19:28 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 13


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23010141

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Nguyên Tắc Thứ 3: Trung Tâm Điều Khiển Nhận Thức

Thứ tư - 28/12/2016 20:28
Nguyên Tắc Thứ 3: Trung Tâm Điều Khiển Nhận Thức

Nguyên Tắc Thứ 3: Trung Tâm Điều Khiển Nhận Thức

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ hai trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với chương đề: Bạn Suy Nghĩ Thế Nào Thì Bạn Là Người Như Thế Ấy.




                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở chương thứ hai trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với chương đề: Bạn Suy Nghĩ Thế Nào Thì Bạn Là Người Như Thế Ấy. Trong chương này, chúng tôi lần lượt trình bày cùng quý thính giả năm nguyên tắc căn bản hình thành nền tảng cho sự Tự-Nhủ. Chúng tôi đã nói đến Nguyên Tắc Thứ Nhất, đó là: Suy Nghĩ của Chúng Ta Tạo Nên Cảm Xúc Của Chúng Ta. Những cảm xúc như vui, buồn, giận dữ, yêu, ghét, chán nản hay phấn khích trong lòng chúng ta đều bắt nguồn từ suy nghĩ của chúng ta. Thế giới vẫn xoay đều theo nhịp điệu của nó, và sự việc quanh ta cũng có thể không hay chưa từng thay đổi, nhưng cảm xúc của chúng ta có thể thay đổi theo chiều hướng chúng ta suy nghĩ tích cực hay tiêu cực về sự việc mà thôi.

                Tuần qua chúng ta cũng đã nói đến nguyên tắc thứ hai, đó là: Suy Nghĩ Của Chúng Ta Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử Của Chúng Ta. Một thí dụ cụ thể là một người đàn ông trốn mua vé xe lửa đã trốn lầm vào một toa xe chở hàng đông lạnh và không có cách nào ra khỏi đó, cũng không có cách nào liên lạc cho người khác đến đem ông ta ra. Người đàn ông này không biết rằng toa chở hàng đông lạnh này đã bị hỏng, máy lạnh không hoạt động và đang chờ được sửa chữa. Ông ta nghĩ mình bị chết cóng trong toa hàng đông lạnh, và quả thật là ông đã chết cóng với suy nghĩ ấy.

                Một thí dụ khác là sự nhút nhát. Hầu hết mọi người đều trải nghiệm sự nhút nhát vào một thời điểm nào đó trong đời. Dù vậy, đối với nhiều người, đó là một từng trải cứ tiếp diễn mãi. Nhưng sự nhút nhát được đặt cơ sở trên một hệ thống niềm tin. Bạn hành xử như một người nhút nhát bởi vì hành vi của bạn bị điều khiển bởi niềm tin rằng bạn nhút nhát. Nói tóm lại, sự Tự-Nhủ của chúng ta, hoạt động qua những cảm xúc của chúng ta, là một yếu tố chính yếu định đoạt hành vi cư xử của chúng ta.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng tôi sẽ trình bày về Nguyên Tắc Thứ Ba: Trung Tâm Điều Khiển Nhận Thức của Chúng Ta Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Cư Xử của Chúng Ta

                Không phải những gì đang xảy ra trong đời sống chúng ta ảnh hưởng đến hành vi cư xử của chúng ta, nhưng chính những gì chúng ta tin về điều đang xảy ra mới là vấn đề. Nếu chúng ta tập trung vào những sự kiện liên quan tới một thế giới ngoài tầm kiểm soát, chúng ta sẽ hành xử theo một cách thức nào đó. Nếu chúng ta tập trung vào một thế giới ở dưới sự kiểm soát và được điều khiển của một Đức Chúa Trời toàn năng, chúng ta sẽ hành xử trong một cách thức khác hẳn.

                Kính thưa quý độc giả,

                Sách Dân Số Ký trong Thánh Kinh ký thuật lại việc mười hai người được Môi-se sai đi do thám xứ cho chúng ta một hình ảnh minh họa thật hay về nguyên tắc này. Các thám tử thảy đều nhìn thấy cùng những con người và cùng vùng đất như nhau. Họ cùng xem xét mọi thứ về vùng đất đượm sữa và mật ấy trong bốn mươi ngày. Kế đó họ trở về gặp Môi-se để tường trình những gì họ đã tận mắt nhìn thấy. Trong đoạn 13, chúng ta thấy rằng Giô-suê và Ca-lép đã trở về với một thái độ đầy phấn khích. Họ sẵn sàng tiến tới trước. Trong câu 30, Ca-lép nói, “Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được.”

                Nhưng mười người kia thì sao? Họ không đồng ý. Rõ ràng, trên đường trở về trại quân nơi Môi-se và dân sự đang chờ đợi, họ bắt đầu suy nghĩ về những trận chiến họ sẽ cần phải chiến đấu. Khi họ tiến bước, những người Nê-phi-lim (tức là những gã khổng lồ của xứ) bắt đầu trông có vẻ cao lớn hơn. Suy nghĩ của 10 thám tử này bắt đầu biến những kẻ cao lớn này thành những người tàn bạo dữ tợn, và đồng thời họ đang bắt đầu thấy mình nhỏ bé lại.

                Dân-số ký 13:32-33 ký thuật rằng khi 10 thám tử đứng trước dân sự, thì xứ sở đượm sữa và mật mà họ nhìn thấy đã biến đổi thành “một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó đều là kẻ hình vóc cao lớn. Chúng tôi có thấy những người Nê-phi-lim (tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống người Nê-phi-lim giềnh giàng); chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy”. Đó là sự nhận thức của họ về tình huống này.

                Những người này đã phát triển một “mặc cảm con cào cào.” Suy nghĩ của họ đã phóng đại kích thước của tất cả những người nam trong xứ theo cùng cách thức sự Tự-Nhủ của họ đã phóng đại những nhược điểm của chính họ. Trong suốt bốn mươi ngày ấy, họ đã chuyển sự tập trung chú ý của mình xa khỏi Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng mà chỉ mới thời gian ngắn trước đó đã bày tỏ năng quyền của Ngài bởi việc mở một con đường ngay giữa lòng đại dương để họ băng ngang qua Biển Đỏ và rồi tiêu diệt đạo quân Ai-cập đang rượt đuổi theo.

                Giô-suê và Ca-lép đã không cho phép sự Tự-Nhủ của họ kéo họ vào chiếc bẫy đó. Họ đã giữ Đức Chúa Trời làm trung tâm điều khiển của mình. Họ nhìn vào cùng những người cao lớn ấy và nói, với Đức Chúa Trời, “Chúng ta có thể thắng hơn được!” Mười thám tử kia nhìn vào những kẻ cao lớn và nói, “Chúng tôi là những con cào cào!” Mười hai người cùng nhìn thấy điều tương tự. Nhưng hành vi của họ được định đoạt bởi sự kiện hoặc con người mà họ nghĩ là đang kiểm soát/điều khiển tình huống đó. Ngay cho dù mắt họ nhìn thấy cùng vùng đất và những con người mà Giô-suê và Ca-lép đã nhìn thấy, song sự nhận thức của họ khác hẳn. Và sự nhận thức của họ về những người cao lớn và vùng đất ấy hình thành các hệ thống niềm tin của họ-sự Tự-Nhủ của họ.

                Kính thưa quý độc giả,

                Tiếp theo đây, chúng ta lại nói sang Nguyên Tắc Thứ Tư: Chúng Ta Suy Nghĩ Bất Hợp Lý.

                Giờ đây chúng ta có thể bắt đầu hiểu vì sao con người thật dễ dàng bị rơi vào một chu kỳ ngoài tầm kiểm soát, trở nên hoặc bị áp đảo, choáng ngộp, hoặc kiểm soát quá mức. Chúng ta có thể thấy thật dễ dàng biết bao để dân Y-sơ-ra-ên tin lời mười người kia và bác bỏ lời tường trình của Giô-suê và Ca-lép. Chúng ta thảy đều có khuynh hướng suy nghĩ bất hợp lý.

                Tất cả chúng ta đều có thể nhớ những tình huống trong đó chúng ta hành động trong một cách thức nào đó vốn làm cho mình bối rối. Chúng ta bị bối rối bởi vì sau đó chúng ta có thể thấy những ý kiến của mình lúc đó là vô lý biết dường nào. Chúng ta làm điều này thường xuyên với những người mình thương yêu nhất. Chúng ta trở nên giận dữ với người phối ngẫu của mình và nói những điều mình không hàm ý. Những lời nói độc ác, giận dữ mà chúng ta đã nói ra lại sẽ ám ảnh chúng ta sau đó, khi chúng ta cảm thấy có lỗi vì đã làm tổn thương người mình yêu quý.

                Hoặc chúng ta bị rơi vào chiếc bẫy này với con cái của mình. Chúng ta lo lắng về chúng. Và những nỗi lo lắng của chúng ta tăng lên đến mức chúng ta chỉ phải đối chất với chúng. Có lẽ chúng ta tiến xa tới chỗ buộc tội con cái mình đã làm những điều chúng ta lo sợ chúng có thể làm; và rồi chúng phản ứng với sự giận dữ và tổn thương. Về sau, khi mà mọi người đã nguôi ngoai, chúng ta tự trách bản thân mình vì đã nói những điều ngốc nghếch như thế. Chúng ta nói những điều này bởi vì chúng ta suy nghĩ bất hợp lý.

                Có lẽ một ví dụ rõ rệt là câu chuyện về một cô gái xinh đẹp nhưng lại cho rằng mình xấu xí. Mỗi lần có ai đó khen cô về vẻ bề ngoài xinh đẹp của cô, cô lại quả quyết rằng mình trông kinh khủng ra sao. Và ai đó càng cố tìm cách khẳng định lời khen ngợi dành cho cô thì cô lại càng mô tả bản thân mình là xấu xí và thô kệch. Không gì có thể thuyết phục được cô, bởi vì cô suy nghĩ bất hợp lý.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục phân tích nguyên tắc thứ tư và thứ năm trong chương hai của quyển sách Nghĩ Sao, Thành Vậy. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn