09:21 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 20

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 19


Hôm nayHôm nay : 7959

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13034

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23022067

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Khi Trẻ Nổi Giận

Thứ hai - 22/07/2019 21:10
Khi Trẻ Nổi Giận

Khi Trẻ Nổi Giận

Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu số dạng thức bày tỏ tình thương đến với con cái không thích hợp. Những dạng thức này là giữ riêng con cho mình, không cho phép chúng phát triển thành một người trưởng thành và độc lập. Dạng thức không thích hợp khác là vô tình hay cố ý quyến rũ con mình qua những hành vi đụng chạm quá gần gũi. Dạng thức không thích hợp tiếp theo là kỳ vọng quá sức vào con và dạng thức không phù hợp tuần vừa rồi chúng ta cùng nhau học hỏi là đảo lộn vai trò giữa cha mẹ và con cái.


Khi Trẻ Nổi Giận
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu số dạng thức bày tỏ tình thương đến với con cái không thích hợp. Những dạng thức này là giữ riêng con cho mình, không cho phép chúng phát triển thành một người trưởng thành và độc lập. Dạng thức không thích hợp khác là vô tình hay cố ý quyến rũ con mình qua những hành vi đụng chạm quá gần gũi. Dạng thức không thích hợp tiếp theo là kỳ vọng quá sức vào con và dạng thức không phù hợp tuần vừa rồi chúng ta cùng nhau học hỏi là đảo lộn vai trò giữa cha mẹ và con cái.
 

       Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau bắt đầu tìm hiểu cha mẹ nên làm gì khi con trẻ nổi giận. Về vấn đề này, tiến sĩ Ross Campbell bắt đầu như sau:
 

       Giận dữ là một phản ứng rất tự nhiên của tất cả chúng ta, kể cả ở trẻ nhỏ. Theo tôi, việc xử lý trước cơn giận của trẻ là một điều khó khăn nhất đối với cha mẹ. Vì đây là một điều khó nên hầu hết các phụ huynh đều đáp lại cơn giận của trẻ bằng những thái độ sai lầm và tiêu cực.
 

       Chúng ta hãy xem xét điều này: cách thức trẻ bày tỏ cơn giận khá giới hạn bởi trẻ chỉ có hai lựa chọn là hành động hoặc lời nói. Cả hai cách này đều khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết hợp lý. Chẳng hạn khi trẻ nhỏ muốn bày tỏ sự bực tức của mình, chúng có thể đập đầu vào một cái gì đó, ném đồ chơi, hoặc đánh đá. Những hành vi này cần phải được xử lý. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bày tỏ cơn giận qua lời nói bằng một thái độ dễ gây bực mình, thiếu tôn trọng và không phù hợp. Tương tự, cách bày tỏ cơn giận này cũng không thể tha thứ và không thể chấp nhận được. Vậy các bậc làm cha mẹ phải làm gì?
 

       Giống như hơi nước phụt ra từ miệng vòi chiếc ấm đun nước, cơn giận cũng phải được bày tỏ ra bên ngoài theo một cách nào đó. Không ai trong chúng ta, thậm chí một đứa trẻ, có thể tiếp tục kềm giữ cơn giận của mình bên trong. Vì thế bắt trẻ phải đè nén cơn giận của chúng là điều tai hại nhất. Nếu chúng ta không cho trẻ bày tỏ cơn giận của mình theo bất cứ cách nào mà bắt trẻ phải chịu đựng và dồn nén vào trong, thì điều đó sẽ gây nhiều hậu quả xấu cho cuộc đời trẻ sau này. Nếu trẻ luôn luôn bị phạt vì việc bày tỏ cơn giận của mình (qua hành động hoặc lời nói), chúng sẽ cho rằng không còn cách nào khác và đành phải nén cơn giận của mình vào trong. Kết quả là các em không bao giờ có thể học được cách cư xử một cách trưởng thành khi đang cơn giận được. Tôi gọi đây là “cái bẫy hình phạt.” Là cha mẹ, chúng ta cần hiểu rằng hình phạt tự bản thân nó không phải là cách để dạy trẻ biết kìm chế cơn giận của chúng.


       Một lỗi lầm nữa mà cha mẹ thường phạm phải khi con mình nổi giận là chính họ cũng nổi giận và trút cơn thịnh nộ đó xuống đầu đứa trẻ. Trẻ em sợ nhất là cơn giận của cha mẹ. Chúng hoàn toàn bất lực trước cơn giận của cha mẹ bởi trẻ không có phương tiện gì để bảo vệ mình. Phụ huynh thường thốt ra những lời khiển trách nặng nề với con như sau: “Tao không muốn mày cư xử như thế (hoặc nói năng như thế) một lần nữa với tao, hiểu chưa?” Khi bị cha mẹ hét vào mặt như thế, trẻ em sẽ lập tức ngừng ngay cơn giận của chúng, và như đã đề cập ở trên, trẻ sẽ nuốt cơn giận của mình, cộng thêm cơn giận của cha mẹ vào trong lòng.
 

       Kính thưa quý thính giả,
 

       Không có gì phải nghi ngờ, chúng ta thấy rằng phần lớn những bậc cha mẹ ngày nay đang có những cách giải quyết không phù hợp trước cơn giận của con cái. Dù trẻ bày tỏ cơn giận của mình qua hành động hay lời nói, chúng đều sẽ phải nhận những hình phạt, những lời la mắng nặng nề, hoặc cả hai điều đó. Do trẻ chỉ có thể bày tỏ cơn giận của mình qua lời nói và hành động nhưng những việc làm nói trên của cha mẹ đã buộc trẻ phải kìm nén cơn giận đó.
 

       Vì sao đây lại là một việc làm có hại? Bởi vì cuối cùng thì cơn giận đó cũng phải tìm được cách để thoát ra ngoài. Nếu bị đè nén quá nhiều, cơn giận sẽ thoát ra ngoài bằng cách biến thành “thái độ chống đối ngầm” (Passive-aggressive behavior). Thái độ chống đối ngầm, về cơ bản, rất khó nhận ra (vì nó vượt ra khỏi nhận thức của trẻ) và có khuynh hướng chống lại những người có thẩm quyền. Đây là một thái độ vô thức làm những người có thẩm quyền phải bối rối của trẻ (đặc biệt là cha mẹ và thầy cô giáo) bằng cách làm ngược lại những gì họ mong muốn. Một khi thái độ chống đối ngầm đã có tác dụng đến trẻ, việc kỷ luật đối với chúng sẽ trở thành một cơn ác mộng.
 

       Thái độ chống đối ngầm dù có vẻ trái ngược với những cơn giận được thể hiện cách tự nhiên và trực tiếp ra bên ngoài bằng lời nói nhưng nó cũng nhằm bày tỏ một sự tức giận và gián tiếp phản kháng tới một đối tượng nào đó. Một vài cách phản ứng điển hình cho thái độ nói trên là sự lề mề, kéo dài thời gian, cứng đầu, cố ý làm không được việc và cẩu thả. Mục đích trong tiềm thức của trẻ khi có thái độ nói trên là nhằm gây phiền phức cho cha mẹ và những người có thẩm quyền trên mình đồng thời khiến họ phải tức giận.
 

       Việc giải tỏa cơn giận bằng thái độ chống đối ngầm là một cách giải quyết gián tiếp, ngấm ngầm, chủ bại và rất có hại. Tiếc thay, đây lại là một thái độ vô thức nên chính đứa trẻ cũng không nhận biết rằng mình đang dùng sự chống đối này để giải tỏa cơn giận đang đè nén mình và làm buồn cha mẹ.
 

       Một trong những cách mà trẻ nhỏ tuổi đã sớm biết làm để bày tỏ thái độ chống đối ngầm của mình đó là làm dây bẩn quần sau khi đã được dạy về việc vệ sinh cá nhân. Đây là một cách rất có hiệu quả nhưng không tốt mà trẻ nhỏ thường làm để bày tỏ sự tức giận. Trong hầu hết những trường hợp như thế, cha mẹ thường không kìm nén được sự giận dữ của mình, đặc biệt là qua lời nói và trút cơn giận lên con mình vào những lúc đó. Trong trường hợp như thế, cha mẹ khó có thể giải quyết được gì bởi họ đã tự dồn chính mình vào chân tường. Cha mẹ càng dùng nhiều hình phạt đối với trẻ, chúng sẽ càng làm dơ quần nhiều hơn, với mục đích vô thức là khiến cha mẹ phải bực mình. Thật là một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Đức Chúa trời thương tiếc cho những bậc cha mẹ và những đứa con như thế.
 

       Trẻ em ở tuổi đi học lại dùng thái độ chống đối ngầm để bày tỏ cơn giận của mình qua việc làm cho điểm số ở trường trở nên thấp hơn so với khả năng thật của chúng. Thái độ của trẻ giống như câu nói: “Chúng ta có thể bắt một con ngựa đi ra bờ sông nhưng không thể bắt nó uống nước.” Tương tự, với những trẻ dùng điểm số để bày tỏ thái độ chống đối ngầm và làm buồn cha mẹ thì câu nói trên có nghĩa là “Bố mẹ có thể bắt con đi học nhưng không thể bắt con được điểm cao.” Với thái độ nói trên của trẻ, một lần nữa, phụ huynh cũng phải bất lực. Trẻ đang thể hiện cơn giận của mình nhưng chúng ta không dễ gì thấy được điều đó. Cha mẹ càng trở nên rối trí (theo đúng mục đích của thái độ chống đối ngầm này), thì mọi việc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
 

       Điều quan trọng chúng ta cần phải lưu ý đó là trẻ em bày tỏ thái độ chống đối ngầm không phải do cố ý hoặc với chủ tâm gây bối rối cho những người có thẩm quyền đối với mình. Đây chỉ là một phần trong tiến trình vô thức mà trẻ cũng không nhận ra. Đó cũng là quá trình mà trẻ bị “cái bẫy hình phạt” buộc phải bước vào.
 

       Quý thính giả thân mến,
 

       Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số phương cách để ngăn ngừa cũng như đối phó với thái độ chống đối ngầm. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Ross Campbell

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn