07:04 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 24

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 23


Hôm nayHôm nay : 1166

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3307

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23012340

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Kết Lá Che Thân

Thứ hai - 20/02/2017 20:04
Kết Lá Che Thân

Kết Lá Che Thân

Kính thưa quý độc giả, Nữ văn sĩ Hoa Kỳ Flannery O’Connor, trong tác phẩm đầu tay của bà mang tên “Wise Blood”, đã dựng nên một nhân vật thật độc đáo, mang tên Hazel Motes.



                  Kính thưa quý độc giả,

                  Nữ văn sĩ Hoa Kỳ Flannery O’Connor, trong tác phẩm đầu tay của bà mang tên “Wise Blood”, đã dựng nên một nhân vật thật độc đáo, mang tên Hazel Motes. Khi chỉ mới là một cậu thiếu niên, ngày kia Hazel có một lần theo cha đến tham dự một cuộc hội hè. Vì tò mò, Hazel đã lẻn vào một khu vực vui chơi chỉ dành cho người lớn và chẳng may cậu chứng kiến một số cảnh không thích hợp với lứa tuổi của cậu. Hazel cảm thấy mặc cảm tội lỗi đè nặng trong tâm hồn và cậu nhất quyết phải làm một điều gì đó về chuyện này.

                  Ngày hôm sau, Hazel lấy ra đôi giày mà cậu ấy đã cất kỹ trong hộp từ bấy lâu nay, rồi đổ vào đôi giầy một mớ sỏi và đá nhọn. Sau đó, Hazel mang giầy vào chân, thắt chặt dây giầy và rồi đi bộ vào sâu trong rừng tới khoảng một dặm, cho đến khi tới một suối nước. Tại đó, Hazel tháo giầy ra, để thả lỏng đôi chân tê buốt trên lớp cát ướt lạnh. Hazel nghĩ rằng mình đã phạm tội và cần phải làm một điều gì đó để làm vừa lòng Thượng Đế. Nhưng hình như chẳng có gì xảy ra cả. Sau khi nghỉ ngơi một hồi lâu, Hazel xỏ chân vào đôi giầy đầy sỏi và đá nhọn bên trong, rồi lê trở lại nhà.

                  Cũng giống như quý vị và tôi, lương tâm của Hazel cáo trách khi cậu ấy vượt quá lằn ranh của lẽ phải. Cậu ấy ra sức thực hiện những điều phù hợp để mong trả lại cho những lỗi lầm mà mình gây ra. Nhưng rốt cuộc lại, dầu đã làm điều này, mà hình như vẫn chưa đủ; dầu ra sức làm điều kia, nhưng sao lương tâm vẫn còn nặng trĩu những mặc cảm không thôi.

                  Cũng giống như nhân vật Hazel, mặc cảm tội lỗi nằm trong gene di truyền tâm linh trong mỗi chúng ta. Không ai mà không mang ít nhiều những mặc cảm tội lỗi. Ai cũng có tiếng nói lương tâm từ bên trong cho biết mình vừa làm điều này không chính đáng, điều kia không công bằng. Và cũng giống như nhân vật Hazel, bản năng của chúng ta cho biết rằng bằng cách này, hay cách nọ, mình phải trả cái giá cho những sai phạm, do những tội lỗi mình gây nên.

                  Chúng ta tin rằng, mình phải làm một điều gì đó để cất đi cái gánh nặng mặc cảm đang đè nặng trong tâm hồn. Chúng ta cũng tin rằng, làm việc lành, thực hiện công đức, tu thân hành xác sẽ bù lại, thậm chí xóa đi được món nợ tội lỗi.

                  Hễ khi nào chúng ta làm nhiều điều lành hơn là làm điều xấu; hễ khi nào cán cân đạo đức nghiêng về bên điều lành, dẫu chỉ chịch qua có một chút xíu thôi, thì điều này cũng bảo đảm là chúng ta có thể về tới được thiên đàng và sẽ được Thượng Đế chấp nhận. Mang sỏi và đá nhọn vào giày, tự hành hạ, tu thân ép xác, và như vậy sẽ làm hài lòng Đấng Tối Cao.

                  Từ lúc nào, con người chúng ta lý luận như vậy? Mặc cảm tội lỗi đến từ đâu? Từ lúc nào, con người ý thức rằng có tội thì phải đền tội?

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Sau khi sáng tạo trời đất và cùng muôn loài, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người. Loài người là loại thọ tạo duy nhất trong tất cả muôn loài, được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của chính Ngài, mang những bản tính cao đẹp của Đấng Tối Cao.

                  Điều này có nghĩa là Thượng Đế ban cho con người ý chí, quyền tự do để lựa chọn và quyết định, sự khôn ngoan, óc sáng tạo và cũng do vậy, loài người được vinh dự trao cho thẩm quyền cai quản muôn loài, như Kinh Thánh có ký thuật: “Thượng Đế phán: 'Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để quản trị các loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các loài gia súc, dã thú và bò sát trên mặt đất'. Vậy Thượng Đế sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Dựa theo hình ảnh Thượng Đế, Ngài dựng nên loài người.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).

                  Bên cạnh thể xác vật lý, con người cũng là một thể tâm linh và là loài thọ tạo duy nhất có thể giao thông với Thượng Đế, như Thánh Kinh có ghi: “Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống”(Sáng Thế Ký 2:7)

                  Sự sáng tạo loài người thật là độc đáo, có một không hai, và môi trường sống mà Thiên Chúa đặt để hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va cũng thật là tuyệt vời, như Kinh Thánh có mô tả: “Thượng Đế Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen, về phương đông, đưa người đến ở. Trong vườn, Thượng Đế trồng các loại cây đẹp đẽ, sinh quả ngon ngọt. Chính giữa vườn là Cây Sự Sống và Cây Lương Tâm (biết phân biệt thiện ác). Một con sông phát nguyên từ Ê-đen tưới khắp vườn, rồi chia ra bốn nhánh. Nhánh thứ nhất, Bi-sông, chảy quanh xứ Ha-vi-la, nơi có vàng ròng, nhũ hương và bích ngọc. Nhánh thứ nhì, Ghi-sông, chảy vòng xứ Cúc. Thi-giang, nhánh thứ ba, chảy sang phía đông xứ A-sy-ri. Nhánh thứ tư là Phát-giang. Thượng Đế Hằng Hữu đưa A-đam vào vườn Ê-đen để trồng trọt và chăm sóc vườn” (Sáng Thế Ký 2:8-15)

                  A-đam và Ê-va được tận hưởng công trình sáng tạo tuyệt vời của Thượng Đế, mọi trái cây ngon ngọt quý hiếm, kể cả trái của Cây Sự Sống ngay giữa khung vườn Ê-đen tuyệt vời. Tuy nhiên, Thượng Đế có căn dặn thật rõ ràng: "Con được tự do ăn mọi thứ cây trái trong vườn, trừ Cây Lương Tâm, vì trái nó mở mắt con, cho con biết điều thiện điều ác. Một khi con ăn, chắc chắn sẽ chết!" (Sáng Thế Ký 2:16-17).

                  Thoạt tiên, chúng ta có cảm tưởng như Thượng Đế có phần khắt khe, cấm đoán. Nhưng thực ra, bên cạnh bản tính công bình với uy quyền tuyệt đối, Thượng Đế thật giàu lòng nhân từ, vì Ngài đã làm mọi sự để giúp cho việc vâng lời của A-đam và Ê-va thật dễ dàng và thoải mái. Ngài đã sáng tạo ra A-đam và Ê-va với bản tính tốt lành, đưa hai người vào một môi trường tuyệt hảo, cung cấp mọi nhu cầu cần thiết, ban cho A-đam và Ê-va ý chí và năng lực, trao cho họ thẩm quyền lớn lao cùng những công việc thật kỳ thú để tận dụng bàn tay và khối óc của mình, cho họ có bầu bạn bên nhau, cũng như chính Ngài làm bầu bạn, gần gũi với cả hai người. Do vậy, nghiêm lệnh mà Thượng Đế ban ra cho A-đam là một cuộc trắc nghiệm đơn giản và công bằng về sự vâng lời và tình yêu, là cách thức để hai con người đầu tiên có dịp thừa nhận Ngài là Đấng Tạo Hóa của họ.

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Tuy vậy, Quỷ vương trong lốt con rắn, đã cố tình lung lạc về tình trạng đầy ân sủng thật tuyệt vời này, khi đánh tiếng với Ê-va rằng: “Có phải Thượng Đế cấm chị không được ăn mọi thứ cây trong vườn không?" (Sáng Thế Ký 3:1).

                  Chính Ê-va cũng khẳng định về sự ban cho rộng rãi của Đấng Tối Cao cùng mệnh lệnh thật rõ ràng của Ngài như sau: "Chúng tôi được ăn các thứ trái cây trong vườn chứ!" người nữ đáp, "Chỉ mỗi một cây trồng giữa vườn, Thượng Đế không cho đụng chạm đến; nếu trái lệnh chúng tôi sẽ chết." (Sáng Thế Ký 3:2-3)

                  Sa-tan tiếp tục lung lạc về chân lý của Thiên Chúa: “Chắc chắn không chết đâu! Thượng Đế biết rõ khi nào ăn, mắt anh chị sẽ mở ra, anh chị sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt thiện ác." (Sáng Thế Ký 3:4-5)

                  Và cuối cùng, hai con người đầu tiên đã bị Quỷ vương cám dỗ để phạm tội với Thiên Chúa, như Kinh Thánh có chép: “Người nữ nhìn trái cây thèm thuồng, thấy vừa ngon, vừa đẹp, lại mở mang trí khôn, liền đưa tay hái ăn, rồi trao cho chồng đứng bên mình. Chồng cũng ăn nữa. Mắt hai người mở ra, biết mình trần truồng, liền kết lá vả che thân. Đến chiều, nghe tiếng Thượng Đế Hằng Hữu đi qua vườn, A-đam và vợ liền ẩn nấp

                  Ngay sau khi A-đam và Ê-va hái trái cấm ăn để mong được khôn ngoan như Đấng Tạo Hóa, “mắt hai người mở ra”, hay họ có khả năng phân biệt điều thiện, điều ác. Cả hai “biết mình trần truồng” hay họ biết mình vừa sa ngã và phạm tội cùng Thiên Chúa. Cả hai bị mặc cảm tội lỗi dày xéo trong tâm hồn, thôi thúc họ phải lấy lá vả để che đậy sự trần truồng, để khỏa lấp sự xấu hổ của họ. Nhưng dầu đã kết lá vả đóng khố che thân, trong tận thâm tâm, A-đam và Ê-va biết rằng lá vả che thân cũng chẳng che dấu được gì sự vi phạm của họ. Do vậy, đến chiều, khi nghe tiếng chân Thiên Chúa đi qua vườn, cả hai đã tìm chỗ kín đáo để ẩn nấp, để tránh mặt Ngài.

                  Quý độc giả thân mến,

                  Kể từ khi A-đam và Ê-va sa ngã, tội lỗi đã tràn vào dòng lịch sử nhân loại, đem đến bao nhiêu hệ quả đau đớn. Chiến tranh, hận thù, oán hờn không nguôi. Thiếu bình an, mang mặc cảm tội lỗi, bị lương tâm dày vò, cắn rứt không bao giờ dứt.

                  Giống như hai con người đầu tiên bị thôi thúc để kết lá vả, làm khố che thân, loài người đã dựng nên không biết bao nhiêu là tôn giáo, bao nhiêu là triết lý, cố công tu hành, tích đức, ép xác, ép thân, để mong che đập hay bù lại những vi phạm của mình.

                  Nhưng cũng giống như A-đam và Ê-va biết rằng lá vả chẳng làm sao che đậy cho hết sự lõa lồ, nên họ đã phải kiếm chỗ kín đáo để trốn tránh Đấng Tạo hóa, thì con người cũng không sao biết được tu hành, làm công đức đến đâu mới che đậy hay xóa bôi được hết những vi phạm của mình với Thiên Chúa.

                  Con người, kể cả những người tu hành, những nhà hiền triết, những bậc chức sắc tôn giáo, ai ai đều cũng lo sợ trước cái chết, ai ai cũng muốn trì hoãn cuộc hẹn với Đấng Tối Cao, vì ai dám khẳng định cái khố lá che thân của mình là trọn lành trước mặt Đấng Tuyệt Đối Công Bình và Thánh Khiết?

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Trở lại với biến cố sa ngã của A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen năm xưa, sau khi gọi cả hai ra khỏi nơi ẩn nấp của họ, Thiên Chúa đã định tội họ thật rõ ràng và công minh. Tuy vậy, Ngài không dừng lại ở việc định tội, nhưng đã làm một việc vô cùng quan trọng, như Kinh Thánh có ghi lại: “Thượng Đế Hằng Hữu lấy da thú làm áo mặc cho A-đam và Ê-va” (Sáng Thế Ký 3:21).

                  Đây là một ân sủng vô cùng lớn lao mà Thượng Đế ban cho A-đam và Ê-va cho dầu cả hai đã phản bội và phạm tội nghịch với Ngài. Trong khi A-đam và Ê-va lấy lá vả kết khố che thân, nhưng vẫn còn lõa lồ hổ thẹn, thì Thiên Chúa đã tự tay ban cho họ chiếc áo da thú để che đậy họ được trọn vẹn trước mặt Ngài. Trong khi A-đam và Ê-va, dầu cố gắng, nhưng vẫn cảm thấy bất lực về trong tội lỗi, thì Thiên Chúa bày tỏ sự cảm thông và tự tay ban cho họ một giải pháp trọn lành. Đây là một hành động đầy cảm thông và thương xót của Đấng Tối Cao bày tỏ đến con người bất toàn và bất lực trước sức mạnh của tội lỗi.

                  Nhưng để có được chiếc áo da thú ban cho A-đam và Ê-va, Thượng Đế đã phải giết một con sinh vật để lấy da. Để che đậy trọn vẹn cho A-đam và Ê-va, Thượng Đế phải hy sinh mạng sống của một con sinh tế. Hành động ban áo da thú của Thượng Đế nói lên chương trình cứu rỗi mà Ngài đã hoạch định ngay sau khi hai con người đầu tiên phạm tội, nhằm cứu chuộc và đem con người trở lại trong mối liên hệ hòa thuận và tốt đẹp với Ngài.

                  Chương trình cứu rỗi đó đã hoàn tất cách đây hơn 2000 năm, khi Thiên Chúa Ngôi Hai tự nguyện giáng trần, sinh ra làm một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống một cuộc đời tràn đầy yêu thương và tốt lành, nhưng bị loài người khinh dễ và ghét bỏ. Chúa Giê-xu đã bị người ta đóng đinh, chết thật đau đớn và nhục nhã trên cây thập tự. Nhưng đây cũng là chương trình cứu rỗi của Thượng Đế, vì khi chết đau thương trên cây thập tự, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã lãnh bản án tội thay cho mọi người, trong đó có quý vị và tôi, hầu cho ai biết mình có tội, tin vào sự chết thế của Con Trời, thì sẽ được Thiên Chúa tha bỗng, được khôi phục lại mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa, và được ban cho sự sống đời đời tràn đầy phước hạnh, như chính Chúa Giê-xu có khẳng định: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).

                  Kính thưa quý độc giả,

                  Trong vườn Ê-đen năm xưa, để A-đam và Ê-va có được chiếc áo da thú lành lặn, thay cho chiếc khố lá hời hợt lõa lồ, một con sinh vật phải bị giết để lấy da. Con sinh vật bị giết này chính là hình ảnh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay còn được gọi là “Chiên Con”, vì Ngài đã phải bị giết để nhờ đó, loài người có được chiếc áo trắng như lông chiên, thánh khiết, trọn vẹn, phủ kín, che đậy vô số những tội lỗi, như Kinh Thánh khẳng định: “Chúa Cứu Thế đã yêu thương chúng ta, dâng thân Ngài làm sinh tế chuộc tội đẹp lòng Thượng Đế” (Ê-phê-sô 5:2)

                  Thiên Chúa biết rõ quý vị và tôi yếu đuối trong tội lỗi, không thể tự cứu mình được.

                  Tự mình tu thân, ép xác, đổ sỏi và đá nhọn vào trong giày cũng không giúp chúng ta chiến thắng được tội lỗi.

                  Làm lành lánh dữ, thăng tiến trong tôn giáo, sâu sắc trong triết lý cũng giống như kết thêm lá vả, để đóng khố che thân một cách hời hợt, tạm bợ và lõa lồ trước Đấng Tối Cao.

                  Hãy đến nhận chiếc áo dài trắng trọn lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì Kinh Thánh có tuyên bố: “Người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa” (Rô-ma 8:1)

                  Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguuồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn