22:24 EDT Thứ năm, 09/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 34

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 14207

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 94491

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23103524

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

Phao-lô, Cha Thuộc Linh Của Ti-mô-thê

“Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (câu 5).

Xem tiếp...

Những Khái Niệm Căn Bản Về Cảm Xúc Của Chúng Ta

Thứ ba - 29/11/2016 19:46
Những Khái Niệm Căn Bản Về Cảm Xúc Của Chúng Ta

Những Khái Niệm Căn Bản Về Cảm Xúc Của Chúng Ta

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã chấm dứt chương thứ nhất của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Trong suốt chương 1 chúng tôi đã trình bày cùng quý thính giả cách khái quát về việc chúng ta đang sống trong một thế giới ngoài tầm kiểm soát.




              Kính thưa quý độc giả,

              Tuần qua chúng ta đã chấm dứt chương thứ nhất của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Trong suốt chương 1 chúng tôi đã trình bày cùng quý thính giả cách khái quát về việc chúng ta đang sống trong một thế giới ngoài tầm kiểm soát. Thế giới ấy thay đổi mỗi ngày với tốc độ chóng mặt về mọi cơ cấu, mọi phương diện, mọi tổ chức từ gia đình đến xã hội và toàn thế giới nữa. Tốc độ thay đổi của cuộc sống và thế giới ngày càng ngoài tầm kiểm soát khiến chúng ta bối rối trong việc đáp ứng với nhiều nan đề nổi lên bất ngờ, và thế là cảm xúc của chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải “Tìm Kiếm Sự Tự Chủ”. Ở cuối chương 1, chúng ta đã làm một bài trắc nghiệm với 9 câu hỏi ngắn. Qua việc chọn câu trả lời giữa hai cột A và B, bạn đã khám phá cách bản thân mình đáp ứng với những cảm xúc không kiểm soát được. Phần tổng kết điểm của hai cột A và B không chỉ giúp bạn nhận diện các điểm yếu; nó còn giúp bạn nhận diện những điều tích cực về cách bạn đối diện với nan đề nữa. Tóm lại, chúng tôi xin mạn phép đưa ra 3 câu hỏi khác cho sự tăng trưởng cá nhân để quý thính giả suy nghĩ thêm.

              Câu hỏi cho sự Tăng Trưởng Cá Nhân

  1. Bạn mong muốn kinh nghiệm sự tự chủ nhiều hơn trong lãnh vực nào của đời sống mình?
  2. Một số điểm đặc trưng có tính tích cực về cách bạn đối diện với nan đề là gì? Một số điểm đặc trưng mang tính tiêu cực là gì?
  3. Bạn ở đâu giữa hai cột A và B? Số điểm của bạn nghiêng về cột nào nhiều hơn? Bạn hãy suy nghĩ và miêu tả một số cảm xúc và hành vi của bản thân khi bạn thấy mình bị lấn át bởi những cảm xúc của chính mình hay là bạn đang kiểm soát chúng quá mức?

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ hai với câu nói của Epictetus, một triết gia thuộc trường phái Khắc Kỷ ở Hy Lạp khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, đầu thế kỷ thứ hai sau Chúa. Epictetus cho rằng: “Người ta thường bối rối lo âu, không phải bởi các sự việc, mà là bởi cách họ nhìn các sự việc ấy.”

              Trong chương trước chúng ta đã gặp gỡ bốn người vốn cảm thấy họ không làm chủ được các cảm xúc của chính mình. Mỗi người trong bốn người này lại có những cách đương đầu với nan đề khác nhau trước các áp lực của cuộc sống, nhưng họ đều có chung một cảm giác bất lực. Họ thấy mình không thể sắp xếp hoàn cảnh của cuộc sống cho thích hợp.

              Nếu bạn có thể nói chuyện với họ về lý do vì sao họ lại hành động hay cảm thấy như thế này hay như thế khác, họ có thể đưa ra giả thuyết là nếu mọi việc chỉ cần diễn ra khác đi trong đời sống họ, rất có thể họ sẽ có khả năng điều khiển được các cảm xúc của mình. Họ sẽ nói họ sống như thế nào và hành xử ra sao là bởi vì các sức mạnh trong đời sống họ khiến họ phải làm như vậy.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hầu hết chúng ta thường liên hệ nguyên nhân về cách chúng ta cảm nhận với các biến cố trong đời sống của mình. Chúng ta cảm thấy vui sướng và mãn nguyện nếu những việc tốt lành xảy ra cho mình. Còn nếu những điều xấu xảy đến, thì chúng ta lại cảm thấy buồn rầu hoặc bực bội. Kết quả là, chúng ta dành mọi nỗ lực và cố gắng sắp xếp lại cảnh huống xảy ra trong cuộc sống mình để bảo đảm cho hạnh phúc của mình.

              Chúng ta thấy khó chịu bởi những ví dụ trái ngược với ý tưởng đó, chẳng hạn như khi ta thấy những người kém hơn chúng ta, so ra thì không bằng chúng ta, nhưng dường như họ lại có vẻ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống. Hoặc khi mọi thứ trong cuộc đời chúng ta dường như ổn cả-có tiền bạc trong ngân hàng, các hóa đơn đã thanh toán đầy đủ, các con trong gia đình sống đàng hoàng, và người phối ngẫu của chúng ta ân cần, chu đáo-thế nhưng chúng ta vẫn có một cảm giác ẩn tàng, một nỗi ám ảnh lẩn quẩn đâu đó về sự bất hạnh u ám vốn hoàn toàn không có liên quan với bất cứ điều gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta. Rất có thể chúng ta sẽ cố gắng gạt bỏ những cảm giác phiền muộn đó bằng cách nói, “Ồ, do mình thôi. Mình chỉ là một kẻ bi quan!” Hoặc chúng ta nhìn vào những người hạnh phúc, toại nguyện dù họ đang sống giữa sự căng thẳng, rối loạn và chúng ta gạt bỏ sự trái ngược rõ rệt giữa thái độ bi quan của chúng ta với thái độ lạc quan của họ bằng cách nói, “Ồ, biết đâu họ chỉ là những kẻ lạc quan ngờ nghệch mà thôi.”

              Nhưng mọi nỗ lực của chúng ta trong việc giải thích duy lý những tình huống trái ngược này không có tính thuyết phục chút nào. Chúng ta đã luôn được dạy để tin rằng những cảm giác và cảm xúc của chúng ta được định đoạt bởi các biến cố xảy ra trong đời sống mình. Nền văn hóa của chúng ta, qua phương tiện truyền thông-đặc biệt là ngành quảng cáo-liên tục củng cố niềm tin này. Các quảng cáo ấy nói gì? Bạn không vui ư? Vậy hãy dùng thử nước thơm để súc miệng này đi! Bạn đang cảm thấy cô đơn vì không ai muốn trò chuyện với bạn ư? Vậy hãy dùng thử dầu gội của chúng tôi và loại bỏ những mảng gàu khó chịu đó. Bạn không ngủ được ư? Hãy dùng thử thuốc con nhộng mới của chúng tôi. Các ví dụ cứ tiếp tục mãi không dứt.

              Sự thật là những cảm xúc và hành vi cư xử của chúng ta không tùy thuộc vào những gì đang diễn ra xung quanh trong môi trường chúng ta sống. Chúng ta có thể thay đổi những loại nước súc miệng mà vẫn không vui. Chúng ta có thể dùng loại dầu gội mới mà vẫn cảm thấy cô đơn. Chúng ta có thể uống một viên thuốc ngủ mà vẫn nằm đó thao thức mãi. Lý do chính, đó là một điều gì khác đang hành động vốn định đoạt những sự đáp ứng về cảm xúc và hành vi cư xử trước các tình huống trong đời sống. Các nhà lý luận dựa trên kinh nghiệm đã gợi ý rằng yếu tố thêm vào này là những suy nghĩ, hay hệ thống niềm tin của chúng ta. Những suy nghĩ, hay hệ thống niềm tin này, là cái mà tôi gọi là Sự Tự-Nhủ.

              Những Khái Niệm Căn Bản Về Cảm Xúc Của Chúng Ta

              Kính thưa quý độc giả,

              Những điều chúng ta đã nhắc đến như là hoàn cảnh của chúng ta-tốt hoặc xấu-chính là cái thế giới bên ngoài mà chúng ta đã nói đến trong chương đầu tiên. Ellis, trong khi miêu tả những khái niệm căn bản về cảm xúc của chúng ta, gọi môi trường này hay các hoàn cảnh là A. Đó cũng có thể bao gồm luôn các sự kiện hay biến cố kích hoạt trong đời sống của chúng ta. Điều này bao gồm mọi thứ đang diễn ra trong thế giới chúng ta. Khuynh hướng tự nhiên của con người sống trong nền văn hóa mà chúng ta đang sống, là đổ lỗi cho những sự kiện kích hoạt này, rằng chúng đã khiến chúng ta hành xử và cảm nhận theo cách chúng đang xảy ra. Ellis gọi những hệ quả về cảm xúc và hành vi này là C. Như vậy, chúng ta có thể nói A = C

              Ví dụ, một người nào đó không trả lời cuộc gọi của tôi, và chẳng mấy chốc tôi cảm thấy tổn thương và bị khước từ. Điều đó giống như việc nói:

              A (tức là việc người kia không trả lời cuộc gọi của tôi) = C (nghĩa là điều này làm tôi cảm thấy tổn thương và bị khước từ)

              Những ví dụ khác có thể bao gồm:

              A (Tôi chỉ được 3 điểm trong bài kiểm tra của mình) = C (Tôi cho rằng tôi là người ngu dốt và đần độn)
              A (Cô Sally đã không mời tôi dự tiệc của cô ấy) = C (Tôi xấu xí và cô độc)
              A (Tôi đã không được tăng lương) = C (Tôi sắp mất việc làm)
              A (Bọn trẻ đang đánh nhau) = C (Tôi giận dữ)
              A (Cô ấy sẽ không ngừng la hét vào mặt tôi) = C (Cô ấy làm cho tôi hết sức tức giận!)

              Bạn có thể ghi ra vô số những ví dụ khác như: 
              A (là một điều gì đó) = C (vì thế, tôi cảm thấy thế này, thế nọ)

              Tuy nhiên, khi chúng ta chấp nhận công thức là A = C, chúng ta đang bỏ qua những khái niệm căn bản của mình! Trong bảng chữ cái thì mẫu tự B nằm ở giữa hai mẫu tự A và C. Ở đây, mẫu tự B ám chỉ những hệ thống niềm tin của chúng ta. Những hệ thống niềm tin này là những mẫu suy nghĩ của chúng ta-cũng chính là sự Tự-Nhủ của chúng ta. Và chính loại suy nghĩ này, vốn có thể không luôn rõ rệt đối với chúng ta, là mọi nguyên nhân của những phản ứng thuộc về cảm xúc và hành vi cư xử của chúng ta. Giờ đây chúng ta sắp xếp đúng thứ tự của các mẫu tự ABC như sau:

  • A là biến cố kích hoạt;
  • B là hệ thống niềm tin, tức là các suy nghĩ hay suy đoán kích thích; và
  • C là hệ quả.

              Bây giờ chúng ta hãy dùng các mẫu tự ABC để phân tích ví dụ về việc tôi gọi điện thoại cho một người, nhưng người kia đã không chịu trả lời cuộc gọi của tôi, trong đó có:

              - A là biến cố kích hoạt, tức việc người kia không chịu trả lời cuộc gọi của tôi.
              - Rồi vì thế, trong tôi nảy sinh ra các suy nghĩ hay suy đoán kích thích - chẳng hạn như:

              Họ không muốn nói chuyện với mình.
              Họ không thích mình nữa.
              Họ quá bận rộn nên không quan tâm đến mình.
              Rõ ràng, có nhiều thứ khác trong đời sống họ quan trọng hơn mình.

              - Từ B lại dẫn đến hệ quả C, nghĩa là vì tôi đã có những suy nghĩ kích thích như vậy, nên tôi cảm thấy tổn thương và bị khước từ.

              Vì vậy công thức của chúng ta là:

              A + B = C

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục Chương Hai của quyển sách Nghĩ Sao, Thành Vậy. Chúng tôi sẽ giải thích cùng quý thính giả công thức A + B = C có liên quan gì đến sự tự nhủ, và cách suy nghĩ của mỗi cá nhân đã tạo nên cảm xúc của họ ra sao. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn