00:24 EDT Thứ ba, 07/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 30

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 28


Hôm nayHôm nay : 3640

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 60379

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23069412

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Lún Sâu

Lún Sâu

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi” (Giăng 8:34).

Xem tiếp...

HIỆP MỘT TRONG CHÚA

Chủ nhật - 15/01/2017 20:33
HIỆP MỘT TRONG CHÚA

HIỆP MỘT TRONG CHÚA

Dẫn nhập: Hiệp một hay hiệp nhất, nhất trí, đồng lòng, đồng ý, tán thành là một thái độ rất tốt trong mối quan hệ với người khác về một vấn đề nào đó, khiến cho việc ấy mau thành tựu và có tính tập thể.
 
 
BÀI GIẢNG BỒI LINH
ĐỀ TÀI:
HIỆP MỘT TRONG CHÚA
 
Kinh Thánh: Phi-líp 4:1-3
Câu gốc: Phi-líp 4:2
              Dẫn nhập:
              Hiệp một hay hiệp nhất, nhất trí, đồng lòng, đồng ý, tán thành là một thái độ rất tốt trong mối quan hệ với người khác về một vấn đề nào đó, khiến cho việc ấy mau thành tựu và có tính tập thể. Dân gian có câu: Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Ở bên ngoài xã hội nếu gia đình hiệp một, hòa thuận, trong cơ quan, công ty xí nghiệp, công nhân viên đồng một lòng một ý với nhau, trong hệ thống tổ chức chính quyền và nhân dân đồng thuận với nhau thì gia đình hạnh phúc, công ty, xí nghiệp thành đạt, phát triển, đất nước hòa bình, an ninh, thịnh vượng.
              Trong quân đội, đoàn kết là sức mạnh thì trong Hội thánh, hiệp một là sự sống còn.
              Hội thánh Phi-líp là hội thánh được thành lập đầu tiên tại Châu Âu sau vòng truyền giáo lần thứ 2 của Phao-lô. Khi Phao-lô viết thư Phi-líp thì ông đang ở tù, khoản năm 62-63 SC, tức khoản 10 năm sau.
              Trong bối cảnh của Hội thánh Chúa tại thành Phi-líp còn non trẻ, phải chống chọi với các sự khó khăn từ bên trong như mối nguy hiểm của những kẻ muốn đồng hóa các Cơ đốc nhân ngoại bang thành người Do thái và một số người chỉ nghĩ đến việc thế gian, sự luận giải sai trật về Kinh thánh của các giáo sư giả…Vì thế cho nên nếu hội thánh không hiệp một sẽ có nguy cơ bị phân hóa, chia rẽ…Trong hội thánh xảy ra sự bất hòa giữa hai người phụ nữ và ông khuyên bảo  hai người tên là Ê-yô-đi và Sin-ty-cơ phải hiệp một ý với nhau trong Chúa.
              Trong Hội thánh Chúa ngày nay cần có sự hiệp một giữa lãnh đạo với nhau, lãnh đạo với tín hữu và tín hữu với tín hữu, trong các ban ngành… cho nên chúng ta sẽ học với nhau bài học: 
              Đề tài: HIỆP MỘT TRONG CHÚA, 
              Kinh thánh: Phi 4:1-3; Câu gốc: Phi 4:2.
              I. TÂM TÌNH ĐỂ KÊU GỌI SỰ HIỆP MỘT TRONG CHÚA (c.1):
              1. Tình yêu thương trong Chúa:
              Hai lần Phao-lô gọi các tín hữu Phi-líp là anh em rất yêu dấu của mình, vì ông đã sinh họ ra trong Chúa, vui mừng vì họ, tôn trọng họ, xem họ như mão triều thiên đội trên đầu mình. Với một tâm tình yêu thương và tôn trọng Hội thánh Chúa làm động cơ cho sự khuyên bảo của mình thì sự kêu gọi hiệp một sẽ rất ấn tượng và thuyết phục.
              2. Nghĩ đến sự tồn vong của Hội thánh, ban ngành:
              Với những gì đang xảy ra đe dọa sự chia rẽ trong Hội thánh, ông đủ tư cách để khuyên họ hãy đứng vững trong Chúa nếu không, Hội thánh sẽ bị phân hóa và suy bại khi để tinh thần thế gian xen vào (Phi 2:1-4).
Với một tâm tình như thế, ông kêu gọi sự hiệp một.
              Chúng ta mong muốn có một Hội thánh hiệp một, chúng ta cũng mong muốn các ban ngành cũng như cá nhân hiệp một thì trước tiên phải có tâm tình yêu thương anh em, yêu mến ban ngành mình, nghĩ đến công việc Chúa chung, đặt quyền lợi Hội thánh trên quyền lợi cá nhân, từ lãnh đạo cho đến tín hữu…
              II. PHƯƠNG CÁCH GIÚP HIỆP MỘT TRONG CHÚA (c.2-3):
              1. Có lời khuyên bảo trực tiếp:
              Một nan đề mới trong Hội thánh Phi-líp là có sự bất hiệp một giữa hai nữ chấp sự, hai nhân sự hầu việc Chúa. Có thể họ bất đồng quan điểm với nhau về một vấn đề nào đó… Tại sao Phao-lô biết điều nầy khi ông đang ở xa, ở tù tại La mã? Dù ở xa nhưng lòng ông ở đó. Ông quan tâm đến mọi sinh hoạt của hội thánh và có thể ông nghe biết điều đó từ Ép-ba-phô-đích, người mà hội thánh Phi líp gửi đến để giúp đỡ cho ông.
              Phao-lô không bỏ qua và không để nó trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ trầm trọng trong Hội thánh nên đã có lời khuyên bảo trực tiếp: Phải hiệp một ý trong Chúa.
              Ông không tránh né nan đề, cũng không chậm trễ mà đã có lời khuyên bảo trực tiếp không phải nói nhắn qua một người nào. Điều nầy có tác động trực tiếp khiến hai nữ tín hữu phải suy nghĩ và xem lại hành động của mình, có phải vì Chúa hay vì mình…
              2. Nhờ một người có uy tín làm công tác hòa giải:
              Ông nhờ một anh em trong Chúa gọi là kẻ đồng liêu trung tín làm công tác hòa giải. Người nầy là ai? Người đó chính là Ép-ba-phô-đích mà Phao-lô đã gửi gắm lại cho Hội thánh Phi líp (Phi 2:25-30; 4:18), là người trực tiếp ở đó, hiểu rõ vấn đề, có ơn Chúa, có uy tín để hòa giải trực tiếp theo sự chỉ đạo của ông, vì thường khi có việc gì xảy ra trong Hội thánh, phải có người thứ ba khuyên giải mới mong giải tỏa được sự căng thẳng không đáng xảy ra trong Hội thánh.
              3. Không nói xấu nhưng khen ngợi, khích lệ:
              Ông không phê bình chỉ trích một ai trong hai người, không nói rõ điều họ bất hòa là gì, không muốn cho người khác phê phán họ nhưng ông khéo léo khen ngợi họ cách thành thật: Họ cũng đã cùng ông chiến đấu cho đạo Tin Lành (giúp đỡ công tác hậu cần truyền giáo, chăm sóc phụ nữ và trẻ em…) là hai người có công khó trong việc xây dựng Hội thánh Chúa mà tên của họ đã được ghi vào sổ sự sống của Chúa từ lâu. Có thể do bất đồng quan điểm trong sự hầu việc Chúa. Điều đó không quá nghiêm trọng vì có thể ngồi lại với nhau trong sự mềm mại và khiêm nhường, vấn đề có thể sẽ được giải quyết.
              Lời góp ý hay nhất là lời góp ý trực tiếp cho anh em của mình mà động cơ là tình yêu thương và mong muốn được hiệp một trong Chúa. Đừng thông tin cho nhiều người biết sự việc mà không không giúp được gì mà còn làm cho sự việc phức tạp thêm. Hãy nhờ những người có trách nhiệm và có uy tín, có ơn của Chúa làm trung gian hòa giải. Những người nầy có trách nhiệm hòa giải trên căn bản sự dạy dỗ của Lời Chúa chứ không theo cảm tính, hay vụng về đến mức đổ dầu thêm vào lửa, không có lập trường, gió chiều nào ngã theo chiều đó sẽ làm hỏng việc mà thôi. Phải biết khen ngợi, khích lệ họ cách thành thật những gì họ làm được để sự khuyên bảo trở nên nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả.
              Trong các ban ngành có sự nhất trí cao trong các thành viên không? Người này và người kia có thể làm việc chung với nhau được không? Hãy biết rằng ai cũng có ưu điểm lẫn khuyết điểm và cá tính khác biệt nên hãy tập chấp nhận nhau vì Chúa. Chớ nên đem việc trong hội thánh, những việc cá nhân hay trong các gia đình tín hữu mà kiện tụng ra bên ngoài xã hội, nhờ chính quyền can thiệp, xử đoán, điều đó làm sỉ nhục danh Chúa (ICôr 6:1-3). Hội thánh Phi-líp đang có phước bởi hai nữ chấp sự yêu mến và phục vụ Chúa rất tốt, nên đừng để sự bất hòa làm suy yếu sức mạnh của Hội Thánh. Chắc rằng hai bà nầy cũng đã tiếp thu lời khuyên bảo của Phao-lô và hóa giải được sự bất đồng nầy vì Chúa.
              Hội Thánh Chúa tại đây đang được phước bởi sự góp phần của mọi người. Xin đừng để mối bất hòa  như đóm lửa nhỏ làm cháy cả khu rừng lớn. Nhờ ơn của Chúa, chúng ta ngồi lại với nhau để lắng nghe nhau, lắng nghe người hòa giải trong sự dạy dỗ của lời Chúa để rồi hiệp một với nhau, đừng để cho ma quỉ nhơn dịp mà phá tán ban ngành hay Hội thánh của Chúa…
Kết luận:
              Hiệp một trong Chúa là điều kiện để Hội thánh được phước, ban ngành được ơn của Chúa ban cho. Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho sự hiệp một của Hội thánh mà bởi đó Hội thánh mới bày tỏ được quyền năng, sự yêu thương và chương trình cứu rỗi của ĐCT cho nhân loại (Giăng 17:20-23).
              HT Chúa có hiệp một không? Đi nhóm có chọn nhà không? Sinh hoạt ban ngành có chọn bữa không? Ngồi ăn có chọn bàn không? Cầu nguyện có chừa “người ấy” ra không? Gặp nhau có chào không? Bắt tay có thật lòng không? Nếu phải đi chung đường thì có đi được không?
              Có thể vì sự bất hòa của tôi mà ban ngành hay Hội thánh của Chúa bị trì trệ chăng? Tôi đang bất mãn điều gì chăng? Tôi không thể hiệp tác được với người khác chăng? Tôi đang làm nghẹt ống dẫn ơn phước của Chúa chăng? Xin Chúa giúp tôi và quí vị nhìn lại cuối năm nhìn lại chính mình, vì danh Chúa, năm mới làm hòa với nhau, hiệp một với nhau để sức sống của Chúa tuôn đổ trên Hội thánh của Ngài, sinh ra nhiều bông trái và Danh Chúa được cả sáng không chỉ trong Hội thánh mà còn giữa thế gian… A-men!
 
MsNc. Đinh Thuận
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn