07:34 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 22


Hôm nayHôm nay : 1342

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3483

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23012516

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Chương 3: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin

Thứ hai - 23/01/2017 20:21
Chương 3: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin

Chương 3: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã chấm dứt Chương Hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Trong Chương Hai, chúng ta đã lần lượt điểm qua năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự tự nhủ. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ ba dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin.




               Kính thưa quý độc giả,

               Tuần qua chúng ta đã chấm dứt Chương Hai của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Trong Chương Hai, chúng ta đã lần lượt điểm qua năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự tự nhủ. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ ba dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Lời Nói Của Đức Tin.

               Cho dù là được thầm thì với chính mình trong nơi riêng tư hay trong tâm trí hoặc được nói lớn tiếng ra bên ngoài, thì lời nói vẫn luôn có sức mạnh lớn lao. Được ghi chép qua các trang lịch sử là những câu nói được phát biểu vào những giây phút quyết định, làm xoay đổi quá trình diễn biến nhiều sự kiện trên thế giới. Vào đầu Thế Chiến Thứ Hai, cựu Thủ Tướng nổi tiếng của nước Anh, Winston Churchill, nói với người dân nước Anh rằng ngay cho dù cả Âu Châu có thể sụp đổ, “Chúng ta sẽ không suy yếu đi hay thất bại. Chúng ta sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng... chúng ta sẽ chiến đấu trên các biển cả và các đại dương... chúng ta sẽ chiến đấu trên các bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên các bãi hạ cánh, chúng ta sẽ chiến đấu trong các cánh đồng và trên các đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi; chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng.” Và toàn thế giới tự do đã tập hợp lại trước trọng trách này.

               Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã nói với một đất nước Hoa Kỳ bị phá sản bởi Cơn Đại Suy Thoái rằng “điều duy nhất chúng ta cần phải lo sợ là bản thân nỗi sợ hãi.” Và người dân đã đáp ứng với lòng dũng cảm. John Paul Jones, người hùng đã đi vào lịch sử của hải quân, đã phát biểu, “Tôi vẫn chưa bắt đầu chiến đấu.” Và không những binh sĩ của ông đã chiến đấu cách dũng cảm, nhưng lời nói của ông cũng đã truyền cảm hứng thôi thúc các binh lính hải quân tiếp nối qua nhiều thế kỷ sau đó.

               Kính thưa quý độc giả,

               Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã viết nguệch ngoạc một bài nói chuyện ngắn trên một bì thư và phát biểu Bài Diễn Văn này tại Gettysburg. Lời lẽ giản dị và ngắn ngủi của ông chạm đến con tim của một quốc gia và khởi đầu tiến trình chữa lành những vết thương do Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ gây ra.

               Nếu liệt kê ra thì bảng danh sách loại này cứ tiếp tục mãi. Chúng ta hãy nhìn lại những trang sách trong Kinh Thánh Cựu Ước. Đa-vít, khi còn là một chàng trai trẻ, khẳng định đức tin của mình trước Vua Sau-lơ và rồi trước gã khổng lồ Gô-li-át. Chàng thưa với nhà vua, “Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia” (I Sa-mu-ên 17:37). Kế đó, khi Đa-vít đi ra để gặp gã khổng lồ, Gô-li-át rủa sả chàng. Và Đa-vít đáp với lời lẽ hùng hồn: “Ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên mà ngươi đã sỉ nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta” (cc. 45-46). Và lịch sử ghi lại những kết quả sau đó.

               Nói như thế không hàm ý rằng lời nói, trong và tự bản thân chúng, là những nhân tố tạo nên phép lạ. Chúng là những sự phản chiếu của những gì chất chứa trong tấm lòng và tâm trí của Đa-vít. Và chúng phát tỏa năng quyền của Đức Chúa Trời trong đời sống của Đa-vít. Chúng là một sự mở rộng về sự Tự-Nhủ của Đa-vít trong suốt những năm tháng trước khi biến cố đó xảy ra. Chúng là sự biểu hiện của đức tin trong Đa-vít.

               Lời Nói Phóng Thích Đức Tin

               Kính thưa quý thính giả,

               Hầu hết chúng ta đều nghĩ đến đức tin như là sự tin tưởng nơi một vị thần nào đó nhân từ, tuyệt đối. Nhưng sự thật thì đức tin là một tiến trình của đời sống. Không người nào là không có-niềm tin cả. Vấn đề không phải là chúng ta có sở hữu đức tin hay không. Nói đúng hơn, vấn đề chính là chúng ta đặt niềm tin của mình nơi đâu. Và các ý tưởng của chúng ta là những phong vũ biểu tốt nhất để cho biết về đối tượng của đức tin chúng ta. Đức tin là một tiến trình vốn hoạt động trong việc phóng thích năng-quyền-thay-đổi-đời-sống trong một chiều hướng hoặc tích cực hoặc tiêu cực.

               Ví dụ, bạn có bao giờ để ý thấy là bạn cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều sau khi ngáp và nói, “Mình thật là mệt” chăng? Bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bởi vì sự Tự-Nhủ của bạn vừa mới phóng thích sức mạnh trong chiều hướng của sự mệt mỏi.

               Tương tự như thế, những sự nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người bắt đầu nói về tính chất khả thi của việc ly dị thường thấy bản thân họ chắc hẳn đang tiến tới trong chiều hướng của sự ly dị. Sau đó họ dẫn giải về cách họ cảm thấy bị mắc bẫy bởi lời nói của mình. Mọi sự không tồi tệ đến thế, nhưng việc nói về ly dị đem đến sức mạnh để nó trở nên khả thi.

               Gần đây tôi có nói chuyện với một doanh nhân thành đạt. Ông ta đã khởi sự một doanh nghiệp mới và làm việc cật lực. Kết quả của công việc ông ta làm là sự phát triển vững mạnh, một đội ngũ quản lý giỏi, và tiềm năng không giới hạn trong những năm phía trước. Nhưng, ngày một gia tăng, những yêu cầu của việc kinh doanh đòi hỏi thời gian của ông ngày càng nhiều hơn. Rồi ông bị ngất xỉu khi đang hướng dẫn một cuộc họp quan trọng. Các bác sĩ bảo ông là ông phải dừng mọi hoạt động trong ba tháng và rồi thận trọng tự hạn chế bản thân trong sáu tháng kế tiếp. Khi chúng tôi nói chuyện thì ông diễn giải, “Anh Dave này, tôi đã từng nói trong cả năm rằng không gì có thể ngăn tôi lại, ngoại trừ việc ngã bệnh.” Ông xác định bởi lời phát biểu của mình rằng cách duy nhất ông có thể giảm bớt hoạt động là ngã bệnh. Ông đã định đoạt cho bản thân mình! Và mỗi lần ông suy nghĩ hay nói những lời lẽ ấy, ông phóng thích đức tin trong câu nói ấy. Và những điều ông tin đã thành sự thực.

               Kính thưa quý độc giả,

               Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ có nêu lên một sự tương phản thú vị về ba phép lạ. Trong chương 8 một thầy đội đến với Chúa Giê-xu và thưa với Ngài về người đầy tớ của ông, vốn bị bại liệt và đau đớn vô cùng. Chúa Giê-xu bày tỏ rằng Ngài sẽ đi đến và chữa lành cho người đầy tớ, nhưng thầy đội nói, “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành” (c.8). Chúa Giê-xu kinh ngạc trước đức tin của thầy đội và nói, “Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy” (c.13). Và người đầy tớ được chữa lành.

               Trong chương 9 một người cai nhà hội đến với Chúa Giê-xu và thưa rằng, “Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống” (c.18). Sau đó trong chương này chúng ta đọc thấy rằng Chúa Giê-xu đi đến nhà, đặt tay của Ngài trên bàn tay cô bé, và cô sống lại. Trên đường đi đến nhà người cai nhà hội, Ngài bị cản bước bởi một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm. Người đàn bà này nói với chính mình (tức là bà đã sử dụng sự Tự-Nhủ) rằng, “Nếu ta chỉ rờ trôn áo Ngài, thì cũng sẽ được lành” (c.21). Và khi bà rờ trôn áo Ngài, năng quyền từ Chúa Giê-xu lưu xuất ra và bà được lành bịnh.

               Ba phép lạ, mỗi phép lạ diễn ra trong một cách thức khác hẳn. Trong mỗi phép lạ, Chúa Giê-xu đã có thể phán điều Ngài đã phán với thầy đội, “Theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy.” Những gì họ tin, những gì họ nói trong suy nghĩ của mình hoặc với môi miệng mình, quyết định cách thức Chúa Giê-xu thi hành phép lạ. Thầy đội nói, “Chúa không cần phải đến nhà tôi, chỉ xin Ngài phán một lời.” Người cai nhà hội nói, “Xin hãy đến và đặt tay Ngài trên nó,” Và người đàn bà tự nghĩ, “Mình phải rờ trôn áo Ngài.” Và những gì họ tin là những gì họ nhìn thấy xảy ra! Quyền phép lớn lao được phóng thích bởi ý tưởng của chúng ta và lời nói của chúng ta.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục giải thích thêm về Lời Nói Phóng Thích Đức Tin, sức mạnh của lời nói và ý tưởng là như thế nào. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn