12:47 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 4182

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279602

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23009009

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Ăn Nói Mặn Mà – Bài 1

Thứ năm - 20/07/2017 20:26
Ăn Nói Mặn Mà – Bài 1

Ăn Nói Mặn Mà – Bài 1

Kính thưa quý độc giả, Trong mối liên hệ vợ chồng, biết cách ăn cách nói sao cho mặn mà là một yếu tố quan trọng để xây đắp gia đình hạnh phúc.



                Kính thưa quý độc giả,

                Trong mối liên hệ vợ chồng, biết cách ăn cách nói sao cho mặn mà là một yếu tố quan trọng để xây đắp gia đình hạnh phúc. Trước khi chúng ta có thể ăn nói mặn mà, chúng ta cần thấu hiểu những nguyên tắc căn bản của việc ăn nói hay cách thông tin truyền đạt với nhau.

                Thông tin truyền đạt là sợi dây liên lạc khiến nảy sinh ra mối liên hệ giữa những con người với nhau. Nhờ thông tin truyền đạt mà người khác biết chúng ta là ai và là những người như thế nào. Khi quá trình truyền đạt rõ ràng, trong sáng thì dẫn đến sự thông cảm, nhưng khi thông tin mù mờ, không minh bạch thì thường gây ra những hiểu lầm, đôi khi rất nguy hiểm.

                Mỗi người chúng ta khi lập gia đình, đều mang vào hôn nhân một vốn ngữ vựng riêng của mình. Trừ khi được giải thích thật cặn kẽ, còn nếu không, khi quý vị sử dụng những từ vựng riêng của mình để nói chuyện với người phối ngẫu, chưa chắc gì đối phương có thể hiểu được ý của mình muốn nói. Một mẫu thông tin giữa vợ và chồng dễ bị hiểu lệch lạc theo một ý hoàn toàn khác, tùy theo cách chúng ta nói như thế nào, đôi khi là vì ta nói thiếu chữ mà lắm lúc vì ta nói quá nhiều chữ không cần thiết, hay nhiều khi cách đối phương đón nhận những lời ta nói cũng không chính xác cho lắm. Không phải lời nói không đâu, nhưng mà kể cả những mẫu thông tin được ghi xuống giấy cũng gây lắm ngộ nhận, thí dụ như mẫu quảng cáo được đăng trên một tờ báo địa phương vào thứ hai vừa rồi có viết như sau:

                Bán đồ: Ông Nguyễn văn Hùng có một máy may muốn bán. Điện thoại 958 sau 7 giờ tối và hỏi bà Tám là người ở cùng nhà với ông Hùng rẻ.

                Ngày thứ ba, mẫu quảng cáo được đổi lại như sau: Chúng tôi xin lỗi vì có sơ suất trong mẫu quảng cáo của ông Nguyễn văn Hùng vào hôm qua. Xin đọc mẫu quảng cáo như sau: Một máy may muốn bán. Rẻ. Điện thoại 958 và hỏi bà Tám là người ở cùng nhà với ông Hùng sau 7 giờ tối.

                Qua ngày thứ tư, tờ báo đưa tin: Ông Nguyễn văn Hùng có thông báo cho chúng tôi biết là ông đã nhận vài cú điện thoại thiệt là bực mình do sơ xuất của mẫu quảng cáo trên báo vào ngày hôm qua. Xin đính chính mẫu quảng cáo này như sau: Bán đồ. Ông Nguyễn văn Hùng có một máy may muốn bán. Rẻ. Điện thoại sau 7 giờ tối và hỏi bà Tám là người ở cùng nhà với ông Hùng.

                Cuối cùng, vào ngày thứ Năm, tờ báo đưa ra thông báo: Tôi, Nguyễn văn Hùng, không còn có máy may để bán. Tôi đã đập nó. Đừng gọi điện thoại 958 vì điện thoại này đã bị cắt. Tôi không còn liên hệ gì đến bà Tám nữa. Trước ngày hôm qua, bà ấy còn là người làm việc cho tôi, nhưng bây giờ bà ấy đã nghỉ việc rồi.

                Quý độc giả thân mến,

                Trước khi định nghĩa thông tin là gì, hãy nên nhớ rằng khi bạn và người phối ngẫu giao thông truyền đạt với nhau, thì không chỉ có một mẫu thông tin mà thôi đâu. Thực ra có tới sáu mẫu thông tin lận, và cái rắc rối của sự việc bắt đầu ở nơi đây.

                Thứ nhất, bạn có điều muốn truyền đạt qua bên phía đối phương, là những thông tin mà bạn muốn bày tỏ. Có thể bạn đã suy nghĩ về điều này một cách chín chắn, hay là bạn chỉ vừa gom những lời với nhau khi bạn mở miệng ra nói. Có thể những lời nói bạn phát ra không theo đúng như cách bạn đã dự định trong trí. Do vậy mới có mẫu thông tin thứ nhì là những gì bạn đã thật sự nói ra. Bây giờ, hãy quay sang người phối ngẫu của bạn. Mẫu thông tin thứ ba là những gì người phối ngẫu của bạn thực sự nghe, rồi sau đó chàng hay nàng chọn lọc, xử lý những thông tin đó thì nó biến hóa thành mẫu thông tin thứ tư, là những gì đối phương nghĩ rằng mình đã nghe như vậy. Ôi chao ôi, xác suất hiểu lầm cứ thế mà gia tăng lên.

                Nếu mà chuyện thông tin truyền đạt chấm dứt ở đây thì sự việc cũng chưa đến nỗi quá phức tạp. Còn cái mẫu thông tin thứ năm là những gì người phối ngẫu nói về những gì bạn đã nói. Rồi cái mẫu thông tin bay trở lại với bạn, trở thành cái mẫu thông tin thứ sáu là những gì bạn nghĩ về người phối ngẫu đã nói về những điều mà bạn đã bày tỏ.

                Nghe đến đây thì bạn thấy bải hoải tay chân chưa? Thực ra, chúng tôi chỉ muốn minh họa là thông tin truyền đạt với nhau là công việc nhiêu khê trắc trở lắm, chứ không “dễ như ăn cơm sườn” đâu. Chúng ta không chỉ muốn người khác lắng nghe mình nói nhưng còn hiểu được ý của mình. Câu châm ngôn từ hồi nào đến giờ: “Nói những gì như ý mình muốn nói và làm sáng tỏ ý muốn nói bằng những gì mình nói” (“say what you mean and mean what you say”) là một mục tiêu rất giá trị, nhưng không dễ thực hiện đâu.

                Có bốn câu hỏi sau đây để giúp đỡ bạn tự đánh giá về khả năng thông tin truyền đạt của bạn:

                1. Bạn định nghĩa thế nào là thông tin truyền đạt?
                2. Bạn có cảm thấy khó khăn trong vấn đề truyền thông với người phối ngẫu không?
                3. Bạn bè của bạn có cảm thấy khó khăn để hiểu ý của bạn không?
                4. Bạn nghĩ là bạn bè của bạn đánh giá về khả năng truyền thông của bạn ở mức độ nào?

                Xin hãy lưu ý về định nghĩa sau đây của thông tin truyền đạt: Đó là một quá trình chia sẻ về chính mình bằng lời nói và những phương tiện khác không bằng lời nói, với một người khác trong một cách thức mà người đó và bạn hiểu nhau và chấp nhận những gì bạn nói.

                Phần thứ nhì của định nghĩa vừa rồi liên hệ đến phần của người nhận mẫu thông tin. Chấp nhận không có nghĩa là đồng ý, nhưng người lắng nghe có thể chấp nhận những gì bạn nói là cách mà bạn nhìn thấy sự việc – là cách mà bạn tin hay cảm nhận về vấn đề đó.

                Mọi người đều thông tin truyền đạt với nhau. Không ai lẫn tránh được chuyện truyền thông với nhau. Có người nói rằng vợ chồng càng ăn ở với nhau càng lâu thì càng ít cần phải nói chuyện với nhau về một số vấn đề nào đó là bởi vì họ đã biết nhau quá rõ. Hay sự thật có thể là, vợ chồng càng ăn ở với nhau càng lâu, thì họ càng học được cách tránh né, không nên đề cập đến một số chuyện? Có những vấn đề gì trong hôn nhân của bạn cần được thảo luận mà chưa bao giờ được đem ra thảo luận không?

                Có vô số sách vở, chương trình, các khóa hội thảo và những bài báo đề cập đến vấn đề thông tin truyền đạt; nào là những hướng dẫn bạn nên nói gì, nói cách nào và làm sao đừng nói, mười bảy cách thức tốt hơn để nói, vân vân và vân vân. Mọi sự giúp đỡ mà bạn đã từng mong muốn hay chẳng bao giờ mong muốn đều đã có sẵn. Nhưng giả sử chúng ta không có được tất cả những nguồn giúp đỡ này, thậm chí một sự giúp đỡ cũng không có nữa? Giả sử nếu chúng ta chỉ có một nguồn hướng dẫn về cách nào có thể thông tin truyền đạt với nhau và nguồn hướng dẫn duy nhất này là quyển Kinh Thánh – là Lời của Thiên Chúa? Liệu chỉ có Kinh Thánh không thì có đủ hữu hiệu không? Xin chúng ta hãy nhìn xem Kinh Thánh dạy gì về vấn đề thông tin truyền đạt với nhau?

                Kinh Thánh khẳng định thật rõ ràng rằng lời nói của chúng ta có một năng lực thật to lớn. Lời chúng ta nói ra có thể chữa lành, nâng đỡ, an ủi, vỗ về hay chúng có thể làm tổn thương người khác. Sứ đồ Gia-cơ nói về sự lợi hại của cái lưỡi là chi thể để chúng ta phát ra lời nói như sau:

                Khi chúng ta tra khớp vào miệng ngựa, bắt nó vâng theo mình, thì có thể kiểm soát toàn thân nó. Chiếc tàu mặc dù to lớn, bị gió mạnh xô đẩy, nhưng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển chiếc tàu lớn đó đi theo ý người cầm lái. Cái lưỡi cũng tương tự như vậy. Tuy chỉ là một chi thể nhỏ nhưng khoe khoang nhiều chuyện lớn. Chỉ cần một ngọn lửa nhỏ là có thể bắt đầu đám cháy rừng lớn. Cái lưỡi cũng giống như ngọn lửa. Trong tất cả mọi chi thể nó tập trung cả khối gian ác. Cái lưỡi rải nọc độc ra toàn thân. Nó bị hỏa ngục bắt cháy rồi chính nó cũng khởi đầu một đám cháy ảnh hưởng cả đời người. Người ta có thể chế ngự mọi dã thú, từ chim chóc, loài bò sát cho đến cá. Loài nào cũng chế ngự được, nhưng chưa ai chế ngự được cái lưỡi. Nó hung hăng, gian ác, đầy nọc độc chết người. Chúng ta dùng cái lưỡi để ca ngợi Chúa là Cha chúng ta, nhưng cũng dùng chính cái lưỡi ấy để chửi rủa người khác, là người được Thượng Đế tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Vừa khen ngợi, vừa chửi rủa, cả hai đều phát xuất từ một môi miệng sao? (Gia-cơ 3:3-10)

                Quý độc giả thân mến,

                Kinh Thánh so sánh năng lực của cái lưỡi giống như bánh lái của một chiếc tàu, vì nó có thể lái chiếc tàu đi theo bất kỳ phương hướng nào và kiểm soát nơi đến cuối cùng của nó. Những gì vợ chồng nói với nhau có thể xoay cuộc hôn nhân của họ vào những phương hướng khác nhau và một đôi khi có thể khiến nó bị cuốn vào một dòng xoáy tuyệt vọng.

                Kinh Thánh cũng nhấn mạnh đến khả năng của cái lưỡi và so sánh nó như một ngọn lửa. Những cánh rừng mênh mông rộng lớn có thể bị san bằng bởi chỉ một mồi lửa nhỏ. Cũng như vậy, hôn nhân có thể bị đổ vỡ, thậm chí bị thiêu hủy ngay lập tức bởi một lời phê bình cay cú, hay thông thường hơn, bởi những lời nói đâm chọt, xỉa xói vào nhau mỗi ngày.

                Những lời nói cũng lan ra nhanh như lửa vậy. Có bao giờ bạn thử chận đứng lại một tin đồn chưa? Có bao giờ bạn thử giữ im lặng về một câu chuyện nhơ nháp đã bị kể ra chưa? Thật là một việc bất khả thi! Ai có thể thu lời đã nói lại hay bôi xóa những gì tai đã nghe?

                Kinh Thánh cho biết con người với tài khéo léo đã chế ngự biết bao động vật trong thiên nhiên, từ dã thú trong rừng, trên núi, cho đến các loài chim trên không, các loài bò sát và các loài cá dưới nước, nhưng con người vẫn không thể nào chế ngự được cái lưỡi của mình. Chế ngự cái lưỡi có nghĩa là kiểm soát nó để sử dụng vào những công việc hữu dụng và đem đến điều thuận lợi.

                Kiểm soát những gì mình nói ra phải ra mục tiêu liên tục của cả vợ lẫn chồng, vì trong quan hệ hôn nhân, mọi điều vợ chồng nói với nhau, hoặc là giúp đỡ hay cản trở, chữa lành và gây tổn thương, xây dựng hay phá đổ.

                Châm Ngôn trong Kinh Thánh có chép “Người ngu đần còn khá hơn người vội nói” (Châm Ngôn 29:20) như một lời cảnh cáo rằng vợ chồng mà bạ đâu nói đấy, buột miệng phát biểu những suy nghĩ và cảm nghĩ một cách tùy ý mà không hề suy xét hậu quả, thì còn tệ hơn một người ngu.

                Nhưng Kinh Thánh cũng chỉ ra bí quyết để đạt được hạnh phúc: “Nếu anh em muốn sống cuộc đời hạnh phúc tốt đẹp, hãy kiềm chế lưỡi và giữ môi miệng đừng nói lời dối trá” (1 Phi-e-rơ 3:10)

                Kính thưa quý độc giả,

                Vì thời giờ có hạn, cho nên chúng ta sẽ tạm dừng câu chuyện “Ăn Nói Mặn Mà” tại đây. Kính mời quý vị tiếp tục theo dõi những trong tuần tới những nguyên tắc quan trọng trong vấn đề thông tin truyền đạt trong hôn nhân là chìa khóa mang đến niềm hạnh phúc và sự thỏa lòng trong tình nghĩa phu thê. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dựa theo “Communication Is The Key To Your Marriage” by Dr. H. Norman Wright – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn