17:11 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 55

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 52


Hôm nayHôm nay : 11494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 37790

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23046823

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Chúa Sống

Thứ năm - 02/04/2015 21:20
Chúa Sống

Chúa Sống

Sau ba ngày Chúa Giê xu chịu chết cách đau thương và được chôn nơi thạch mộ của Giô sép, người A ri ma thê, thì những người phụ nữ đem thuốc thơm đến phần mộ để xức xác Chúa.





BÀI  GIẢNG PHỤC SINH 2015
  
 
ĐỀ TÀI:
 
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI
Kinh thánh: Lu ca 24:1-12
Câu gốc: Lu 24:6a
  
              Dẫn nhập:
              Sau ba ngày Chúa Giê xu chịu chết cách đau thương và được chôn nơi thạch mộ của Giô sép, người A ri ma thê, thì những người phụ nữ đem thuốc thơm đến phần mộ để xức xác Chúa. Họ đi vào lúc tưng tưng sáng( Mác 16:1; Mat 27:56). Họ đang sống trong tâm trạng đau buồn vì tin rằng Chúa Giê xu đã chết và vẫn còn nằm yên trong phần mộ. Nhưng, tại nơi mộ phần, các môn đệ của Chúa đã chứng kiến một sự kiện có một không hai là Chúa Giê xu đã vượt khỏi sự chết để sống lại cách vinh hiển. Khi đối diện với sự kiện lạ lùng và tuyệt diệu nầy, họ như bước vào một thế giới mới: Thế giới của sự vinh hiển từ sự phục sinh của Chúa Giê xu. Từ đó, sự sống lại của Đấng Christ trở nên sự kiện vinh diệu hơn hết của Cơ Đốc Giáo trên toàn thế giới. Đây là điểm ưu việt và khác biệt của Cơ đốc giáo đối với các tôn giáo đời nầy. Sự sống lại của Chúa Giê xu trở nên nền tảng cho niềm tin của chúng ta khi tin vào một Đấng đang sống và Hằng sống. Dù kẻ thù cố cố gắng để đánh bại Cơ đốc giáo khi trưng ra những bằng chứng Chúa không sống lại thì đều nhận lấy thất bại thảm hại. Tuy nhiên, Cơ đốc giáo càng có nhiều kẻ thù bao nhiêu thì sự sống lại của Chúa chúng ta càng là sự thật hiển nhiên bấy nhiêu. Chúng ta hãnh diện vì đang thờ phượng một Đấng Sống và với sự phục sinh vinh hiển ấy đã đem lại sự phước hạnh cho chúng ta như thế nào! Bài học sáng Chúa nhật Phục sinh hôm nay với đề tài: CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI, Kinh thánh Lu ca 24:1-12. Câu gốc: Lu-ca 24:6a: “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại”.
              I.CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI VỚI SỰ KIỆN HÒN ĐÁ LẤP CỬA MỘ ĐÃ BỊ DỜI ĐI (c.1-3):
            Các môn đồ khi đến phần mộ Chúa, họ không nghĩ rằng sẽ chứng kiến một ngôi mộ trống mà với một tâm trạng phân vân là: “ Ai sẽ lăn hòn đá cho chúng ta?”. Điều họ phân vân là hoàn toàn đúng vì hòn đá lấp cửa mộ rất lớn và rất nặng mà Kinh Thánh mô tả là thiên sứ có thể ngồi được ở trên . Chắc chắn, nó nặng cũng vài tấn và phải có nhiều người mới có thể dời đi được. Không hiểu tại sao quí bà, những người phụ nữ yếu ớt không tính trước để gọi một số các ông cùng đi với mình? Họ không đủ sáng suốt để hoạch định hay không có ai dám cùng đi với họ vì vẫn còn đầy sợ hãi? Tuy nhiên, khi đến mộ thì họ thất kinh vì hòn đá lấp cửa mộ đã được dời đi. Thay vì vui mừng vì nỗi lo đã được giải quyết thì trái lại họ lại hoảng sợ vì không biết việc gì đã xảy ra và ai đã làm việc đó! Chính thiên sứ đã đến lăn hòn đá ra (Mat 28:2). Và đây là dấu hiệu phục sinh đầu tiên của Chúa Giê xu: Hòn đá niêm phong cửa mộ, hòn đá lớn vốn ngăn cách thế giới sống với thế giới chết đã bị lăn đi rồi! Theo cách  nhìn của con người, cho rằng họ đang ở trong thế giới sống còn phía bên kia phần mộ là thế giới chết. Nhưng theo cái nhìn của Chúa thì ngược lại, thế giới chúng ta đang sống là thế giới chết vì không có Chúa nhưng phía bên kia phần mộ mới là thế giới sống cho những ai đặt niềm tin vào Chúa phục sinh.
            Hòn đá lớn ngăn trở là những nan đề và gánh nặng của chúng ta trong đời sống. Nó ngăn cách khiến ta không nhìn thấy và không thể bước qua để đến với thế giới sự sống của Đức Chúa Trời. Chính những hòn đá ngăn trở nầy đã làm cho đời sống  tâm linh chúng ta khốn khổ, khô hạn. Nhiều năm qua chúng ta đang sống trong thế giới của sự chết mà cứ nhầm tưởng rằng mình đang sống trong thế giới sự sống của Chúa phục sinh. Chính vì thế, nhiều Cơ đốc nhân dường như chết khát khi nghĩ rằng mình đang ở trong Chúa Giê xu là nguồn nước sống, đang quờ quạng trong tối tăm khi nghĩ rằng mình đang ở trong Chúa Giê xu là nguồn sự sáng. Bị nhiều yếu tố chung quanh tác động khiến những điều bối rối, lo lắng, bất an choáng ngợp tâm trí chúng ta giống như tâm trạng của những người phụ nữ đi xức xác Chúa. Chúa muốn chúng ta nhìn lên chứ không phải nhìn xuống, nhìn thấy bên kia phần mộ chứ không phải bên nầy phần mộ. Những ngọn núi ngăn trở phải được dời đi (Mat 17:14-20), đó là những ngọn núi quyền lực của Sa tan, quyền thế đời nầy, bệnh tật và sự chết, đau đớn và thất bại, tư dục và xác thịt, vô tín và nghịch thù… để có thể bước vào kinh nghiệm phước hạnh sống với Chúa phục sinh, mọi trở lực thuộc về xác thịt và sự chết đã được dỡ bỏ, con đường sự sống tươi mới được mở ra…Những gánh nặng được cất khỏi đôi vai để nhẹ nhàng song hành cùng Chúa Cứu thế. Hòn đá đã được dời đi, hãy vui hưởng quyền năng Chúa phục sinh trong linh trình theo Chúa của mình ( II Cô 4:3-4)

              Hòn đá bị dời đi bày ra ngôi mội trống. Điều đó chứng minh rằng:
              II.CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI VÌ SỰ SỐNG ĐÃ ĐẮC THẮNG SỰ CHẾT(c.4-6a):
            Các bà đang bối rối trước những gì đang xảy ra mà không hiểu làm sao cả thì thiên sứ của Chúa đã hiện ra và truyền phán: Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết?. Ngài không ở đây đâu,song Ngài đã sống lại. Thử hình dung vẻ mặt hoảng hốt của quí bà, mắt mở to, miệng há hốc ngạc nhiên không nói được lời nào vì sự việc xảy ra siêu nhiên quá, không thể nào hiểu nổi. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, Chúa thật đã sống lại. Sự sống đã đắc thắng sự chết, Chúa đã phục sinh cách khải hoàn:( Công 2:24,31-32; Khải 1:18)
            Tâm trạng của chúng ta cũng giống như các bà ngày xưa, chưa thực sự nếm trãi quyền năng vinh hiển của Chúa phục sinh, đã sống một đời sống dường như Chúa chưa sống lại, vẫn miệt mài trong đời sống cũ, vẫn tìm  người sống trong vòng kẻ chết, tìm mãi mà không thấy lối thoát hoặc tia hi vọng sống nào. Quanh quẩn với những nỗi lo hằng ngày, đời sống tâm linh yếu đuối, nguội lạnh, đức tin nơi Chúa như còn con đỏ, ấu trĩ dù có nhiều năm tin Chúa mà không được trưởng thành. Chúa không muốn chúng ta sống một đời sống như thế, Ngài muốn chúng ta sống một đời sống mạnh mẽ và đắc thắng, sống với quyền năng Chúa phục sinh trong đời sống mình như kinh nghiệm của Phao lô (Gal 2:20), dõng dạc tuyên bố sự đắc thắng ( I Cô15:55-57) với kinh nghiệm đồng sống với Chúa (Ep 2:4-6). Đắc thắng sự chết, đắc thắng tinh thần thế gian và cung ứng sự sống phong phú cho mỗi Cơ đốc nhân và hội thánh là một dấu tích đầy vinh hiển từ Chúa phục sinh đem lại.
 

              III.CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI MỞ TRÍ CÁC MÔN ĐỒ HIỂU LỜI CHÚA (c.6b-8)
              Đây là chương trình, kế hoạch của Đức Chúa Trời để ban sự cứu rỗi cho nhân loại. Sự chết giải quyết vấn đề tội lỗi và sự sống lại đem đến sự sống đời đời. Trước khi Chúa chết và sống lại, trí hiểu của các môn đồ còn hạn chế. Ngài đã nhiều lần nói trước về sự thương khó và sự sống lại của mình nhưng các môn đồ không hiểu và cũng không nhớ( Mat 16:21,17:9,23, 20:19, 26:32, Giăng 11:25…). Cho đến khi Chúa sống lại thì họ mới được Chúa mở mắt để hiểu được và nhớ lại điều Chúa đã nói trước ( Lu ca 24:44-46).
 
              Chăm vào sự chết của Chúa và những mối ngăn trở phải đối mặt, các bà vốn kính yêu Chúa đã quên những lời Ngài dạy về sự sống lại. Khi chứng kiến vinh hiển từ Chúa phục sinh, được thiên sứ nhắc nhở lại lời Chúa đã phán, họ bèn nhớ lại, hiểu ra tất cả. Họ tin chắc Chúa thật đã sống lại bèn đổi ra vui mừng khôn xiết thay cho buồn thảm, hi vọng thay cho tuyệt vọng, bình an thay cho bối rối… Giống như hai môn đồ trên đường về làng Em ma út, họ buồn bực thất vọng về sự kiện Chúa chết cho đến khi được Chúa mở mắt, họ mới thật sự được vui mừng.
               Cơ đốc nhân ngày nay giống tâm trạng các bà ngày xưa, cũng như hai môn đồ kia, nếu chỉ tập chú vào ý tưởng chết chóc, những giới hạn hay khó khăn xảy đến thì tầm nhìn của chúng ta sẽ bị hạn chế, quên mất những gì Chúa từng dạy dỗ. Một người như thế sẽ dễ dàng thất bại trong đời sống.  Nhưng, kinh nghiệm Chúa phục sinh vinh hiển trong đời sống của chúng ta đồng nghĩa với việc chúng ta được Chúa mở mắt để hiểu thấu lời dạy dỗ của Ngài trong Kinh thánh, hiểu biết đường lối và ý muốn Chúa nên không còn phàn nàn oán trách Chúa khi hoạn nạn và nghịch cảnh xảy đến nữa mà biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch cũng an tâm vì Chúa đang ở với mình ( II Cô 4:16-18). Vinh hiển Chúa phục sinh giúp cho chúng ta luôn nhớ đến lời Chúa, được nuôi mình bởi lời Ngài, được kinh nghiệm quyền phép Chúa và với những  khám phá mới mẻ, sinh đông trong từng ngày theo Chúa.
 

              IV. CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI LÀ ĐỘNG CƠ RAO TRUYỀN TIN LÀNH (c.9-12)
            Sự vui mừng tràn ngập tâm hồn khiến những người phụ nữ không thể chậm trễ mà tức tốc trở về làng báo tin mừng Chúa đã phục sinh cho các sứ đồ và những người họgặp, bất luận người đó là ai thì  cũng được chia sẻ tin vui nầy. Đứng trước một tin lạ lùng như thế, các sứ đồ không thể tin nỗi, cho đến khi họ chạy đến mồ, chứng kiến việc đã xảy ra thì mới có thể tin được điều các bà đã trình báo. Chúa phục sinh vinh hiển đã trở nên niềm vui mừng và kiêu hãnh của các sứ đồ và môn đồ, nó trở thành nguồn cổ vũ để họ có thể bước ra từ chổ nhút nhát trở nên dạn dĩ, từ chổ vô tín trở nên tin cậy, để rao giảng về quyền phép Chúa phục sinh một cách mạnh mẽ cho mọi người dù phải trả với bất cứ giá nào( Công 4:10, 33; 5:30; 26:23; I Cô 15:12).
            Các tôn giáo đời nầy dù giáo chủ của họ đã chết nhưng những tín đồ của họ vẫn rao giảng giáo lý để phát triển đạo giáo của mình. Còn chúng ta, đang thờ phượng một Đấng Sống lại rao giảng một cách yếu ớt hơn sao? Nếu đã kinh nghiệm quyền năng Chúa phục sinh, kinh nghiệm sự vui mừng ngập tràn thì mỗi chúng ta hãy noi gương những người phụ nữ và hai môn đồ trên đường Em ma út, tích cực rao giảng Chúa Phục sinh và tình yêu của Ngài cho đồng bào, cho tha nhân. Đó mới chính là đáp ứng tích cực nhất, ý nghĩa nhất cho mùa phục sinh năm nay. Chúa phục sinh trở nên động cơ rao giảng Tin lành của chúng ta.
 

              KẾT LUẬN:
              Hòn đá ngăn trở đã bị dời đi, sự sống của Đức Chúa Giê xu Christ đánh bại sự chết, ánh sáng phục sinh soi rọi vào trong tâm trí và tấm lòng, khai mở cho chúng ta hiểu biết Lời của Sự Sống, để rao truyền quyền năng Chúa sống lại cho một thế giới hư mất, đó chính là những chứng tích vinh hiển từ Chúa phục sinh đem lại.
              Kỷ niệm Chúa phục sinh lần nầy không phải chỉ là ôn lại một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ xa xưa mà quyền năng Chúa phục sinh hành động trong mỗi tấm lòng của chúng ta để kinh nghiệm một cách chắc chắn rằng Chúa thật đã sống lại để sống mạnh mẽ, vui mừng, bình an và đắc thắng cho Chúa  cùng tích cực rao giảng Chúa Sống, đem lại sự sống cứu rỗi cho tha nhân (Rô 6:4-11). A men!

 
MsNc.Đinh Thuận
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn