02:12 EDT Thứ năm, 12/09/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 6976

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 117442

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25548804

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Buồn Của Sứ Đồ Phao-lô

Nỗi Buồn Của Sứ Đồ Phao-lô

“Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (câu 2-3).

Xem tiếp...

Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật

Thứ hai - 07/12/2020 20:08
Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật

Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật

Dù có lý do chính đáng để tức giận, chúng ta không được để cơn giận làm lòng chúng ta trở nên cay đắng hay có những lời nói và hành động gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc về sau. Người ta thường nói: No mất ngon, giận mất khôn. Tuy nhiên, năm bước tích cực để xử lý cơn giận mà tác giả đưa ra lại cho phép chúng ta có những hành động khôn ngoan khi đối diện với một cơn giận đang trào sôi trong lòng.

 

Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật

 

         Kính thưa quý thính giả,
 

         Tuần qua chúng ta đã chấm dứt chương Ba Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman. Dù có lý do chính đáng để tức giận, chúng ta không được để cơn giận làm lòng chúng ta trở nên cay đắng hay có những lời nói và hành động gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc về sau. Người ta thường nói: No mất ngon, giận mất khôn. Tuy nhiên, năm bước tích cực để xử lý cơn giận mà tác giả đưa ra lại cho phép chúng ta có những hành động khôn ngoan khi đối diện với một cơn giận đang trào sôi trong lòng.
 

         Năm bước để xử lý cơn giận được nhắc đến trong Chương 3 cho phép chúng ta thừa nhận với chính mình một cách có ý thức mình đang giận dữ. Nó cho phép chúng ta tự chế trong hành động và tự chủ trong suy nghĩ. Nó cho phép chúng ta dừng ngay những ý định hủy diệt, kiềm chế các phản ứng tức khắc có thể khiến chúng ta hối tiếc thật nhiều trong tương lai. Sau khi xác định trung tâm của cơn giận trong lòng mình, chúng ta có thời gian để phân tích và chọn lựa cách giải quyết hợp lý.
 

         Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bước sang chương 4 với chương đề KHI SỰ GIẬN DỮ LÀ SAI TRẬT. Cho đến thời điểm này bạn có thể đang thắc mắc, “Nếu sự giận dữ tích cực như thế, thì tại sao nó lại gây ra quá nhiều rắc rối trên thế giới như vậy?”
 

         Câu trả lời xưa như khu vườn Ê-đen vậy. Vở kịch được phơi bày trong Sáng Thế ký chương 3 mô tả những nét nổi bật của A-đam và Ê-va, con rắn, và một cây ăn quả đã làm biến đổi bản tánh con người cách lớn lao. Ngày nay chúng ta có khuynh hướng nhận lãnh mọi sự ban cho tốt lành của Đức Chúa Trời và bóp méo nó thành ra một điều gì đó trái ngược lại. Các tặng phẩm như lý trí, hoạt động tình dục, tình yêu thương và thật nhiều điều khác, tất cả đều đã bị sử dụng sai trật.
 

         Cơn giận cũng không khác biệt gì. Kẻ dối gạt vẫn ở giữa vòng chúng ta, và cảnh vườn Ê-đen được lặp lại hàng ngày. Việc bóp méo mục đích thiên thượng của cơn giận đã từng là một trong những mưu đồ tinh vi thành công nhất của Sa-tan.
 

         Kẻ thù đã sử dụng nhiều chiến lược để làm sai lạc đi ý định của Đức Chúa Trời đối với cơn giận của con người. Một trong những chiến lược có tác động mạnh nhất là khiến cho chúng ta nghĩ rằng tất cả sự giận dữ của chúng ta đều có giá trị như nhau: “Nếu tôi nhận thấy rằng mình đã bị đối xử bất công, thì tôi đã bị đối xử bất công.” Ảo tưởng này dẫn chúng ta đến chỗ kết luận rằng chúng ta luôn có một cái quyền để cảm thấy tức giận.
 

         Kính thưa quý thính giả,
 

         RÕ RỆT (TÍCH CỰC) HAY BỊ BÓP MÉO?
 

         Thực tế cho thấy phần lớn cơn giận của chúng ta bị làm cho sai lạc đi. Có hai loại cơn giận tồn tại: rõ rệt (tích cực) và bị bóp méo. Cơn giận rõ rệt (tích cực) bắt nguồn từ hành vi sai trái. Một người nào đó đối xử với chúng ta không công bằng, ăn cắp tài sản của chúng ta, nói dối về tính cách của chúng ta, hoặc trong một cách thức nào khác hành động bất công với chúng ta. Đây là loại cơn giận duy nhất Đức Chúa Trời từng trải nghiệm. Nó là cơn giận đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, loại cơn giận thứ nhì thì không đúng đắn. Nó bị gây ra chỉ bởi một sự thất vọng, một ước muốn không thực hiện được, một nỗ lực gây nản lòng, một tâm trạng tồi tệ hoặc bất kỳ điều gì khác chẳng có liên quan gì tới bất cứ sự vi phạm về đạo đức nào. Thường là do tình huống đã khiến cho cuộc sống trở nên phiền phức đối với chúng ta, đã đụng chạm đến một trong những điểm nóng thuộc về cảm xúc của chúng ta, hoặc đã xảy ra vào một thời điểm mà chúng ta đang vô cùng mệt mỏi hay căng thẳng.
 

         Tôi gọi đây là “cơn giận bị bóp méo,” không phải vì những cảm xúc của nó kém mãnh liệt hơn những cảm xúc được trải nghiệm với cơn giận tích cực, nhưng vì chúng là những sự phản ứng lại trước một điều gì đó không hẳn là hành vi sai trái đích thực. Phần lớn cơn giận của chúng ta với người khác cũng bị làm cho sai lạc đi. Điều mà người kia đã làm khiến tôi nản lòng, thất vọng, bị tổn thương, hoặc bối rối, nhưng điều mà người kia đã làm không thực sự sai trái. Sự trải nghiệm cơn giận của tôi có thể cũng mãnh liệt y như đã từng có, nhưng sự phản ứng lại của tôi trước cơn giận như thế sẽ khác hẳn với sự phản ứng lại của tôi trước cơn giận tích cực.
 

         CÂU CHUYỆN VỀ MỘT VỊ CHỈ HUY TÀI BA DŨNG CẢM
 

         Sự kiện người ta có thể nhận ra khi nào cơn giận bị bóp méo đi và tạo nên những phản ứng tích cực được minh họa bởi câu chuyện của Na-a-man, một quan tổng binh vĩ đại và cũng là một vị chỉ huy tài ba dũng cảm bị mắc bệnh phung. Viên quan tổng binh này đã được nghe một cô gái trẻ, một tù binh chiến tranh, thuật lại rằng một tiên tri trong Y-sơ-ra-ên có thể chữa lành bệnh phung. Na-a-man tức khắc ra mắt vua và tâu với vua những điều cô gái trẻ này đã nói, và xin vua cho phép ông đến gặp vị tiên tri trong Y-sơ-ra-ên. Nhà vua không chỉ cho phép mà còn khích lệ Na-a-man thực hiện chuyến đi của mình. Na-a-man mang theo vàng, bạc, cùng các tặng phẩm khác và lên đường tìm kiếm sự chữa lành. Trải qua chặng đường quanh co, cuối cùng ông đến được cổng nhà của vị tiên tri, song khi đến nơi thì vị tiên tri thậm chí cũng chẳng đi ra tới cửa để đón ông. Trái lại, tiên tri sai một sứ giả nói với Na-a-man rằng, “Hãy đi, tắm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh, thịt ngươi tất sẽ trở nên lành, và ngươi sẽ được sạch.” Phản ứng của Na-a-man thật đáng chú ý:
 

         Na-a-man nổi giận, vừa đi vừa nói rằng: “Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung. A-ba-na và Bạt-ba, hai con sông ở Đa-mách, há chẳng tốt hơn các nước trong Y-sơ-ra-ên sao? Ta há chẳng tắm đó cho được sạch hay sao?” Vậy, người trở đi và giận dữ. (II Các Vua 5:11-12).
 

         Rõ ràng, Na-a-man là một người tức giận. Huyết áp của ông tăng lên. Mũi ông phình lên. Chân ông đang giậm trên nền đất. Cơn giận của ông nhanh chóng trở thành cơn thạnh nộ. Các ý tưởng, mà đối với ông dường như hợp lý, lướt nhanh qua tâm trí ông. Thật lố bịch biết bao, thật ngu xuẩn biết bao. Sự kính trọng ở đâu rồi? Ta đang cho người một cơ hội để bày tỏ năng quyền của Đức Chúa Trời, vậy mà người lại bảo ta đi tắm dưới con sông Giô-đanh đục ngầu kia. Thật buồn cười biết bao.
 

         Trong trí của Na-a-man, tiên tri Ê-li-sê đã cư xử sai trật với ông. Ông ta có quyền giận dữ. Thay vào đó, vị tiên tri thực sự đã đem đến cho ông một sự chữa trị cho bệnh phung của mình. Ê-li-sê đã làm điều thật tốt lành cho ông, nhưng bởi vì suy nghĩ của Na-a-man bị bóp méo đi, ông đang trải qua sự giận dữ đối với vị tiên tri. Trong cơn tức giận của mình, ông sẵn sàng trở về quê, và chuyến đi của ông không chỉ thất bại mà còn khiến ông vô cùng bối rối.
 

         May thay, có một vài người suy nghĩ đúng đắn cùng đi với ông. Các đầy tớ của ông đến gặp ông và nói,
 

         “Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: ‘Hãy tắm, thì được sạch’!” Người bèn xuống sông Giô-đanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ. Na-a-man với hết thảy người đi theo bèn trở lại cùng người của Đức Chúa Trời; người đến đứng trước mặt Ê-li-sê mà nói rằng: ‘Bây giờ tôi nhìn biết rằng trên khắp thế gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên. Ấy vậy, tôi xin ông nhận lễ vật của kẻ tôi tớ ông.’” (các câu 13-15).
 

         Ê-li-sê từ chối lễ vật của Na-a-man nhưng bày tỏ lòng biết ơn về năng quyền chữa lành của Đức Chúa Trời.
 

         Na-a-man tiêu biểu cho người kinh nghiệm cơn giận mãnh liệt nhưng bị bóp méo đi, song cũng là người biết dừng cơn thạnh nộ lại và nghe theo lẽ phải khi bị chất vấn hơn là để cho cơn giận khống chế hành vi cư xử của mình. Kết quả là nhà lãnh đạo này trải nghiệm sự chữa lành và trở lại thể hiện lòng kính trọng đối với người mà trước đó ông đã từng tức giận. Na-a-man chứng minh rằng cơn giận bị bóp méo không cần phải khống chế hành vi cư xử của chúng ta và đưa chúng ta đến những hành động gây ra sự hủy diệt.
 

         Phần ký thuật này của thánh kinh cho chúng ta một ví dụ tích cực về cách phản ứng trước cơn giận bị bóp méo. Điều này nêu lên hai câu hỏi: (1) Làm sao chúng ta nhận diện được khi nào cơn giận của mình bị bóp méo? (2) Chúng ta xử lý cơn giận bị bóp méo như thế nào? Câu hỏi đầu tiên dễ trả lời hơn, trong khi việc xử lý cơn giận bị bóp méo lại có nhiều thách thức hơn và chúng ta sẽ nói đến ở một chương khác. Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất vừa nêu trên vào tuần sau. Xin quý thính giả nhớ đón nghe. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta, cơn giận

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn