07:31 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 33


Hôm nayHôm nay : 7345

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12420

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23021453

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

World Cup 2018 (Bài 2)

Thứ năm - 28/06/2018 21:05
World Cup 2018 (Bài 2)

World Cup 2018 (Bài 2)

Quý vị có theo dõi những trận banh trong giải túc cầu thế giới đang diễn ra tại Nga trong những ngày vừa qua không? Đây là những tuần lễ mà hàng tỉ người trên thế giới theo dõi các trận banh nầy.



               Quý vị có theo dõi những trận banh trong giải túc cầu thế giới đang diễn ra tại Nga trong những ngày vừa qua không? Đây là những tuần lễ mà hàng tỉ người trên thế giới theo dõi các trận banh nầy. Có thể nói, thể thao đã đem nhiều người lại gần nhau hơn bất cứ một giải pháp chính trị nào. Trong thế chiến thứ hai, có một năm hai phe đã ngưng chiến để đá bóng với nhau rồi sau đó tiếp tục đánh nhau. Thời tổng thống Nixon, môn bóng bàn đã được dùng để đem Trung Quốc và Hoa kỳ xích lại gần nhau. Thể thao đã trở thành chất xúc tác để tạo điều kiện cho hòa bình và thiện chí. Và chúng ta tự hỏi, tại sao con người lại không thể xích lại gần nhau như vậy trong những lĩnh vực khác? Hòa hợp trong tình người cần phải có một điểm chung nào đó. Bóng đá đã đem người ta lại gần nhau vì đây là môn thể thao phổ thông nhất thế giới. Do đó chúng ta thấy con người trên mọi lục địa đã có thể như nói với nhau cùng một ngôn ngữ. Thật ra, nhân loại còn nhiều điểm chung khác nhưng không biết hay đã xao lãng, bỏ qua mà trở nên xa lạ, hận thù. Một trong những điều chung của nhân loại là chúng ta có một người Cha chung. Tất cả chúng ta dù là ai, ở phương trời nào, mang màu da nào cũng đều là con của một người Cha trên trời. Người Cha đó là Thiên Chúa, là Đấng tạo Hóa, là Ông Trời. Một vị giáo sĩ tên là Don Richardson, sau nhiều năm phục vụ trong vùng Irian Jaya, đông bộ Indonesia và sau khi nghiên cứu về văn minh của nhiều bộ lạc cũng như nhiều dân tộc, ông nhận thấy rằng, dù là giống dân nào, bán khai hay văn minh, tất cả đều có ý thức về Đấng Tạo Hóa dưới những hình thức khác nhau, từ việc thờ tự, đến ngôn ngữ hay tập tục. Người Việt chúng ta cũng vậy. Trong ngôn ngữ, chúng ta nhắc đến Ông Trời với ý thức về Đấng Tối Cao đã tạo dựng muôn loài. Trong việc thờ tự, người ta thờ Ông Thiên và các vị vua chúa cũng có những lễ lạc như Tế Nam Giao, bày tỏ lòng biết ơn Trời.

               Ngày xưa, khi rao truyền Phúc Âm cho dân chúng tại Athens, Hi-lạp, sứ đồ Phao-lô cho biết, Chúng ta là dòng giống của Đức Chúa Trời. Điểm chung của nhân loại vì vậy là chúng ta có cùng một nguồn gốc. Tất cả chúng ta đều do Đức Chúa Trời tạo dựng. Nhưng có một điểm chung khác cũng quan trọng không kém, đó là loài người, dù được Đức Chúa Trời tạo dựng, đã không tôn thờ Đức Chúa Trời như điều đáng phải làm. Trái lại, con người đã phản loạn, tôn thờ tạo vật thay cho Tạo Hóa. Điểm chung khác của nhân loại vì vậy là tất cả nhân loại đều có tội. Thánh Kinh dạy, Mọi người đều đã phạm tội. Vì phạm tội, con người phải chịu hình phạt và hình phạt đó là sự chết. Đây là sự chết tâm linh, mô tả tình trạng con người bị phân cách với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là nguồn sống. Bị phân cách với nguồn sống, con người sống trong đau đớn, tuyệt vọng.Chẳng những thế, con người cũng sống trong bóng tối của tội lỗi, bóng tối đó khiến cho con người lầm lạc, suy nghĩ và hành động sai lầm mà vẫn cho là mình đúng.

               Chính trong hoàn cảnh đen tối đó, Chúa Giê-xu đã giáng trần, đem tin vui đến cho nhân loại. Tin vui đó chính là Phúc Âm chúng tôi loan báo hằng tuần cho quý vị trên đài phát thanh nầy. Tin vui đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian cứu vớt người có tội. Người có tội là nhân loại, nói chung và cũng là mỗi chúng ta. Đức Chúa Trời tạo dựng từng người một trên thế giới nầy và Chúa cũng kêu gọi chúng ta từng người một ăn năn trở lại với Chúa. Như người con hoang đàng bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của nhục dục, chúng ta cần ăn năn quay lại để kinh nghiệm tình thương của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không kinh nghiệm được ơn tha thứ của Thiên Chúa cho đến khi chúng ta ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và quay trở lại với Thiên Chúa. Chúng tôi loan báo Phúc Âm hằng tuần nhưng Phúc Âm chỉ là tin vui cho những ai cần đến Phúc Âm. Nếu chúng ta không ý thức về tình trạng tội lỗi của mình thì Phúc Âm không có ý nghĩa gì với chúng ta cả. Và chúng ta chỉ ý thức về tình trạng tội lỗi khi ý thức về chỗ đứng của mình trên cõi đời nầy. Chỗ đứng của chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa. Chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng nên phải tôn thờ Ngài. Thiếu niềm tin và lòng tôn kính Chúa, chúng ta chẳng những mắc tội với Chúa nhưng cũng mất đi ý nghĩa của đời sống. Xa lìa nguồn cội là Thiên Chúa, chúng ta đã thật sự mất đi sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta. Để có lại sự sống đó, sự sống tâm linh, không phải chỉ sự sống thân xác, chúng ta cần trở về với cội nguồn của chúng ta là Đức Chúa Trời. Phương cách để trở về với cội nguồn là qua ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã chịu chết, mang hình phạt thế cho chúng ta để chúng ta được sống.

               Chúng ta đã thấy con người có những điểm chung như sau: Điểm chung thứ nhất, chúng ta đều là con của Đấng Tạo Hóa Chí Cao. Điểm chung thứ hai, chúng ta đều lầm lạc, phạm tội vì xa lìa Thiên Chúa. Và vì vậy, nhân loại cũng có một điểm chung thứ ba, điểm chung đó là, tất cả chúng ta đều cần một vị cứu tinh vô tội để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giê-xu là Đấng vô tội duy nhất, là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, mang thân xác con người nhưng không có tội vì Ngài không sinh ra theo công lệ tự nhiên. Chúa Giê-xu chẳng những vô tội, Chúa cũng đã gánh chịu tội lỗi của nhân loại, chịu chết thế cho nhân loại. Nhưng cái chết đó chỉ có ý nghĩa cho những ai đặt lòng tin nơi Ngài. Như chiếc phao cấp cứu được tung ra, nhưng chỉ người nào nắm lấy phao mới thoát chết thể nào, thì cũng vậy, Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế nhưng chỉ người nào đặt lòng tin nơi Chúa mới kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa và đó chính là điểm chung chúng ta cần có.

               Trong tháng Sáu nầy và những ngày đầu tháng Bảy, hàng tỉ người có một điểm chung để hướng về là giải túc cầu thế giới, nhưng rồi những ngày nầy cũng sẽ qua và nhân loại lại tiếp tục có những ưu tư, phiền muộn, tranh chấp, khó xích lại gần nhau. Chỉ trong hồng ân của Thiên Chúa, khi mọi người đặt lòng tin nơi Chúa, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài, chúng ta mới kinh nghiệm một điểm chung hoàn toàn để cùng làm con một Cha trên trời và yêu thương nhau như anh chị em ruột thịt. Điều nầy đã xảy ra giữa những kẻ thù không đội trời chung, giữa những bộ lạc khát máu và chắc chắn cũng sẽ xảy ra cho bất cứ ai ý thức về những điểm chung của nhân loại và đặt lòng tin trọn vẹn nơi Chúa. Lời Chúa dạy, Ai đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu, Ngài sẽ ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Chúng ta sinh ra là con Thiên Chúa nhưng đã tẻ bước và xa cách Chúa. Chúng ta cần ăn năn quay bước để kinh nghiệm tình thương và sự sống thật Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó chính là Phúc Âm chúng tôi gởi đến quý vị hôm nay. Phúc Âm là tin vui chỉ có giá trị khi chúng ta tiếp nhận. Ước mong quý vị sẽ tiếp nhận tin mừng hôm nay để kinh nghiệm sự sống mới Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta. Đó chính là điểm chung tột đỉnh Thiên Chúa dành cho nhân loại mà mỗi chúng ta là một phần của nhân loại đó!

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn