06:51 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 4001

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270041

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999448

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Sự Vận Hành Của Cơ Thể

Thứ ba - 20/06/2017 21:08
Sự Vận Hành Của Cơ Thể

Sự Vận Hành Của Cơ Thể

Có bao giờ quý vị tìm hiểu thân thể con người vận hành thế nào không? Cơ thể con người chẳng khác nào nhà máy hoạt động thật nhịp nhàng với nhau, là một khối thống nhất.



                Có bao giờ quý vị tìm hiểu thân thể con người vận hành thế nào không? Cơ thể con người chẳng khác nào nhà máy hoạt động thật nhịp nhàng với nhau, là một khối thống nhất. Sự hoạt động của hệ điều hành bao gồm nhiều cơ quan trong cơ thể làm việc nhịp nhàng, thống nhất với nhau. Chẳng hạn mỗi bước đi của chúng ta cần đến 200 cơ bắp khác nhau. Khi ta chạy, hệ thống vận động làm việc với cường độ cao. Lúc đó, các hệ thống khác cũng tăng cường hoạt động, quả tim phải đập nhanh hơn, mạnh hơn, mạch máu của hệ tuần hoàn phải giãn ra, hệ thống hô hấp phải làm việc nhiều hơn, làm ta thở nhanh và sâu hơn, hệ thống bài tiết của ta cũng phải tăng tốc làm việc để tiết ra mồ hôi... Những sự vận hành đó chứng tỏ các hệ cơ quan trong cơ thể chúng ta phối hợp hoạt động thật nhịp nhàng, và bảo đảm tính thống nhất. Sự thống nhất ấy có được là nhờ hệ thần kinh và nhờ dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn mang theo các hooc-môn do các tuyến nội tiết tiết ra.

                Chằng hạn như bao tử hay dạ dày làm việc rất hiệu quả. Chúng ta chỉ mất có 7 giây để có thể đưa thức ăn đi từ miệng xuống bao tử. Cứ 3 đến 4 ngày, cơ thể của chúng ta lại có một lớp lót dạ dày mới. Nếu quá trình này không diễn ra thì những axit mạnh trong dạ dày có nhiệm vụ để tiêu hóa thức ăn cũng sẽ tiêu hóa luôn dạ dày của ta nữa. Axit trong dạ dày của chúng ta còn có sức mạnh để có thể làm “phân hủy” thức ăn. Công việc của nó hiểu quả chẳng khác nào như chiếc dao cạo.

                Mỗi giờ cơ thể ta thay 600.000 mảng da nhỏ mới. Mỗi năm số da mới thay thế cho số da cũ khoảng 681g. Nếu một người sống đến 70 tuổi thì người ấy được thay gần 48 kg da!

                Số lượng xương của người lớn ít hơn số lượng xương của trẻ con bởi vì khi mới được sinh ra, chúng ta được Đấng Tạo Hóa phú cho 350 mảnh xương nhưng khi đến lúc ta trưởng thành thì chỉ còn lại 206 mảnh xương. Lý do là các khúc xương trong cơ thể ta nối lại với nhau từ lúc ta còn bé đến khi trưởng thành.

                Khi tìm hiểu ruột non ta cũng thấy được bàn tay sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Ruột non có chiều dài gấp bốn lần chiều cao của một người trưởng thành. Nếu ruột non ta không được quấn lại mà kèo dài ra hết cỡ, nó sẽ dài từ 5.5 thước đến 7 thước. Sự sắp xếp thật gọn gàng trong bụng cũng là công trình kỳ diệu, nếu không ruột non sẽ trở thành một khối hỗn độn.

                Ruột già hay đại tràng là phần áp cuối trong hệ tiêu hóa, chặng cuối cùng của ống tiêu hóa là hậu môn. Chức năng của ruột già là nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu từ ruột non. Ruột già hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn và cùng với sự phân hủy cùng các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân, khi đủ số lượng chất thải thì ruột già sẽ co bóp và đẩy phân qua trực tràng đến hậu môn. Trung bình chiều dài của ruột già khoảng 1.5 thước.

                Nếu chỉ nói đến ruột non, ruột già mà không nhắc đến ruột thừa thì là cả một sự thiếu sót. Mặc dầu gọi là ruột thừa, nhưng thực chất bộ phận này lại không hề “thừa” chút nào. Đấng Tạo Hóa đã để một chiếc túi nhỏ dính vào ruột già mà chúng ta gọi là ruột thừa. Thật ra thành ruột thừa chứa mô bạch huyết và dự phần tạo ra kháng thể cho hệ miễn dịch. Ruột thừa chẳng khác gì một ngôi nhà an toàn cho những vi khuẩn có lợi sinh sống trong ruột của con người. Các vi khuẩn tốt chẳng khác vì một đội chuyên gia hỗ trợ tiêu hóa, giúp con người vượt qua bệnh tiêu chảy, đưa những phần thừa ra khỏi cơ thể và thúc đẩy quá trình hồi phục cho ruột. Tuy vậy, nếu ai đó bị cắt bỏ phần ruột thừa đi cũng không khỏi bận tâm vì Đấng Tạo Hóa còn trang bị nhiều bộ phận khác trong cơ thể như: lá lách, a-mi-đan, hạch bạch huyết v.v… có nhiệm vụ tương tự như ruột thừa.

                Khi tìm hiểu hệ thống tuần hoàn chúng ta không khỏi kinh ngạc, vì hệ thống mạch máu của cơ thể con người dài tới 200.000 km. Vì thế máu có một hành trình di chuyển rất dài qua các mạch máu trong cơ thể con người.

                Quý vị có biết trên đầu chúng ta có từ 1 đến 3 triệu sợi tóc? Màu sắc của tóc quyết định độ dày của tóc. Thông thường một người có khoảng 100.000 nang tóc, mỗi cái nang tóc có thể sản sinh 20 sợi tóc trong suốt cả một đời người. Những người tóc vàng có tới 146.000 nang tóc trong khi những người tóc đen, nâu chỉ có khoảng 100.000. Còn những người tóc đỏ thường có mái tóc mỏng nhất với khoảng 86.000 nang.

                Mũi của chúng ta có khả năng ghi nhớ khoảng 50.000 mùi hương khác nhau. Trong khi đôi mắt con người là loài động vật duy nhất trên hành tinh có tròng trắng trong mắt. Chính yếu tố nầy cho ta thấy con người được Đấng Tạo Hóa quan tâm hơn hết, thông minh hơn tất cả loài vật là một tạo vật duy nhất có linh hồn.

                Sau cùng chúng ta tìm hiểu não bộ của con người. 80% não bộ là nước. Thật khó cho chúng ta tin rằng dầu não là một phần quan trọng nhất của cơ thể chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng lại được hình thành chủ yếu là từ nước. Nhưng đó là sự thật. Đây là một trong những lý do tại sao việc uống nước và giữ nước cho cơ thể lại rất quan trọng. Bộ não không thể hoạt động ở hiệu suất tối ưu khi cơ thể của chúng ta thiếu nước.

                Thưa quý vị và các bạn, con người của ta sẽ không sinh động, mạnh khỏe và tăng trưởng nếu những cơ quan trong từng hệ thống cơ quan của thân thể ta hoạt động thật hài hòa và thống nhất với nhau. Trong một đất nước cũng thế, nếu mọi người không tích cực làm việc thì nước đó sẽ bị tụt hậu, bị loạn lạc và bị kẻ thù xâm lấn.

                Thánh Kinh dạy mỗi chúng ta phải siêng năng làm việc, nhiệt tâm phục vụ, nhất là những người thuộc về Chúa Cứu Thế Jesus, có bổn phận phục vụ người khác, phục vụ người trong gia đình và phục vụ người ngoài cộng đồng. Chính Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng đã từ trời giáng trần để giải cứu loài người ra khỏi tội, Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ, Chúa phục vụ với cả tình yêu và sự cảm thông. Thánh Kinh ký thuật lại lời phán của Chúa: "Các con nên theo gương Ta, vì Ta đến trần gian không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người.”

                Chúa Cứu Thế Jesus không chỉ nói, Ngài còn làm. Ngài đến trần thế nầy không phải để loài người phục vụ mình nhưng chính Ngài phục vụ loài người và hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhiều người. Ngài đã trở thành tấm gương sáng cho loài người chúng ta. Khi tìm hiểu về cuộc đời Chúa, chúng ta khám phá những điểm nổi bật trong đời sống Ngài:

  1. Con người khinh khi, xa lánh người bị bịnh cùi, nhưng Chúa không những là không sợ khi tiếp xúc với người cùi mà còn chữa lành cho họ.
  2. Con người đứng lặng câm trước cảnh đoàn dân năm ngàn người (không tính đàn bà và trẻ con) sắp xỉu vì đói, còn Chúa đã hóa bánh cho họ ăn no nê.
  3. Không có một giáo sư nào lấy nước rửa sạch những bàn chân dơ bẩn cho học trò mình, nhưng Chúa đã làm điều ấy. Thánh sử ký thuật lại rằng: "Chúa quấn ngang lưng. Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đồ, và dùng khăn quấn lưng lau cho họ… Rửa chân cho môn đệ xong, Chúa mặc áo ngoài, ngồi vào bàn ăn và hỏi: “Các con có hiểu việc Ta vừa làm cho các con không? Các con gọi Ta bằng Thầy bằng Chúa là đúng, vì đó là sự thật. Ta là Thầy là Chúa mà đi rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Ta nêu gương để các con noi theo điều Ta làm. Thật thế, tôi tớ không hơn chủ, sứ giả không hơn người sai phái mình. Đã biết những điều ấy, các con phải thực hành mới được Đức Chúa Trời ban phước." (Giăng 13;5, 12-16)

                Chúa Jesus đến thế gian này như là một tôi tớ. Ngài lớn lên tại một thị trấn hẻo lánh Na-xa-rét, thuộc nước Do Thái. Lẽ ra Chúa giáng trần trong hoàng cung để làm vua, nhưng Chúa trở nên một người tầm thường như là tôi tớ, một người thuộc giới lao động.

                Có người thuật lại một trải nghiệm gặp Chúa. Trước đó khi nghe câu chuyện Giáng Sinh, ông không chút nào cảm động trước sự kiện Chúa Cứu Thế Jesus trở thành con người, cho đến một ngày kia khi gia đình ông di chuyển đến chỗ sinh sống mới; thời gian ngắn sau đó ông thấy có một đàn kiến rất dài đi vào nhà bếp. Ông biết rằng đàn kiến này đã đánh hơi được hũ đường trong nhà bếp. Ông vô cùng khó chịu khi trong nhà có nhiều kiến như vậy: “Tôi biết rằng nếu dùng thuốc xịt diệt kiến thì chúng nó sẽ chết ngay lập tức, nhưng tôi thấy tội nghiệp đàn kiến nên không muốn làm như thế. Tôi muốn đem hũ đường ra ngoài sân sau hè nhà và bảo đàn kiến hãy đi ra ngoài đó mà ăn, xin đừng vào nhà này, chúng tôi không thích kiến. Nhưng làm sao tôi có thể nói được điều này cho đàn kiến nghe và hiểu được điều tôi muốn làm. Chỉ có một cách mà đàn kiến có thể hiểu tôi là tôi trở thành con kiến, cùng bò chung đàn với kiến thì chúng mới nghe và hiểu được tôi. Nếu tôi là con người mà trở thành con kiến thì đó mới là sự hạ mình đầy tủi nhục. Nhưng tôi không muốn trở thành con kiến.”

                Thưa quý vị, tôi dùng câu chuyện trên để cho quý vị tưởng tượng được phần nào, nhưng không có gì có thể ví sánh nổi với việc Chúa Giê-xu rời thiên đàng vinh hiển để trở thành con người thấp hèn. Chúa Jesus đã từ bỏ địa vị của Ngài và trở thành con người như chúng ta và nhận cái chết nhục nhã như lời Thánh Kinh chép: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có bản thể làm một giống như Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha." (Phi-líp 2:5-11).

                Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, ân sủng cứu chuộc của Chúa đang dành cho quý vị, thiên đàng của Chúa đang mở ra đợi quý vị. Rất mong quý vị đến với Chúa, tin nhận Chúa, đón nhận ân cứu rỗi của Ngài và mời Ngài ngự đời sống mình ngay giờ nầy.

                Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn