21:13 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 37


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8022

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23017055

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Thái Độ Chống Đối Ngầm

Thứ hai - 29/07/2019 22:06
Thái Độ Chống Đối Ngầm

Thái Độ Chống Đối Ngầm

Kính thưa quý thính giả, Trong tuần trước, chúng ta bắt đầu tìm hiểu thái độ cần có khi con trẻ nổi giận. Một phản ứng mà đa số các bậc cha mẹ thường mắc phải là khi con cái giận dữ, các bậc cha mẹ cũng tỏ ra giận dữ và nóng giận hơn cả đứa trẻ. Kết quả là đứa trẻ không sao bày tỏ được những cơn giận trong lòng ra ngoài và thường nén cơn giận vào bên trong, cũng như bắt đầu thái độ chống đối ngầm.



               Kính thưa quý thính giả,


               Trong tuần trước, chúng ta bắt đầu tìm hiểu thái độ cần có khi con trẻ nổi giận. Một phản ứng mà đa số các bậc cha mẹ thường mắc phải là khi con cái giận dữ, các bậc cha mẹ cũng tỏ ra giận dữ và nóng giận hơn cả đứa trẻ. Kết quả là đứa trẻ không sao bày tỏ được những cơn giận trong lòng ra ngoài và thường nén cơn giận vào bên trong, cũng như bắt đầu thái độ chống đối ngầm.
 

               Trong tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ những nguyên nhân và hậu quả bất lợi khi con cái chúng ta bắt đầu mang lấy thái độ chống đối ngầm. Về vấn đề này, tiến sĩ Ross Campbell bắt đầu như sau:


               Thái độ chống đối ngầm là điều rất phổ biến. Tại sao vậy? Vì hầu hết chúng ta đều không hiểu rõ ý nghĩa và tính chất của cơn giận cũng như không biết phải giải quyết nó như thế nào. Chúng ta thường cho rằng thái độ giận dữ của con mình là một việc sai trái, tội lỗi và cần phải được răn đe để chúng không lặp lại điều đó. Đây là một nhận thức sai lầm nghiêm trọng vì cảm giác giận dữ là điều hết sức bình thường. Con người nào cũng có lần phải nổi giận, ngay cả Chúa Giê-xu. Ngài cũng nổi giận khi thấy người ta buôn bán tại đền thờ.
 

               Giả sử như con bạn nổi giận, bạn lại phát vào mông nó và mắng “Thôi cái kiểu ăn nói đó đi! Tao cấm mày nói như thế” hay thậm chí bạn sẽ thét lên “Im mồm, nếu không tao tát cho bây giờ!” Lúc ấy, đứa trẻ sẽ phải làm gì? Trẻ chỉ có hai cách lựa chọn: một là cãi lời bạn và tiếp tục “cái kiểu ăn nói đó”; hai là vâng lời bạn và “thôi cái kiểu ăn nói đó”. Nếu trẻ chọn cách thứ hai và ngưng bày tỏ cơn giận của mình, cách chúng làm đơn giản chỉ là đè nén cơn giận đó. Nhưng bạn hãy nhớ rằng cơn giận đó vẫn còn tồn tại trong tiềm thức trẻ mà chưa được giải quyết. Đến một lúc nào đó, nó sẽ bùng phát ra ngoài qua những hành vi sai trái hoặc quá thái độ chống đối ngầm.
 

               Một sai lầm nữa mà một số phụ huynh thường mắc phải đó là ngăn chặn cơn giận của con bằng lối đùa cợt không đúng lúc. Khi không khí trở nên căng thẳng, nhất là khi trẻ nổi giận, cha mẹ thường chọc ghẹo chúng bằng cách xen vào những lời giỡn cợt nhằm làm giảm bớt sự căng thẳng nói trên. Dĩ nhiên, sự hài hước là một đặc tính rất có giá trị trong bất cứ gia đình nào. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường xuyên dùng sự hài hước như một cách tránh né việc xử lý cơn giận, trẻ sẽ không thể học biết cách thức thích hợp để xử lý với cơn giận.
 

               Thái độ chống đối ngầm sẽ dễ dàng ăn sâu và trở thành lối cư xử cho cả một đời người. Những trẻ không được dạy dỗ một cách đúng đắn để biết cách xử lý cơn giận của mình từ lúc nhỏ cho đến tuổi thiếu niên, về sau sẽ bày tỏ thái độ chống đối ngầm trong mọi mối quan hệ của mình cho đến suốt cuộc đời. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ về sau với người phối ngẫu, con cái, đồng nghiệp và bạn bè. Thái độ chống đối ngầm cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghiện ma túy, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, bỏ học, bỏ nhà và tự tử. Thật là một bi kịch! Hầu hết những người rơi vào tình trạng đó đều hầu như không hề nhận ra rằng những hành vi hoặc tình trạng của mình là có liên quan đến việc xử lý cơn giận. Không còn nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa lớn nhất trong cuộc đời con của bạn chính là cơn giận của chúng.
 

               Thái độ chống đối ngầm là cách xấu nhất để dùng giải quyết cơn giận vì những lý do sau đây:

               1. Nó dễ dàng trở thành một lối cư xử ăn sâu và dai dẳng đến suốt cuộc đời;
               2. Nó có thể bóp méo nhân cách của một người và khiến người ấy trở nên một người cau có, gắt gỏng;
               3. Nó ảnh hưởng đến tất cả những mối quan hệ của người đó;
               4. Nó là một trong những sự rối loạn hành vi khó có thể thay đổi và sửa chữa nhất.
 

               Kinh Thánh khuyên cha mẹ phải dạy dỗ con cái theo con đường nó phải đi. Bắt trẻ kìm nén cơn giận thay vì giải quyết cơn giận đó cũng đồng nghĩa với việc dạy đứa trẻ đi theo con đường nó không nên đi. Dạy trẻ giải quyết cơn giận bằng một thái độ đúng đắn là điều rất quan trọng. Để có thể dạy trẻ được điều đó, chúng ta cần giúp chúng giải quyết cơn giận chứ không bắt trẻ kìm hãm nó.
 

               Kính thưa quý thính giả,
 

               Tôi thật sự cho rằng việc dạy con cái cách xử lý cơn giận của mình khi chúng còn nhỏ và khi chúng đã bước vào tuổi thiếu niên là một trong những trách nhiệm khó khăn nhất của người làm cha mẹ. Điều đó được xem là khó khăn nhất trước hết là vì đây không phải là cách phản ứng tự nhiên của chúng ta.
 

               Như đã nói đến ở trên, cách phản ứng tự nhiên của cha mẹ khi con cái nổi giận là chính họ cũng trở nên giận dữ hơn cả con mình và còn trút cơn giận đó trên đầu chúng. Kế đến, dạy trẻ có được một thái độ giải quyết cơn giận của mình cách đúng đắn là điều hết sức khó khăn vì đây là một tiến trình lâu dài và rất mệt mỏi. Với mục đích của tiến trình đó, chúng ta mong muốn con mình biết cách xử trí cơn giận của chúng một cách trưởng thành khi bước vào độ tuổi 16, 17. Tiến trình này diễn ra chậm vì nó giúp con bạn dần trưởng thành. Bất cứ quá trình trưởng thành nào cũng đều rất lâu, rất chậm và hết sức khó khăn. Người lớn thiếu trưởng thành sẽ xử lý cơn giận của mình một cách thiếu trưởng thành nhưng người lớn có sự trưởng thành sẽ xử lý cơn giận của mình một cách chín chắn. Thái độ chống đối ngầm là một cách thể hiện thiếu trưởng thành nhất trong việc xử lý cơn giận. Cách giải quyết đúng đắn nhất là nói ra những điều khiến mình bực bội với một thái độ thoải mái và giải quyết điều đó với người mà chúng ta đang giận nếu có thể; hoặc ít nhất, chúng ta cũng có thể giải quyết điều đó với chính bản thân mình.
 

               Chúng ta không thể nào mong trẻ học được cách xử trí cơn giận của mình một sớm một chiều. Những bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ nhận ra rằng trẻ được dạy dỗ tốt sẽ dần học được những bài học quan trọng này khi trẻ phát triển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Cho đến khi trẻ lên bảy, tám tuổi hoặc lớn hơn nữa, chúng ta mới có thể mong đợi trẻ học biết cụ thể cách thức xử lý cơn giận một cách trưởng thành. Khi trẻ chưa đến lứa tuổi đó, cha mẹ cần cẩn thận để tránh cho thái độ chống đối ngầm khỏi ăn sâu vào tâm trí trẻ. Khi nào trẻ sẵn sàng, chúng ta mới có thể dạy chúng biết cách để càng lúc càng cư xử một cách trưởng thành. Tôi không thể nói hết đầy đủ mọi điều trong giới hạn của chương sách này. Tuy nhiên quyển sách “Làm Thế Nào Để Có Thể Yêu Con Mình Những Khi Nó Nổi Giận” của tôi sẽ nói rõ hơn về tất cả những điều đó.
 

               Trong Kinh Thánh, sứ đồ Phao-lô hướng dẫn chúng ta: “Hỡi những người làm cha, đừng chọc tức con cái mình nhưng hãy dưỡng dục chúng theo kỷ luật và giáo huấn của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4). Chúng ta hãy suy gẫm về điều này và đọc kỹ chương kế tiếp. Chúng ta phải cẩn thận để chỉ dùng hình phạt như một giải pháp cuối cùng và tránh việc trút cơn giận lên con cái của mình. Các bậc phụ huynh thân mến, hãy hết sức tỏ ra nhẹ nhàng với con cái mình nhưng cũng hãy tỏ ra cương quyết đúng mực. Nếu có hai từ ngữ mô tả đặc điểm của những bậc cha mẹ Cơ đốc thì đó là: nhẹ nhàng và cương quyết.


               Sự nhẹ nhàng bao gồm thái độ yêu thương, lạc quan, việc tránh gây ra những nỗi sợ và làm trẻ lo lắng, đặc biệt là khi chúng ta nổi giận. Còn cương quyết có nghĩa là công bằng và kiên định. Sự cương quyết không có nghĩa là khắc khe và cứng nhắc nhưng còn phải tùy thuộc vào lứa tuổi, khả năng và mức độ trưởng thành của trẻ.
 

               Khi con của bạn bước vào tuổi thiếu niên, hãy đọc quyển sách “Cách Để Yêu Thương Con Trong Độ Tuổi Thiếu Niên”, trong đó, chương 6 và 7 sẽ đem đến cho bạn những chỉ dẫn trong lứa tuổi này. Quyển sách này trình bày những cách dạy con dưới tuổi 16, 17 cư xử sao cho chín chắn khi đang giận. Tất cả những thái độ chống đối ngầm trước khi trẻ bước vào độ tuổi đó sẽ rất dai dẳng.
 

               Thật vậy, dạy trẻ cách xử lý cơn giận của mình là một điều rất khó nhưng đó cũng là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của các bậc cha mẹ ngày nay. Là cha mẹ, chúng ta phải nghiêm túc về vấn đề này và thật cẩn trọng biết rõ việc chúng ta đang làm bởi có quá nhiều rủi ro có thể xảy ra.
 

               Quý thính giả thân mến,
 

               Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách ngăn ngừa thái độ chống đối ngầm ở con trẻ trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Ross Campbell
Nguồn: phatthanhhyvong.com

 

Từ khóa: giận

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn