01:40 EDT Thứ hai, 06/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 18

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 17


Hôm nayHôm nay : 6941

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 53561

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23062594

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Lan Truyền

Lan Truyền

“Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác; Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình” (Châm Ngôn 3:33).

Xem tiếp...

Âm Thanh & Cuộc Đời

Thứ hai - 06/06/2016 21:13
Âm Thanh & Cuộc Đời

Âm Thanh & Cuộc Đời

Dầu chúng ta đang lái xe trên đường phố hay ngồi trong phòng khách nghe radio, âm thanh cho chúng ta những thông tin cần thiết, để chúng ta biết được những điều gì đang xảy ra trong thế giới quanh ta.

                 

Âm Thanh & Cuộc Đời


                 Dầu chúng ta đang lái xe trên đường phố hay ngồi trong phòng khách nghe radio, âm thanh cho chúng ta những thông tin cần thiết, để chúng ta biết được những điều gì đang xảy ra trong thế giới quanh ta. Âm thanh phục vụ con người với hai vai trò căn bản là truyền tín hiệu và truyền thông. Chẳng hạn như đang khi lái xe nhờ nghe tiếng còi hụ của xe cứu hỏa hoặc xe cảnh sát mà ta biết mình phải chạy chậm lại, quan sát kỹ việc gì đang xảy ra để tùy cơ ứng biến. Hoặc khi nghe điện thoại, âm thanh của lời nói ở bên kia đầu dây giúp ta biết được ý muốn hay tâm trạng của người kia.

                 Dầu khả năng tiếp nhận âm thanh của một số loài vật giống như con người, nhưng không thể nào có thể ví sánh loài vật với loài người! Bởi vì con người chúng ta được Đấng Tạo Hóa phú cho sự khôn ngoan, có thể diễn tả ý muốn và tình cảm qua lời nói và chữ viết là ngôn ngữ (Ngôn là lời nói và ngữ là chữ viết).

                 Ngoài hai vai trò căn bản để phục vụ con người là truyền tín hiệu và truyền thông, âm thanh còn giữ vai trò rất quan trọng qua âm nhạc. Âm nhạc cũng truyền ra sứ điệp, làm dịu lại những sóng gió của tâm hồn, giúp tâm trí được lắng động và làm giảm đi sự trầm cảm. Lời ca, tiếng hát hòa với tiếng đàn, tiếng trống của những nhạc khí khiến cho tâm hồn chúng ta được thỏa vui nhất là những bài ca Giáng Sinh tôn ngợi Chúa Cứu Thế giáng trần.

                 Ngày nay nhờ có những dàn âm thanh hiện đại, những nhạc cụ tân tiến, những hệ thống âm thanh nổi, âm thanh surround, âm nhạc càng phục vụ con người hữu hiệu hơn. Bên cạnh những âm thanh cho con người làm ra, âm thanh phát ra từ tiếng hót của loài chim, tiếng vi vu của những hàng thông, tiếng tí tách của những giọt mưa, tiếng rì rào của ngọn cỏ, tiếng chảy róc rách của con suối v.v… đã đem lại hương vị cho cuộc đời.

                 Có người cho rằng âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn con người với sự kết hợp của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Con người không thể sống mà thiếu âm nhạc. Nhiều người tin rằng âm nhạc có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt thể chất, cảm xúc, nhận thức, xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Âm nhạc cũng mang lại sự thoải mái, hạ giảm sự trầm cảm, âm nhạc còn có khả năng giảm đau, giúp cơ thể ta sản sinh một lượng lớn endorphins như một thuốc giảm đau tự nhiên. Nghe nhạc còn làm cho người ta cảm thấy rằng mình có kiểm soát được nỗi đau trong thân thể mình.

                 Trong cuộc nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng âm nhạc với một nhịp mạnh có thể kích thích nguồn xung điện trong não để cộng hưởng đồng bộ nhịp tim, nhịp đập nhanh hơn mang lại sự tập trung nhạy bén hơn. Mặt khác, nghe nhạc cổ điển nhẹ nhàng cải thiện khả năng tập trung trong một thời gian dài hơn, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và nhờ nghe nhạc êm dịu giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nghe nhạc sẽ đưa chúng ta vào giấc ngủ sâu, với một trạng thái thư giãn. Âm nhạc cũng hỗ trợ bệnh nhân ung thư: giảm sự lo lắng ở những bệnh nhân trong quá trình xạ trị cũng như giảm buồn nôn từ việc điều trị bằng hóa chất liều cao.

                 Theo các nhà nghiên cứu của Đại học University North-Western - Hoa Kỳ cho thấy ở những trẻ học nhạc từ bé sẽ làm chậm đi sự suy giảm nhận thức khi đến tuổi trưởng thành hay nói cách khác âm nhạc giúp trẻ khi đến tuổi thành niên được bén nhạy trong sự nhận thức.

                 Một nghiên cứu khác tại nước Phần Lan cũng khẳng định rằng các thai nhi nằm trong bụng mẹ khi được nghe nhạc não bộ và trí nhớ của các em được phát triển. Hơn nữa, sự nhạy cảm với âm nhạc khi còn trong bụng mẹ giúp các em sau nầy phát triển não và trí nhớ tốt. Người nghe nhạc, yêu thích nhạc và thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc sẽ thông minh hơn người bình thường.

                 Thưa quý vị,

                 Âm thanh và cuộc đời lúc nào cũng liên hệ mật thiết với nhau! Và dầu âm nhạc vô cùng cần thiết cho đời sống chúng ta, nhưng nếu Đấng Tạo Hóa không ban cho ta hai tai, với hệ thống thính giác tuyệt diệu thì ta cũng không thể nào tiếp nhận âm thanh để có thể tiếp xúc nhau, thông tin nhau, bày tỏ tình cảm và ý muốn cho nhau và thưởng thức được sự huyền diệu của âm nhạc, qua những giọng ca thiên phú, ngọt ngào, tiếng đàn réo rắt khi bổng khi trầm, những tiếng chim kêu, tiếng thông reo v.v… Đức Chúa Trời đã đặt vào đầu ta hệ thống thính giác vô cùng tinh vi, gồm hai tai, bên trong mỗi lỗ tai đều có khoảng trống lớn bằng hạt dẻ. Khoảng trống nầy giống như căn phòng tí hon, nhưng lại đủ sức chứa, được nhét vào một số lượng lớn những mạch điện, như phòng thiết bị cho cơ quan điện thoại của một thành phố lớn.

                 Quý vị thử tưởng tượng như thành phố Melbourne với hệ thống điện thoại vĩ đại, được Đức Chúa Trời thu nhỏ trong 1 lỗ tai của mỗi chung ta. Những dây thần kinh âm thanh (auditory) dẫn đến bô não ta trọng bằng đường kính của ruột cây bút chì, nhưng chứa đựng 30,000 mạch điện (circuits). Màng nhĩ của ta thật nhạy bén, giống như mặt trống dẻo dai, được căng ra thật chặt với chiều dài không quá phân nửa phân tây với độ rung dầu thật nhỏ nhưng tạo sự rung động kéo dài 1 phút, dầu chỉ tác động 1 phần triệu của centimeter, thật sự truyền dẫn âm thanh lên bộ não chúng ta.

                 Chúa ban cho mỗi người chúng ta 2 lỗ tai. Quý vị biết vì sao Chúa ban cho ta 2 tai thay vì chỉ có 1? Nhờ hai tai, chúng ta định hướng âm thanh phát ra từ đâu. Cảm tạ Chúa vì Ngài tạo cơ quan thính giác cho chúng ta thật kỳ diệu, rất mong mỗi chúng ta biết ơn Chúa và biết sử dụng nó một cách khôn ngoan là biết lắng nghe. Tận dụng phước hạnh Chúa ban cho minh.

                 Kinh Thánh chép: "Chúa đối đầu với quân gian ác, xóa nhòa tên tuổi chúng trên đời, nhưng để mắt nhìn người chánh trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu. Họ kêu xin Chúa nhậm lời, giải thoát họ khỏi cơn nguy khốn. Chúa gần gũi với những tấm lòng tan vỡ, và cứu những tâm thần đau thương." (Thi Thiên 34:15-18)

                 Thi sĩ David nói: "Tôi yêu Chúa vì Ngài nghiêng tai nghe lời cầu nguyện và sự nài xin của tôi." (Thi Thiên 116:1-2) David nói sỡ dĩ mình yêu Chúa vì Chúa là Đấng quan tâm đến mình, nghe lời tâm sự của mình.

                 Chúng ta, trong thuở nằm trong nôi, đều được nghe tiếng mẹ ru như bài tình ca của Phạm Duy: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời! À à ơi! Tiếng ru muôn đời! Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui khóc cười theo mảnh nước nổi trôi, nước tôi! Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoát ngàn năm thành tiếng lòng tôi. Nước ôi! Tôi yêu tiếng ngang trời! Những câu hò giận hờn không nguôi nhớ nhung hoài vào mảnh tình xa xôi! Vẫn tin vào mộng đẹp ngày mai."

                 Để tiếp nhận âm thanh ta phải nghe hay phải lắng nghe:

                 (1) Nghe, điều căn bản của nghe chi là muốn nghe hay thu nhận được nội dung hay bản tin cho mình, chẳng hạn như ta nghe radio để biết được tin tức trong ngày, hay lượm lặt những điều hay, điều lạ.

                 (2) Còn lắng nghe là ta quan tâm đến cảm xúc người khác, cảm thông niềm riêng của họ. Thánh Kinh dạy: "Đáp lời mà chẳng chịu nghe, là mang sỉ nhục, để cho chúng cười." (Châm Ngôn 18:13) Lắng nghe là chú tâm, tập trung vào những gì người khác nói. Mắt người lắng nghe nhìn thẳng vào người nói, nghiêng người về phía trước để chú ý, và chịu khó dành thời giờ lắng nghe.

                 Lời ru của mẹ là âm thanh thật ngọt ngào, là bản nhạc của tâm hồn nhưng không thể ví sánh bằng lời ru của Đức Chúa Trời. Quý vị có bao giờ nghe tiếng hát của Chúa chưa, hay nghe được tiếng ru của Ngài? Thánh Kinh chép: "Chúa Hằng Hữu, Chân Thần của ngươi, đang ngự giữa ngươi Ngài đầy quyền năng giải cứu. Chúa sẽ cực kỳ ưa thích ngươi, tình thương Ngài sẽ cho ngươi yên lặng và Ngài sẽ hát mừng vì yêu mến ngươi." (Sô-phô-ni 3:17)

                 Lời Thánh Kinh nầy cho thấy có những lúc ta gặp khó khăn trắc trở, bị người đời rẻ rúng coi thường, bị lâm vào tình trạng bế tắc, nhưng Đức Chúa Trời kề cận với chúng ta hơn bao giờ hết. Ngài say đắm nhìn chúng ta những con cái yêu dấu của Ngài, Ngài hát ru ta ngủ vì Ngài yêu mến hát cho ta nghe hơn cả lời ru của mẹ.

                 Một nhân vật trong Thánh Kinh là David đã trải nghiệm được tình yêu Chúa, ông dâng lên Chúa lời nguyện cầu chúc tụng:

                 "Xin cho dân Chúa hưởng an vui, 
                 Luôn reo mừng nhờ Chúa bảo toàn, 
                 Và người kính yêu Ngài, hoan hỉ." (Thi Thiên 5:11)

                 Thưa quý vị, Đức Chúa Trời ban cho ta hai tai để nghe được những âm thanh huyền diệu, Ngài hát cho ta nghe những bản nhạc yêu thương, trìu mến. Ngài đã vì yêu ta mà giáng thế làm người, Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus, Ngài là Đấng quyền năng giải cứu và chăm sóc chúng ta. Ngài chết thay ta và ban sự cứu rỗi và sự sống vĩnh phúc cho ta. Ngài rất vui mừng và yêu ta. Có lúc Ngài lặng nhìn ta với đôi mắt đầy trìu mến. Có lúc Ngài hát mừng, hát ru ta ngủ.

                 Thưa quý vị, chúng ta chính là đối tượng của tình yêu Chúa. Thay vì Ngài đoán phạt những tội lỗi ta làm, những sự vi phạm ta trót mang, thì Ngài đã gánh thay tội của chúng ta trên thập tự giá, sau đó ngài đưa chúng ta qua ánh sáng phục sinh cho một ngày mới. Ngài làm tất cả mọi điều này vì yêu chúng ta.

                 Chúng ta hãy đồng thanh với tiên tri Chúa là Giê-rê-mi dâng lên Chúa lời chúc tụng rằng: "Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm." (Giê-rê-mi 3:23)

                 Chúa yêu quý vị! Ngài đã giáng trần ban cho quý vị, đem ánh cứu rỗi cho quý vị, mở mắt tâm hồn, mở lỗ tai quý vị để quý vị nghe được tiếng ca tình yêu của Ngài. Rất mong quý vị đến với Chúa Cứu Thế Jesus và tiếp nhận Chúa ngay giờ nầy.

                 Kính chào quý vị.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn