04:14 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 12


Hôm nayHôm nay : 457

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2598

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23011631

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Nguyên Tắc Thứ 2: Suy Nghĩ Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử

Thứ hai - 19/12/2016 19:54
Nguyên Tắc Thứ 2: Suy Nghĩ Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử

Nguyên Tắc Thứ 2: Suy Nghĩ Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ hai trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với chương đề: Bạn Suy Nghĩ Thế Nào Thì Bạn Là Người Như Thế Ấy.



               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đang ở chương thứ hai trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với chương đề: Bạn Suy Nghĩ Thế Nào Thì Bạn Là Người Như Thế Ấy. Trong chương này, chúng tôi đang lần lượt trình bày cùng quý thính giả năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự Tự-Nhủ. Trong hai tuần liên tiếp vừa qua, chúng tôi đã nói về Nguyên Tắc Thứ Nhất, đó là: Suy Nghĩ của Chúng Ta Tạo Nên Cảm Xúc Của Chúng Ta. Chúng tôi đã dùng Tiên Tri Giê-rê-mi để minh họa rõ ràng nguyên tắc này. Trong Ca Thương đoạn 3, Tiên Tri Giê-rê-mi bị ngã lòng. Ông đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về tất cả những cảm giác của mình, và rằng chính do lỗi của Ngài mà ông phải ở trong tình trạng vô vọng, hoàn toàn mất kiểm soát, đau đớn cả về mặt cảm xúc lẫn thể xác.

               Điểm then chốt nằm ở chỗ Tiên Tri Giê-rê-mi liên tục nghĩ đến nỗi khốn khổ của mình nên việc ông bị ngã lòng chẳng có gì là lạ. Có phải tất cả mọi biến cố khủng khiếp trong đời sống ông là nguyên nhân đang gây ra nỗi đau buồn sầu khổ của ông hay không? Hay chính việc ông chọn cách suy nghĩ thế nào về những biến cố này, tức sự Tự-Nhủ của ông, là yếu tố định đoạt những gì ông đang cảm nhận? Có lẽ cuối cùng thì ông đã nhận thức thấy mình đang chọn lựa tiếp tục phủ phục trong sự cay đắng của bản thân. Nhận thức được điều này đã cho phép ông thay đổi hoàn toàn mẫu suy nghĩ của mình. Ông bắt đầu chuyển đổi suy nghĩ của mình bằng cách chọn việc tập trung vào hy vọng nơi Chúa, và việc này đã làm cảm xúc của ông thay đổi. Ông bắt đầu ca ngợi Chúa và viết nên những lời hân hoan:

               Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt.
               Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt;
               Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, 
               sự thành tín Ngài là lớn lắm.
               Hồn ta nói: “Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp ta,
               nên ta để lòng trông cậy nơi Ngài.”

               Những câu này là minh chứng hùng hồn cho thấy suy nghĩ của Giê-rê-mi tạo nên cảm xúc của ông. Ông lấy lại sự tự chủ qua sự Tự-Nhủ.

               Bạn có thể tự mình thử nghiệm nguyên tắc này. Quý thính giả hãy nhắm mắt lại. Trong khi đang nhắm mắt, bạn hãy hít vài hơi thật chậm và sâu để giúp bạn thư giãn, và rồi hãy dành ra một phút và làm cho bản thân mình cảm thấy buồn. Nhờ ai đó cho bạn biết khi phút đó chấm dứt. Kế tiếp hãy dành ra một phút khác và làm cho bản thân bạn cảm thấy vui vẻ. Sau đó hãy mở mắt ra.

               Khi tôi thực hiện việc này với những người nghe tôi chia sẻ, tôi luôn hỏi họ là họ đã thực hiện việc đó ra sao. Và tôi luôn nhận được một trong hai câu trả lời. Hoặc người đó nghĩ về một kinh nghiệm đau buồn nào đó để cảm thấy buồn bã và nghĩ về một kinh nghiệm vui vẻ nào đó để cảm thấy vui sướng, hoặc là người ấy hình dung một kinh nghiệm buồn hay vui nào đó trong trí mình.

               Thật hiển nhiên, trong vòng hai phút ngắn ngủi đó chẳng có gì thay đổi trong thế giới bạn đang sống có thể khiến bạn cảm thấy vui hay buồn. Nhưng cảm xúc của bạn đã thay đổi! Và chúng thay đổi bởi vì sự Tự-Nhủ của bạn. Cũng y như vậy, không có gì đã xảy ra trong thế giới bên ngoài Giê-rê-mi giữa câu 18 và câu 24. Đây là điểm cơ bản của những khái niệm căn bản về cảm xúc của một người. Hệ quả thuộc về cảm xúc của một biến cố kích hoạt không được tạo nên bởi biến cố đó. C không được tạo nên bởi A! Nó được tạo nên bởi hệ thống niềm tin của bạn-sự Tự-Nhủ-vốn là chữ B vây quanh biến cố đó.

               Chính sự Tự-Nhủ giải thích vì sao ai đó có thể kinh nghiệm sự yên nghỉ và bình an ở giữa những từng trải đau thương nhất của cuộc sống. Đó cũng là lý do một người có thể phớt lờ tất cả những sự kiện tích cực, thú vị xảy ra trong đời sống mình và tập trung vào một điều lo nghĩ và trở nên khốn khổ. Suy nghĩ tạo nên cảm xúc là như vậy đó!

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ nói đến Nguyên Tắc Thứ Hai: Suy Nghĩ của Chúng Ta Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử của Chúng Ta.

               Chúng tôi xin kể một câu chuyện để minh họa điểm này. Cách đây vài năm có một người đàn ông đi du lịch xuyên quốc gia bằng cách đi lậu trên các xe lửa chở hàng hóa. Một đêm nọ ông leo vào một nơi trông giống như một toa chở hàng và đóng cửa lại. Không biết làm sao mà cánh cửa bị khóa lại, và ông ta bị nhốt bên trong. Khi mắt ông đã quen với bóng tối nơi đó, ông nhận ra rằng mình đang ở trong một toa chở hàng đông lạnh trống rỗng. Khi nhận ra điều này, ông ta bắt đầu thấy lạnh cóng. Mọi tiếng ồn hay âm thanh ông có thể tạo ra bên trong toa chở hàng không thu hút được sự chú ý của bất cứ người nào. Ông tuyệt vọng bỏ cuộc và nằm xuống trên sàn của toa xe lửa.

               Khi cố gắng chiến đấu chống lại cái lạnh, người đàn ông này đã viết nguệch ngoạc một phần của một mẫu tin nhắn trên sàn của toa xe. Ông ta không hề viết xong mẫu tin nhắn ấy. Vào khoảng trưa ngày hôm sau, các nhân viên đường sắt mở cánh cửa của toa chở hàng đông lạnh và thấy người đàn ông này đã chết. Ông ta trông giống như một người bị chết cóng. Vấn đề là các thiết bị đông lạnh trên toa xe không đang hoạt động. Những nhân viên này đến để sửa chữa các thiết bị đó. Nhiệt độ bên trong toa xe có lẽ đã không xuống dưới 50 độ F (10 độ C) suốt cả đêm. Người đàn ông đã chết bởi vì ông tự nghĩ rằng ông đang chết cóng!

               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu cảm xúc của chúng ta bị định đoạt bởi suy nghĩ của chúng ta, thì điều nối tiếp theo là suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi cư xử của mình. Trong các ví dụ ở chương đầu tiên, suy nghĩ của mỗi người về việc mất tự chủ, hay không thể duy trì sự tự chủ, có vẻ là sức thúc đẩy đàng sau hành vi cư xử của người ấy.

               Những cơn ngất của Donna thảy đều có liên hệ tới sự sợ hãi, và sự sợ hãi của cô là một cảm xúc được tạo nên bởi suy nghĩ trong lòng cô. Sự chạy trốn của Marge tới trung tâm mua sắm dựa vào những mẫu suy nghĩ của cô, vốn diễn giải mọi thứ là choáng ngộp, áp đảo hay lấn át đối với cô. Lối cư xử có xu hướng ép buộc, lèo lái của Peggy được thúc đẩy bởi việc cô tin rằng cô phải đòi hỏi sự hoàn hảo đối với bản thân mình và mọi người khác. Việc Arnie từ chối nói chuyện về con trai của anh là kết quả của sự chọn lựa anh đã thực hiện để loại bỏ những kinh nghiệm đau thương nào đó khỏi nhận thức của mình.

               Điều này có thể có vẻ như là một sự quá đơn giản hóa. Nhưng nguyên tắc không thay đổi là tất cả họ đều hành xử như họ đã làm xuất phát từ các hệ thống niềm tin của họ-sự Tự-Nhủ của họ.

               Sự nhút nhát là một ví dụ khác. Hầu hết mọi người đều trải nghiệm sự nhút nhát vào một thời điểm nào đó trong đời. Dù vậy, đối với nhiều người, đó là một từng trải cứ tiếp diễn mãi. Nhưng sự nhút nhát được đặt cơ sở trên một hệ thống niềm tin. Bạn hành xử như một người nhút nhát bởi vì hành vi của bạn bị điều khiển bởi niềm tin rằng bạn nhút nhát. Hãy thử đi. Hễ khi nào bạn trải nghiệm sự nhút nhát, hãy lắng nghe điều bạn Tự-Nhủ. Lời phát biểu cốt lõi trong suy nghĩ của bạn là “Mình không thể làm điều đó bởi vì mình nhút nhát.” Sự Tự-Nhủ của chúng ta, hoạt động qua những cảm xúc của chúng ta, là một yếu tố chính yếu định đoạt hành vi cư xử của chúng ta.

               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta vửa kết thúc nguyên tắc thứ hai: Suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta. Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ nghe về nguyên tắc thứ ba: trung tâm điều khiển nhận biết được của chúng ta ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn