04:54 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 12


Hôm nayHôm nay : 592

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2733

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23011766

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Nguyên Tắc Yêu Thương

Thứ hai - 16/09/2019 21:18
Nguyên Tắc Yêu Thương

Nguyên Tắc Yêu Thương

Trong những chương trước, chúng ta đã khám phá cách thức hiệu quả để đem đến cho trẻ một tình yêu vô điều kiện như ánh mắt, cử chỉ tiếp xúc, thái độ quan tâm và sự kỷ luật. Chúng ta cũng biết rằng việc đổ đầy bể chứa tình cảm cho trẻ là điều hết sức quan trọng vì chỉ có cách đó mới có thể giúp trẻ phát triển cách tốt nhất. Chỉ có cách đó mới giúp trẻ biết tự kiềm chế và tự kỷ luật bản thân. Trong những tuần qua, chúng ta nhận ra rằng dạy dỗ trẻ hành động đúng vẫn tốt hơn là dùng hình phạt đối với trẻ vì những hành động sai trật của chúng. Dù vậy, chúng ta cũng học biết được trẻ em vẫn thường có lúc cư xử sai trái.


Nguyên Tắc Yêu Thương


        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trong những chương trước, chúng ta đã khám phá cách thức hiệu quả để đem đến cho trẻ một tình yêu vô điều kiện như ánh mắt, cử chỉ tiếp xúc, thái độ quan tâm và sự kỷ luật. Chúng ta cũng biết rằng việc đổ đầy bể chứa tình cảm cho trẻ là điều hết sức quan trọng vì chỉ có cách đó mới có thể giúp trẻ phát triển cách tốt nhất. Chỉ có cách đó mới giúp trẻ biết tự kiềm chế và tự kỷ luật bản thân. Trong những tuần qua, chúng ta nhận ra rằng dạy dỗ trẻ hành động đúng vẫn tốt hơn là dùng hình phạt đối với trẻ vì những hành động sai trật của chúng. Dù vậy, chúng ta cũng học biết được trẻ em vẫn thường có lúc cư xử sai trái.
 

        Để có cách xử lý thích hợp trước những thái độ của trẻ, chúng ta cần phải hiểu cách thức trẻ con mà tất cả các trẻ đều suy nghĩ. Đây là một điều quan trọng mà chúng ta cần xem xét một cách thật cẩn thận. Tất cả trẻ em đều cần và muốn được yêu thương. Bản thân chúng cũng biết mình cần và muốn điều đó nhưng cách chúng thể hiện nhu cầu và ước muốn của chính mình lại quá trẻ con và khiến chúng ta phải bực mình.
 

        Trước hết, chúng ta hãy suy nghĩ như thế nào mới là một cách hợp lý để nhận được tình yêu của người khác. Chẳng hạn như câu chuyện của một người đàn ông tên Jim và một phụ nữ tên là Carla. Làm thế nào mà Jim có thể chiếm được tình cảm của Carla? Có phải anh ta có thể chiếm được tình yêu của Carla bằng một lối cư xử thiếu trưởng thành, bày tỏ những tính xấu nhất của mình cho cô biết, chẳng hạn như giọng nói the thé, hay bỉu môi, hay tranh cãi và đòi hỏi không? Dĩ nhiên, Jim sẽ không làm như vậy. Nếu Jim là người trưởng thành, anh sẽ tỏ thái độ tốt nhất. Jim sẽ luôn điềm tĩnh, vui vẻ, hay giúp đỡ, tử tế và ân cần. Khi chưa chắc chắn về tình cảm của Carla, Jim sẽ không tỏ ra những thái độ thiếu trưởng thành mà trái lại, anh ta sẽ cố gắng hơn nữa để có được tình yêu của nàng. Anh sẽ cố gắng để lọt vào mắt xanh của người yêu. Đó là cách hợp lý để được người khác yêu mình.
 

        Nhưng thưa các bạn, trẻ em lại không làm theo cách đó! Trẻ càng ít tuổi, chúng lại càng tỏ ra thiếu trưởng thành. Các bạn cũng nhận thấy điều đó rồi chứ? Trẻ càng thiếu trưởng thành lại càng dễ cư xử thiếu suy nghĩ. Bẩm sinh, trẻ biết rằng mình thật sự cần tình thương. Nhưng con người tự nhiên của chúng lại không cố gắng để chiếm được hay đạt được tình yêu đó vì việc này vượt quá những khả năng hiểu biết nhận định vốn có của trẻ. Có thể, sau này chúng sẽ học được (hoặc cũng có thể không học được) điều này nhưng từ khi sinh ra trẻ vốn không có đặc tính này.
 

        Nếu vậy thì trẻ sẽ phải làm gì, đặc biệt là những trẻ ít tuổi? Trẻ sẽ thể hiện chủ yếu bằng thái độ của mình. Qua đó, trẻ sẽ không ngừng hỏi chúng ta rằng “Bố mẹ có yêu con không?” Câu trả lời của chúng ta sẽ quyết định nhiều thứ. Nó quyết định lòng tự trọng, thái độ, cảm xúc, mối quan hệ của trẻ với bạn bè và nhiều thứ khác nữa. Nếu bể chứa cảm xúc của trẻ được đổ đầy, bạn có thể thấy rõ điều đó thông qua hành vi của trẻ. Nếu bể chứa ấy bị khô cạn, nó cũng được biểu lộ qua chính hành vi của trẻ. Tóm lại, việc trẻ được yêu thương nhiều hay ít quyết định hành vi của chúng.
 

        Đây chính là sự mâu thuẫn của trẻ em. Thay vì cố gắng giành lấy tình yêu của người lớn, chúng lại chỉ biết thử tình cảm của cha mẹ thông qua hành vi của mình. “Bố mẹ có yêu con không?”. Nếu chúng ta trả lời rằng “Có, bố mẹ rất yêu con” thì điều đó thật tuyệt. Chúng ta đã xoa dịu áp lực tìm kiếm tình thương của trẻ và có thể dễ dàng điều khiển chúng. Nếu trẻ không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, tự nhiên chúng sẽ càng thấy thôi thúc muốn hỏi họ qua hành vi của mình rằng “Bố mẹ có yêu con không?”. Hành vi của trẻ có lẽ sẽ khiến chúng ta bực mình vì trẻ biết rất ít cách để bày tỏ tình cảm của mình, và hầu hết những cách chúng bày tỏ đó đều không đúng lúc. Chúng ta có thể lý giải rằng khi con người quá đỗi tuyệt vọng, hành động của họ sẽ trở nên không phù hợp. Không có gì khiến cho trẻ em tuyệt vọng bằng sự thiếu thốn tình thương.
 

        Đây là nguyên nhân chính dẫn trẻ đến chỗ làm những việc sai lầm. Khi bể chứa cảm xúc đã khô cạn, trẻ sẽ kêu khóc thông qua thái độ của mình rằng “Bố mẹ có yêu con không?”
 

        Vậy, những bậc làm cha mẹ có công bằng hay khôn ngoan không, khi vội đòi hỏi con mình phải có những hành vi đúng mực nhưng lại không giúp trẻ cảm nhận tình yêu của mình, không đổ đầy bể chứa tình cảm cho trẻ?
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Một câu hỏi mà các bậc cha mẹ luôn luôn phải tự hỏi, nhất là khi đối diện với những rắc rối với con cái, đó là câu “Con Tôi Đang Cần Gì?”
 

        Sau đây là một ví dụ. Hồi con gái Carey của chúng tôi được 16 tuổi, cháu đã đi dự một kỳ trại hè. Con trai David 9 tuổi của tôi là đứa lớn nhất còn ở nhà. Nó tỏ ra rất thích điều đó. Nó tỏ vẻ trưởng thành hơn và có trách nhiệm hơn. David muốn làm anh cả. Thời gian đó thật tuyệt vời!
 

        Nhưng vấn đề là cuối cùng thì Carey cũng phải trở về nhà. Vào ngày con gái tôi trở về, thái độ của David trở nên xấu hẳn. Tự nhiên nó trở nên cuồng chân, bất mãn, hay bĩu môi, giận dỗi, ủ rủ và khép kín.
 

        Điều gì đã xảy ra? Tại sao lại có một sự thay đổi bất ngờ và nghiêm trọng như thế với David? Là cha mẹ, tôi phải làm gì? Tôi có nên phạt David vì thái độ không đúng của nó chăng? Hay tôi bảo Carey trở lại tiếp tục đi trại? Hay tôi sẽ đem David ra so sánh với cậu em trai 5 tuổi của nó, Dale, cư xử còn tốt hơn nó? Bạn sẽ giải quyết như thế nào?
 

        Tôi sẽ cho bạn biết tôi đã giải quyết như thế nào và tại sao tôi lại làm như thế. Tất nhiên khi Carey trở về, nó lại trở thành người chị cả trong nhà. Đây là một điều khó chấp nhận đối với David. Rất khó để một đứa trẻ có thể chấp nhận điều đó. Thái độ của nó như muốn đặt ra câu hỏi “Bố mẹ có yêu con không? Bố mẹ có còn yêu con khi chị Carey đã về nhà và bây giờ con không còn là anh cả nữa? Bố mẹ yêu con nhiều hơn hay chị Carey nhiều hơn? Có phải chị ấy quan trọng hơn con không? Có phải chị ấy đã lấy hết tình thương mà bố mẹ dành cho con không?” Ôi thật đau đầu với những câu hỏi như thế của trẻ.
 

        Nếu lúc đó, chúng tôi phạt David, thì cháu sẽ cho rằng câu trả lời mà chúng tôi dành cho cháu là gì? Nhưng ngay khi có thể, tôi đã kéo con lại gần, ôm lấy nó và hai cha con nói chuyện với nhau một hồi lâu. Thỉnh thoảng, tôi nói với con trai theo cách của nó để nó biết tôi rất yêu thương nó. Tôi nhìn con và dành cho con những cử chỉ yêu thương. Khi bể chứa cảm xúc đã được đổ đầy, tâm trạng của David trở lại vui vẻ, thân thiện. Tôi phải mất 15-20 phút để giúp cháu lại có thể chơi đùa. David đã rất vui vẻ và cư xử rất tốt. Đó là những giây phút đặc biệt mà chúng ta đã đề cập đến trước đây. Tôi nghĩ rằng con tôi sẽ không bao giờ quên được giây phút quí giá đó và chính bản thân tôi cũng vậy.
 

        Xin đừng nghĩ rằng tôi là một người cha hoàn hảo. Tôi không phải là một người cha hoàn hảo. Tôi cũng đã phạm phải rất nhiều sai lầm nhưng trong trường hợp nói trên thì tôi cho rằng mình đã làm đúng. Tất cả những kinh nghiệm kể trên giúp chúng ta nhớ rằng khi con mình cư xử sai lầm, chúng ta phải tự hỏi mình “Con tôi đang cần gì?”
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Khuynh hướng thông thường của cha mẹ là thường tự hỏi mình “Tôi phải làm gì để điều chỉnh thái độ của con mình?”. Tiếc thay, những câu hỏi như thế thường dẫn đến việc đánh phạt trẻ. Với cách đó thì thật khó để biết được nhu cầu thật của trẻ là gì. Chúng ta thường là kết thúc bằng việc đánh đòn trẻ hoặc đuổi chúng vào phòng. Trẻ sẽ cho rằng cha mẹ không yêu mình nếu chúng ta sửa phạt sự sai trật của trẻ theo cách này.
 

        Chúng ta cần luôn tự hỏi mình “Con tôi đang cần gì?”. Từ đó, chúng ta mới có cách giải quyết hợp lý. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể giúp trẻ sửa sai và mang đến cho trẻ những gì chúng cần nhằm giúp trẻ thấy mình thật sự được cha mẹ yêu thương.
 

        Kế tiếp, chúng ta cần tự hỏi mình “Con tôi có đang cần ánh mắt của tôi không? Con tôi có đang cần những cử chỉ yêu thương của tôi không? Con tôi có đang cần sự quan tâm chú ý của tôi không?”. Tóm lại, bạn cần tự hỏi mình: “Bể chứa cảm xúc của con tôi có cần được đổ đầy không?”. Bậc làm cha mẹ như chúng ta cần xác định rõ nếu những nhu cầu nói trên của trẻ chính là nguyên nhân gây ra những lỗi lầm của chúng thì trước hết chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu đó. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu sửa dạy con khi đã đáp ứng cho chúng những nhu cầu nói trên.
 

        Điều này khiến tôi nhớ lại một chuyện xảy ra khi con trai Dale của tôi lên 5. Hôm đó, tôi vừa mới trở về nhà sau một vài ngày đi xa. Dale đã làm nhiều việc khiến cho tôi (và những người khác) phải bực mình. Nó vẽ đủ thứ hình thù kỳ cục để trêu chọc mọi người trong nhà, nhất là cậu con trai David 9 tuổi của tôi. Bạn thấy đấy, Dale đã biết phải làm gì để chọc tức David. Và tất nhiên, David cũng chọc tức lại Dale như thế. Khi một đứa trong số các con tôi tìm cách trêu chọc những đứa khác thì đó chính là những dấu hiệu đầu tiên để giúp tôi và vợ biết được bể chứa cảm xúc của nó đã bị khô cạn và cần được đổ đầy.
 

        Tuy nhiên, ngày hôm đó, Dale lại tỏ ra cực kỳ đáng ghét. Nó lấy kim chích anh mình, bỉu môi và đòi hỏi những việc khó hiểu. Dĩ nhiên, cách phản ứng đầu tiên của tôi là tìm xem cách nào để xử lý tình huống đó. Chẳng lẽ đuổi nó vào phòng? Chẳng lẽ bảo nó đi ngủ hay cho nó mấy roi? Rồi tôi chợt dừng lại và suy nghĩ “Con tôi đang cần gì?”. Câu trả lời đến với tôi ngay lập tức. Tôi đã vắng nhà nhiều ngày. Con tôi đã không gặp tôi 3 ngày và tôi thật sự đã không quan tâm nhiều đến nó (thiếu sự quan tâm chú ý). Không trách sao Dale lại đặt ra câu hỏi muôn thuở “Bố có yêu con không?”. Hay đúng hơn, cháu đã hỏi tôi rằng “Bố đi lâu như thế liệu bố có còn yêu con không, bố có biết là con nhớ bố không?”. Đột nhiên, tôi hiểu ra những hành vi của con. Nó rất cần cha nhưng cha nó lại không đem đến cho nó những gì nó thật sự cần. Nếu tôi không đem đến cho nó những điều nó cần (con tôi cần tôi) thì thái độ của nó sẽ còn tệ hơn nữa (thậm chí nếu tôi có đánh nó). Nếu tôi làm thế, con tôi chắc chắn sẽ bị tổn thương và bực bội còn tôi thì đánh mất cơ hội mang đến cho con những giây phút đáng nhớ trong đời.
 

        Tôi thật sự rất mừng vì mình đã không phạm phải sai lầm trong lúc đó. Tôi dẫn Dale vào phòng ngủ của mình, ôm chặt nó và không nói gì cả. Cu cậu vốn hiếu động đó giờ cũng chịu ngồi yên và không nói gì cả. Dần dần, khi bể chứa cảm xúc của nó đã được đổ đầy, con tôi trở lại bình thường như trước. Cháu bắt đầu nói chuyện vui vẻ, trôi chảy và thoải mái. Sau một lúc hỏi han về chuyến đi của tôi, Dale nhảy xuống giường và chạy mất. Cháu đi đâu, bạn biết không? Nó chạy đi tìm anh của mình. Khi tôi vào phòng khách thì thấy hai đứa đang vui vẻ chơi với nhau.
 

        Qua câu chuyện trên, tôi thấy hoàn toàn cần thiết để chúng ta luôn tự hỏi mình câu “Con tôi đang cần gì?”. Nếu chúng ta không làm điều đó, chúng ta sẽ dễ dàng cư xử nông cạn và sai trật trước những lỗi lầm của con mình. Chúng ta sẽ bỏ qua những khoảnh khắc ngàn vàng dành cho con. Những lúc như thế, việc chúng ta phạt trẻ sẽ gây cho chúng tổn thương, giận dữ và cay đắng.
 

        Hình phạt đôi lúc cũng cần thiết nhưng vì những khía cạnh tiêu cực của nó nên chúng ta chỉ có thể xem đó như là một giải pháp cuối cùng. Tốt hơn, cha mẹ nên giải quyết những sai trật của con theo một phương cách tích cực, nhất là bằng tình thương và sự quan tâm thay vì sử dụng hình phạt, nhất là việc đánh đập trẻ. Vì vậy, bước giải quyết đầu tiên trong mọi trường hợp là đáp ứng nhu cầu tình cảm cho trẻ. Tôi nhắc lại một lần nữa, cha mẹ cần phải đổ đầy bể chứa cảm xúc cho con trước khi làm bất cứ việc gì khác.
 

        Chúng ta sẽ tiếp tục nêu ra một số cách thức hướng dẫn con dựa trên nguyên tắc yêu thương vô điều kiện trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn