03:10 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 6


Hôm nayHôm nay : 306

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2447

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23011480

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 3)

Thứ ba - 01/08/2017 20:47
Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 3)

Hãy Loại Bỏ Những Sự Đòi Hỏi (Bài 3)

Chúng ta sắp kết thúc chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop trong chương đề nói về Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ.

                 

                  Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta sắp kết thúc chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop trong chương đề nói về Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ. Trong những bài nói chuyện lần trước, chúng ta đã phân tích rằng bất cứ khi nào chúng ta trở nên giận dữ, lúc đầu chúng ta sẽ cảm thấy bị tổn thương và thất vọng, rồi khi chúng ta vượt qua những cảm xúc ban đầu ấy nhưng vẫn còn cảm thấy giận dữ, đó là vì chúng ta đang có những đòi hỏi nơi một người hoặc một tình huống khác.

                Để minh họa, chúng ta đã nghe câu chuyện về một người vợ tức giận chồng vì khi đi làm về anh ấy đã không nhận ra bữa ăn tối và khung cảnh lãng mạn mà cô đặc biệt dành nhiều thời gian để sửa soạn cho họ. Cô tức giận vì cho rằng cô đã bỏ nhiều công sức cho việc ấy nên chồng cô cần phải biết ơn cô. Chúng ta cũng đã phân tích về cơn giận của Môi-se. Khi Môi-se ở trên núi trở xuống, tay cầm hai bảng chứng trên đó có viết Mười Điều Răn mà Kinh Thánh ghi chép rằng “hai bảng đó là việc Đức Chúa Trời làm ra; chữ cũng là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên bảng.” Khi đến gần trại quân, Môi-se thấy dân sự nhảy múa tưng bừng bên tượng bò con mà chính họ đúc lên để thờ, sự giận dữ của ông phừng lên, ông “liệng hai bảng chứng khỏi tay mình, bể ra nơi chân núi; đoạn lấy bò con của chúng đã đúc đem đốt trong lửa, rồi nghiền cho đến thành ra bột, rải trên mặt nước, và cho dân Y-sơ-ra-ên uống.” Đây là hình ảnh một người bị lấn át bởi những cảm xúc của mình. Đó là sự giận dữ đích thực.

                Môi-se đập vỡ hai bảng chứng do chính Đức Chúa Trời viết. Và rồi ông không chỉ thiêu rụi bò con vàng, ông còn bắt dân sự uống tro của tượng bò con đó. Ngay lúc đó chắc hẳn ông cảm thấy hả giận, nhưng nó không giúp ích cho ông chút nào bởi vì Môi-se không thật sự đang xử lý nguyên nhân gây nên cơn giận của ông. Trong Dân-số ký chương 20 ông lại mất bình tĩnh lần nữa khi dân sự nổi loạn, lằm bằm và than phiền rằng họ cần nước uống. Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se hãy đi và nói với hòn đá, thì nó sẽ văng nước ra.

                Nhưng cơn giận của Môi-se thật dữ dội. Ông đã nghe điều Chúa phán, nhưng ông vẫn nổi giận với dân chúng. Vì vậy, thay vì “nói” với hòn đã như Chúa căn dặn, ông lại đập hòn đá hai lần! Chắc hẳn ông đã cảm thấy hả giận khi trút hết cơn giận dữ đó ra. Nhưng trong mắt Đức Chúa Trời thì Môi-se lại đang hành động trong sự giận dữ và không vâng lời Chúa.

                Phi-e-rơ lại là một ví dụ khác. Trong Ma-thi-ơ 26, Phi-e-rơ khẳng định lòng trung thành của mình với Chúa Giê-xu, nhưng Chúa lại bảo rằng trước khi gà chưa gáy ông sẽ ba lần chối Chúa của mình.

                Khi Chúa Giê-xu bị bắt và đưa đến thầy tế lễ thượng phẩm, Phi-e-rơ bằng cách hay cách khác đã ngồi gần đó và quan sát tất cả mọi sự. Khi từng giây phút trôi qua, cơn giận của ông càng nổi phừng hơn. Trong sự Tự-Nhủ của mình Phi-e-rơ đã nói những điều gì? Có lẽ ông nghĩ:

  • Tại sao Chúa Giê-xu lại chỉ đứng đó vậy!
  • Tại sao Ngài không giáng sấm chớp từ trời xuống và chạy thoát đi!
  • Tại sao Đức Chúa Trời lại không làm một điều gì đó! Ngài không nên để cho người ta đối xử với Con Ngài như thế!
  • Mọi sự thật không công bằng!
  • Tại sao tôi không cố gắng nhiều hơn để bảo vệ Ngài!

                Kính thưa quý độc giả,

                Những ý nghĩ của Phi-e-rơ chứa đựng thật nhiều sự đòi hỏi đến nỗi càng lúc ông càng tức giận hơn. Kế đó khi có người đang đứng gần bên tố cáo Phi-e-rơ là đã từng ở với Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ chối bẵng đi. Một lần nữa, có người chỉ vào Phi-e-rơ, tố cáo ông là một môn đệ của Chúa Giê-xu, và một lần nữa, Phi-e-rơ phủ nhận lời buộc tội này. Lần thứ ba có người tố cáo Phi-e-rơ là một trong các môn đồ của Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ rủa mà thề rằng, “Ta không biết người đó đâu” (Ma-thi-ơ 26:74). Lúc đó gà gáy và Phi-e-rơ đi ra ngoài khóc lóc cách đắng cay. Ông đau đớn biết dường nào. Thật rõ ràng, việc bị áp đảo bởi cơn giận của mình không giúp ích cho ông cũng như cho chúng ta chút nào. Đó không phải là cách để giải quyết cơn giận!

                Cách duy nhất để giải quyết cơn giận là tranh luận chống lại những sự đòi hỏi và rồi thay đổi những sự đòi hỏi đó thành những sự mong muốn và ao ước. Hãy tranh luận chống lại những sự đòi hỏi nên/cần phải. Hãy tranh luận chống lại bất cứ kiểu đòi hỏi nào nơi người khác hoặc nơi bản thân cuộc sống!

                Nếu Phi-e-rơ đã tranh luận với sự Tự-Nhủ của mình thì có thể ông đã nói hay suy nghĩ những câu như:

  • Tôi ước gì mình đã can đảm hơn!
  • Tấm lòng tôi đang tan vỡ với sự buồn rầu! Tôi ước mình đã hiểu được điều gì đang diễn ra!
  • Tôi mong ước Chúa Giê-xu sẽ làm một điều gì đó. Tôi biết Ngài có thể làm nếu Ngài muốn.
  • Ngay cho dù tôi không hiểu, tôi vẫn chọn tin tưởng rằng Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống!

                Kính thưa quý độc giả,

                Nếu Phi-e-rơ đã khẳng định đức tin của mình và tin quyết nơi Đức Chúa Trời Toàn Năng, sự giận dữ của Phi-e-rơ trước những điều đang diễn ra rất có thể sẽ được kiểm soát.

                Nhưng, có thể bạn đang nói, đó không phải là cách để sống. Cần phải có một số đòi hỏi nào đó! Không được, nếu như bạn muốn giải quyết cơn giận của mình! Hoặc bạn có thể nói, “Phải có một số đòi hỏi nào đó.” Thế thì, sự thiếu vắng những đòi hỏi dường như thích hợp vô cùng với những điều Chúa Giê-xu phán trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:38-45:

                Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để cho họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.

                Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.

                Đừng kháng cự, Ngài phán. Đừng ngồi đó và cúi gập người xuống trong sự giận dữ; hãy chối dậy và tiến xa hơn giới hạn của luật pháp. Thậm chí hãy yêu kẻ thù mình, vì điều duy nhất quan trọng là được làm con của Cha các bạn. Đừng lo lắng về điều gì là công bằng trong cuộc sống; không ai từng nói cuộc sống sẽ công bằng. Nếu điều đó đúng, thì tại sao chúng ta lại ngồi đây đó và nổi giận trước sự không công bằng và những điều bất công của cuộc sống? Sự giận dữ của chúng ta chỉ nhằm làm chúng ta tê liệt và tiến tới tình trạng không hoạt động hoặc lấn át chúng ta để nói năng hay làm một điều gì đó đưa đến sự tổn thương.

                Kính thưa quý độc giả,

                Nếu có ai đó đánh bạn và bạn đưa ra một đòi hỏi trong sự Tự-Nhủ của mình là anh ta không nên làm điều đó, bạn sẽ nổi giận lên. Chúa Giê-xu phán hãy để cho người đó đánh bạn lần nữa. Tôi không nghĩ Ngài muốn nói chúng ta sẽ phải đứng đó và nhử cho người kia đánh mình lần nữa. Đó là sự ngu dại. Nhưng tôi tin Ngài đang phán về một thái độ của sự hòa giải và đồng cảm. Đó là một thái độ loại bỏ những đòi hỏi, cho phép chúng tồn tại chỉ dưới hình thức của những điều mong muốn và ao ước. Vì thế thay vì đứng đó nói:

                “Tốt hơn bạn không nên làm điều đó lần nữa.”
                “Bạn không nên đánh tôi.”
                “Tôi nghĩ mình phải đứng đây và để cho anh ta vả má bên kia nữa.”

                Thì điều chúng ta được kêu gọi thực hiện là hãy nói trong sự Tự-Nhủ của mình những câu như:

  • Mình thật sự mong ước anh ấy đã không đánh mình.
  • Điều đó gây tổn thương. Mình sẽ ra khỏi đây ngay từ bây giờ.
  • Mình ước gì mình biết tại sao anh ta đã làm điều đó. Anh ta hẳn đang có một nỗi đau nào đó bên trong khi làm điều đó với mình.

                Ngay cho dù kiểu Tự-Nhủ ấy nghe có vẻ không tự nhiên, nhưng đó là điều Chúa Giê-xu đang phán ở đây; và kiểu Tự-Nhủ ấy sẽ làm cơn giận tan biến đi.

                Nhưng phải chăng người kia không nên ngưng đánh bạn? Hẳn nhiên. Nhưng việc đặt những sự đòi hỏi trên người ấy trong ý nghĩ của bạn hay thậm chí cách công khai trong lời nói của bạn là một tiến trình không hợp lý. Vì sao? Vì ít nhất ba lý do.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ trình bày ba lý do, giải thích vì sao Chúa dạy chúng ta cần có thái độ của sự hòa giải và đồng cảm trong sự tự nhủ của chúng ta khi chúng ta tức giận vì bị người khác làm tổn thương. Điều này sẽ giúp chúng ta hóa giải cơn giận trong lòng mình với lòng thương cảm. Để rồi chúng ta vẫn có thể hành xử một cách có trách nhiệm trong tình huống đó, và thậm chí biến nó thành một điều gì đó đem lại sự gây dựng cho chính mình và người khác. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn