11:16 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 17


Hôm nayHôm nay : 4974

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271014

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000421

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Tạ Ơn Chúa Trời

Thứ ba - 20/11/2018 19:37
Tạ Ơn Chúa Trời

Tạ Ơn Chúa Trời

Năm 1608 những người Âu Châu đã quyết bỏ xứ ra đi, chọn đời sống tha hương hơn là ở lại để bị bách hại vì niềm tin của mình. Thoạt đầu họ trốn đến xứ Hòa Lan nhưng vì không biết tiếng Hòa Lan, nên bị những người chủ Hòa Lan trả lương thật thấp, họ phải ra sức làm việc trong các hãng dệt vải, làm kim khí.

                    

                    Năm 1608 những người Âu Châu đã quyết bỏ xứ ra đi, chọn đời sống tha hương hơn là ở lại để bị bách hại vì niềm tin của mình. Thoạt đầu họ trốn đến xứ Hòa Lan nhưng vì không biết tiếng Hòa Lan, nên bị những người chủ Hòa Lan trả lương thật thấp, họ phải ra sức làm việc trong các hãng dệt vải, làm kim khí. Số người khác làm việc trong ngành thuộc da là những nghề dân bản xứ không thích, nhờ vậy họ dễ dàng kiếm được việc làm. Nhưng việc làm của họ chỉ là tạm thời, vì mục đích chính của họ là rời khỏi Âu Châu. Sau khi sống 12 năm tại Hòa Lan, thời cơ đến, và họ bắt đầu một cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương đến Mỹ Châu.

                    Thoạt đầu họ chọn xứ Guiana, Nam Mỹ để định cư, nhưng sau đó họ di chuyển bằng thuyền đến sống tại vùng đất Virginia, Bắc Mỹ là nơi trù phú hơn. Năm 1620 thuyền họ cặp bến Plymouth Rock bây giờ là Massachusetts, Hoa Kỳ. Có tổng cộng 102 người cùng với 48 thủy thủ đã đến Province Town Harbor thuộc bang Massachusetts ngày nay.

                    Theo lời ghi trong quyển nhật ký của ông W. Bradford, khi đặt chân trên đến bến bờ tự do, họ đã quỳ xuống tạ ơn Đức Chúa Trời đã giúp họ vượt biển an toàn. Chiếc thuyền của họ không có máy sưởi nóng trong cái giá lạnh của biển cả, không có hệ thống chứa nước để có thể cung cấp đầy đủ nước cho mọi người trên thuyền. Sườn tàu bị nứt khi con thuyền của họ đi được nửa chặng đường. Họ phải chịu nhiều cơn bão dữ dội trên biển khiến con thuyền không thể nào giương buồm được, bị trôi dạt nhiều ngày bị lênh đênh trên mặt biển.

                    Sau khi cặp bến bờ một thời gian ngắn, một cơn dịch bộc phát, làm cho hơn phân nửa người trên con thuyền bị chết. Số hạt giống mang theo từ Âu Châu khi gieo trên vùng đất lạ đã không sanh bông trái theo ý muốn của họ, khiến họ bị thất mùa sau một năm trồng trọt. Tuy vậy họ không bỏ cuộc, hay có lời nào oán than, mà tiếp tục kiên trì, nhất quyết là không hồi hương, trở lại nơi họ đã bị áp bức, cấm đoán không được tôn thờ Chúa Thế Jesus, Cứu Chúa của họ. Họ tin tưởng mãnh liệt rằng khi Chúa mang họ đến đây thì Ngài cũng sẽ ban cho họ mọi điều tốt đẹp nhất để họ được an cư lạc nghiệp.

                    Năm 1622, họ tiếp tục gặp khó khăn, bị cơn hạn hán hoành hành. Lần nầy họ quyết định nhờ cậy Chúa bằng cách thành tâm, không ăn, không uống gì cả, chỉ thiết tha cầu nguyện, dâng lên cho Chúa nan đề của mình. Chúa thấy được tấm lòng và đức tin họ, Ngài nhậm lời nguyện và cho họ được trúng mùa. Từ đó hàng năm họ cử hành Lễ Tạ Ơn rất trọng thể. Buổi Lễ Tạ Ơn trên nước Mỹ đầu tiên được ông Bradford tổ chức vào ngày 29 tháng 11 năm 1623.

                    Thưa quý vị những di dân đến nước Mỹ đầu tiên là những người thật kiên trì. Họ đã có những ước mơ và những ước mơ đó đã trở thành sự thật khi họ đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời, họ đã thiết tha dâng lên Chúa cầu nguyện và đã hành động theo đức tin mình.

                    Quý vị có ước mơ nào? Hãy đặt lòng tin vào Đức Chúa Trời là chủ tể của vũ trụ, Ngài là Đấng toàn năng, hãy đặt lòng tin vào Chúa Cứu Thế Jesus là Đức Chúa Trời đã giáng trần vào hai ngàn năm trước, Ngài đã đến để tìm quý vị và giải cứu quý vị khỏi mọi tội lỗi và sự chết.

                    Ba ngàn bốn trăm năm trước, khi người Do Thái rời Ai-cập, và sắp đặt chân đến vùng Đất Hứa là nước Do Thái ngày nay, lãnh tụ của họ là Môi-se đã căn dặn họ rằng: "Khi đã vào sống trong đất hứa rồi, đồng bào sẽ chọn một số hoa quả đầu mùa, bỏ vào giỏ, đem lên nơi Chúa sẽ chọn làm Đền Thờ, trao cho thầy tế lễ đang thi hành nhiệm vụ tại đó, và nói: "Hôm nay con xin phép được thưa trình với Chúa, Đấng đã đem con vào đất này như Ngài đã hứa với các tổ tiên." Thầy tế lễ sẽ lấy giỏ hoa quả để trước bàn thờ Chúa. Người đứng dâng lễ vật sẽ thưa với Chúa: "Tổ tiên con là một người A-ram du mục. Người xuống Ai Cập với một gia đình vỏn vẹn có mấy người, nhưng về sau họ trở thành một dân tộc mạnh mẽ đông đúc. Người Ai Cập ngược đãi chúng con, bắt chúng con làm nô lệ cực nhọc. Chúng con kêu thấu Chúa, Đức Chúa Trời của tổ tiên, và Ngài nghe tiếng kêu than, nhìn thấy cảnh khổ đau, cực nhọc, áp bức chúng con phải chịu. Với cánh tay đầy quyền năng, với nhiều phép lạ, Ngài đem chúng con ra khỏi Ai Cập. Ngài dắt chúng con vào đây, cho chúng tôi đất phì nhiêu này. Chúa ôi, giờ đây con kính dâng lên Ngài các hoa quả đầu tiên của đất đai Ngài cho con." Xong, người này đặt hoa quả trước mặt Chúa và thờ lạy Ngài. Sau đó, gia đình người này sẽ cùng với người Lê-vi và ngoại kiều trong thành ăn mừng, vì Chúa đã ban phước lành cho mình." (Phục Truyền 26:1-12)

                    Đối với người Do Thái lúc ấy, thời điểm đó chính là thời gian của Sự Tạ Ơn thật sự và đúng nghĩa. Vì Đức Chúa Trời đã rút họ ra khỏi nước Ai-cập, nơi họ phải làm lao nô cho dân bản xứ. Thánh Sử ký thuật lại rằng: "Lúc đó, Ai-cập có một vua mới. Vua này không biết gì về Giô-sép cả. Vua bảo dân: "Người Y-sơ-ra-ên có thể còn đông và mạnh hơn dân ta nữa. Nếu ta không khôn khéo đối phó và chận đứng việc tăng gia dân số của họ, một mai chiến tranh bùng nổ, họ sẽ theo địch chống ta rồi kéo nhau đi hết." Vậy, người Ai-cập đặt ra cấp cai dịch để đốc thúc việc sưu dịch, bắt người Y-sơ-ra-ên làm việc nặng nhọc, xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho của Pha-ra-ôn vua Ai-cập. Nhưng càng bị hành hạ, họ càng sinh sôi nảy nở. Người Ai-cập lo hoảng, bắt họ làm việc càng thêm nhọc nhằn, làm cho đời họ đắng cay. Trong công việc nhồi đất, nung gạch và mọi việc đồng áng, họ bị đối xử cách cay nghiệt, bạo tàn." (Xuất Ê-díp-tô ký 1:8-14)

                    Dân Y-sơ-ra-ên kêu ca ta oán vì cuộc đời nô lệ cực nhục, và khóc than với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu cứu của họ, nhớ lại lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái xem và thấu triệt hoàn cảnh của con cháu Y-sơ-ra-ên. (Xuất Ê-díp-tô ký 2:24-25)

                    Thật ra không phải chỉ có người Mỹ, hoặc người Do Thái cử hành Lễ Tạ Ơn vào mỗi năm, mà tất cả các nước, tất của mọi người đều phải tổ chức. Và không phải chỉ một ngày trong năm mà là mỗi ngày, mỗi giây phút trong đời sống mình. Thật tuyệt vời thay khi chúng ta chân thành dâng lên cho Chúa cả tấm lòng tri ơn, kèm theo tiếng ca ngợi và cảm tạ bằng môi miệng mình, bằng đời sống mình. Có một bài thơ tiếng Anh chuyển sang Việt ngữ:

                    Trên chuyến xe buýt, chợt thấy một thiếu nữ, 
                    Có mái tóc thật đẹp óng ánh vàng 
                    Nàng có nụ cười thật trong trẻo và thật xinh tươi 
                    Tôi ao ước được bằng một nửa của nàng 
                    Tôi muốn có mái tóc bằng một nửa óng ánh vàng 
                    Tôi ao ước được tươi trẻ bằng một nửa của nàng 
                    Rồi xe dừng lại, nàng đứng lên rời khỏi xe 
                    Nàng bước thật chậm vào nhà thờ 
                    Tôi thấy nàng chỉ có một chân. 
                    Nàng bước xuống đường bằng một chân giả, 
                    Nàng nhìn tôi, nàng mĩm cười 
                    Chúa ôi! Tha lỗi cho con 
                    Con đã so sánh than van 
                    Tha lỗi cho con vì con vắng nhà Thờ, 
                    Không đến thờ phượng Chúa. 
                    Cảm tạ Chúa con có được hai chân

                    Thưa quý vị! Người biết ơn được Đức Chúa Trời ban phước, được con người quý trọng. Trái lại người vô ơn bị Đức Chúa Trời lên án, bị loài người rẻ khinh. Nhà lãnh tụ dân Do Thái, một mặt khuyên dân sự mình biết ơn Đức Chúa Trời, một mặt cảnh cáo những kẻ vô ơn.

                    Trong lời hiệu triệu trước toàn dân Môi se khuyến cáo họ rằng: Vậy, phải nhận thức điều này: Chúa dạy dỗ đồng bào như cha dạy con, để đồng bào thuận phục pháp luật của Ngài, đi theo đường Ngài và kính sợ Ngài. Vì Chúa Hằng Hữu đang dẫn đồng bào vào một vùng đất tốt tươi, với những suối nước, nguồn sông tuôn chảy trên các đồi, các thung lũng. Đất mọc đầy lúa mì, lúa mạch, nho, vả, thạch lựu, ô-liu. Đất sản xuất mật ong, thực phẩm dư dật, người người ăn uống no nê, không thiếu thốn gì cả. Đất chứa đầy quặng sắt, và mỏ đồng tìm thấy trên các vùng đồi. Đồng bào sẽ ăn no nê và chúc tụng Chúa, vì Ngài cho mình vùng đất tốt lành. Nhưng phải luôn luôn thận trọng, đừng quên Chúa, đừng bất tuân luật pháp Ngài. Đừng để khi ăn uống no đầy, nhà cao cửa rộng, gia súc đầy đàn, vàng bạc, tài sản gia tăng, đồng bào sinh kiêu căng, quên Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình, Đấng đã giải thoát đồng bào ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đừng quên Chúa, Đấng đã dẫn đồng bào đi xuyên sa mạc kinh khiếp, mênh mông, đầy rắn rết. Khi không nước uống, Ngài đã cho đồng bào nước chảy ra từ vầng đá, Ngài cho ma-na làm lương thực, thứ lương thực trước kia chưa ai biết đến. Ngài muốn dạy dỗ, thử thách đồng bào, trước khi cho hưởng điều tốt lành. Vậy,phải coi chừng, đừng thầm nghĩ: "Nhờ trí khôn và sức mạnh của ta, ta đã tạo dựng cơ nghiệp này." Nhưng phải tưởng nhớ Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình, Đấng đã cho đồng bào trí khôn, sức mạnh để tạo dựng cơ đồ. (Ngài làm điều này để thực hiện lời hứa với tổ tiên ta.) Tuy nhiên, nếu đồng bào quên Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình, chạy theo thờ cúng các thần khác, tôi xin cảnh cáo rằng đồng bào nhất định sẽ bị diệt vong, cũng như các quốc gia kia bị Ngài tiêu diệt để dành chỗ cho đồng bào, vì đồng bào không vâng lời Chúa. (Phục Truyền 8:5-19)

                    Đức Chúa Trời dùng đầy tớ Ngài là Môi-se nhắc lại cho dân tộc Do Thái lúc bấy giờ về lịch sử của họ. Nhìn lại quá khứ, họ chẳng phải là những người tốt, những người sống đời sống thánh thiện. Thế mà Đức Chúa Trời yêu thương, chu cấp mọi nhu cầu cho họ. Ngài đối đãi nhân từ với họ, giải cứu họ không phải là vì họ tốt. Ngài kêu gọi họ không phải là vì họ là một dân tộc nổi bật, xuất sắc hơn các dân tộc khác. Sự thật là họ không là gì cả! Cũng tương tự như thế, Đức Chúa Trời giải cứu quý vị và tôi khỏi tội lỗi và án phạt của tội vì Ngài yêu chúng ta. Chúa cứu chúng ta không phải vì chúng ta là những người thánh thiện, tài ba. Ngài cứu chúng ta chỉ vì Ngài yêu chúng ta.

                    Lời Thánh Kinh đã khẳng định điều nầy: Thông thường, ít thấy ai chịu chết cho người công chính, hiền lương, nhưng dù sao,nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. (Rô-ma 5:7-8)

                    Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, Ngài đã chết thế tội cho quý vị. Chúa cũng đã sống lại để cứu rỗi quý vị! Cả Thiên Đàng Chúa mở ra đợi quý vị. Rất mong quý vị tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, đồng thời tha thiết xin Chúa giúp mình đừng bao giờ quên ơn Ngài và hết lòng kính yêu thờ phượng Ngài. Rất mong quý vị lúc nào cũng cảm tạ ơn Chúa và tôn thờ Ngài suốt cuộc đời mình. Quý vị sẽ được đặc ân hầu chuyện với Chúa, dâng trình những nhu cầu mình cho Chúa, và được Ngài trả lời, đáp ứng, chu cấp mọi nhu cầu trong đời sống. Rất mong giờ nầy quý vị mời Chúa Cứu Thế Jesus ngự trị tâm hồn.

                    Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: hòa lan

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn