữ mà tôi đã bỏ sót, là chữ “trong”, chứ không phải chữ “vì”, và cả câu được ghi như thế này: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”

              Tôi nhắp ly cà-phê thật chậm rãi, vừa suy gẫm về hàng chữ được ghi phía dưới bức tranh con mèo. Có thể nào tôi kiếm ra được lý do để tạ ơn Chúa trong hoàn cảnh như bây giờ không, nếu không phải là vì hoàn cảnh? Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, hướng về cây sồi đồ sộ, giờ đây chỉ còn lại những cành trơ trọi, thay vì những chùm lá xum xuê. Một chú sóc nâu chạy vụt qua những cành cây, rồi chui rúc vào trong cái tổ ấm cúng của nó. Tôi thầm nói “Cảm ơn Chúa vì Ngài quan tâm và chăm sóc những tạo vật Ngài tạo nên, dù nhỏ hay lớn”. Tôi chợt nghĩ về người bạn thân và những kỷ niệm mà chúng tôi chia sẻ với nhau, rồi tự nhiên tôi buột ra lời cảm ơn đến Thiên Chúa vì tình bạn thật dịu dàng và tử tế mà người bạn đã dành cho tôi, cũng như tấm gương can đảm thật đáng noi theo của người bạn ấy. Tôi chợt mỉm cười, nhớ lại những lời mà tôi đã nói với chồng tôi trên điện thoại sáng nay và cảm ơn Thiên Chúa về người bạn đời song hành thật đáng yêu của tôi. Rồi sau đó, đôi mắt tôi lại quay trở về bức tranh con mèo trên cái cửa tủ lạnh, và tôi thật cảm ơn Thiên Chúa vì các con tôi đã chăm non con cái chúng nó với cả tình thương, hết lòng dạy dỗ chúng nó với cả lòng chính trực và liêm khiết. Khi tách cà-phê đã cạn, thì cơn giận của tôi đã ra đi từ lúc nào, giống như hơi nước nóng từ các bình pha trà cũng vội tan biến vào không gian vậy.

              Với nguồn năng lực được phục hồi, tôi mang đôi giày ống và cặp găng tay, rồi gài lại những chiếc nút trên chiếc áo khoác. Nắm chặt cái cào trong tay, tôi đi lại đống lá mà tôi đã quay lưng lại khoảng nửa tiếng đồng hồ trước đó. Không biết tại sao, không gian trở nên sáng lạn hơn, công việc thấy dễ dàng hơn và những cơn gió không còn đáng ngại nữa. Ngước mặt lên trời, tôi cảm ơn Thiên Chúa vì ngay giữa trong lúc tôi rất ích kỷ và đầy nhỏ nhen, thì Ngài đã bày tỏ cho tôi về chân lý của Ngài, để rồi Ngài dạy tôi bí quyết để có thể tự do mà tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh và trong mọi sự.

              Kính thưa quý độc giả,

              Quý vị và các bạn vừa thưởng thức câu chuyện ngắn mang tên “Giving Thanks” của nữ văn sĩ Pamela Kennedy, và hàng chữ ngắn được ghi phía dưới bức tranh con mèo, là một câu Kinh Thánh, được trích từ bức thơ 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18 như sau: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu”.

              Đây là một mệnh lệnh, hơn là một lời khuyên nhủ. Tại sao “tạ ơn Thượng Đế” lại quan trọng đến nỗi đã trở thành một mệnh lệnh, chứ không phải chỉ là một lời nhủ khuyên?

              Khi chúng ta giúp một đứa nhỏ một chuyện gì và nghe nó nói “cám ơn” ngay sau đó, cho dầu đứa bé có thật nhỏ tuổi, nhưng lời nói “cám ơn” sẽ khiến ta nể phục nó và rất vui trong lòng. Chỉ với hai từ đơn giản thôi là “cám ơn”, chúng ta thấy kinh ngạc và nể phục đứa nhỏ ngay tức thì, cho dầu tuổi tác và sự khôn ngoan giữa chúng ta và đứa bé còn rất cách biệt.

              Thực vậy, thái độ biết ơn không chỉ đơn giản là một cách cư xử lịch thiệp, nhưng còn phóng thích một nguồn năng lực. Hành động biết ơn không phải chỉ là một cung cách lịch sự, nhưng là một sức mạnh, tác động mạnh mẽ làm biến đổi cuộc đời.

              Các từ ngữ như “cảm tạ” hay “tạ ơn” được sử dụng khoảng 120 lần trong Kinh Thánh.

              Đa-vít là vị vua thứ nhì của dân tộc Do-thái, cũng là một thi sĩ tài hoa, tác giả của những bài thơ ca ngợi Thiên Chúa trong tập thơ mang tên Thi Thiên. Trong các bài thơ này, chủ đề chính là lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa như:

              “Lạy Chúa, tôi sẽ hết lòng cảm tạ Ngài. Tôi sẽ kể lại mọi việc diệu kỳ Ngài đã làm.” (Thi Thiên 9:1)

              “Hãy dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời bằng lời cảm tạ” (Thi Thiên 50:14)

              “Cảm tạ Chúa là một điều tốt lành; 
              Lạy Đấng Chí Cao, ca tụng Danh Ngài là điều tốt đẹp” (Thi Thiên 92:1)

              “Hãy qua cổng Đền với lời cảm tạ,
              Vào sân Đền với tiếng ngợi ca,
              Cảm tạ tôn vinh Danh Đấng Cao Cả” (Thi Thiên 100:4)

              Nhờ lòng biết ơn Thượng Đế, tâm hồn vua Đa-vít đã trở nên ngọt ngào, khiến những vầng thơ, lời nhạc và giọng hát của Đa-vít trở nên quyến rũ tuyệt vời. Nhờ lòng biết ơn Thượng Đế, Đa-vít cũng là một dũng tướng gan dạ, một nhà quân sự đại tài và một vị vua bách chiến bách thắng, khiến các quốc gia lân bang phải khiếp sợ trong thế giới cổ xa xưa.

              Trong thế giới hiện đại ngày nay cũng thế. Các quốc gia như Hoa-kỳ, Úc Đại Lợi, với truyền thống biết ơn Thượng Đế, đã trở nên những quốc gia hùng mạnh, khiến thế giới phải nể phục.

              Quý độc giả thân mến,

              Trong thế giới vật lý có những quy luật rõ ràng, như luật trọng trường chẳng hạn. Khi ta thả một trái táo từ trên tay, sức hút trái đất sẽ kéo nó xuống. Trong thế giới tâm linh, cũng có một quy luật bất biến như vậy. Khi quý vị và tôi dâng lên Chúa lời cảm tạ, chúng ta sẽ được đưa lên một vị trí cao hơn để sẵn sàng nhận lãnh những ơn phước cao trọng hơn, cao quý hơn từ trời.

              Trong Kinh Thánh có ký thuật lại câu chuyện về lòng biết ơn như sau:

              Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đi xuyên qua biên giới giữa miền Ga-li-lê và miền Xa-ma-ri. Khi Chúa vào một ngôi làng, có mười người phung đứng đằng xa đón Ngài. Họ kêu lớn tiếng: “Thưa Thầy Giê-xu, xin thương xót chúng tôi!”. Khi thấy họ, Chúa bảo: “Các anh hãy đi trình diện với các thầy tư tế!” Trên đường đi đến đó, họ được sạch phung. Một trong mười người ấy, khi thấy mình được lành bệnh, liền quay trở lại, lớn tiếng ca tụng Đức Chúa Trời, rồi sấp mình nơi chân Chúa mà cảm tạ. Người này là một người Xa-ma-ri. Chúa Giê-xu nói: “Thế không phải tất cả mười người đều được sạch phung sao? Còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ quay trở lại ca tụng Đức Chúa Trời, mà chỉ có người ngoại tộc này thôi?” Rồi Chúa nói với người ấy: “Anh hãy đứng dậy về đi, niềm tin của anh đã chữa lành anh!” (Lu-ca 17:11-19)

              Trong câu chuyện vừa rồi, mười người phung cùi được Chúa Giê-xu chữa lành, nhưng chỉ có một người là biết ơn Ngài. Sau khi mười người này trình diện với các thầy tư tế để được xác nhận là mình được lành bệnh phung, từ nay không còn bị cô lập nữa, nhưng có thể hội nhập trở lại cộng đồng, vui hưởng một đời sống bình thường, thì chỉ duy một người biết ơn và quay trở lại, tìm kiếm Chúa Giê-xu để dâng lời cảm tạ.

              Trong bản Kinh Thánh Anh ngữ King James, có ghi lại lời Chúa Cứu Thế Giê-xu đã nói với người biết ơn này như sau: “Anh hãy đứng dậy về đi, niềm tin của đã khiến anh được trọn vẹn”. Điều này, có nghĩa là, chín người phung kia chỉ được chữa lành bệnh phung thôi, nhưng chỉ riêng người phung biết ơn này được Chúa Giê-xu làm cho trọn vẹn, khiến tất cả những bệnh tật, khiếm khuyết khác của anh cũng được chữa lành, những thương tổn, phiền muộn trong tâm tư anh cũng được Chúa xóa bôi và những gánh nặng tội lỗi trong tâm linh cũng được Chúa tha thứ. Chính lòng biết ơn của anh đã khiến anh nhận lãnh những ơn phước quý giá hơn từ Chúa Cứu Thế Giê-xu, khiến anh được trở nên trọn vẹn trước mặt Thượng Đế và nhận được món quà cứu rỗi đời đời.

              Có bao giờ quý vị và các bạn tự hỏi, những rau quả nhiều hương vị qua bốn mùa, ai đã tạo nên để chúng ta tận hưởng? Có bao giờ quý vị và các bạn tự hỏi, không khí chúng ta đang thở, nước chúng ta đang uống, thiên nhiên xinh đẹp chúng ta vui hưởng là do ai tạo nên không? Có bao giờ chúng ta tự hỏi hành tinh xanh xinh đẹp này, ai đã dựng nên không? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, thân thể diệu kỳ, tài năng bẩm sinh, sức lực, khối óc, ai đã hun đúc nên không? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, do đâu mà chúng ta có được gia đình, con cái, cha mẹ, anh chị em, người thân yêu và những bạn bè mến thương?

              Khi chúng ta không xem những ơn phước này tự nhiên mà có, không xem chúng mặc nhiên mà được, nhưng vì muốn tỏ lòng biết ơn, chúng ta ra sức tìm kiếm ai đã ban cho chúng ta những điều này. Chính lòng biết ơn sẽ khiến chúng ta khám phá ra Đấng Tạo Hóa là tác giả của muôn vàn ơn phước chúng ta đang đón nhận mỗi ngày. Do lòng biết ơn, chúng ta sẽ khám phá ra bản tính rộng lượng, đầy nhân từ và thích ban cho của Thượng Đế. Và cứ như thế, chúng ta sẽ khám phá những sự ban cho còn lớn hơn sự ban cho mà ta đã nhận được, khiến đời sống của quý vị và tôi được ngày trở nên dư dật và được trọn vẹn.

              Thật vậy, Thượng Đế không những ban ơn phước cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại không thôi, nhưng với lòng biết ơn sẽ khiến chúng ta khám phá ra Ngài, nhận biết được tình yêu vô đối của Ngài và nhất là, nhận được món quà vô giá Giê-xu.

              Để làm cho mỗi chúng ta trở nên trọn vẹn trước mặt Thượng Đế, cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần, sinh ra làm một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống một đời sống tràn đầy yêu thương và chân thật, nhưng điều này cũng khiến thế lực tôn giáo thời đó đã ghét bỏ và tìm cách đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Thực ra, đây cũng là chương trình cứu rỗi nhân loại của Thượng Đế, vì khi Con Trời bị chết đớn đau trên cây thập tự, Ngài đang đứng vào chỗ của quý vị và tôi, lãnh bản án tội và chết thế cho mỗi chúng ta, hầu cho khi chúng ta tin vào sự chuộc mạng thế này, Thượng Đế sẽ xóa bôi tội lỗi và khiến chúng ta được nên trọn vẹn trước mặt Ngài trong ngày xét đoán sau cùng.

              Lòng biết ơn sẽ giúp một người khám phá ra sự ban cho của Thiên Chúa không chỉ dừng ở những phước hạnh cho cuộc đời tạm này, nhưng Ngài cũng ban cho những ơn phước cứu rỗi có giá trị cho đến đời đời, khiến chúng ta được giải cứu và được nên trọn vẹn, như Kinh Thánh có khẳng định:

              “Ta đã sinh thành và nuôi dưỡng các ngươi từ ngày các ngươi mới lọt lòng mẹ. Ta sẽ làm Chân Thần của các ngươi suốt đời, cả đến khi các ngươi tóc bạc răng long. Ta đã sinh thành các ngươi, thì Ta cũng sẽ săn sóc, bồng ẵm và giải cứu các ngươi”. (Ê-sai 46:3-4)

              Hãy biết ơn Thượng Đế, vì ai biết ơn Ngài, sẽ nhận lãnh những ơn phước lớn lao hơn nữa với giá trị vĩnh cữu.

              Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn