09:29 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 24


Hôm nayHôm nay : 1914

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4055

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23013088

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Vì Sao Bạn Thật Sự Giận Dữ?

Thứ hai - 02/11/2020 23:54
Vì Sao Bạn Thật Sự Giận Dữ?

Vì Sao Bạn Thật Sự Giận Dữ?

Chúng ta đang ở chương thứ 3 Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.


Vì Sao Bạn Thật Sự Giận Dữ?


      Kính thưa quý thính giả,
 

      Chúng ta đang ở chương thứ 3 Khi Bạn Giận Dữ Vì Lý Do Chính Đáng của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.


      Tuần trước chúng ta biết loại giận dữ được bàn thảo trong chương này là sự giận dữ đối với một người nào đó mà bạn có mối quan hệ. Đó có thể là một thành viên trong gia đình, bạn cùng phòng, bạn bè, đồng nghiệp, người láng giềng, bất cứ ai mà bạn đang có mối quan hệ.
 

      Tất cả những người trong các trường hợp mà tác giả đã nêu cho chúng ta đều cảm thấy giận dữ vì những lý do khác nhau. Thế nhưng đối tượng của cơn giận của họ thì lại giống nhau. Tất cả những người này đều cảm thấy giận dữ với cùng đối tượng: đó là “một ai khác”.
 

      Cô Monique lần nào cũng đều cầu nguyện trước khi đi tham dự một buổi họp mặt gia đình, vì cô biết Felicia em gái cô sẽ “lên mặt dạy đời” cô về một điều gì đó. Monique cố gắng giữ sự hòa khí vì cớ mẹ cô, nhưng trong lòng cô thì đầy giận dữ.
 

      Ben, một nhà tư vấn độc lập điều hành công việc kinh doanh của riêng ông, vô cùng giận dữ và dự tính sẽ kiện tụng vì một khách hàng của ông nợ ông một khoản tiền lớn và cứ hứa hẹn trả hoài, nhưng ngân phiếu lại không hề được người này gửi đến.
 

      Anna và Nate đang bắt đầu tính đến chuyện kết hôn. Anna yêu Nate, nhưng điều khiến cô bực giận là lúc nào anh ấy lúc nào cũng đi trễ trong mọi lần hẹn hò.

      Người láng giềng của Alan khi sửa sang lại khoảng sân phía trước nhà anh ta đã di chuyển đi hai bụi cây nằm trên lô đất của Alan và Alan, khi thấy mấy cái bụi cây của mình đã biến mất, thì sửng sốt và tức giận, rồi khi vợ anh là Ellen đi làm về nhà, thì phải nghe đầy ắp lỗ tai sự phẫn nộ của anh.
 

      Christina đã kết hôn được mười bốn năm với Brad và nghĩ rằng họ đang có một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Thế nhưng, nay cô tức giận vì, bỗng dưng, giờ đây anh ấy lại nói với cô rằng anh ấy không yêu cô nữa và anh đang yêu thương một người khác.
 

      Thưa quý thính giả,
 

      Chúng ta đang nói ở đây về cơn giận hợp lý, tức là cơn giận được khơi dậy bởi vì người kia đã thực sự hành động sai trái, như trong các ví dụ nêu trên. Vậy thì Monique, Ben, và những người khác cần phải xử lý cơn giận hợp lý của họ như thế nào?
 

      Lời khuyên của tác giả là bạn nên thực hiện một tiến trình gồm năm bước:
 

      1.thừa nhận với chính mình một cách đầy ý thức rằng bạn đang tức giận
      2.kiềm chế phản ứng có thể bộc phát tức thì của bạn
      3.xác định tâm điểm cơn giận bạn đang hướng vào là gì
      4.phân tích các khả năng chọn lựa của bạn
      5.và có hành động xây dựng.

 

      Khi hoàn tất mỗi bước, chúng ta cũng đang tiến tới trong quá trình làm cho cơn giận của mình đem lại những kết quả hữu ích. Chúng ta đã theo dõi hai bước đầu tiên trong tiến trình này. Đó là:
 

      Bước thứ nhất: thừa nhận một cách đầy ý thức với chính mình rằng bạn đang tức giận. Vấn đề ở đây là: “Bạn có thực sự ý thức về cơn giận của mình không?”

      Bởi vì khi cảm xúc giận dữ nổi lên thình lình, thông thường chúng ta bị lôi cuốn vào các phản ứng qua lời nói hoặc qua các hành vi cử chỉ, trước khi chúng ta kịp thừa nhận với đầy đủ ý thức về những diễn biến bên trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta có cơ hội nhiều hơn để đáp ứng tích cực hơn trước sự giận dữ của mình, nếu chúng ta trước tiên thừa nhận với chính mình rằng chúng ta đang tức giận.
 

      Tác giả đề nghị là bạn nói to lên những lời này. “Mình đang giận dữ về điều này! Bây giờ mình sẽ phải làm gì đây?”
 

      Một câu nói như thế nhìn nhận các vấn đề một cách thẳng thắn không che đậy. Giờ đây bạn không chỉ ý thức về cơn giận của chính mình, song bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa cơn giận của bạn và hành động mà bạn sắp thực hiện. Bạn đã dàn dựng những thiết kế cần thiết để áp dụng lý trí vào cơn giận dữ, hơn là chỉ để cho các cảm xúc giận dữ điều khiển giựt dây bạn. Đây là một bước đầu tiên quan trọng trong việc xử lý sự giận dữ trong cách thức tích cực.
 

      Nghe có vẻ thật đơn giản, song một số Cơ Đốc nhân gặp khó khăn với việc này vì trọn đời mình, họ đã từng được dạy dỗ rằng sự giận dữ đồng nghĩa với tội lỗi. Do đó, thừa nhận mình đang tức giận tức là thừa nhận rằng mình đang phạm tội. Nhưng đây không phải là cách nhìn phù hợp với Thánh Kinh về sự giận dữ.

      Kinh nghiệm giận dữ là một phần bản chất con người của chúng ta và Đức Chúa Trời cũng trải qua kinh nghiệm giận dữ giống như chúng ta vậy. Sứ đồ Phao-lô nêu rõ điều này khi ông nói: “Ví bằng anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội” (Ê-phê-sô 4:26). Sự thách thức không phải là “Đừng nổi giận”; sự thách thức là đừng phạm tội khi chúng ta đang giận dữ.
 

      “Tôi phản ứng thế nào trước sự giận dữ của mình hầu cho các hành động của tôi sẽ đem lại sự gây dựng?”
 

      Việc thừa nhận với chính mình một cách có ý thức và bằng lời lẽ rõ ràng rằng bạn đang tức giận là một bước đầu tiên trong việc đạt đến mục tiêu này.
 

      Bước thứ nhì trong tiến trình xử lý cơn giận hợp lý là: Sự Kiềm chế phản ứng có thể bộc phát tức thì của bạn. Chúng ta thường đi theo những khuôn mẫu mà hầu hết quy lại thành hai thái cực: một thái cực là tuôn tràn hay trút đổ qua lời nói hay hành vi cử chỉ, và thái cực kia là sự rút lại và giữ im lặng. Cả hai thái cực này đều đem đến sự hủy diệt.
 

      Việc kiểm soát cơn giận chúng ta phải học với tư cách là những người trưởng thành bắt đầu với việc từ bỏ những thói quen cũ. Việc kiềm chế các phản ứng có nguy cơ bộc phát tức thì của chúng ta là vô cùng quan trọng trong việc thiết lập những khuôn mẫu mới.
 

      Kiềm chế có nghĩa là từ chối thực hiện các hành động mà chúng ta thường hay làm khi cảm thấy giận dữ. Vua Sa-lô-môn đã viết thật khôn ngoan, “Kẻ ngu muội tỏ ra sự nóng giận mình; nhưng người khôn ngoan nguôi lấp nó và cầm giữ nó lại” (Châm ngôn 29:11). Và một lần nữa, “Sự khôn ngoan của người khiến cho người chậm nóng giận” (Châm ngôn 19:11). Hoặc hãy xem xét tính điềm tĩnh trong châm ngôn này của Sa-lô-môn: “Người nóng nảy làm điên làm dại” (Châm ngôn 14:17).
 

      Có một khoảnh khắc trước khi những lời lẽ giận dữ bắt đầu tuôn ra, đó là thời điểm chúng ta có thể rèn tập chính mình để kiềm hãm phản ứng nhất thời lại.
 

      Mẹ bạn có cho bạn lời khuyên xuất phát từ kinh nghiệm sống thông thường này không? “Khi cơn giận dữ, hãy đếm đến mười trước khi con làm hay nói bất cứ điều gì.” Đó là một lời khuyên hữu ích, nhưng nhiều người trong chúng ta có thể cần phải đếm đến 100 hoặc thậm chí 1.000. Sự trì hoãn này có thể chế ngự ngọn lửa bên trong. Nhiều người đã thấy điều này là một kỹ thuật khả thi trong việc giúp đỡ họ kiềm chế phản ứng tức thì của mình.
 

      Tác giả gợi ý là bạn hãy đếm to tiếng lên. Còn nếu bạn ở trước mặt người mà bạn đang tức giận, tôi đề nghị là bạn hãy rời khỏi nơi đó. Hãy đi bộ khi bạn đếm. Khi đi được nửa đường, đếm tới 597, có lẽ bạn sẽ ở trong một trạng thái tinh thần và cảm xúc mà bạn có thể dừng lại và nói, “Mình đang tức giận về điều này. Mình sẽ làm gì bây giờ?” Đối với người tín hữu Cơ Đốc, đây là lúc để cầu nguyện, “Chúa ôi, Ngài biết rằng con đang tức giận. Con tin rằng những điều họ đã làm là sai trật. Xin hãy giúp con có một quyết định khôn ngoan về việc phải phản ứng ra sao trước tình huống này.” Kế đó trong sự nhờ cậy Chúa bạn hãy bắt đầu xem xét những sự lựa chọn của mình.
 

      Một kỹ thuật khác thường được chia sẻ trong các cuộc hội thảo về hôn nhân là la to lên rằng “time-out” khi bạn nhận ra rằng mình đang tức giận (từ “time out” này cũng như từ “xí”, khi trẻ con đang chơi, nhưng muốn tạm dừng lại vì lý do nào đó, thì kêu “xí”). Đó là biểu tượng của bạn để nói rằng, “Tôi đang cảm thấy giận dữ ngay lúc này và tôi không muốn thua cuộc, vì vậy muốn được “xí” hay xin được “time-out’”.
 

      Nếu cả hai bên đều hiểu rằng đây là một kỹ thuật tích cực chứ không phải là một cách trốn tránh trách nhiệm trong tình huống đó, thì bạn có thể chấp nhận điều này như một bước tích cực trong việc kiểm soát cơn giận. Xin lưu ý là thời gian “xí” hay “time-out” này không phải kéo dài luôn cho tới ba tháng; nó chỉ được phép là một thời gian ngắn để cho bạn có cơ hội kiểm soát những cảm xúc của mình hầu cho bạn có thể tiếp cận tình huống đó với hành vi cư xử mang tính xây dựng.
 

      Quý thính giả thân mến,
 

      Hôm nay chúng ta sẽ theo dõi bước kế tiếp tức là bước thứ 3 trong tiến trình gồm năm bước để xử lý cơn giận vì lý do chính đáng. Đây là bước phân tích VÌ SAO BẠN THẬT SỰ GIẬN DỮ?
 

      Bước ba diễn ra khi bạn đang kiềm chế phản ứng có thể bộc phát tức thì khi mình đang nóng giận. Trong khi bạn đang ở trong giai đoạn “time-out” hay “xí” của mình và sau đó bạn đã đếm đến 100 hoặc 1.000, đây là lúc hãy xác định trung tâm của cơn giận bạn. Nếu bạn tức giận người phối ngẫu của mình, hãy tự hỏi những câu sau: Vì sao mình lại giận dữ như thế? Phải chăng đó là do điều người bạn đời của mình đã nói hay làm? Phải chăng đó là do cách thức anh ấy hoặc cô ấy đang nói chuyện? Phải chăng đó là do cách thức anh ấy hay cô ấy đang nhìn mình? Phải chăng hành vi cư xử của anh ấy hay cô ấy nhắc mình nhớ đến ba hay mẹ của mình? Cơn giận của mình đối với anh ấy hay cô ấy bị ảnh hưởng bởi một điều gì đó đã xảy ra tại sở làm hôm nay hay trong thời thơ ấu của mình nhiều năm về trước?
 

      Shella giận dữ bởi vì đứa con trai tuổi thiếu niên của cô là Josh đã xao lãng việc dọn dẹp căn phòng của nó trước khi rời nhà, trong khi mẹ cô lại sắp đến thăm trong ba tiếng nữa. Sau khi Josh đã ra ngoài và Shella đã có thời gian để bình tĩnh lại và ngẫm nghĩ về tình tiết vừa xảy ra, cô nhận ra rằng sự giận dữ của cô đối với Josh là về mẹ cô nhiều hơn là về con trai cô.
 

      Tâm trí cô nhanh chóng hồi tưởng lại một cảnh tượng đã xảy ra nhiều năm trước trong đó mẹ cô đã trừng trừng nhìn cô và nói, “Con sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì được cả. Hãy nhìn kìa, con thậm chí không thể giữ cho căn phòng của mình sạch sẽ được.”
 

      Cũng bà mẹ ấy chẳng mấy chốc sẽ bước vào căn nhà của cô, rồi quan sát căn phòng của Josh. Phải chăng đây sẽ là chứng cớ cuối cùng chứng minh rằng Shella thật sự là một con người đã từng thất bại? Cô thành thật thú nhận với chính mình rằng, nếu mẹ cô không đến thăm thì căn phòng của Josh sẽ không là vấn đề mà cô bận tâm đâu. Từ hồi nào đến giờ, căn phòng của Josh cũng đã bừa bộn rồi. Khi hiểu ra như vậy, Shella có một phương cách tích cực hơn để xử lý cơn giận của mình.
 

      Điểm mấu chốt trong việc xác định trung tâm cơn giận của bạn là khám phá ra những điều sai quấy mà người bạn đang tức giận đã phạm phải. Tội lỗi của người ấy là gì? Cô ta đã cư xử sai quấy với bạn như thế nào? Doug đã giận dữ nói về vợ anh là Kelly như sau, “Cô ấy chẳng bao giờ dành bất cứ thời gian nào cho tôi cả! Tôi mong ước có ai đó sẽ nói cho vợ tôi biết rằng cô ấy đã kết hôn rồi!” Khi anh phân tích sự giận dữ của mình, anh nhận ra rằng vấn đề không phải là việc Kelly có nên đi chơi với bạn bè của cô chăng. Sự giận dữ của anh tập trung vào nhu cầu cần yêu thương nhưng không được đáp ứng. Trong tâm trí của anh, đó mới là vấn đề đích thực. Một người vợ cần phải bày tỏ tình yêu đối với chồng mình. Anh không cảm thấy mình được vợ yêu thương. Sự giận dữ của anh thật sự tập trung vào việc Kelly đã không đáp ứng được nhu cầu tình cảm mong mỏi được yêu thương của anh. Sự hiểu thấu này đưa anh đến chỗ xử lý cơn giận của mình trong một cách thức xây dựng hơn nhiều.
 

      Vấn đề thứ nhì là, sự vi phạm nghiêm trọng đến mức nào? Việc Nate không có mặt đúng giờ cho một cuộc hẹn chắc hẳn không ở cùng mức độ với việc Nate lạm dụng nó. Một số điều sai quấy thì nhỏ nhặt và một số khác thì lại lớn lao. Mỗi điều đòi hỏi một phản ứng khác biệt. Nếu bạn có phản ứng trước các vấn đề nhỏ nhặt tương tự như đối với các vấn đề quan trọng thì bạn đang quản lý cơn giận của mình một cách thật tồi tệ cơn giận.
 

      Bạn có thể thấy hữu ích khi đánh giá tính chất nghiêm trọng của vấn đề theo tỷ lệ từ một đến mười, với số mười là điều nghiêm trọng nhất trong các sự vi phạm và số một là một sự bực tức nhỏ nhặt. Việc ghi số mức độ của sự vi phạm sẽ không chỉ giúp bạn có cái nhìn toàn diện, song khi việc chia sẻ số ghi đó với người mà bạn tức giận có thể chuẩn bị người ấy về mặt tinh thần và cảm xúc để xử lý cơn giận với bạn. Nếu bạn cho tôi biết rằng vấn đề là một “số hai”, thì tôi sẽ biết rằng điều này sẽ không mất cả đêm để giải quyết và nếu tôi dành cho bạn trọn sự chú ý của mình và tìm cách để thông hiểu thì chúng ta có thể giải quyết vấn đề này khá dễ dàng. Mặt khác, nếu bạn cho tôi biết đó là một “số mười” thì tôi biết mình phải mất cả buổi tối và phải hoãn lại việc đọc sách của mình sang một đêm khác.
 

      Kính thưa quý thính giả,
 

      Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây để kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi khám phá các bước tiếp sau trong tiến trình xử lý cơn giận một cách hợp lý, có thể đem lại hữu ích. Phát Thanh Hy Vọng kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè. Xin thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn