21:27 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 10


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268248

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997655

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Lương Tâm Là Gì?

Thứ hai - 12/10/2015 21:54
Lương Tâm Là Gì?

Lương Tâm Là Gì?

Kính thưa quý độc giả, Tôi có một người bạn đồng nghiệp, xin tạm gọi anh là John. John là một kỹ sư ngành điều khiển tự động (automation & process control engineer) với trên 25 năm kinh nghiệm, từng trải trong nhiều công nghệ khác nhau.


                  Kính thưa quý độc giả,

               Tôi có một người bạn đồng nghiệp, xin tạm gọi anh là John. John là một kỹ sư ngành điều khiển tự động (automation & process control engineer) với trên 25 năm kinh nghiệm, từng trải trong nhiều công nghệ khác nhau. John rất thông minh và thành thạo trong chuyên môn, nhưng anh ấy mắc phải một cái tật là rất “lè phè”.

               Trong khi mọi người bắt đầu một ngày làm việc từ 8 giờ sáng, thì John nhiều khi 9 giờ sáng chưa thấy xuất hiện. Ai cũng làm việc 5 ngày một tuần, trong khi John thường chỉ làm 4 ngày hoặc 3 ngày. Để “ép” John vào giờ giấc như người khác, tôi đã nhiều lần đề nghị anh vào làm việc “toàn thời gian” (full-time permanent) cho công ty, nhưng anh từ chối và thích làm theo kiểu “hợp đồng” (contractor) để ăn lương theo giờ hơn. Trên phương diện cá nhân, John và tôi là bạn, nhưng trên phương diện công việc làm, tôi lúc nào cũng phải thúc đẩy hay nhắc nhở John để công việc được trôi chảy. Với cái bản tính quá “lè phè” như vậy, nhiều khi anh làm tôi cũng rất bực mình, nhưng tôi vẫn không cho John nghỉ việc vì khả năng chuyên môn cùng kinh nghiệm hiếm quý của anh ấy.

               Cách đây ba năm, khi ngành khai thác mỏ tại Úc châu đang lên cao, John đã từ giã tôi sau mười năm làm việc chung, để đi đến những nơi xa xôi mà người ta sẵn sàng trả cho anh số lương từ gấp đôi đến gấp ba mức lương bình thường. Trong các lá đơn John gởi đi các công ty khai thác mỏ để xin việc, dĩ nhiên John để tên tôi là người đầu tiên trong những người chứng nhận (referee) cho khả năng chuyên môn cùng tư cách làm việc của anh ấy. Các công ty khai mỏ đã liên lạc với tôi để tra hỏi và nhờ tôi xác nhận về khả năng chuyên môn cùng tư cách làm việc của John. Tôi chẳng gặp khó khăn nào cả khi phải xác định khả năng chuyên môn tốt của John. Nhưng khi được hỏi về tư cách làm việc của John, như có siêng năng không, hoàn thành công việc đúng kỳ hạn không, quả thật tôi đã thật lúng túng và cuối cùng đành nhắm mắt trả lời thật “tốt” để cho John có được công việc với số lương thật cao mà anh ấy mong ước.

               Sau những lần bị tra hỏi và buộc phải trả lời “tốt” cho John, lòng tôi cảm thấy bất an làm sao ấy. Nếu tôi nói thật về tư cách làm việc của John, chắc chắn anh ấy sẽ không bao giờ có được công việc mà anh ấy mong ước và John cũng sẽ xem tôi là một người hẹp hòi, không sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Tuy vậy, khi tôi phải “uốn ba tấc lưỡi” để nói tốt cho John, tôi đã không thành thật với người khác. Đặt trường hợp nếu tôi là chủ nhân đi kiếm người làm việc siêng năng, tôi sẽ thất vọng như thế nào khi khám phá ra nhân viên mới mình vừa chọn không đúng theo như ý mình mong đợi?

               Lương tâm tôi cứ cắn rứt tôi về chuyện này và tôi nghĩ hôm nào đó, tôi sẽ liên lạc với John để nhờ anh ấy rút tên tôi ra khỏi danh sách những người chứng nhận cho anh ấy, để tôi không còn rơi vào tình trạng khó xử nữa.

               Quý độc giả thân mến,

               Nếu để ý đến, hầu như không ngày nào trôi qua mà quý vị và tôi không nghe tiếng nói của lương tâm, lên tiếng nhắc nhở chúng ta về một lời nói, một suy nghĩ thầm kín hay về một hành vi nào đó. Lương tâm cắn rứt chúng ta về một lời nói thiếu thành thật. Lương tâm đặt câu hỏi với chúng ta về thái độ tự cao trong một lời nói tự tô bóng thành tích của mình trước mặt người khác. Lương tâm phản đối khi chúng ta làm tổn thương một người nào đó. Lương tâm theo sát chúng ta, trong những hành vi bí mật nhất, để cáo trách và lên án, khi những hành vi đó là thiếu thủy chung hay gây hậu quả tai hại cho bản thân hay những người chung quanh.

               Lương tâm làm chùn bước những thú vui không đoan chính. Lương tâm cản trở những toan tính trong tội ác. Lương tâm khiến một người mất ngủ. Lương tâm dai dẳng, không hề chịu thua, đeo đuổi, cắn rứt mãi trong lòng một người, cho dù hành vi hay lời nói đã thuộc về quá khứ từ lâu. Một người không thể sống bình an được khi chưa giải quyết “ổn thỏa” với những đòi hỏi của lương tâm.

               Như vậy, lương tâm là gì? Lương tâm từ đâu đến? Lương tâm làm việc ra sao? Mục đích của lương tâm để làm gì? Lương tâm mỗi người có khác nhau không?

               Kính thưa quý độc giả,

               Nói theo ngôn ngữ thông thường, thì “lương tâm” có nghĩa là một “tấm lòng tốt lành” hay một “cõi lòng chính trực” hiện diện bên trong một con người, để giúp người đó phân biệt điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác.

               Tự điển tiếng Việt định nghĩa “lương tâm” là “yếu tố nội tâm tạo cho mỗi người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức, và do đó tự điều chỉnh mọi hành vi của mình”.

               Trong Anh ngữ, từ “lương tâm” là “conscience” với hai phần được ghép lại với nhau. Phần đầu là tiếp đầu ngữ “con” có nghĩa là “đi với” hay “đi chung”. Phần sau là “science”, có nghĩa là “khoa học, kiến thức hay sự hiểu biết”. Như vậy, “lương tâm” hay “conscience” có nghĩa là “sự hiểu biết đi liền với” hay “kiến thức đi chung với”.

               Lương tâm là sự hiểu biết đi liền với điều gì? Lương tâm là kiến thức đi chung với điều gì?

               Điều mà lương tâm đi liền với hay dựa vào để thẩm định về mọi hành vi hay suy nghĩ của quý vị và tôi, đó chính là những luật lệ và tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa.

               Thực vậy, lương tâm bắt nguồn từ Thượng Đế là Đấng tạo dựng ra quý vị và tôi. Ý định của Đấng Tối Cao là hướng lương tâm về những luật lệ và tiêu chuẩn tuyệt đối của Ngài, chứ không phải theo những lề luật do mỗi cá nhân tự đặt ra. Dầu trong một truyền thống như thế nào, trong một bối cảnh văn hóa ra sao, có một điều gì đó đang tranh đấu và vật lộn bên trong một con người, để tuyên bố hành vi này là đúng, lời nói kia là sai, bất chấp những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt trên con người đó, bất chấp nền tảng giáo dục người đó như thế nào hay hoàn cảnh chung quanh lúc đó ra sao.

               Lương tâm không phải là bản năng - giống như bản năng tự nhiên thúc đẩy một con vật phải hành động theo một cách thức nào đó để sinh tồn. Lương tâm là sự ý thức hay tình trạng nhận thức về những luật lệ của Đấng Tạo Hóa.

               Triết gia người Đức lừng lẫy của thế kỷ 18, Immanuel Kant đã nhận định về sự hiện diện của lương tâm như sau: “Có hai điều khiến tâm trí tôi cứ kinh ngạc cho đến sững sờ và hai điều này cứ tiếp tục thu hút trọn vẹn mọi suy nghĩ của tôi: đó là bầu trời đầy sao trên đầu tôi và những luật lệ luân lý bên trong con người tôi”.

               Mà thật vậy, chính bàn tay của Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài và vạn vật, sắp đặt và ban luật lệ vận hành cho chúng, như thi sĩ Đa-vít có diễn tả:

               “Bầu trời phản ánh vinh quang
               Không gian phô diễn tài năng Chúa Trời” (Thi Thiên 19:1)

               Bên cạnh không gian bao la đến vô tận, Thiên Chúa cũng đặt trong nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người những luân lý đạo đức để hướng dẫn đời sống của con người. Bất chấp quý vị là người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa hay không, có trau dồi sự hiểu biết về Ngài cùng những luật lệ của Ngài hay không, tất cả chúng ta đều được Ngài ghi khắc vào trong tâm khảm những luật lệ đạo đức tự nhiên.

               Khi nói về những người không phải là Do-thái, hay là những dân tộc hay những người không được tiếp cận hay có ý thức rõ ràng về sự hiện hữu của Thượng Đế, sứ đồ Phao-lô khẳng định họ vẫn mang một lương tâm bắt nguồn từ Ngài, qua đoạn kinh văn sau đây:

               “Những người không phải Do-thái, dù không có luật pháp, nhưng nếu do bản chất tự nhiên làm theo những điều luật pháp qui định, thì những điều ấy là luật pháp của họ rồi. Họ cho thấy rằng, từ trong lòng mình đã biết phân biệt phải quấy theo như luật pháp qui định. Họ chứng tỏ điều ấy qua lương tâm” (Rô-ma 2:14-15)

               Kính thưa quý độc giả,

               Lương tâm là bằng chứng hiển nhiên về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Lương tâm tách biệt và đưa con người lên cao hơn hẳn mọi loài thọ tạo khác, vì chỉ duy con người nhờ có lương tâm mà có thể phân biệt đúng, sai, thiện, ác. Lương tâm cũng khiến con người phải chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói và lối sống của mình trước Đấng Tối Cao. Lương tâm của một người làm nhân chứng cho người đó, phơi bày mọi bí mật trong đời sống người đó trong ngày xét xử cuối cùng, trước mặt Thiên Chúa, như Kinh Thánh có khẳng định:

               Lương tâm có khi bảo rằng mình làm đúng, có khi bảo rằng mình làm sai. Việc ấy sẽ xảy đến trong ngày mà Thượng Đế, qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, sẽ xét xử những tâm tư thầm kín của con người. (Rô-ma 2:15-16)

               Lương tâm không thiên vị, không mang thành kiến. Lời phán quyết của lương tâm là lời kết cuộc, là lời kết luận cuối cùng, không có kháng án, cũng chẳng có biện hộ hay lý luận dông dài. Lương tâm cũng lên án ngay cả khi một hành động xem như chẳng có gì trái với luân lý hay đạo đức.

               Khi Đa-vít là vị vua thứ nhì của xứ Do-thái tiến hành kiểm tra dân số trong cả nước, mặc dù hành động này chẳng có gì sai trật với luân lý cả, nhưng lương tâm của vua Đa-vít cảm thấy không bình an, như Kinh Thánh có ký thuật: “Kiểm tra dân số xong, Đa-vít bị lương tâm cắn rứt, và thưa với Chúa: "Lạy Chúa Hằng Hữu! Con đã phạm một trọng tội; xin Chúa tha tội cho con, vì con thật điên rồ!" (2 Sa-mu-ên 24:10). Tại sao lương tâm của vua Đa-vít bị cắn rứt? Có lẽ vì Thiên Chúa không muốn vua Đa-vít ỷ lại vào dân đông, quân số nhiều, nhưng Ngài muốn vua phải đặt trọn sự tin cậy nơi Đấng Chí Cao mà thôi. Hành động của vua Đa-vít mang một động cơ sai trật và Thiên Chúa đã nhắc nhở vua qua lương tâm. Cũng tương tự như thế, lương tâm của quý vị và tôi vượt lên hẳn những luật pháp và quy định đạo đức của xã hội loài người. Một hành động, dầu được xem là hợp pháp, nhưng nếu không hợp tình, có mang một thâm ý xấu xa bên trong, vẫn không qua mặt được sự phán quyết của lương tâm.

               Quý độc giả thân mến,

               Sứ đồ Phao-lô là người được Thiên Chúa ban cho trọng trách truyền bá tin lành cứu rỗi của Cứu Chúa Giê-xu cho nhiều dân tộc. Ông là một người có thói quen tự xét về lương tâm của mình, nhưng cho dầu có mang một lương tâm thanh thản, ông vẫn không vội kết luận mình là một con người trọn vẹn, như chính ông có tuyên bố: “Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính” (1 Cô-rinh-tô 4:4)

               Tại sao sứ đồ Phao-lô không có điều gì áy náy trong lương tâm, nhưng ông vẫn không vội cho mình là công chính?

               Vì lương tâm mỗi người có giới hạn. Vì lương tâm khác nhau trong những cá nhân khác nhau. Vì lương tâm, mặc dầu bắt nguồn từ Thiên Chúa, để hướng một người về những luật lệ tuyệt đối của Ngài, như lương tâm có bị chi phối, có bị lu mờ, phụ thuộc vào quá trình giáo dục, quan điểm sống và kinh nghiệm sống của cá nhân.

               Lương tâm của mẹ Teresa bác ái khác hẳn với lương tâm của những tên đồ tể như Pol Pot, Stalin hay Hitler. Lương tâm của một người tìm kiếm Thượng Đế khác với lương tâm của người phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Quả thật, lương tâm của một người vẫn có thể bị thiếu sót, thậm chí lệch lạc, sai trật, bị siêu vẹo, do vậy mà chúng ta có nghe những cụm từ như “lương tâm chai lì”, “táng tận lương tâm”, “thiếu lương tâm” hay “vô lương tâm”.

               Làm sao chúng ta biết được lương tâm chúng ta đang ngay thẳng hay siêu vẹo? Làm sao chúng ta có thể điều chỉnh lại lương tâm của mình? Nếu chúng ta không biết tình trạng thật của lương tâm của chính mình, là nhân tố đang hướng dẫn đời sống đạo đức, điều này có gây nguy hại gì cho đời sống của bản thân không?

               Kính mời quý vị và các bạn tiếp tục cùng khám phá với chúng tôi trong những chương trình Phát Thanh Hy Vọng vào những tuần tới.

               Kính chúc quý vị và các bạn có những chuỗi ngày thật thanh thản trong lương tâm và bình an trong tâm hồn. Thân chào quý vị và các bạn.
 

 Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn