10:56 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 9299

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 23338

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23032371

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Thờ Trời Đúng Cách

Thứ hai - 07/11/2016 21:10
Thờ Trời Đúng Cách

Thờ Trời Đúng Cách

Ngày xưa có một cây hoa súng xinh xắn mọc trong đầm, thấy bầy cá bơi lội tung tăng thỏa thích trong làn nước xanh biếc, hoa sung thầm ước mơ là mình được trở thành những con cá nhỏ dễ thương đó



                Ngày xưa có một cây hoa súng xinh xắn mọc trong đầm, thấy bầy cá bơi lội tung tăng thỏa thích trong làn nước xanh biếc, hoa sung thầm ước mơ là mình được trở thành những con cá nhỏ dễ thương đó. Trong khi bầy cá thì lại không bằng lòng với thân phận mình, chúng ước mơ được trở thành bầy ếch, vì chúng thấy mình bị tù túng trong cái đầm chật hẹp nầy! Chúng bực tức vô cùng vì không thể thoát ra khỏi nơi bẩn và chật nầy. Sở dĩ bầy cá mơ thành bầy ếch vì ếch vừa có thể bơi dưới nước vừa có thể nhảy lên cạn để đi ngao du đây đó. Còn bầy ếch có thỏa lòng trong thận phận ếch nhái nầy không? Câu trả lời là không. Ếch ganh tị với đàn chim bay lượn trên khung trời xanh biếc, với thân hình xinh đẹp, với tiếng hát líu lo, và sức dẻo dai lạ thường! Chim chỉ cần đập cánh là bay nhẹ lên cao, lượn vút trên nền trời cao ngất. Nhưng loài chim lại không cảm thấy hạnh phúc như loài vật khác tưởng, vì chúng vẫn sợ loài người giăng bẫy, mang về, bỏ vào lồng để làm trò tiêu khiển hay làm thức ăn cho họ. Loài chim cũng sợ mèo hãm hại khi làm tổ. Cho nên chúng phải làm tổ ở trên cành cây cao, nhưng khổ nỗi là mỗi khi cuồng phong đến, công trình tuyệt mỹ của chúng sẽ bị tan tác.

                Thưa quý vị, qua chuyện ngụ ngôn, chúng ta rút được một bài học rất quý báu. Nếu chúng ta không biết ơn Trời đã sáng tạo mình, đã chu cấp mọi vật thực cho mình thì chúng ta cũng sẽ không bằng lòng với chính mình, mà cứ mơ ước mình là người khác. Chúng ta không nhìn thấy mình là một tạo vật độc đáo với bản tính và khả năng đặc biệt mà Đấng Tạo Hóa phú cho từng người không giống bất cứ người nào khác hay loài vật khác.

                Sách Talmud của người Do Thái, kể lại câu chuyện một người tên là Akiba sắp chết, trăn trối lại với thầy rabbi, là lãnh đạo tinh thần của ông ta: “Tôi vô cùng thất vọng vì tôi không sống được như lãnh tụ Moses, chắc là Chúa Trời sẽ đoán phạt tôi. Khi nghĩ đến điều nầy tôi sợ lắm!” Thầy rabbi ghé vào tai Akiba nhẹ nhàng nói: “Chúa Trời không buồn vì Akiba không là Moses, nhưng Chúa không vui vì Akiba không phải là Akiba.”

                Tìm hiểu cuộc đời các vĩ nhân trên thế giới, chúng ta thấy không vĩ nhân nào giống vĩ nhân nào, nhưng tất cả đều giống nhau một điểm là họ đã tận dụng khả năng Thiên phú mình có được, đã khai thác triệt để tiềm năng của chính họ. Nhờ đó, họ có những cá biệt, mỗi người một vẻ, và có những cống hiến hữu ích khác nhau cho nhân loại.

                Nhiều người hay so sánh mình với người khác, chán cái dở của mình, thèm cái hay của người, như câu tục ngữ “Cỏ bên kia hàng rào xanh hơn”. Không ai trên đời mà không nhận được sự ban cho của Đức Chúa Trời như người xưa nói: "Thiên bất sinh vô lộc chi nhân". Câu nầy có nghĩa là bất cứ người nào được Trời sinh ra cũng có được sự ban cho của Trời, với nét đặc biệt từng cá nhân, mỗi người mỗi vẻ để tạo thành một cộng đồng hài hòa, sinh động dưới sự quản cai của Chúa Cứu Thế Jesus, như lời Thánh Kinh dạy: Vì thân thể không phải là một bộ phận, nhưng gồm nhiều bộ phận. Nếu chân nói: “Tôi không phải là tay nên không thuộc về thân thể”, thì không thể vì thế mà chân không thuộc về thân thể. Nếu tai nói: “Tôi không phải là mắt nên không thuộc về thân thể”, thì không vì thế mà tai không thuộc về thân thể. Nếu cả thân thể đều là mắt, làm sao nghe? Nếu cả thân thể đều là tai, làm sao ngửi? Đức Chúa Trời đã phân định mỗi chi thể trong thân thể theo ý Ngài. Nếu tất cả chỉ là một chi thể, đâu còn thân thể nữa! Thật ra, chi thể tuy nhiều nhưng hợp làm một thân thể. Mắt không thể nói với tay: “Tôi không cần đến anh”, đầu không thể nói với hai chân: “Tôi không cần các anh.” Chi thể nào có vẻ yếu ớt lại cần thiết; chi thể nào tưởng tầm thường lại càng được tôn trọng. Chi thể nào thiếu vẻ đẹp lại được trau giồi hơn. Các chi thể đã đẹp không cần trang điểm nữa. Đức Chúa Trời xếp đặt các phần trong thân thể chúng ta theo nguyên tắc: chi thể yếu kém hơn lại được săn sóc tôn trọng hơn, để tất cả các chi thể đều hòa hợp, hỗ trợ nhau. Nếu chi thể nào đau, cả thân thể cùng đau; nếu chi thể nào được vẻ vang, cả thân thể cùng vui mừng. Anh em là thân thể của Chúa Cứu Thế, mỗi người là một chi thể. (I Cô-rinh-tô 12:14-27)

                Khi chúng ta nhận ra mình là một tạo vật độc đáo được Chúa Trời tạo dựng bằng cả tình yêu và sự trìu mến của Ngài, thì chúng ta sẽ không bao giờ quên ơn Chúa Trời mà sống một đời sống biết ơn. Là người Việt Nam, chúng ta hãnh diện vì dân tộc ta vốn là dân tộc biết ơn Trời. Hành động biết ơn đó được thể hiện qua sự thờ phượng. Như chúng ta thấy phần đông nhà người miền Nam có bàn thờ ông Thiên, gồm một cây cột cao khoảng 1m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài 4 tấc. Cây gỗ làm trụ “bàn Ông Thiên” lâu ngày rất dễ bị mưa nắng làm mục, nên một số gia đình người Việt ta dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ, vì các loại cây này khi cắm xuống đất sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống từ năm này qua năm khác mà không sợ bị mục.

                Đồng bào ta làm bàn ông Thiên với lòng ước mong là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, mỗi ngày chắp tay khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… đến với cả gia đình mình, mong được Trời nghe thấy và phù hộ cho gia đình mình như ca dao nước ta có câu:

                "Đêm đêm con thắp đèn trời, 
                Cầu cho cha mẹ sống đời với con."

                Tôi tin rằng lòng biết ơn Trời và thờ Trời cũng mang một ý nghĩa thật đậm đà đối với người Việt của chúng ta trong chuỗi ngày gian nan đầy lo âu sợ hãi trong cuộc sống. Dầu đồng bào có lòng biết ơn Trời và lòng thờ Trời, nhưng tiếc rằng điều đó vẫn chưa đúng theo ý của Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà mối liên hệ của đồng bào ta với Đức Chúa Trời chưa có được! Đồng bào ta cảm thấy sợ Trời hơn là thương, thấy Trời ở thật xa hơn là một Đấng gần gũi, cận kề, cảm thấy như Trời lúc nào cũng muốn bắt tội hơn là được Trời ban ân xuống phước! Điều nầy được thể hiện qua cách người Việt ta nói chuyện với nhau: Trời đánh, Trời phạt, Trời hành, Trời tru đất diệt, Lưới Trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt v.v…

                Biết được nỗi lòng của người Việt Nam ta nói riêng và cả nhân loại nói chung, cách đây 2000 năm, Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người, trong hình hài và thể xác của con người để nối lại mối liên hệ ngọt ngào mật thiết mà loài người đã đánh mất sau khi phạm tội, để đem con người trở về cội nguồn và thờ Trời đúng cách, đúng theo ý muốn của Ngài.

                Cách đây 3000 năm, hoàng đế Sa-lô-môn xây đền thờ cho Đức Chúa Trời, vừa to lớn vừa nguy nga tráng lệ nhưng đền thờ đó cũng không thể làm nơi Đức Chúa Trời ngự như lời của vị hoàng đế nầy trước khi khởi công: "Thật ra không ai có khả năng xây Đền Thờ Chúa. Nếu tầng trời bao la kia còn không đủ chỗ cho Ngài ngự, thì con là ai mà xây cất được Đền Thờ cho Chúa? Con chỉ mong xây cất được một ngôi Đền để dâng hương lên trước mặt Chúa mà thôi." (2 Sử ký 2:6)

                Đến ngày lễ khánh thành đền thờ, hoàng đế Sa-lô-môn đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện: "Lạy Chúa là Chân Thần của Y-sơ-ra-ên, nguyện lời Chúa phán hứa với Đa-vít được kiểm chứng và xác nhận. Phải chăng Chân Thần sẽ ngự giữa loài người trên mặt đất? Kìa, bầu trời, ngay cả trời của các tầng trời cũng không đủ chỗ cho Chúa ngự, huống chi cái Đền Thờ con đã xây cất? "Lạy Chúa là Chân Thần của con, Chúa đã xây lại nghe lời cầu nguyện của đầy tớ Chúa! Chúa đã lắng nghe tiếng kêu la của đầy tớ Ngài đang cầu xin trước mặt Ngài. Xin mắt Chúa đoái nhìn Đền Thờ này ngày đêm, là nơi Chúa hứa sẽ đặt Danh Ngài tại đó, để nghe và đáp lời con cầu nguyện mỗi khi con hướng về Đền Thờ này. Xin Chúa lắng nghe con và toàn thể dân Chúa khi chúng con hướng về Đền Thờ này mà cầu nguyện. Vâng, từ trên trời cao xin Chúa lắng nghe và đáp lời, tha thứ tội chúng con." (2 Sử Ký 6:17-21)

                Vậy làm cách nào để thờ phượng Đức Chúa Trời đúng theo ý muốn của Ngài? Câu trả lời nầy được bày tỏ qua lời dạy của Chúa Cứu Thế Jesus: "Đã đến lúc người ta không thờ phượng Đức Chúa Trời trên núi này, cũng không phải về Giê-ru-sa-lem nữa. Thờ phượng Chúa nơi nào cũng được, điều quan trọng là thờ phượng cho đúng cách, với lòng chân thành, do Thánh Linh hướng dẫn. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy." (Giăng 4:22-24)

                Qua lời dạy của Chúa, cách thức thờ phượng Chúa là điều quan trọng chứ không phải nơi thờ phượng. Vì Đức Chúa Trời là Thần, nên con người chúng ta không cần phải chạy đến chỗ này, chỗ kia để thờ phượng. Người thật lòng thờ phượng Đức Chúa Trời là thờ phượng bằng cả lòng chân thành.

                Thưa quý vị! Đức Chúa Trời đã sáng tạo loài người chúng ta thật tuyệt vời với cả sự khôn ngoan hiểu biết để chúng ta thờ phượng giao thông với Ngài, tôn vinh chúc tụng Ngài, nhưng tiếc rằng tổ phụ loài người chúng ta là A-đam đã không giữ mình trong địa vị cao quý ấy, đã trái lệnh Chúa, phạm tội, nên bị phân cách khỏi sự hiện diện của Ngài và hậu quả là sống trong khổ đau và chết trong tuyệt vọng. Nghe đến sự chết, chúng ta đều rùng mình lo sợ. Sự chết không miễn trừ một ai, từ vua đến dân, từ người sang giàu nhất đến người bần hàn nhất, từ giới trí thức đến kẻ vô học, người lớn kẻ nhỏ v.v... Thánh Kinh khẳng định rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự công nghĩa của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23) và “Tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23). Nhưng đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng Chúa Cứu Thế, đã đến trần gian nầy chết thế tội ta.

                Rất mong quý vị trở lại với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa mình, tiếp nhận Chúa Jesus là Đấng giải cứu mình ra khỏi tội lỗi và sự chết, và chân thành thờ phượng Đức Chúa Trời cho đúng cách.

                Điều quan trọng nhất là quý vị hãy đến với Chúa, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Đức Chúa Trời cho đến khi chúng ta thực sự mời Chúa Cứu Thế Jesus vào lòng mình, nối lại nguồn sống từ trời mà ngày xưa tổ phụ loài người vì phạm tội mà đã bị cắt đứt.

                Chúa yêu quý vị, Ngài ban cho quý vị cả sự khôn ngoan và tri thức để biết nhìn biết Đức Chúa Trời, để quý vị tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus và thờ phượng Đức Chúa Trời đúng theo ý chỉ của Ngài.

                Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn