22:10 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 43

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8486

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23017519

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Tấm Lòng Của Mẹ

Thứ tư - 10/05/2017 21:18
Tấm Lòng Của Mẹ

Tấm Lòng Của Mẹ

Cách đây khá lâu tại một đồng ruộng của xứ Tô Cách Lan trong mùa gặt hái, nơi có nhiều phụ nữ gặt lúa. Trong các phụ nữ ấy có một bà mẹ vì không có ai trông chừng con, nên bà mẹ nầy để con trong nôi, đặt trên bờ ruộng để bà vừa làm việc vừa trông chừng con.

                  


                  Cách đây khá lâu tại một đồng ruộng của xứ Tô Cách Lan trong mùa gặt hái, nơi có nhiều phụ nữ gặt lúa. Trong các phụ nữ ấy có một bà mẹ vì không có ai trông chừng con, nên bà mẹ nầy để con trong nôi, đặt trên bờ ruộng để bà vừa làm việc vừa trông chừng con. Nhưng giữa lúc bà và những người khác khác bận rộn làm việc thì chim đại bàng từ trên núi cao sà tới, chụp đứa bé bay thẳng về tổ để làm thức ăn cho các con của nó. Nhiều người đàn ông có mặt tại đó không một phút chần chờ đã nhanh chân trèo chạy đến chân núi, họ cố sức trèo lên để cứu con của người mẹ nầy. Trong đó có một thủy thủ, là người mạnh mẽ và lẹ làng hơn hết! Anh đã dùng hết sức mình trèo lên, vượt qua những bờ đá thằng đứng, sau cùng anh đã lên đến được đỉnh núi. Nhưng anh không tài nào có thể tiến đến gần tổ chim để cứu đứa bé vì sức kháng cự mạnh mẽ của chim đại bàng. Vừa lúc đó Hannah Lamond là mẹ của đứa bé cũng đã vượt qua được những bờ đá lởm chởm, leo lên núi cao vào đã đến nơi. Với tấm lòng yêu thương của người mẹ, bà liều thân chiến đấu với chim đại bàng, lòng quả cảm của bà đã thắng được loài chim nầy, dành lại đứa con sắp làm mồi cho lũ chim. Khi bồng con trở xuống, mọi người đứng chờ bên dưới chào đón bà với đôi mắt kinh ngạc và lòng kính phục. Họ chúc mừng bà! Họ biết rằng dù các bậc nam nhi có mạnh mẽ đến đâu, can đảm cách mấy, nỗ lực như thế nào, nhưng không thắng nổi đại bàng. Trong khi bà chỉ là một người phụ nữ yếu đuối, tầm thường nhưng với quả tim đầy tình yêu đã đánh thắng được loài chim nầy, giành lại đứa con yêu quý của mình.

                  Thánh Kinh cũng ký thuật lại một người mẹ tuyệt vời, với sức mạnh của tình mẫu tử và đức tin không hề chuyển lay đã vượt thắng bao nhiêu trở ngại, cứu được đứa con gái mình. Thánh Kinh cho biết sau khi Chúa Jesus rời xứ Ga-li-lê đến miền Ty-rơ và Si-đôn, có người đàn bà Ca-na-an ở vùng đó đến kêu xin: “Lạy Chúa, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi! Vì con gái tôi bị quỷ ám! Quỷ hành hạ nó kinh khiếp lắm!” Chúa không đáp một lời. Các môn đệ thưa: “Xin Thầy bảo bà ấy đi chỗ khác, vì bà kêu la ồn ào quá!” Chúa quay lại bảo bà: “Ta được sai đến đây để cứu giúp đàn chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên - chứ không phải để lo cho người nước ngoài.” Nhưng bà đến gần Chúa, quỳ lạy cầu khẩn: “Xin Chúa cứu giúp tôi!” Chúa đáp: “Đâu có thể lấy bánh của con cái đem quăng cho chó con ăn!” Bà thưa: “Vâng, đúng thế! Nhưng chó chỉ ăn bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống!” Chúa dạy: “Bà là người có đức tin lớn. Lời cầu xin của bà đã được chấp thuận.” Ngay lúc đó, con gái bà được lành.(Ma-thi-ơ 15:21-28)

                  Qua lời ký thuật của Thánh Kinh, ta thấy có bốn điều nổi bật nơi tấm lòng của người mẹ nầy:

                  1. Người mẹ nầy đã tìm đến đúng người để cứu con gái bà, đó là Đức Chúa Jesus. Người mẹ nầy sau khi biết Chúa đang viếng thăm vùng đất mình, bà đã không bỏ qua cơ hội có một trong đời, đến ngay với Chúa Cứu Thế. Theo sự tuần tự của chương trình của Ngài, Chúa Jesus đến với người Do Thái trước, sau đó Ngài đến với dân tộc khác. Chúa đến với dân Do Thái như là một vị Vua. Khi giao sứ mạng rao truyền ơn cứu rỗi của Ngài cho các môn đệ, Chúa bảo họ chỉ đi đến những thành phố thuộc nước Do Thái, không được vượt qua ranh giới của đất nước nầy. Sau khi đã giảng tin mừng cứu rỗi cho người Do Thái mới giảng cho những dân tộc khác. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt vì nhìn thấy tấm lòng của người mẹ đớn đau, con bà đang bị đọa đày dưới bàn tay quỷ dữ, nên Chúa Jesus đã vượt biên giới để cứu mẹ con bà. Qua hành động nầy ta thấy Chúa yêu thương mọi người, tình yêu của Ngài không chỉ dành riêng cho người Do Thái. Chúa cũng tiếp nhận ngay cả những người ngoại, những người không thuộc dân tộc Do Thái trong đó có quý vị và tôi như lời gọi phát xuất từ tấm lòng của Chúa yêu thương vô biên của Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28)

                  Trở lại câu chuyện của người mẹ nầy, Thánh Kinh cho biết: "Xảy có một người đờn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm." (Ma-thi-ơ 15:22)

                  2. Người mẹ nầy đã vượt qua cuộc trắc nghiệm đức tin và sự nhẫn nhục. Thánh Kinh ký thuật lại thái độ của Chúa và đức tin không lay chuyển của bà mẹ nầy. Lúc đầu dầu bà cố kêu xin Chúa, nhưng Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng: Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta. (Ma-thi-ơ 15:23) Người mẹ nầy đã không ngã lòng, không bỏ cuộc trước sự yên lặng, lạnh lùng của Chúa khi bà cố sức kêu la, tha thiết xin Chúa dủ lòng thương xót. Sự yên lặng của Chúa, sư kêu la ồn ào của người mẹ nầy đã làm cho các môn đệ Chúa phải bối rối và ngượng ngùng, họ xin Chúa bảo bà ta đi chỗ khác. Sau thời gian yên lặng, Chúa Jesus quay lại bảo bà: “Ta được sai đến đây để cứu giúp đàn chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên - chứ không phải để lo cho người ngoại quốc.” (Ma-thi-ơ 15:24)

                  Qua lời phán nầy, bài thi trắc nghiệm của Chúa càng khó hơn! Nhưng người mẹ nầy với niềm tin thật mạnh mẽ vào nơi Chúa, bà cũng đã giải được bài thi thật khó nầy! Bởi vì khi nghe qua lời phán nầy, thoạt đầu bà thấy có vẻ hơi gay gắt, nhưng bà biết đó là một câu bày tỏ chân lý. Vì nếu không phải là Đấng Cứu Thế thì không ai có thể tuyên bố những lời lẽ ấy. Chúa Jesus đã nói về chính Ngài như để ứng nghiệm tất cả những lời tiên tri đã nói về sự giáng thế của Vua Trời qua dòng dõi Đa-vít. Ngài muốn người mẹ nầy nhận biết điều đó. Chúa đã đến trần gian nầy như một vị Vua của dân Do-Thái. Thánh sử trước đó đã ghi lại lời danh hiệu của Chúa trong lời khẩn xin của bà, đồng thời cho biết lòng nhẫn nhục của bà: “Lạy Chúa, con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Vì con gái tôi bị quỷ ám! Quỷ hành hạ nó kinh khiếp lắm!” (Ma-thi-ơ 15:22) Và trước sự chối từ của Chúa bà lại tiến gần Chúa hơn: quỳ lạy cầu khẩn: “Xin Chúa cứu giúp tôi!” (Ma-thi-ơ 15:25)

                  Qua hành động phủ phục nầy, ta thấy dẫu bà biết rõ thân phận của mình của là người ngoại quốc không được đặc ân như người Do Thái, được kêu cầu Chúa là Đấng từ trời giáng hạ qua hoàng tộc David. Nhưng điều bà có thể làm là quỳ dưới chân Chúa Jesus và thờ phượng Ngài, bà gọi Chúa Jesus là Chúa, xem mình là tôi đòi của Ngài, nài xin Chúa giải cứu con gái mình. Tâm tình của bà giống như tâm tình của một nhân vật trong Thánh Kinh đã hướng lòng về Chúa: Con ngước mắt lên hướng cùng Chúa, Đấng ngự trị trên trời cao. Như mắt kẻ tôi tớ trông chờ tay chủ mình, mắt con đòi trông chờ tay bà chủ mình thể nào, thì mắt chúng con ngưỡng vọng Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời chúng con thể ấy, cho đến chừng nào Ngài thương xót chúng con. (Thi Thiên 123:1-2)

                  3. Cao điểm của đức tin của người mẹ nầy là không hề lý luận với Chúa mà chấp nhận những gì Chúa phán: "Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn." (Ma-thi-ơ 15:26) Đây là một lời lẽ rất nặng nề! Đối với sự từ khước như thế, nếu là người không có đức tin vào nơi Chúa, không đủ tình thương đối với con như tình thương ngập tràn của bà dành cho đứa con gái đáng thương thì người ấy đã bỏ đi rồi! Rất có thể khi người ấy vừa quay gót vừa lên tiếng: “Ngài không thể nói với tôi với lời lẽ nặng nề như vậy!” Nhưng bà nầy thì khác, Thánh Kinh cho biết: "Người đờn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống." (Ma-thi-ơ 15:27)

                  Thưa quý vị,

                  Chưa có dân tộc nào có lòng kỳ thị bằng dân tộc Do Thái. Người Do Thái đã dùng từ ‘chó’ để ám chỉ dân tộc ngoại bang. Tôi tin rằng người đàn bà nầy không phải là kẻ ngu dại để dân Do Thái hạ thấp nhân phẩm mình, nhưng bà biết rõ Chúa Jesus, Đấng mà bà cầu xin. Hơn nữa Chúa không dùng từ chó để ám chỉ người ngoại bang như người Do Thái, mà Ngài dùng từ ‘chó con’ loài vật được chủ yêu thương nuôi trong nhà. Đồng thời bà ta cũng biết rằng: Muốn được con mình khỏi bệnh mình phải kiên trì, đặt hết đức tin mình vào Chúa.

                  4. Bài học sau cùng nơi người mẹ nầy là phần thưởng của Chúa dành cho người có đức tin kiên cường như bà: "Ngài bèn phán rằng: Này bà, bà có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý bà muốn! Ngay lúc đó, con gái bà được lành." (Ma-thi-ơ 15:28)

                  Thưa quý vị,

                  Trước khi đến với Chúa, tâm tư của bà buồn thảm, trĩu nặng vì đứa con gái bà bị quỷ dữ hành hạ, xích xiềng. Ngay cuộc sống của bà cũng tối đen, vô vọng. Nhưng sau khi đối diện với Chúa Cứu Thế, qua lời phán của Ngài, bà thật sự được Ngài thay đổi, chẳng những con gái bà được chữa lành mà chính bà cũng được ơn cứu rỗi của Chúa và lời khen của Chúa. Thánh Kinh cho biết: "Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài." (Hê-bơ-rơ 11:6) Người mẹ nầy đã làm vui lòng Đức Chúa Trời qua đức tin của bà.

                  Nếu quý vị không đến với Chúa, đi theo đường lối của Ngài và tin nhận Ngài, quý vị không thể làm vui lòng Ngài, được Ngài tha thứ mọi tội lỗi và cất đi mọi gánh nặng, nhậm lời khẩn nguyện, cầu xin của quý vị. Thánh Kinh cho biết Chúa Jesus đang ngồi trên ngai trời chờ đợi quý vị đặt lòng tin vào Chúa.

                  Thưa quý vị,

                  Cách đây khá lâu tại Long Biên nước ta, đang khi mọi người nô nức đón Xuân sang thì cháu ngoại của bà kia chết. Cả nhà lo chuẩn bị mai táng. Nhưng bà ngoại nầy quyết định không rời đứa cháu. Bà ẵm trên tay nói rằng cháu không thể chết được, bà thương cháu quá bà không thể xa cháu. Bà khóc than, khẩn cầu từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Mặc cho ai nài nỉ bảo bà buông ra để tống táng đứa bé. Chính tấm lòng yêu thương vô bờ bến của bà ngoại nầy đã làm động lòng Trời. Sau sáu tiếng đồng hồ bồng ẵm trên tay, Đức Chúa Trời đã cho đứa bé sống lại. Ngày nay đứa bé ấy đã trở thành người giảng Tin Lành.

                  Thưa quý vị, Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng người mẹ tình yêu và đức hy sinh. Nhân ngày nhớ ơn mẹ chúng tôi cầu chúc cho những người mẹ được sống yên vui bên cạnh chồng con mình. Nhân dịp nầy tôi cũng cầu xin Chúa ban cho những bà mẹ chắng những yêu con bằng tình yêu vô điều kiện mà cũng đặt đức tin vào nơi Chúa. Vì chính Chúa là Đấng ban sự sống, khôn ngoan và thịnh vượng cho con minh, nhất là sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài.

                  Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị. Nước thiên đàng của Ngài đang mở ra cho quý vị. Rất mong trong giờ nầy quý vị đến với Chúa với đức tin như người mẹ nầy. Xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm của mình, tiếp nhận mình vào gia đình của Ngài.

                  Riêng đối với những người mẹ, ngoài việc cá nhân đến với Chúa cũng phải hướng dẫn con cháu tìm đến Chúa, đặt đức tin mình vào Chúa và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.

                  Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn