23:58 EDT Chủ nhật, 05/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 60

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 59


Hôm nayHôm nay : 11069

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 52695

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23061728

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Học Tha Thứ

Thứ hai - 23/09/2019 21:22
Học Tha Thứ

Học Tha Thứ

Trong tuần trước, chúng ta đã học biết, khi gặp khó khăn trong vấn đề dạy dỗ con cái, câu hỏi đầu tiên các bậc cha mẹ nên tự hỏi mình là “Con tôi đang cần gì?”, để xem xét chúng ta đã hết sức đổ đầy vào bể chứa tình cảm của con chưa, trước khi ra tay thi hành kỷ luật hay hình phạt chúng nó. Cũng dựa trên nguyên tắc yêu thương này, câu hỏi kế tiếp mà chúng ta cần tự hỏi khi con mình phạm phải sai lầm đó là “Con tôi cư xử như thế phải chăng là do vấn đề sức khỏe?”.

 

Học Tha Thứ


       Kính thưa quý thính giả,
 

       Trong tuần trước, chúng ta đã học biết, khi gặp khó khăn trong vấn đề dạy dỗ con cái, câu hỏi đầu tiên các bậc cha mẹ nên tự hỏi mình là “Con tôi đang cần gì?”, để xem xét chúng ta đã hết sức đổ đầy vào bể chứa tình cảm của con chưa, trước khi ra tay thi hành kỷ luật hay hình phạt chúng nó. Cũng dựa trên nguyên tắc yêu thương này, câu hỏi kế tiếp mà chúng ta cần tự hỏi khi con mình phạm phải sai lầm đó là “Con tôi cư xử như thế phải chăng là do vấn đề sức khỏe?”.
 

       Trẻ càng ít tuổi, hành vi của chúng càng dễ bị ảnh hưởng bởi những nhu cầu của cơ thể. “Có phải do con tôi đang đói? Có phải nó đang mệt mỏi? Con tôi có bệnh không? Con tôi không khỏe, phải chăng nó đang bị cảm? Con tôi có bị đau hay khó chịu ở đâu không?”
 

       Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những lỗi lầm của trẻ khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe (theo ý kiến của tôi, chúng ta không bao giờ được bỏ qua những sự sai quấy của trẻ). Nhưng ở đây, cha mẹ phải nhớ rằng họ cũng cần quan tâm đến nguyên nhân của những hành động sai trật đó chứ không chỉ chú ý vào những việc trẻ làm mà thôi. Tốt hơn chúng ta nên sửa dạy trẻ bằng cách đáp ứng cho trẻ những điều chúng thật sự cần như: ánh mắt, cử chỉ, sự quan tâm, đồ ăn, thức uống, ngủ nghỉ, xoa dịu chỗ đau hay cho trẻ uống thuốc để khỏi bệnh. Chúng ta cũng có thể phạt trẻ nhưng trước hết phải đáp ứng cho con những nhu cầu về sức khỏe và tình cảm.
 

       Nhưng làm sao chúng ta biết khi nào thì việc sử dụng hình phạt là thích hợp còn lúc nào là không tốt? Đây là một câu hỏi rất hay. Câu hỏi này đưa chúng ta đến bước kế tiếp để tìm ra cách xử lý phù hợp trước những sai phạm của con.
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Trong kinh nghiệm của tôi, việc cha mẹ phạt con khi chúng thật sự biết lỗi là một việc làm có hại nhất. Điều quan trọng ở đây là trẻ thật sự biết lỗi. Khi trẻ thật sự hối hận vì những hành động sai trái của mình thì việc phạt trẻ (nhất là đánh đập) sẽ trở nên một việc hết sức có hại. Tác hại này thể hiện ở hai lĩnh vực sau:
 

       Thứ nhất, nếu trẻ biết đau buồn vì hành động sai trái của mình thì chứng tỏ lương tâm của trẻ vẫn còn hoạt động và biết phải trái. Đó là điều mà chúng ta muốn! Trẻ đã học được một bài học qua lỗi lầm của mình. Lương tâm biết phục thiện và biết phải trái là động lực lớn nhất ngăn trẻ tái phạm sai lầm đó. Nhưng hình phạt, nhất là những trận đòn sẽ khiến trẻ không còn cảm giác tội lỗi và áy náy. Trẻ sẽ dễ quên đi cảm giác khó chịu của một người phạm tội và có thể sẽ lặp lại những điều sai trái đó.
 

       Thứ hai, phạt trẻ khi chúng thật sự biết lỗi có thể làm phát sinh trong trẻ sự giận dữ. Khi trẻ thật sự biết ăn năn hối lỗi, lương tâm chúng rất day dứt. Đó là lúc trẻ đang tự hình phạt mình. Đó là những lúc trẻ rất cần và đang tìm kiếm sự an ủi, muốn được trở lại làm một người tốt mặc dù hành động hiện tại của chúng có vẻ rất xấu. Trẻ rất cần một sự phục hồi như thế trong những lúc đó. Vì thế, nếu chúng ta đánh đòn trẻ trong những lúc chúng đau đớn và cần tình thương sẽ khiến chúng thật sự bị tổn thương. Trong những lúc như thế, trẻ sẽ cảm thấy rằng mình cũng xấu xa như điều mà cha mẹ chúng nghĩ về chúng. Kết quả là trẻ sẽ nuôi dưỡng lòng căm giận, tổn thương, bực tức và sự cay đắng dai dẳng.
 

       Thế thì, bậc cha mẹ như chúng ta phải làm gì khi trẻ thừa nhận những hành động sai trái của mình và thật sự hối hận về điều đó? Kinh Thánh thật sự giúp chúng ta trong việc này. Khi chúng ta phạm tội và hối tiếc về những việc làm sai trái của mình thì Cha Trên Trời của chúng ta sẽ làm gì?. Ngài tha thứ cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng đọc câu Kinh Thánh sau của tác giả Thi Thiên: “Như cha thương xót con cái thể nào thì Chúa cũng thương xót những người kính sợ Ngài thể ấy.” (Thi 103:13, BDM). Lẽ nào, chúng ta quên đi sự đối đãi nhẹ nhàng, đầy lòng thương xót và tha thứ của Cha Thiên Thượng khi chúng ta phạm tội và quay sang hình phạt con cái mình khi chúng phạm sai lầm?
 

       Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên chúng ta hãy tránh phải lỗi lầm nói trên khi đưa ra lời khuyên: “Hỡi người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Êph 6:4). Bản thân mình, tôi thấy rằng không có điều gì khiến trẻ phải giận dữ, bực bội và cay đắng hơn việc bị cha mẹ phạt, nhất là bị đánh đập, trong lúc chúng thật sự biết lỗi. Những lúc như thế, chúng ta cần phải học tha thứ cho con mình.
 

       Một nguyên do nữa mà chúng ta cần phải tha thứ cho trẻ khi chúng lầm lỗi đó là vì đứa trẻ cần học biết những cảm nhận của một người được tha thứ ngay từ khi chúng còn nhỏ. Nếu không, sau này trẻ sẽ không biết cách giải quyết tội lỗi của mình. Ngày nay, xung quanh chúng ta có biết bao người đang mang gánh nặng tội lỗi (kể cả các Cơ Đốc Nhân) vì họ chưa bao giờ cảm nhận thế nào là sự tha thứ. Thậm chí lúc đã được Chúa và những người xung quanh tha thứ, họ vẫn còn cảm thấy mình tội lỗi. Chúng ta có thể giúp trẻ tránh khỏi vô số vấn đề có liên quan đến tội lỗi nếu chúng ta dạy chúng biết cách xử trí trước điều đó, hay nói rõ hơn là giúp chúng nhận ra rằng mình đã được tha thứ. Cha mẹ có thể làm được điều này qua việc tha thứ cho con mình khi chúng thật sự ăn năn về những hành vi sai trái của mình.
 

       Quý thính giả thân mến,
 

       Tôi nhớ mình có một kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này, nhưng một lần nữa tôi xin nhắc cho bạn nhớ là tôi chỉ chọn ra những ví dụ về những lúc tôi đã cư xử đúng chứ không có nghĩa tôi là một người cha hoàn hảo. Đây là một lợi điểm của người viết sách nên tôi có thể chọn ra một ví dụ nào đó để minh họa cho điều mình nói.
 

       Một lần nọ, tôi trở về nhà sau một ngày làm việc dài và vất vả. Tôi rất mệt và dĩ nhiên không thể làm gì được nữa. Ngay khi tôi bước xuống xe, David con trai tôi lúc đó được 9 tuổi, chạy đến gần tôi. Thường ngày, David sẽ đến bên tôi với một nụ cười thật tươi và sẽ ào đến ôm chầm lấy lôi. Nhưng lần này thì con tôi có vẻ khác hẳn. Mặt nó có vẻ buồn bã và đau khổ. Đôi mắt màu xanh rất đẹp của nó có vẻ gì đó rất buồn.
 

       “Bố ơi, con có chuyện này phải nói với bố”
 

       Lúc ấy tinh thần tôi rất mệt mỏi nên tôi biết rằng mình sẽ không thể giải quyết được vấn đề của con nếu nó nói ra. Vì vậy, tôi bảo:
 

       “Chúng ta hãy nói chuyện này sau nhé, được không David?”
 

       David nhìn tôi khẩn khoản “Chúng ta không thể nói liền bây giờ sao, bố?”
 

       Đến khi tôi định chạm tay vào mở cánh cửa sau để vào nhà thì tôi chợt nhận ra rằng một trong những cánh cửa sổ đã bị vỡ toang. Lúc đó, tôi đã phần nào đoán ra được David định nói gì.
 

       Nhưng vì tâm trí quá mệt mỏi, tôi nghĩ tốt hơn mình nên giải quyết vấn đề này sau khi đã nghỉ ngơi. Nhưng David lại theo tôi vào tận phòng ngủ và nài nỉ “Bố ơi, chúng ta hãy nói chuyện đó liền đi mà.”
 

       Với vẻ khẩn khoản trên gương mặt con, tôi phải làm gì đây? Vì vậy, tôi đã nói với David:
 

       “Thôi được, David, con muốn nói gì nào?” (Tôi giả vờ như chưa biết chuyện gì xảy ra).
 

       David kể cho tôi nghe về việc nó và các bạn chơi bóng chày gần nhà. Một quả bóng lạc hướng đã đập vào cửa sổ và làm nó vỡ toang. Con tôi thấy mình đã làm sai và rõ ràng, nó rất hối hận về điều đó. Thái độ của con tôi như có ý hỏi rằng “Bố có còn yêu con sau những việc con đã làm không?”
 

       Tôi đã bế con ngồi lên đùi mình và ôm chặt nó một lúc rồi nói “Không sao đâu, David à. Việc đó cũng dễ thôi mà, chúng ta sẽ sửa lại cánh cửa sổ. Nhưng mai mốt con đừng chơi gần cửa sổ nữa nhé, được chứ?”
 

       Đó thật là một giây phút đặc biệt. Ngay lập tức, David lấy lại được sự nhẹ nhõm. Nó khóc thút thít và ngồi trong vòng tay tôi một chút. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu tuôn tràn từ trái tim thằng bé. Đó là một trong những giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. David đã lấy lại sự vui vẻ và rạng rỡ. Nó nhảy xuống đất và chạy đi mất.

       Tôi đã học được rất nhiều từ kinh nghiệm này. Đó không phải là cơ hội mà ngày nào chúng ta cũng có thể gặp. Không phải lúc nào trẻ cũng thật biết lỗi vì những việc làm sai trái của mình. Thế nên, chúng ta phải tranh thủ những cơ hội như thế để làm cho trẻ những điều mà chúng ta cần làm. Những lúc như thế dù chúng ta có không thích những việc làm của trẻ nhưng chúng ta vẫn phải yêu trẻ bất kể chúng ra sao. Chúng ta phải yêu trẻ bằng một tình yêu vô điều kiện. 


       Khi một đứa trẻ được tha thứ những lỗi lầm của mình, điều đó không có nghĩa là chúng khỏi phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả do lỗi lầm của mình gây ra. Chúng ta cũng cần phải giúp trẻ có một thái độ biết bồi thường. Trong trường hợp David làm vỡ cánh cửa sổ, sẽ rất tốt nếu chúng ta bắt nó chuộc lỗi bằng những cách thích hợp, chẳng hạn như phụ tháo dọn cánh cửa cũ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng việc bắt trẻ đền bù đó phải phù hợp với độ tuổi, mức độ phát triển và khả năng của chúng.


       Chúng ta cũng không nên để con cái qua mặt mình. Tôi chắc rằng cũng có lần bạn từng nghe con mình nói “xin lỗi” nhưng thật sự nó lại không biết lỗi gì cả. Nhiều khi trẻ nói lời xin lỗi chỉ vì sợ bị đòn. Dĩ nhiên câu xin lỗi đó không xuất phát từ một sự ăn năn hối lỗi thật lòng và chúng ta phải nhận ra đâu là lời xin lỗi thành thật.
 

       May mắn thay, không quá khó để chúng ta nhận ra được khi nào thì con mình mới thật lòng hối lỗi và lúc nào thì không. Biểu hiện rõ rệt nhất là trẻ có lặp lại hành vi sai trật hay không. Nếu David tiếp tục chơi bóng gần nhà sau sự việc đó, thì tôi có thể kết luận rằng nó đã qua mặt tôi và khi đó tôi sẽ phải thực hiện những biện pháp khác.
 

       Chúng ta cần phải lưu ý nếu con mình thường cố gắng tìm cách để qua mặt cha mẹ. Chúng ta có thể thấy điều đó khi trẻ nói xin lỗi rồi tức khắc lại lặp lại hành vi sai quấy. Trẻ có thể đã biết dùng những lời nói sai sự thật có lợi cho mình, chẳng hạn như tiếng “xin lỗi”, để tránh hình phạt của cha mẹ.
 

       Thái độ nói trên của trẻ là một minh họa rõ ràng cho hậu quả của việc đặt cỗ xe ra trước con ngựa. Nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng hình phạt để dạy con thay vì đáp ứng những nhu cầu của chúng trước, trẻ sẽ nghĩ ra đủ loại mánh khóe để tránh bị hình phạt. Một trong những mánh khóe mà trẻ hay dùng đó là nói câu “con xin lỗi” khi cha mẹ nổi giận trước hành động của chúng.
 

       Điều đó hết sức có hại vì đứa trẻ sẽ học thói dối trá, thiếu thành thật, hay tính toán, qua mặt người khác và trở thành những con người vô cảm. Chỉ có một điều duy nhất mới có thể giúp trẻ loại bỏ thói xấu đó và đổi khác. Đó chính là một tình yêu vô điều kiện.
 

       Khi con cái rơi vào trường hợp như thế, trách nhiệm của cha mẹ mới thật cấp bách. Cha mẹ là người ở vị trí tốt nhất để đánh giá con mình có thành thật hay không. Nếu con bạn thường xuyên qua mặt cha mẹ và thiếu thành thật thì sau này chúng ta sẽ gặp nhiều nan đề với chúng, và chúng ta cần phải tìm cách giúp đỡ chúng.
 

       Tuy nhiên, đứa trẻ nào cũng có những lúc tìm cách qua mặt cha mẹ, nhưng cũng có những lúc chúng thật sự đau buồn và ân hận vì những sai trái của bản thân. Những bậc cha mẹ khôn ngoan cần phải nhận ra đâu là thật đâu là giả để có biện pháp xử lý đúng đắn.
 

       Tóm lại, chúng ta hãy tha thứ cho con khi nó thật sự hối hận, biết lỗi và ăn năn vì những hành vi sai trái của mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng có được những cơ hội ngàn vàng như thế để chứng minh với trẻ rằng cha mẹ hiểu chúng, thật sự quan tâm và yêu thương chúng bất kể chúng ra sao. Đó mới chính là một tình yêu vô điều kiện.
 

       Trong những tuần tới, chúng ta sẽ trở lại đề tài kỷ luật, sau khi chúng ta đã được hướng dẫn thật cẩn thận rằng kỷ luật và hình phạt là những biện pháp cuối cùng, sau khi chúng ta đã kiếm cách để đổ đầy bể chứa tình cảm của con. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Ross Campbell
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn