07:19 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 11

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 10


Hôm nayHôm nay : 3387

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278807

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008214

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Đặt Con Ngựa Trước Cỗ Xe

Thứ hai - 09/09/2019 21:25
Đặt Con Ngựa Trước Cỗ Xe

Đặt Con Ngựa Trước Cỗ Xe

Trong tuần qua, tiến sĩ Ross Campbell đã hướng dẫn chúng ta phân biệt rõ ràng giữa kỷ luật và hình phạt. Nếu chỉ dùng roi vọt là biện pháp kỷ luật chủ yếu thì chúng ta đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, đó là cho rằng kỷ luật đồng nghĩa với hình phạt. Thực ra, kỷ luật chính là dạy cho trẻ con đường chúng phải đi; còn hình phạt chỉ là một phần rất nhỏ trong đó và càng ít sử dụng hình phạt, càng tốt. Tiến sĩ Ross Campbell cũng nhấn mạnh rằng trẻ em càng nhận ít hình phạt, chúng càng có kỷ luật hơn. Hơn nữa, sự đáp ứng của trẻ trước kỷ luật cũng phụ thuộc vào tình thương mà cha mẹ bày tỏ cho con cái. Vì thế, trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là giúp trẻ thấy mình được yêu thương và chấp nhận.


Đặt Con Ngựa Trước Cỗ Xe

 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trong tuần qua, tiến sĩ Ross Campbell đã hướng dẫn chúng ta phân biệt rõ ràng giữa kỷ luật và hình phạt. Nếu chỉ dùng roi vọt là biện pháp kỷ luật chủ yếu thì chúng ta đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, đó là cho rằng kỷ luật đồng nghĩa với hình phạt. Thực ra, kỷ luật chính là dạy cho trẻ con đường chúng phải đi; còn hình phạt chỉ là một phần rất nhỏ trong đó và càng ít sử dụng hình phạt, càng tốt. Tiến sĩ Ross Campbell cũng nhấn mạnh rằng trẻ em càng nhận ít hình phạt, chúng càng có kỷ luật hơn. Hơn nữa, sự đáp ứng của trẻ trước kỷ luật cũng phụ thuộc vào tình thương mà cha mẹ bày tỏ cho con cái. Vì thế, trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là giúp trẻ thấy mình được yêu thương và chấp nhận.
 

        Ông cũng cảnh cáo các bậc cha mẹ về “cái bẫy hình phạt’, tức là các bậc cha mẹ nếu chỉ biết sử dụng hình phạt, ngay trước mắt, con cái dường như vâng phục, nhưng các em trở nên thụ động, thiếu tự tin và khi lớn lên sau này, dễ trở thành những người cáu kỉnh, gay gắt, vô cảm và thiếu cảm thông với người khác.
 

        Trong tuần này, tiến sĩ Ross Campbell sẽ hướng dẫn chúng ta những ảnh hưởng tiêu cực khác khi cha mẹ chỉ biết hành phạt con trẻ. Ông bắt đầu như sau:
 

        Trong vấn đề kỷ luật với con, chúng ta cần biết việc trước tiên mình phải làm là gì. Tình yêu vô điều kiện phải có trước, rồi kế đó mới đến sự kỷ luật. Điều đó giống như hình ảnh người ta đặt con ngựa đi trước cỗ xe. Thứ tự đó sẽ tạo nên một mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái và giới hạn việc đánh phạt ở mức tối thiểu. Xin lưu ý tôi không nói rằng yêu con bằng một tình yêu vô điều kiện thì có nghĩa là chúng ta không còn cần đến hình phạt. Dù thật lòng tôi cũng mong như vậy nhưng thực tế là chúng ta vẫn có lúc cần dùng đến hình phạt. Cha mẹ càng dành cho con tình yêu chân thành và vô điều kiện bao nhiêu, họ lại càng ít phải sử dụng hình phạt bấy nhiêu. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta vẫn phải dùng đến hình phạt và chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau.
 

        Tóm lại, để giúp con mình có được phản ứng tốt với sự kỷ luật tốt, chúng ta phải cho con cái những gì chúng cần. Trẻ em chỉ có thể học tập (được dạy dỗ) tốt khi chúng được hạnh phúc, bình an, thỏa lòng, tự tin, an toàn, được chấp nhận và thương yêu. Mong muốn thấy trẻ có kỷ luật mà lại không đáp ứng những gì chúng cần đã là điều tàn nhẫn. Nhưng đánh đập con vì nó không đáp ứng những điều chúng ta mong đợi, có phải là còn tàn nhẫn hơn nữa không? Chúng ta đối xử với loài vật đôi khi còn tốt hơn thế.
 

        Bạn hãy suy nghĩ về câu chuyện này: Một huấn luyện viên đội bóng rất hung tợn làm việc ở trường trung học một lần nọ đã dọa đánh đứa con gái Carey 13 tuổi của tôi bằng một cây dài vì cho rằng cháu vi phạm nội qui trong nhà ăn của trường. Tôi đã gọi cho văn phòng nhà trường và hỏi có phải nhà trường cho phép việc đánh đập học sinh (đặc biệt ở đây một thầy giáo lại đánh một nữ sinh) hay không. Nhân viên trong văn phòng trả lời là có. Nhưng khi tôi hỏi anh ta có bao giờ đánh một con chó không thì anh ta lại trả lời là không. Thử hỏi vì sao con em của chúng ta lại ngày càng tỏ ra thiếu tôn trọng và chống đối với ban giám hiệu nhà trường. Bạn có hiểu nguyên nhân không?
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Sử dụng hình phạt đòn roi như một biện pháp chủ yếu để giúp trẻ kiểm soát hành vi của mình là một việc làm rất nguy hiểm. Nó cực kỳ nguy hiểm vì có thể khiến trẻ dần dần mất đi sự nhận thức về những sai trái của bản thân. Những hình phạt đó hạ thấp danh dự, nhân phẩm và làm nhục đứa trẻ. Kết quả sẽ dẫn đến việc trẻ suy nghĩ rằng sự sửa phạt của cha mẹ chủ yếu chỉ là đánh đập. Nếu bị đánh đập thường xuyên cách dã man, nhận thức lương tâm của trẻ sẽ không thể phát triển đúng mức. Nếu không được sống trong một tình yêu vô điều kiện, sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là sự nhận thức của chúng về cha mẹ sẽ bị lệch lạc, còn lương tâm của trẻ thì sẽ ngày càng bị thui chột.
 

        Nhiều người quên đi yếu tố tích cực của những cảm giác tội lỗi và xem nó như những cảm giác mà họ không mong muốn. Cảm giác tội lỗi quá nhiều là một điều có hại nhưng một lượng nhỏ lại là điều thiết yếu trong sự hình thành và duy trì một lương tâm lành mạnh. Lương tâm lành mạnh sẽ ngăn trẻ không cư xử vượt quá giới hạn của mình. Điều đó tốt hơn là việc trẻ bị một lương tâm đầy nỗi sợ hãi chế ngự. Theo bạn, điều gì giúp cho một đứa trẻ sống trong sự vui tươi và bình an có thể kềm chế hành vi của nó? Đúng vậy, đó chính là lương tâm. Nếu bạn muốn con mình phát triển bình thường với một lương tâm lành mạnh và biết tự kềm chế thì hãy thôi xây dựng mối quan hệ với chúng dựa trên nền tảng của sự trừng phạt, của sự la rầy chửi mắng và nhất là đánh đập.
 

        Một hậu quả đáng tiếc khác của việc sử dụng hình phạt đòn roi là tạo nên những đứa trẻ với lòng thù hận. Đây cũng là cách thức trốn tránh tội lỗi. Trẻ thường xuyên nhận những hình phạt từ cha mẹ sẽ rơi vào tình trạng hận thù và cho rằng việc trừng phạt người khác là đúng đắn. Khi lớn lên, trẻ sẽ đối xử với con cái của mình y như thế. Chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao có nhiều bậc cha mẹ ngược đãi con cái. Đó là vì bản thân họ cũng từng là những đứa trẻ bị cha mẹ ngược đãi. Việc dùng hình phạt này như một cách xử lý trẻ được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản thân điều này thật đáng sợ. Với những gương mẫu bạo lực đáng sợ nhan nhản trên những phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình thì thử hỏi vì sao việc đánh đập trẻ em và những hình thức ngược đãi khác lại không trở thành một quốc nạn. Chỉ khi nào cha mẹ nhận ra được những nhu cầu thật sự cần thiết của con cái, đó là một tình yêu vô điều kiện và những nguyên tắc yêu thương thì vấn nạn đó mới trở nên khá hơn. Chúng ta phải chống lại những người lớn tiếng cho rằng việc đánh đập trẻ (biện pháp kỷ luật còn đang tranh cãi) phải trở thành một cách chủ yếu nhất đối với chúng. Các bạn có nhận thấy rằng bản thân những kẻ khắc khe đó không hề có con cái không? Nếu chúng ta không đem đến cho con mình những gì chúng thật sự cần, cả chúng ta lẫn con cái của chúng ta đều sẽ đau khổ.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Hãy tìm đọc những số liệu thống kê liên quan đến trẻ em và thiếu niên trong quốc gia của chúng ta ngày hôm nay, những bảng thống kê về trình độ, thái độ sống, lòng tôn trọng đối với những người có thẩm quyền, sự rối loạn cảm xúc, mối quan tâm, nạn ma túy bạo lực và nhiều thứ khác. Thực tế thật đáng sợ! Tôi vẫn cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự bế tắc của quốc gia trước những tình trạng nói trên về giới trẻ bắt nguồn từ việc trẻ em không thật sự thấy mình được thương yêu, chấp nhận và quan tâm. Một bên là sự hô hào của những người chủ trương áp dụng kỷ luật (hay nói đúng hơn là hình phạt), một bên là những biện pháp rối mù, tất cả những điều đó khiến cho các bậc cha mẹ vô cùng bối rối.
 

        Việc sử dụng những biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như những kỹ thuật xác định hành vi như cách thức trước tiên để xác lập mối quan hệ với con cái cũng là một điều sai lầm. Cũng giống như hình phạt, những biện pháp hỗ trợ này cũng đóng góp một phần trong việc nuôi dạy con cái và có ích nhưng chúng không thể nào trở thành những biện pháp chủ yếu để chúng ta thiết lập mối quan hệ với con cái được. Một số biện pháp trong số đó dù rất tốt nhưng chúng lại bị dùng để thay thế cho tình yêu vô điều kiện và những nguyên tắc yêu thương (sự dạy dỗ). Đây chính là một việc làm sai lầm: Những biện pháp đó có thể rất hiệu quả trong một số trường hợp (chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau), nhưng việc trước tiên mà cha mẹ phải làm là đổ đầy bể chứa cảm xúc của con trước khi quyết định sử dụng đến hình phạt hay bất kỳ một biện pháp hỗ trợ nào khác. Trong hầu hết mọi trường hợp, nếu trẻ nhận được đầy đủ tình thương vô điều kiện và sự kỷ luật mang tính yêu thương của người lớn thì cha mẹ chúng hiếm khi cần phải dùng đến hình phạt hay một biện pháp nào đó. Đúng vậy, việc sử dụng những hình phạt hay biện pháp hỗ trợ đúng lúc vẫn ích lợi và rất tốt nhưng nên nhớ rằng chúng không phải là điều tốt nhất. Tình thương và sự khuyên dạy đúng đắn mới là những điều tốt nhất.
 

        Chúng ta muốn có một mối quan hệ tích cực, vui vẻ và tràn đầy tình thương với con cái mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng muốn thấy chúng biết tự kềm chế bản thân và cư xử đúng mực (trong giới hạn độ tuổi, sự phát triển...của chúng). Để đạt được cả hai điều hết sức quí giá đó, cha mẹ cần phải đem đến cho con mình hai thứ. Thứ nhất, cha mẹ cần đem đến cho chúng một tình yêu vô điều kiện theo một cách đúng đắn. Thứ hai là một sự kỷ luật trong tình yêu thương, điều này có nghĩa là dạy dỗ trẻ theo một cách tích cực nhất mà cha mẹ có thể. Chúng ta có thể dạy dỗ trẻ bằng tất cả những biện pháp có sẵn theo cách giúp trẻ biết đề cao lòng tự trọng của mình, chứ không hạ thấp hoặc làm tổn thương đến lòng tự trọng của chúng. Dạy dỗ trẻ với một thái độ tích cực để giúp chúng cư xử tích cực tốt hơn nhiều so với việc sử dụng những hình phạt tiêu cực và khiến trẻ cư xử tiêu cực.
 

        Tuy nhiên, dù cha mẹ có làm tốt trách nhiệm của mình đến đâu thì con cái vẫn không tránh khỏi những lúc cư xử sai trái. Đây là điều không thể tránh khỏi. Cha mẹ cũng như con cái, không ai có thể là những con người trọn vẹn. Vậy chúng ta phải xử trí thế nào trước những hành vi sai trái của con mình? Chúng ta hãy cùng xem điều này trong những tuần kế tiếp. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 
Dr. Ross Campbell
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn