Thánh sử ký thuật lại rằng: Tại một vùng đất mầu mỡ của nước Ai Cập, có một chàng trai và một cô gái người Do Thái, thuộc đại tộc Lê-vi yêu nhau, họ kết nghĩa vợ chồng, sinh được một bé trai. Thấy con mình khôi ngô tuấn tú, đôi vợ chồng nầy đã cãi lệnh vua không quăng con mình xuống dòng sông. Theo lệnh truyền của hoàng đế Ai Cập lúc ấy là phải “Ném tất cả các con trai sơ sinh người Do Thái xuống sông, nhưng tha cho con gái được sống!" (Xuất Ê-díp-tô ký 1:22b) Đôi vợ chồng nầy đã đem giấu con suốt ba tháng. Khi biết mình không thể giấu lâu hơn nữa, người vợ lấy một rương mây như cái thúng, trét nhựa thông cho khỏi ngấm nước, đặt đứa bé nằm bên trong, rồi đem rương mây thả bên bờ sông, giữa đám lau sậy. Bà bảo chị đứa bé đứng xa xa để trông chừng em. Hôm ấy, công chúa Ai Cập ra sông tắm, trong khi các cô gái hầu của công chúa dạo chơi dọc bờ sông. Công chúa chợt thấy cái rương mây trong đám lau sậy, liền gọi các cô hầu vớt lên, mở ra, thấy một chú bé đang khóc, công chúa động lòng thương, nói rằng: "Đây là con của người Do Thái." Chị đứa bé liền tiến lại đề nghị với công chúa: "Cháu đi tìm một người đàn bà Do Thái để nuôi em bé này cho công chúa nhá?" Công chúa đáp: "Phải, đi đi." Cô bé chạy đi gọi mẹ. Công chúa bảo bà: "Đem em bé này về nuôi cho ta, ta trả công cho." Bà ẵm nó vào lòng, đem về nhà nuôi nấng. Khi nó đã khôn lớn, bà dẫn nó vào cung, công chúa Ai Cập nhận nó làm con, đặt tên là Môi-se, công chúa nói rằng mình đã vớt nó ra khỏi nước. (Xuất Ê-díp-tô ký 2:6-11)

                Môi-se ra đời và được sống còn giữa lúc dân tộc ông bị đọa đày dưới sự cai trị hà khắc của người Ai Cập. Nhưng nhờ được công chúa Ai Cập nhận làm con nên ông được tất cả đặc quyền của một hoàng tử Ai Cập. Môi-se không những là một cậu bé khỏe mạnh, có hai lá phổi khá tốt. Lúc đầu, cha mẹ Môi-se có thể đem giấu con trong nhà, nhưng nếu Môi-se hét lớn là nguy cho cả nhà. Nếu có một tên lính tuần tra đi ngang qua nghe được tiếng khóc của Môi-se, chắc chắn con bà sẽ bị giết, cả nhà bà mang họa. Mẹ Môi-se phải giải quyết nan đề hết sức nghiêm trọng này. Bà biết mình không thể tiếp tục giấu con được nữa nên đã nhờ Chúa hướng dẫn, với lòng tin tưởng vào Chúa, Đấng sẽ giải cứu con mình, bà đã hành động ngay. Bà làm một cái rương mây như cái thúng, trét chai rồi đặt Môi-se vào trong đó, rồi thả xuống sông. Nhìn thấy đức tin người mẹ nầy, Chúa khiến công chúa của hoàng đế Ai Cập xuống sông tắm vào đúng thời điểm đó. Xung quanh công chúa có các nữ hầu, họ vừa đi dạo dọc theo mé sông, vừa phục vụ công Chúa. Công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai các nàng hầu mình vớt lên. Đây là việc của bàn tay của Chúa, Ngài đã can thiệp vào tình huống này. Đây cũng chính là điều mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện cho quý vị, một khi quý vị nhận biết Chúa là Đấng Tạo Hóa mình, là Đức Chúa Trời mình.

                Khi công chúa mở chiếc rương mây ra, thấy bé trai của người Do Thái đang khóc, bèn động lòng thương. Đức Chúa Trời đã kết hợp tiếng khóc của em bé và tấm lòng của người mẹ tiềm ẩn trong lòng của công chúa, để cứu Môi-se. Công chúa không thể nào bỏ mặc đứa bé phải chết trong dòng sông oan nghiệt nầy. Thánh Kinh ký thuật lại rằng: Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Cháu phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Do Thái đặng cho đứa trẻ bú chớ? (Xuất Ê-díp-tô ký 2:7-8) Cô bé nầy đã đưa ra một đề nghị rất hữu ích cho công chúa. Công chúa chấp nhận và để cho chị của đứa bé này thực hiện đúng như lời đề nghị của cô bé.

                Công chúa đáp rằng: "Hãy đi đi. Người gái trẻ đó kêu mẹ của đứa trẻ." (Xuất Ê-díp-tô-ký 2:8) Đây là chương trình tuyệt hảo của Đức Chúa Trời. Người mẹ ruột của đứa bé đã được gọi đến để cho con trai ruột mình bú, lại được trả tiền công trong vai trò làm vú nuôi của đứa bé. Chúng ta không thể nào hiểu thấu tất cả những gì mà Đức Chúa Trời đang hành động khi Ngài chiếm hữu tấm lòng và cuộc sống của mỗi chúng ta. Đây là một câu chuyện rất cảm động, mang nặng lòng nhân ái. Có rất nhiều điều Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta qua từng trang Thánh Kinh là Lời của Ngài. Thánh Kinh cho biết: Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.(Xuất Ê-díp-tô ký 2:9-10)

                Các sử gia cho rằng nàng công chúa này có lẽ là trưởng nữ của Rameses II, hay cũng có thể là chị em của vị hoàng đế đương thời. Theo như phong tục của người Ai Cập thời bấy giờ, thì con trai của công chúa có thể lên nối ngôi vua, và do đó Môi-se có thể sẽ trở thành hoàng đế nối ngôi nếu như vị hoàng đế này không có con trai.

                Nỗ lực đầu tiên của Môi-se là muốn giúp đỡ dân tộc mình đang làm nô lệ cho người Ai Cập đã được thánh sử ký thuật lại rằng:Thời gian thấm thoắt, Môi-se đã trưởng thành. Một hôm ông đi thăm các anh em đồng chủng, thấy người Do Thái phải làm lụng cực nhọc. Ông cũng thấy một người Ai Cập đánh một người Do Thái, anh em đồng chủng của mình. Nhìn quanh quất chẳng thấy ai, Môi-se liền giết người Ai Cập rồi đem vùi thây trong cát. Ngày hôm sau ông lại ra thăm. Lần này Môi-se thấy hai người Do Thái đánh nhau. Ông nói với người có lỗi: "Đã là anh em, sao còn đánh nhau?" Người đó hỏi vặn: "Ông là người cai trị, xét xử chúng tôi đấy à? Có phải ông định giết tôi như giết người Ai Cập hôm qua không?" Môi-se biết việc đã lộ, nên lo sợ lắm. Việc nầy đến tai hoàng đế Ai Cập, nhà vua ra lệnh bắt Môi-se xử tử; nhưng ông trốn qua xứ Ma-đi-an. (Xuất Ê-díp-tô ký 2:11-15)

                Bốn mươi năm đầu trong cuộc đời Môi-se đã sống trong cung điện của Hoàng đế Ai Cập, được trưởng dưỡng và được huấn luyện trong cương vị của hoàng tử Ai Cập. Ông trông giống như một người Ai-cập, từ cách ăn nói đến mọi sinh hoạt đều giống hệt như người Ai-cập. Ông được xem như là một người Ai-cập, vì đã được giáo dục trong triều đại hoàng kim của Ai Cập.

                Ai Cập là một trong những đế quốc văn minh. Khoa chiêm tinh của họ thật rất đỗi phi thường. Họ đã từng chứng minh rằng trái đất hình tròn chứ không phải bằng phẳng. Họ đã hiểu biết rất sâu sắc về môn hóa học, điều này được chứng minh qua sự kiện là họ đã có thể ướp xác để giữ cho xác lâu dài. Ngày nay, chúng ta vẫn không có công trình nào sánh được với phát minh này của họ. Ngành thủ công của Ai Cập khéo léo và khả năng cảm thụ màu sắc của họ hết sức kỳ diệu. Màu sắc của họ thời đó luôn sáng hơn bất kỳ màu nào mà chúng ta có ngày nay. Nếu có ai biết được các công thức pha chế màu sắc được áp dụng bởi người Ai Cập cổ, thì các công ty sơn nên tặng thưởng cho họ bất cứ thứ gì họ muốn. Nước sơn sáng, bóng, đẹp và thật đáng kinh ngạc là chúng vẫn còn giữ nguyên màu sắc nguyên thủy dù trải qua đến 4000 năm! Bên cạnh những thành quả khác của họ, người Ai-cập còn có một thư viện đồ sộ. Ngành kiến trúc của họ thật tinh vi, vĩ đại qua công trình xây dựng những kim tự tháp, ngành toán học của họ cũng thật xuất sắc. Nhiều khi ta tìm thấy π = 3.1416 được khắc trong kim tự tháp của họ. Nhờ công thức nầy nên có thể tính được diện tích hoặc chu vi của hình tròn.

                Môi-se, dầu được học hỏi tốt trong sự giáo dục của người Ai Cập, nhưng không nơi nào dạy ông cách phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban tặng cho Môi-se người mẹ yêu Chúa, chính thời gian được chính mẹ ruột của mình nuôi dưỡng, dạy dỗ mà Môi-se biết được Chúa. Hơn nữa Môi-se sau khi trốn ra khỏi Ai Cập, vào sống trong sa mạc, suốt 40 năm Đức Chúa Trời đã dạy cho ông nhiều điều. Tại đây ông cưới người con gái tên là Sê-phô-ra có nghĩa là “Con chim sẻ” để chỉ về một người nữ nhỏ thó và hay lo âu. Nàng sanh cho Môi-se con trai đầu, Môi-se đặt tên là Ghẹt-sôn vì nói rằng: "Tôi kiều ngụ nơi xứ lạ quê người."

                Thánh sử cho biết sau khi hoàng đế Ai Cập quý yêu người Do Thái đã băng hà, một vị hoàng đế khác lên ngôi không biết ơn người Do Thái. Trái lại khi thấy dân tộc Do thái khôn ngoan, hùng mạnh, ông e sợ người Do thái sẽ hợp với nước khác chống lại mình, nên ông dùng thế "tiên hạ thủ duy cường", có nghĩa là ra tay hạ địch trước để giữ thế mạnh. Vua cho người giết những trẻ sơ sinh trai, bắt dân Do Thái làm phu xây các thành phố cho họ. Dân Do Thái than thở kêu van vì phải phục dịch khổ sở; tiếng kêu van lên thấu Đức Chúa Trời. Ngài nghe tiếng than thở của họ, nhớ lại giao ước mình kết lập cùng tổ phụ họ là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái thương và nhận biết cảnh ngộ của họ nên có chương trình giải cứu họ. Ngài đã chọn Môi-se. Ông được huấn luyện để trở thành nhà giải cứu và là lãnh tụ dân tộc Do Thái

                Qua tình trạng tuyệt vọng của dân Do Thái, lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đã hiện ra. Lời hứa của Ngài là sẽ đưa hậu tự của Áp-ra-ham quay về vùng đất hứa sau hơn 400 năm sống ở Ai Cập, Ngài vạch ra một kế hoạch nhằm giải cứu họ thoát khỏi tình trạng nô lệ này.

                Thưa quý vị,

                Trong lãnh vực tâm linh của đời sống, chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, đã đổ ra bao nhiêu nước mắt. Nếu Đức Chúa Trời không ban Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus đến trần gian nầy cứu chúng ta khỏi vòng xiềng xích của tội lỗi và sự chết, thì cuộc đời của chúng ta không biết sẽ đi về đâu! Thánh Kinh cho biết “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời ban ân, rộng lòng tha thứ, kể chúng ta là công chính, do công lao cứu chuộc bằng máu của Chúa Cứu Thế Jesus. (Rô-ma 3:23-24)

                Đức Chúa Trời vì yêu chúng ta đến nỗi đã ban cho chúng ta Con một của Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus, là Đấng giải cứu nhân loại.

                Chúa Cứu Thế Jesus đã cứu ta đang khi ta còn là những tội nhân đáng chết! Mỗi chúng ta đều mang một bản tánh tội lỗi, và chẳng có điều gì tốt đẹp trong chúng ta. Triết gia Paul tâm sự rằng: “Tôi biết chẳng có điều gì tốt trong tôi cả - tôi muốn nói về bản tính cũ của tôi. Dù tôi ước muốn làm điều tốt, nhưng không thể nào thực hiện. Tôi chẳng làm điều tốt mình muốn, lại làm điều xấu mình không muốn. Khi tôi làm điều mình không muốn, không phải chính tôi làm nữa, nhưng tội lỗi chủ động trong tôi. Do đó, tôi khám phá ra luật nầy: Khi muốn làm điều tốt, tôi lại làm điều xấu. Dù trong thâm tâm, tôi vẫn yêu thích luật Đức Chúa Trời, nhưng có một luật khác trong thể xác tranh đấu với luật trong tâm trí, buộc tôi phục tùng luật tội lỗi đang chi phối thể xác tôi; vì tâm trí tôi tuân theo luật Đức Chúa Trời, còn thể xác tôi phục tùng luật tội lỗi. Thật bất hạnh cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát ách nô lệ của thể xác tội lỗi hư hoại nầy? Tạ ân Đức Chúa Trời, tôi được giải cứu nhờ Chúa Cứu Thế Jesus, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 7:18-25)

                Thưa quý vị,

                Chúng ta chẳng có gì đáng yêu và chẳng có điều gì đáng để được Đức Chúa Trời cứu vớt cả! Nhưng vì yêu chúng ta mà Chúa đã giáng trần và chết thay ta. Rất mong trong giờ nầy quý vị đến với Chúa với cả lòng biết ơn và ăn năn, từ bỏ tội lỗi mình. Rất mong quý vị tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus để tội lỗi được tha thứ, linh hồn được cứu chuộc và được hưởng thiên đàng phước hạnh, chẳng những ngay trong đời nầy mà trong cả cõi vĩnh hằng trong tương lai.

                Kính chào quý vị và các bạn.

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com