07:41 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 33


Hôm nayHôm nay : 7411

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12486

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23021519

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 1)

Thứ hai - 17/07/2017 20:45
Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 1)

Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop với chương đề: Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ.



              Kính thưa quý độc giả,

              Chúng ta đang ở chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop với chương đề: Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ. Trong những bài nói chuyện liên tiếp vừa qua, chúng ta đã nghe một số lý luận về sự giận dữ và rằng việc kiềm nén cơn giận không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc xả cơn giận ra cũng chẳng phải là một cách khôn ngoan và giải quyết được cơn giận. Trong số những nhà chủ trương việc xả cơn giận ra có một số người ủng hộ đường lối “ôn hòa hơn”, cố gắng kéo chúng ta đến gần những gì họ thấy là trọng tâm của vấn đề. Họ nói cách giải quyết là hãy “bàn luận về cơn giận của bạn.” Họ cho rằng việc trao đổi mọi sự với một người lắng nghe biết cảm thông, chẳng hạn như một người bạn tốt, sẽ làm cho một người cảm thấy tốt hơn. Nhưng một lần nữa, những nhà lý luận này kết thúc trong một ngõ cụt, vì họ không chú ý đến sự kiện là các nỗ lực để nói chuyện qua sự giận dữ là những nỗ lực thật sự để biện hộ cho quan điểm của chúng ta.

              Việc nói về cơn giận sẽ khiến chúng ta ôn lại trong tâm trí mình tình huống đã khơi nguồn sự giận dữ lúc ban đầu. Nó có thể cho chúng ta một bức tranh rõ hơn vì sao chúng ta cảm thấy mình có lý do chính đáng để giận dữ, và chúng ta kết thúc trong tình trạng giận dữ y như vậy, hoặc có lẽ mức độ giận dữ càng nhiều hơn, bởi vì chúng ta đã nhận được sự ủng hộ cho nguyên nhân của mình. Khi kể về cơn giận của mình và được người lắng nghe đầy thông cảm của bạn gật đầu tán đồng, không chỉ với điều bạn đang cảm nhận mà cả với cái quyền cảm nhận cơn giận đó của bạn, thế là cơn giận của bạn được xác định rõ hơn, rồi thì bạn bắt đầu cảm thấy tức giận hơn so với lúc bạn bắt đầu bàn luận về nó. Tương tự như vậy, khi bạn nói về cơn giận của mình với người phối ngẫu, rất có thể bạn sẽ nhận được một câu nói biện hộ của anh ấy. Anh ta sẽ bênh vực cho cái quyền được hành xử theo cách anh ta đã làm, hay được nói những gì anh đã nói. Anh ta càng bênh vực cho cái quyền được hành xử theo ý của mình, thì bạn lại càng phải bênh vực cho cái quyền được tức giận của bạn. Kết quả là cơn giận càng lúc càng tăng thêm.

              Hy vọng quý thính giả vẫn còn nhớ chúng tôi đã giải thích trong chương 2 rằng các biến cố kích hoạt trong đời sống chúng ta không gây ra những hậu quả về cảm xúc của mình, trừ phi chúng ta suy nghĩ theo kiểu A = C. Vì thế ý tưởng của chính chúng ta, tức là Sự Tự-Nhủ của chúng ta, mới có thể tạo nên bên trong chúng ta cảm xúc giận dữ. Vì chúng ta thực hiện những sự chọn lựa về những điều mình nghĩ, nên chúng ta là những kẻ thực hiện sự lựa chọn trở nên giận dữ.

              Khi bạn hiểu những gì xảy ra trong sự Tự-Nhủ của mình vốn dẫn bạn tới chỗ chọn lựa nổi giận, bạn đang trên đường tiến tới việc tìm ra cách thức nào mình có thể nổi giận và không phạm tội. Trong bài nói chuyện lần trước, chúng tôi đã đặt câu hỏi rằng bạn đang nói gì và tin gì về điều đang xảy ra vốn làm cho bạn nổi giận?

              Kính thưa quý độc giả,

              Bất cứ khi nào chúng ta trở nên giận dữ, chúng ta có những cảm xúc ban đầu của sự tổn thương, tâm trạng thất vọng, hoặc sự đe dọa hàm ẩn mà chúng ta cần chú ý đến. Nhưng khi chúng ta vượt qua những cảm xúc ban đầu ấy và vẫn còn cảm thấy giận dữ, đó là vì chúng ta đang có những đòi hỏi nơi một người hoặc một tình huống khác. Chẳng hạn như, một người vợ dành cả buổi chiều để chuẩn bị một bữa ăn tối đặc biệt. Cô dọn lên bàn ăn với những món ngon nhất, chọn vài bông hoa đặt ở giữa bàn, và thắp lên vài ngọn nến. Người chồng về đến nhà, và lại thêm một ngày giống như mọi ngày khác. Anh ta lẩm bẩm một câu chào vợ, vồ lấy tờ báo, bật ti-vi xem tin tức, và ngã người xuống chiếc ghế trường kỷ. Thế đấy, trong khoảng năm phút hoặc ít hơn, tùy thuộc vào việc này xảy ra thường xuyên đến mức nào, họ cự nhau thật dữ dội! Bầu không khí đầy sự giận dữ! Và sau khi bữa ăn tối đã bị phá hỏng, các ngọn nến đã chảy hết, và người vợ lau khô nước mắt, có lẽ đó không phải là lúc thích hợp nhất để vạch ra cho cô thấy rằng chính những ý tưởng của cô đã khiến cô tức giận! “Nhưng mà anh ấy…” vân vân và vân vân, những loại câu phát biểu như thế có thể tiếp tục hàng nhiều giờ. Dầu vậy, sự thật vẫn như cũ-chính các ý tưởng của cô khiến cô nổi giận.

              Hãy hình dung những điều cô đang tự nghĩ trong lòng, những câu phát biểu như:

  • Anh ấy cứ làm điều này mỗi lần mình chuẩn bị một bữa ăn tối đặc biệt!
  • Đáng lý ra anh ấy phải biết mình đã vất vả buổi chiều nay ra sao!
  • Tại sao anh ấy đã không nói chuyện gì với mình cả, hoặc ít ra thì anh ấy cũng phải nói cho mình biết là anh mệt chứ?
  • Quả thật là anh ấy đã đối xử với mình một cách tồi tệ!
  • Mấy ông chồng không nên thiếu nhạy cảm như thế.
  • Hãy nhìn vào tất cả mọi thứ tốt đẹp mình đã làm cho anh ấy! Anh ấy cần phải biết mình đã làm nhiều đến mức nào mà không cần mình phải nói ra cho anh ấy biết!
  • Tốt hơn là anh ấy nên thay đổi nếu không thì...

              Kính thưa quý độc giả,

              Có những từ ngữ không mấy thích hợp trong một vài câu phát biểu trên vốn liên hệ tới nguyên nhân của sự giận dữ. Đó là những từ ngữ như: không nên thế này, thế nọ; đáng lý ra thì nên thế này, thế nọ, hoặc cần phải thế này, thế nọ. Mỗi lần bạn cảm nhận tâm trạng thất vọng hay tổn thương vốn dẫn đến sự giận dữ, bạn có thể nối kết cơn giận của mình với những chữ ấy trong sự Tự-Nhủ của bạn. Những từ ngữ này luôn phản ảnh một sự đòi hỏi mà bạn đang yêu cầu nơi một người khác hay nơi cuộc sống và thế giới. Dĩ nhiên, những sự đòi hỏi hay yêu cầu này có thể được biểu hiện trong một cách thức tiêu cực như những câu không nên, không được với hiệu quả như nhau. Tất cả những từ này có tác động tương tự nhau, đó là kích động sự giận dữ. Và chúng có tác động như vậy bởi vì chúng ta đang thực hiện một sự đòi hỏi hay yêu cầu nơi một tình huống hay một người, một đòi hỏi mà chúng ta không thể nào bảo đảm sẽ được đáp ứng một cách hiệu quả. Và đó là căn nguyên tạo ra sự giận dữ.

              Đôi lúc những từ nên/cần phải này được hàm ý bởi những điều không được nói lên. Những ý tưởng của người vợ đã chuẩn bị bữa ăn tối đặc biệt là, “Anh ấy làm như vậy mỗi lần mình chuẩn bị một bữa ăn tối đặc biệt!” Điều cô ấy không nói ra, nhưng lại chắc chắn có trong tâm trí của cô, là, “Và anh ấy không nên hay không được làm như thế!” Tại sao cô ấy lại đang có đòi hỏi đó? Tại sao chúng ta lại thực hiện những loại đòi hỏi và yêu cầu đó nơi những người khác và nơi cuộc sống? Chúng ta thực sự không có cách nào để chắc chắn rằng họ sẽ từng ngưng làm như vậy. Vì thế chúng ta nêu lên những đòi hỏi này bên trong sự Tự-Nhủ của mình, chúng ta tạo nên một sự căng thẳng về cảm xúc bên trong vốn ở dưới hình thức của sự giận dữ.

              Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi

              Kính thưa quý độc giả,

              Bạn cảm thấy tức giận ư? Hãy để ý đến những gì mình đòi hỏi nơi người kia, hay những gì mình yêu cầu người kia không được hoặc không nên thế này thế nọ. Bí quyết để làm lắng dịu cơn giận của bạn là nhận ra những đòi hỏi và yêu cầu này, rồi thay đổi chúng thành những điều mình mong muốn và ao ước.

              Chúng ta hãy xem xét tâm trạng người vợ đó thêm một lần nữa. Cùng cảnh trên nhưng tái diễn vài ngày sau. Lần này thì người vợ ấy nhận thức thấy hiệu quả của những sự đòi hỏi, yêu cầu của mình. Thế nên thay vì đưa ra những đòi hỏi đó nơi chồng mình trong sự Tự-Nhủ của cô, cô tạo nên sự Tự-Nhủ dưới hình thức của những sự mong muốn và ao ước. Giờ thì cô nói và suy nghĩ những điều như:

  • Mình ước gì anh ấy sẽ để ý tất cả mọi việc mình đã làm.
  • Mình không thích cách anh ấy hành xử khi về đến nhà. Có lẽ mình có thể dành thì giờ để nói chuyện với anh ấy trước tiên.
  • Nếu anh ấy không để ý, mình vẫn sẽ không sao. Ước gì anh ấy sẽ để ý.
  • Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nếu như anh ấy tìm thấy một cách khác để thư giãn khi về đến nhà.

              Bạn có thể đọc qua bảng liệt kê này và bảng liệt kê trên về những ý nghĩ trong tâm trí cô ấy để thấy xem chúng có tạo nên một kiểu cảm nhận khác bên trong bạn chăng. Bảng liệt kê thứ hai vẫn không bảo đảm rằng người vợ sẽ có được những điều cô mong muốn. Nhưng chắc chắn nó làm giảm đi mức độ căng thẳng, và điều đó phóng thích một số năng lượng cảm xúc hầu tìm ra những cách sáng tạo để đối đầu với tình huống.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn