04:14 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 38


Hôm nayHôm nay : 6272

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 20311

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23029344

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Sức Mạnh Của Lời Nói Và Ý Tưởng (Bài 1)

Thứ ba - 07/02/2017 20:30
Sức Mạnh Của Lời Nói Và Ý Tưởng (Bài 1)

Sức Mạnh Của Lời Nói Và Ý Tưởng (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ ba trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin. Chúng tôi đã trình bày cùng quý thính giả lời nói phóng thích đức tin là thể nào và trưng dẫn những minh chứng cụ thể đã được ghi chép lại trong Thánh Kinh cũng như đời sống thực tế.



              Kính thưa quý độc giả,

              Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ ba trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin. Chúng tôi đã trình bày cùng quý thính giả lời nói phóng thích đức tin là thể nào và trưng dẫn những minh chứng cụ thể đã được ghi chép lại trong Thánh Kinh cũng như đời sống thực tế.

              Qua các trang lịch sử, chúng ta thấy những câu nói được phát biểu vào giây phút quyết định, làm xoay đổi quá trình diễn biến nhiều sự kiện trên thế giới. Thí dụ như lời tuyên bố hùng hồn của cựu Thủ Tướng Anh, Winston Churchill, vào đầu Thế Chiến Thứ Hai, đã khiến toàn thế giới tự do tập hợp lại trước trọng trách bảo vệ nền tự do của nhân loại chống lại chủ nghĩa Phát-xít. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã nói với một đất nước bị phá sản bởi Cơn Đại Suy Thoái rằng “điều duy nhất chúng ta cần phải lo sợ là bản thân nỗi sợ hãi.” Và rồi toàn dân Hoa Kỳ đã đáp ứng với lòng dũng cảm. Qua Bài Diễn Văn tại Gettysburg, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chạm đến con tim của quốc gia và khởi đầu tiến trình chữa lành những vết thương do Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ gây ra.

              Đa-vít, một nhân vật được Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại, đã khẳng định đức tin của mình bằng những câu tuyên bố với lòng tin tuyệt đối như “Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia”. Trước gã khổng lồ Gô-li-át, chàng nói: “Ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên mà ngươi đã sỉ nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta” (cc. 45-46). Và lịch sử ghi lại những kết quả sau đó.

              Chúng tôi cũng đã giải thích cùng quý thính giả rằng chúng ta thường nghĩ đến đức tin như là sự tin tưởng nơi một vị thần nào đó nhân từ, tuyệt đối. Nhưng thật ra thì đức tin là một tiến trình của đời sống, bởi vì ai cũng có niềm tin. Vấn đề là chúng ta đặt niềm tin của mình nơi đâu. Và các ý tưởng của chúng ta là những phong vũ biểu tốt nhất để cho biết về đối tượng của đức tin chúng ta. Nói cách khác, đức tin là một tiến trình vốn hoạt động trong việc phóng thích năng-quyền-thay-đổi-đời-sống trong một chiều hướng hoặc tích cực hoặc tiêu cực.

              Kính thưa quý độc giả,

              Tuần trước chúng tôi đã nhắc đến một sự tương phản thú vị về ba phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm, được ký thuật trong Phúc Âm Ma-thi-ơ. Một thầy đội đến và thưa với Chúa Giê-xu rằng: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.” Một người cai nhà hội đến với Chúa Giê-xu và thưa rằng, “Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống” (c.18). Trên đường đi đến nhà người cai nhà hội, Chúa Giê-xu bị cản bước bởi một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm. Người đàn bà này tự nhủ rằng, “Nếu ta chỉ rờ trôn áo Ngài, thì cũng sẽ được lành” (c.21). Những gì họ tin, những gì họ nói trong suy nghĩ của mình hoặc với môi miệng mình, quyết định cách thức Chúa Giê-xu thi hành phép lạ. Và như chúng ta đã thấy, mỗi phép lạ diễn ra trong một cách thức khác hẳn. Quyền phép lớn lao được phóng thích bởi ý tưởng và lời nói của chúng ta!

              Kính thưa quý độc giả,

              Sách Châm ngôn mở rộng thêm chủ đề này. Châm ngôn 6:2 chỉ ra rằng chúng ta có thể “bị lời miệng mình trói buộc, mắc phải lời của miệng mình.” Vì vậy, hãy cẩn thận những gì bạn nói. Sa-lô-môn viết trong Châm ngôn 10:24, “Điều gì kẻ hung ác sợ sệt, ắt sẽ xảy đến cho nó; nhưng kẻ công bình sẽ được như ý mình ước ao.” Hãy cẩn thận, ông đang nói thế, bởi vì những điều chúng ta nghĩ và nói có một cách thức để trở thành sự thực.

              Trong Châm ngôn 13:3 lời cảnh báo này được thêm vào: “Kẻ canh giữ miệng mình, giữ được mạng sống mình; nhưng kẻ nào hở môi quá, bèn bị bại hoại.” Chủ đề này được bắt gặp lần nữa trong Châm ngôn 18:21, “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi.” Tác giả đang nói rằng trong lời nói và ý nghĩ của mình chúng ta có khả năng để truyền ra sự sống cho bản thân mình, tương tự như chúng ta có thể truyền ra sự chết cho chính mình. Thực tế là ngày càng có nhiều người chấp nhận rằng từ 75 đến 90 phần trăm tất cả mọi bịnh tật đều được gây ra bởi sự phản ứng lại của cơ thể trước sự căng thẳng, và như thế đã minh chứng hai câu châm ngôn này trở nên ý nghĩa hơn. Khi chúng ta cho phép những cảm xúc làm hao mòn sự sống mình như giận dữ, mặc cảm tội lỗi, lo âu, và sợ hãi kéo dài trở thành những thế lực điều khiển cảm xúc của mình, chúng ta đang làm cho sự chết và bịnh tật có quyền trong đời sống mình!

              Có lẽ đó là lý do vì sao Đa-vít thực hành sự Tự-Nhủ tích cực, như trong Thi thiên 103. Tôi không biết chắc những vấn đề căng thẳng nào đang diễn ra trong đời sống ông, nhưng ông vẫn có được sự tự chủ bằng cách cẩn thận canh giữ các ý tưởng của mình. Ông tự nói với mình hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va. Và sau khi lặp lại mạng lịnh này nhiều lần với tâm trí mình, kế đó ông kể ra một số lý do vì sao ông có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ông bắt đầu bằng cách tự nhủ,

              Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va!
              Mọi điều gì ở trong ta, hãy ca tụng danh thánh của Ngài!
              Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va,
              Chớ quên các ân huệ của Ngài.

              Ông trở nên vô cùng phấn khích trong tiến trình này đến nỗi ông kết thúc thi thiên này bởi việc nói với chính mình và mọi người khác,

              Hỡi các thiên sứ của Đức Giê-hô-va,
              Là đấng có sức lực làm theo mạng lịnh Ngài,
              Hay vâng theo tiếng Ngài, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va!
              Hỡi cả cơ binh của Đức Giê-hô-va,
              Là tôi tớ Ngài làm theo ý chỉ Ngài, hãy ca tụng Đức Giê-hô-va!
              Hỡi các công việc của Đức Giê-hô-va,
              Trong mọi nơi nước Ngài, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va!
              Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!

              Những nguyên tắc này có tính phổ quát. Chúng không chỉ hiệu nghiệm cho những người sống trong thời đại của Kinh Thánh, song chúng cũng hiệu nghiệm trong đời sống chúng ta nữa. Bạn nghĩ là mình đang bị cảm lạnh ư? Hãy coi chừng, bạn bị cảm lạnh thôi! Bạn nghĩ là mình đang bị nhức đầu ư? Cơn nhức đầu thuộc về bạn rồi. Bạn nghĩ là mình sẽ có một ngày mệt nhọc tại sở làm ư? Bạn có y như vậy! Bạn nghĩ là các con bạn sẽ cư xử không tốt tại nhà của Bà ngoại ư? Chúng hẳn làm như vậy.

              Kính thưa quý độc giả,

              Giờ đây, chúng ta hãy nói đến Sức Mạnh của Lời Nói và Ý Tưởng.

              Cách đây vài năm một người tôi quen biết đã chứng kiến mẹ anh ta chết vì căn bệnh ung thư. Trên đường từ nghĩa trang về nhà sau đám tang, anh nói với vợ mình, “Có lẽ anh cũng sẽ chết vì ung thư.” Từ thời điểm đó trở đi anh ta tin rằng mình bị ung thư. Trước tiên, các bác sĩ quả quyết với anh là không có dấu hiệu nào của căn bệnh mà anh lo sợ này. Nhưng anh ta vẫn tin rằng chẳng bao lâu anh sẽ chết vì ung thư. Và chẳng bao lâu các bác sĩ thực sự tìm thấy một khối u. Trong vòng một năm sau cái chết của mẹ anh ta, anh đã chết vì ung thư.

              Vào lúc việc này xảy ra, tôi không nghĩ nhiều lắm về sự liên quan giữa lời nói của anh và cái chết của anh. Tôi thực sự nhớ rằng mình đã không cảm thấy thoải mái với những gì mình đã chứng kiến. Tôi nghĩ đến việc đó lần nữa vài năm sau đó khi lần đầu tiên tôi đọc về nghiên cứu của một bác sĩ với những người được chẩn đoán là đang bị ung thư thời kỳ cuối, nghĩa là họ chỉ còn sống không tới một năm nữa. Cùng với sự điều trị về y học vị bác sĩ này yêu cầu các bệnh nhân của ông dành thì giờ mỗi ngày tạo nên những hình ảnh thấy được trong tâm trí họ. Trong những hình ảnh này, các bệnh nhân sẽ phải nhìn thấy các tế bào ung thư như một thế lực xâm lấn xấu xa nào đó. Họ cũng được yêu cầu nhìn thấy các bạch huyết cầu trong cơ thể của họ trở nên một thế lực vô cùng hung hăng, đang tấn công và đánh bại các tế bào ung thư xấu xa. Khi trận chiến chấm dứt, các bạch huyết cầu khác sẽ tiến lên và dọn dẹp bãi chiến trường.

              Đôi khi các bạch cầu trở thành các hiệp sĩ trắng, cưỡi trên các con chiến mã khi chúng gặp gỡ và đánh bại các đạo binh gian ác xâm lược. Những người khác nhìn thấy các bạch cầu như là các chú mèo trắng, đang dọn sạch bọn chuột dơ bẩn, xấu xa ra khỏi khu vực quanh mình. Việc các hình ảnh này được hình thành ra sao không quan trọng, miễn là các bạch cầu là những kẻ chiến thắng. Những kết quả ông báo cáo thật diệu kỳ.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn