Đang truy cập : 36
•Máy chủ tìm kiếm : 6
•Khách viếng thăm : 30
Hôm nay : 7287
Tháng hiện tại : 117753
Tổng lượt truy cập : 25549115
“Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (câu 2-3).
Kính thưa quý thính giả,
Tuần trước chúng ta đang nói về cơn giận hợp lý hay chính đáng, khi một người bạn hay người thân của ta đã có hành vi sai trái. Quý vị đã nghe phần đầu câu chuyện của Bill và Jerry, hai người bạn lâu năm nay đang đối diện với nguy cơ đánh mất tình bằng hữu vì lý do tiền bạc. Bill, một công nhân cần mẫn trong công việc, đã tin tưởng mà cho Jerry mượn 50 ngàn mỹ kim trong ngân khoản tiết kiệm của mình để Jerry có thể đạt kết quả tốt đẹp lúc khởi đầu thương vụ của anh ta. Thế nhưng chỉ sau một năm, cơ sở làm ăn của Jerry thất bại hoàn toàn. Trắng tay, nhưng rồi Jerry cũng đã tìm được việc làm. Vấn đề nằm ở chỗ, dù rất muốn trả lại số tiền đã mượn của người bạn tốt, Jerry hoàn toàn không có khả năng trả nợ với đồng lương khiêm nhượng của mình. Còn Bill thì sao? Bill chưa lên tiếng đòi lại số tiền đã cho mượn, nhưng lòng anh đang có sự tranh chiến với một cơn giận đang dâng cao về việc Jerry chưa trả nợ. Cuối cùng thì Bill đã cũng gặp một vài trở ngại trong công việc làm ăn và anh có thể thực sự cần dùng đến số tiền 50 ngàn mỹ kim đã cho Jerry vay, nhưng giờ đây Bill cũng nhận thức được sự thật, là Jerry không thể có khả năng trả nợ cho mình nữa. Bill phải làm gì đây?
Như đã được tác giả trình bày vào tuần qua, bước thứ 5 trong tiến trình năm bước để xử lý cơn giận vì lý do chính đáng, đó là CÓ HÀNH ĐỘNG XÂY DỰNG. Đối với một Cơ-Đốc nhân thì chỉ có hai sự chọn lựa. Một là đối chất với người kia một cách đầy yêu thương. Hai là quyết định bỏ qua vấn đề một cách có chủ ý. Sự đối chất đầy yêu thương với một quan điểm hướng tới sự giải hòa thường là phương cách tốt nhất. Đây chẳng phải là việc dễ thực hiện chút nào cả, thế nhưng một khi chúng ta đã khảo sát tỉ mỉ những sự chọn lựa của mình, đến lúc chúng ta phải hành động. Nếu chúng ta chọn việc đối chất với người phạm lỗi với mình, chúng ta cần nhớ rằng sự đối chất không luôn dẫn đến sự công bằng, nhưng đúng là nó có thể dẫn đến một mối quan hệ được phục hồi.
Kính thưa quý thính giả,
Trong trường hợp của Bill, anh chọn giải pháp đối chất cùng Jerry để giải quyết vấn đề nợ nần và tình bạn. Là một Cơ Đốc nhân, sau khi cầu nguyện nhiều cùng Đức Chúa Trời rồi nói chuyện với mục sư của mình, Bill đã đối chất với Jerry và chia sẻ cơn giận của anh. Jerry bộc lộ nỗi đau của chính mình rằng anh không thể nào đủ khả năng hoàn trả số tiền đã vay. Anh ta nói: “Nếu tôi đã có số tiền đó thì tôi đã trả lại cho anh rồi. Thật vậy, nếu tôi có tiền thì tôi nhất định sẽ gửi lại anh liền.”
Bill quyết định không trông mong số tiền nơi Jerry nữa. Anh nói với Jerry, “Chúng ta đã từng là bạn bè lâu nay rồi. Tôi không muốn tiền bạc trở thành một rào cản giữa hai chúng ta. Nếu anh có khả năng hoàn trả số tiền đã vay thì tôi thực sự mong muốn như thế, song nếu không có khả năng thì tôi sẽ không thúc bách anh về số tiền đó.”
Bill đã có quyền hợp pháp để kiện Jerry vì không chịu trả nợ cho anh. Tuy nhiên, anh biết rằng làm như thế sẽ khiến cho Jerry khánh kiệt. Anh chọn không thực hiện điều đó vì anh tin rằng làm như vậy chẳng đạt được mục đích tốt đẹp nào. Sự chọn lựa của anh là chấp nhận chịu thiệt thòi hơn điều anh mong ước. Anh và Jerry vẫn là bạn bè, và Jerry hy vọng cách chân thành rằng một ngày kia anh sẽ có thể hoàn trả số tiền cho Bill. Jerry vô cùng biết ơn vì thái độ của Bill. Sự chọn lựa không thúc bách vấn đề trả nợ của Bill đã khiến cho tình bằng hữu của họ có thể tiếp tục.
Kính thưa quý thính giả,
Có những lúc mà việc chọn lựa không tìm kiếm sự công bằng lại là sự chọn lựa tốt nhất. Đối với Bill, đây là một sự chọn lựa có ý thức đến với anh sau khi đã đối chất với Jerry về những ý nghĩ và cảm nhận của anh ta. Sự đối chất dẫn đến một giải pháp vốn là điều gì đó không như mình mong đợi. Nhưng giờ đây Bill được giải thoát khỏi sự giận dữ của mình, và mối quan hệ của anh với Jerry đã tốt đẹp hơn. Sự đối chất đầy yêu thương luôn mở ra cơ hội để giải quyết hành vi sai trật và phục hồi mối quan hệ.
Dĩ nhiên, luôn có thể xảy ra tình huống là khi bạn đối chất với ai đó thì người ấy sẽ không chịu nhận đã làm điều sai quấy, ngay cho dù bạn biết người ấy đã cư xử sai với mình. Điều này thường xảy ra khi người vợ hay người chồng đối chất với người bạn đời phạm lỗi vì đã có quan hệ ngoài hôn nhân. Người bạn đời phạm lỗi thường sẽ nói dối để bảo vệ bản thân mình. Lời nói dối tự nó làm phát sinh sự giận dữ càng hơn. Nếu bạn chắc chắn về những sự kiện thực tế, lúc đó bạn phải nhận thức rõ rằng bạn không thể nào làm hòa với người kia. Tội lỗi không được xưng ra làm rạn nứt các mối quan hệ với con người và với Đức Chúa Trời. Thế thì bạn phải quyết định bước kế tiếp cần làm là gì. Điều này có thể là việc đến với một mục sư, một nhà tư vấn, hoặc một người bạn đáng tin cậy để tìm kiếm lời khuyên. Cũng có thể là việc đọc một quyển sách phù hợp. Điều đó chắc hẳn có nghĩa là cầu nguyện xin Đức Chúa Trời dẫn dắt trong những gì bạn cần phải làm.
Nếu sau khi đã đối chất thêm mà người kia không chịu giải quyết việc làm sai quấy của mình, thì cuối cùng bạn phải thừa nhận rằng người kia đang chọn lựa không tiếp tục mối quan hệ với bạn. Chúng ta không thể làm cho người ta xưng tội, ăn năn, và làm hòa với mình. Chúng ta phải để cho họ đi khỏi, và chúng ta phải cầu nguyện cho họ. Sự đối chất đầy yêu thương không luôn đưa đến kết quả là sự giải hòa, nhưng nó thực sự đem lại cho chúng ta sự bình an trong tâm trí để chúng ta tìm cách giải quyết hành động sai phạm trong một cách thức có trách nhiệm.
Kính thưa quý thính giả,
Tóm lại, đây là những bước để đối phó lại sự giận dữ:
Đây là con đường tiến tới việc làm cho sự giận dữ trở nên hữu ích. Điều thật quan trọng là tôi đã sao chép lại nó như một phần của một tấm thẻ có thể tách rời ra ở cuối sách này. Bạn cũng sẽ tìm thấy một vài lời khuyên về năm bước này trong phần tóm tắt “Lướt Nhanh” như sau:
LƯỚT NHANH
CÁCH THỨC XỬ LÝ CƠN GIẬN CỦA BẠN
1. Thừa nhận với chính mình một cách có ý thức rằng bạn đang giận dữ. Hãy nói lớn tiếng: “Mình giận dữ về điều này! Mình sẽ phải làm gì đây?” Một câu phát biểu như thế khiến bạn ý thức về sự giận dữ của chính mình và cũng giúp bạn nhận thức rõ cả sự giận dữ của mình lẫn hành động mình sẽ thực hiện. Bạn đã chuẩn bị cho việc áp dụng lý lẽ cho sự giận dữ của mình.
2. Kiềm chế phản ứng tức khắc của bạn. Tránh những phản ứng thông thường nhưng gây hủy diệt của việc phát ra những lời lẽ hay biểu hiện những hành động không kềm chế hoặc ngược lại, rút lui và im lặng. Từ chối có hành động mà bạn vẫn thường thực hiện khi cảm thấy giận dữ. Việc chờ đợi có thể giúp bạn tránh cả việc nói lẫn làm những điều bạn có thể không hàm ý và rồi sau đó sẽ hối tiếc.
3. Xác định trung tâm của cơn giận bạn. Những lời nói hay hành động nào của người kia đã làm cho bạn giận dữ? Nếu người kia thực sự cư xử sai quấy với bạn, hãy nhận diện tội lỗi của người kia. Người ấy đã phạm lỗi với bạn như thế nào? Kế đó hãy xác định xem sự sai phạm nghiêm trọng đến mức nào. Một số hành động sai quấy thì nhỏ nhặt và một số khác thì đáng kể. Việc nhận biết tính chất nghiêm trọng của nó sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của bạn.
4. Phân tích các khả năng chọn lựa của bạn. Hãy tự hỏi: Hành động tôi đang suy xét thực hiện có khả năng giải quyết việc sai phạm đó và giúp cho mối quan hệ chăng? Và nó có tốt nhất đối với người mà tôi đang tức giận chăng? Hai sự chọn lựa đem lại sự gây dựng nhất là hoặc đối chất với người kia trong một cách thức hữu ích, hoặc quyết định bỏ qua vấn đề một cách có ý thức.
5. Có hành động xây dựng. Nếu bạn chọn “bỏ qua hành động sai phạm,” thì, trong sự cầu nguyện, hãy xưng ra sự giận dữ của mình và hãy sẵn lòng dâng người kia cho Đức Chúa Trời. Kế tiếp hãy giao nộp cơn giận của bạn cho Ngài. Nếu bạn chọn đối chất với người đã cư xử sai quấy với mình, hãy làm điều đó cách nhẹ nhàng. Hãy lắng nghe bất cứ lời giải thích nào; nó có thể đem lại cho bạn một cái nhìn khác hẳn về những hành động và những ý định của người kia. Nếu người kia thừa nhận rằng những điều họ đã làm là sai trật và cầu xin bạn tha thứ, hãy tha thứ cho người ấy.
Kính thưa quý thính giả,
Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Chúng ta vừa chấm dứt chương thứ ba của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh" của Tiến Sĩ Gary Chapman nói về cách hành xử Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng.
Tuần sau chúng ta sẽ cùng nhau bước sang chương 4 với chương đề KHI SỰ GIẬN DỮ LÀ SAI TRẬT, mong quý thính giả nhớ đón nghe. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Mong gặp lại quý thính giả vào tuần sau.
Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhyvong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn