12:42 EDT Thứ năm, 09/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38


Hôm nayHôm nay : 14049

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88805

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23097838

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

“Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (câu 5).

Xem tiếp...

Nguyên Tắc Thứ 5: Giành Lại Quyền Kiểm Soát Các Suy Nghĩ Của Mình

Thứ tư - 18/01/2017 20:40
Nguyên Tắc Thứ 5: Giành Lại Quyền Kiểm Soát Các Suy Nghĩ Của Mình

Nguyên Tắc Thứ 5: Giành Lại Quyền Kiểm Soát Các Suy Nghĩ Của Mình

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc chương thứ hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Những tuần qua, chúng tôi đã trình bày bốn trong năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự Tự-Nhủ.




              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc chương thứ hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Những tuần qua, chúng tôi đã trình bày bốn trong năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự Tự-Nhủ. Nguyên tắc thứ nhất là suy nghĩ của một người tạo nên cảm xúc của người ấy. Nguyên tắc thứ hai là suy nghĩ của một người có ảnh hưởng đến hành vi cư xử của họ. Nguyên tắc thứ ba là trung tâm điều khiển nhận thức của một người có ảnh hưởng đến hành vi cư xử của họ, bởi vì những gì người ấy tin về điều đang xảy ra mới thật sự là vấn đề. Tuần qua chúng tôi đã trình bày về nguyên tắc thứ tư, đó là chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ một cách phi lý.

              Bởi khuynh hướng suy nghĩ một cách phi lý, chúng ta thường hành động trong một cách thức nào đó mà sau này sẽ làm cho mình bối rối. Khi có một vấn đề nổi lên đưa sự xung đột đến đỉnh điểm, rất có thể chúng ta sẽ mất khống chế và nói những điều mình không hàm ý. Những nghi vấn, lời buộc tội chúng ta đặt ra nhiều lúc làm tổn thương những người mình thương yêu nhất. Những lời nói như vậy sẽ ám ảnh chúng ta sau đó khiến chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã làm tổn thương người khác. Khi những người trong cuộc đã nguôi ngoai và mọi việc lắng dịu, chúng ta bình tâm suy nghĩ lại và nhận ra rằng ý kiến của mình lúc đó bất hợp lý biết dường nào.

              Một trong những minh họa tốt nhất của lối suy nghĩ phi lý là trong sự ký thuật về ông Gióp trong sách Gióp. Trong khi ông Gióp có mọi thứ mà một người có thể trông mong như sự giàu có, các con tự lập và thành đạt, công việc của ông tiến triển tốt đẹp và ông là người được tôn trọng trong thành phố, Gióp lại là một người lo âu quá mức! Gióp có điều gì để phải lo lắng hay không? Ông đã có mọi thứ mình cần. Nhưng ông lại lo lắng về mọi thứ!

              Những lời ký thuật về suy nghĩ và những gì Gióp làm, cho chúng ta hình dung ông khi ông đi đến quảng trường thành phố để dành cả ngày hôm ấy trò chuyện với những người khôn ngoan khác. Ông bước đi chậm rãi và lo lắng nhiều. Ông lo lắng về bầy chiên. Có con nào bị trộm mất chăng? Các đầy tớ của ông có đủ thành thật với ông chăng? Ông lo lắng về thời tiết và hiệu quả nó sẽ tác động trên các vụ mùa của ông. Ông lo lắng về vợ con mình. Có lẽ ông thậm chí cũng lo lắng về bản thân mình nữa, rằng liệu ông có che đậy mọi tội lỗi có thể xảy ra với của lễ ông mới vừa dâng chăng. Có lẽ ông thậm chí cũng lo lắng về các của lễ của mình, rằng liệu con sinh tế có thật sự là con tốt nhất chăng, hay nếu ông đã dành thêm một ít thời gian nữa thì ông đã có thể tìm thấy một con tốt hơn. Tâm trí ông thường xuyên đầy ắp sự lo lắng.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hãy hình dung cảnh tượng trên thiên đàng như được miêu tả trong các chương đầu của sách này. Sa-tan ra mắt Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời khen ngợi Gióp, tôi tớ Ngài. Rồi Sa-tan nhắc Đức Chúa Trời về hàng rào Ngài đã dựng chung quanh Gióp. Nhưng hàng rào không có ở đó! Sự bảo vệ của Ngài không còn nữa! Gióp đã bận rộn cắt tỉa hàng rào ấy với những nỗi lo lắng của mình. Mỗi ngày ông đều đi ra và cố gắng làm cho hàng rào thẳng hơn một chút, gọn gàng hơn một chút, thế nhưng ông không bao giờ thỏa mãn với công việc của mình. Và ông đã tiếp tục cắt tỉa cho đến khi hàng rào không còn nữa! Sự Tự-Nhủ đầy lo lắng của ông đã cắt tỉa cái hàng rào, tạo cho Sa-tan một cơ hội để tấn công. Sự Tự-Nhủ của Gióp thật phi lý biết bao!
              Tuần trước, chúng ta đã đặt vấn đề rằng trong cuộc sống thực tế, chúng ta thường tự xây dựng một đường xoắn ốc làm cho mình ngã lòng. Nếu suy nghĩ trong lòng chúng ta tạo nên cảm xúc của mình, và nếu những suy nghĩ ấy có ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta, rồi nếu chính trung tâm điều khiển nhận thức của chúng ta làm ảnh hưởng đến hành vi cư xử, và nếu hết thảy chúng ta đều có xu hướng suy nghĩ bất hợp lý, thì chúng ta có cơ may nào để giành được quyền làm chủ bản thân và làm chủ những cảm xúc của mình? Làm thế nào chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ này?

              Hôm nay chúng ta sẽ nói đến nguyên tắc thứ năm để giả đáp cho thắc mắc nêu trên. Nguyên tắc thứ năm, đó là: Chúng Ta Tạo Nên Sự Thay Đổi Trong Đời Sống Mình Bằng Cách Giành Lại Quyền Kiểm Soát Các Suy Nghĩ Của Mình.

              Thật vậy, chúng ta có hy vọng! Chu kỳ này có thể được phá vỡ! Chúng ta có thể trải nghiệm sự tự chủ. Và bãi chiến trường nằm ở trong tâm trí của chúng ta. Nếu suy nghĩ của chúng ta đang tạo nên cảm xúc của chúng ta, chúng ta có thể thay đổi cảm xúc của mình bằng cách thay đổi suy nghĩ của mình. Đó là điều mà Tiên Tri Giê-rê-mi đã làm. Đó cũng là điều chúng ta có thể làm!

              Chúng ta vẫn có một sự chọn lựa trong việc quyết định mình sẽ cảm thấy và hành xử ra sao. Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ điều này. Ông nhắc nhở chúng ta rằng công việc khó khăn của sự tự chủ bắt đầu ngay từ trong tâm trí chúng ta. Trong thơ Cô-rinh-tô 2, chương 10, câu 3-5, Phao-lô cho chúng ta thấy rằng trận chiến không đang diễn ra trong môi trường vật lý bên ngoài; đúng hơn, nó diễn ra trong tâm trí chúng ta. Chúng ta sẽ phải “đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ...” Đúng là chúng ta sẽ phải chống lại các lập luận và lý lẽ bất hợp lý của tâm trí mình. Chúng ta sẽ phải bắt giữ những ý tưởng này, thay đổi chúng, và bắt chúng vâng phục Đấng Christ.

              Kính thưa quý độc giả,

              Chúng ta thực hiện điều đó như thế nào? Phao-lô trả lời câu hỏi đó cho chúng ta trong thơ Phi-líp 4:8-9. Phao-lô khuyên mọi ý tưởng len lỏi vào tâm trí chúng ta sẽ phải là bất cứ điều chi chân thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng, hay nhân hậu tử tế, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì chúng ta phải nghĩ đến. Và lời hứa cặp theo là “Đức Chúa Trời của sự bình an” sẽ ở cùng chúng ta.

              Mỗi người hãy canh giữ tâm trí mình! Hãy xem xét những gì bạn nghĩ! Đừng cho phép bất cứ điều gì vốn không đạt đến tiêu chuẩn này len lỏi vào tâm trí bạn hay tìm được một nơi để lưu trú. Bạn kinh nghiệm sự tự chủ bởi việc kiểm soát ý tưởng của mình. Và bạn làm điều đó bằng cách bắt giữ mọi ý tưởng len lỏi vào tâm trí bạn và xem xét nó để biết xem liệu nó có xứng đáng tìm được một nơi trong các hệ thống niềm tin của bạn chăng. Bất cứ một ý tưởng nào không đạt được sự thử nghiệm, bạn hãy cãi lẽ với nó, chiến đấu và tranh luận với sự bất hợp lý của nó, và rồi nhanh chóng tống khứ nó đi.

              Trong thơ Rô-ma 12:2 Phao-lô tiếp tục với ý tưởng này. Trước tiên ông cảnh báo chúng ta “đừng làm theo đời này,” hay như J. B. Phillips giải thích câu này rằng, “Đừng để thế giới quanh bạn nắn ép bạn vào cái khuôn của chính nó.” Đừng để mình bị rơi vào chiếc bẫy của những suy nghĩ bất hợp lý. Đừng chấp nhận ý tưởng giả dối rằng các cảm xúc, cảm giác, và hành vi của chúng ta bị điều khiển bởi những biến cố trong đời sống chúng ta. Hãy bác bỏ nguyên tắc ấy!

              Thay vào đó, Phao-lô bảo chúng ta hãy “biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình”! Ông quả quyết rằng chúng ta có thể được thay đổi. Và bí quyết cho sự thay đổi này nằm trong việc đổi mới tâm trí chúng ta! Vậy, hãy thay đổi các suy nghĩ của bạn-tức là sự Tự-Nhủ của bạn-và bạn sẽ thay đổi đời sống mình!

              Kính thưa quý độc giả,

              Để kết thúc chương thứ hai, chúng tôi xin đưa ra 3 Câu Hỏi để Tăng Trưởng Cá Nhân như sau:

  1. Hôm nay bạn đã suy nghĩ đến điều gì khiến cho bạn cảm thấy theo một cách thức nào đó?
  2. Hãy nghĩ đến một số trong những điều bạn đã nói hoặc suy nghĩ trong tuần này vốn là những ví dụ về các hệ thống niềm tin bất hợp lý. Điều gì làm chúng trở nên bất hợp lý hay phi lý?
  3. Bạn đã có thể thực hiện những thay đổi nào trong sự Tự-Nhủ của mình vốn sẽ tạo nên những thay đổi tích cực trong hành vi cư xử của bạn tuần này?

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu Chương thứ 3 với Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

 
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn