08:19 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 27


Hôm nayHôm nay : 7629

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12704

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23021737

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG

Thứ ba - 09/08/2016 21:11
TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI  TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG

TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG

Dẫn nhập: Mỗi khi bước vào nhà thờ, chúng ta được nhắc nhở khi thấy dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI ở trên tòa giảng. Thế nhưng, lâu dần, dòng chữ nầy trở nên quen thuộc đến nỗi khi chúng ta tới nhà thờ, không còn để ý đến nó nữa và chúng ta thường quên mất rằng chúng ta phải tôn vinh Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng tại nhà thờ, vì đó là mục đích mà chúng ta đến đây.


BÀI GIẢNG BỒI LINH
ĐỀ TÀI:

TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI
TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG


Kinh Thánh: Thi Thiên 86:9
 
            Dẫn nhập:
            Mỗi khi bước vào nhà thờ, chúng ta được nhắc nhở khi thấy dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI ở trên tòa giảng.
            Thế nhưng, lâu dần, dòng chữ nầy trở nên quen thuộc đến nỗi khi chúng ta tới nhà thờ, không còn để ý đến nó nữa và chúng ta thường quên mất rằng chúng ta phải tôn vinh Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng tại nhà thờ, vì đó là mục đích mà chúng ta đến đây.
            Chúng ta sẽ học hỏi với nhau cụm từ nầy trong sáng hôm nay với câu Kinh Thánh nền tảng:
            - Hết thảy các dân mà Chúa đã dựng nên, sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, và tôn vinh danh Chúa. (Thi 86:9)
            Vậy, chúng ta đến nhà thờ để làm gì? Có tôn vinh Chúa không? Và thế nào là tôn vinh Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng?
 

            1. Hãy mặc trang sức Thánh mà đến gần Chúa:
            - Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va. (Thi 96:9)
            Trang sức thánh đó là gì? Là mặc áo công bình Chúa ban cho mà thờ phượng Ngài, nghĩa là đời sống nên thánh của mình:
            - Người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). (Khải 19:8)
Ghê-hô-sua được Chúa lột bỏ áo bẩn khi ông đến ra mắt Chúa, nghĩa là đời sống ông được Chúa thánh hóa để ở trong sự hiện diện của Ngài. 
            Như vậy, “mặc trang sức thánh đến gần Chúa” nghĩa là chúng ta đến thờ phượng Chúa với con người thánh khiết cả bề trong (tấm lòng) và bề ngoài (cách trang phục lẫn phong cách). Như vậy, chúng ta sẽ không đến nhà thờ với đời sống bất khiết nào đó nếu không phải đến để cầu nguyện ăn năn với Chúa, hoặc với phong cách đang ở trong tình trạng say xỉn, mất tỉnh táo… hay với trang phục không thích hợp.
            - Hãy mặc quần áo đẹp nhất, tốt nhất, trang trọng nhưng kín đáo để đến đền thánh Chúa. Không ăn mặc lôi thôi hoặc thời trang nhưng lại hở hang mà đến thờ phượng Chúa. (cô dâu trong lễ cưới… hoặc du khách đến những đền thờ ngoại giáo cũng bị buộc bỏ giày dép ở ngoài, nếu mặc quần ngắn hay hở hang thì không được vào đền, huống gì nhà thờ.).
            - Tư thế ngồi thờ phượng cũng đàng hoàng, không ngã ngữa ra phía sau, không gác chân cao lên ghế, không gục đầu xuống bàn, không ngủ gục, dầu có người ngủ và ngáy trong khi mục sư giảng… (chuyện Ông nội cho đến 10 ngàn…)
 

            2. Dùng âm nhạc để ngợi khen Chúa:
            - Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy hát ngợi khen Ngài, cảm tạ sự kỷ niệm thánh của Ngài. (Thi 30:4)
            - Hãy dùng đàn cầm cảm tạ Đức Giê-hô-va; Hãy dùng đàn sắt mười dây mà hát ngợi khen Ngài. (Thi 32:2)
            Ban nhạc và người hát là để tôn vinh Chúa, nên phải tập luyện cẩn thận để tôn vinh Chúa cách tốt nhất, không thể tự tiện, khinh suất. (ban nhạc của triều đình Đa-vít: các nhạc công và ca sĩ trong ca đoàn đều có sự chọn lựa cẩn thận và tập dượt kỹ càng, có kỹ năng phục vụ ca hát trong đền thờ, lễ nghi…). Không ca hát hay đánh đàn với phong cách biểu diễn, hay du nhập những dòng nhạc thế gian vào trong nhà thờ. Cần phải tuyển chọn các bài hát thích hợp, đúng quan điểm thần học để tôn vinh Chúa. Phong cách hát Cơ đốc (không nhảy nhót) hay đánh đàn phải chọn nhịp điệu thích hợp trong nhà thờ, nhạc thánh chứ không phải nhạc phàm, tôn vinh Chúa mà không phải tôn vinh chính mình.
            Thái độ hát, đàn có tôn vinh Chúa không? Hết lòng hay mệt mỏi, uể oải? Lớn tiếng hay chỉ cầm chừng? Tôn vinh Chúa bằng tấm lòng thì có cần tập luyện không?
 

            3. Dùng Kinh Thánh để tôn cao Chúa:
            - Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa.(Ê-phê-sô 5:19)
            - Tôi sẽ thờ lạy hướng về đền thánh của Chúa, cảm tạ danh Chúa vì sự nhân từ và sự chân thật của Chúa; Vì Chúa đã làm cho lời Chúa đựợc tôn cao. (Thi 138:2)
            Lời Chúa có được tôn cao trong giờ thờ phượng không? Đọc, nghe, giảng Lời Chúa để tôn vinh Chúa, không tôn vinh chính mình. Thái độ đọc Kinh Thánh phải rõ ràng, lớn tiếng, rập ràng, chính xác. Đọc Kinh Thánh thường đứng lên… (E-xơ-ra đứng trên bục gỗ, đọc Kinh Thánh, dân sự im lặng nghe phăng phắc từ sáng đến trưa (Nê-hê-mi 8).
            Nghe lời Chúa thì phải chăm chú mà không bị xao lãng. Nếu ghi chú được thì tốt. Giảng Kinh Thánh như “rao lời sấm truyền”, có năng lực, cách đầy ơn, với thẩm quyền thiên thượng mà không phải là hùng biện hay tấu hài hoặc phô trương kiến thức của mình mà không có Lời của Đức Chúa Trời ở trong đó hoặc chỉ trang điểm cho có vẻ.
            Chúng ta đã nghe, đọc, giảng lời Chúa như thế nào? Có kỉnh kiền, trang trọng hay khinh suất bỡn cợt… (Một bà mẹ ghi chép tiền chợ trong giờ giảng…Một mục sư giảng xong xuống hỏi tín đồ, cốt để nghe lời khen…)
 

            4. Dùng lời cầu nguyện để tôn thánh Danh  Chúa:
            Trong ý nghĩa của bài cầu nguyện chung:
            - Lạy Cha chúng con ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh…
            - Nguyện lời cầu nguyện tôi thấu đến trước mặt Chúa như hương, Nguyện sự giơ tay tôi lên được giống như của lễ buổi chiều! (Thi 141:2)
            - Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, cầu khẩn danh của Ngài;
            Khá truyền ra giữa các dân những công việc Ngài!(Thi 105:1)
            Cầu nguyện phải thành tâm hướng về Chúa mà không bị xao lãng. Trong cách cầu nguyện, lời cầu nguyện đều qui vinh hiển về Chúa, không văn từ hoa mỹ, tôn vinh trình độ và sự hiểu biết của mình hoặc phô trương như thầy thông giáo và Pha-ri-si cầu nguyện nơi góc phố, ngã tư để cho mọi người thấy và khen ngợi mình. Lời cầu nguyện chân thật, không giả hình, xứng đáng tôn thánh danh Chúa. Nói với Chúa chứ không phải nói với người khác nên không được mượn lời cầu nguyện để lên án người khác. (Chuyện cầu nguyện: ma quỉ tấn công con…).
             Khi người khác cầu nguyện phải lắng nghe và hiệp ý để cùng tôn vinh Chúa và được Chúa nhậm lời. Không làm việc riêng trong khi cầu nguyện: nói chuyện, nghe điện thoại, tranh thủ vô ra…
 

            5. Dùng sự dâng hiến tôn vinh Chúa:
            - Hãy tôn vinh xứng đáng cho danh Đức Giê-hô-va; Hãy đem lễ vật mà vào trong hành lang Ngài. (Thi 96:8)
            - Hãy lấy tài vật và huê lợi đầu mùa của con, mà tôn vinh Đức Giê-hô-va. (Châm 3:9)
            Dâng hiến là một tiết mục trong sự thờ phượng, là một công việc thiêng liêng chứ không phải chỉ là tổ chức Hội Thánh. Dân sự Chúa ngày xưa đem lễ vật đến đền thờ để dâng hiến tôn vinh Chúa rất trang trọng. Dâng hiến của cải hay tiền bạc trong giờ thờ phượng với lòng cảm tạ, biết ơn mà không phô trương, tôn vinh mình, vì ý thức rằng những gì mình có được là do Chúa ban cho nên không kiêu ngạo, khoe mình. Các chấp sự đi lấy tiền dâng cách cung kính, kỉnh kiền. Cách tín hữu bỏ tiền vào hộp cũng kín đáo và trang trọng. Dâng vì Chúa không phải vì người khác, không vì thể diện hay ganh tỵ, tự ái hoặc tính toán với Chúa. Dâng với tất cả tấm lòng chân thành, khiêm nhường là cách tôn vinh Chúa tốt nhất.
            Đành rằng về phương diện tổ chức Hội Thánh phải công khai tài chánh, thu chi hàng tháng để không gây vấp phạm cho tín hữu. Hội Thánh có bảng thu chi cho con cái Chúa theo dõi để khích lệ nhau trong sự dâng hiến, cũng để giám sát xem Hội Thánh đã thu chi như thế nào và thấy những nhu cầu của Hội Thánh mà trung tín dâng hiến cho Chúa bội phần. Nhưng chung qui, sự dâng hiến để tôn vinh Chúa mà thôi. (Chuyện một người muốn dâng một số tiền lớn để xây cất nhà thờ nhưng lại muốn để tên mình…)
 

            6. Dùng sự làm chứng để ngợi khen, cảm tạ Chúa:
            - Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, thuật lại những công việc Đức Giê-hô-va. (Thi 118:17)
            -  Tôi sẽ cảm tạ Chúa trong hội lớn, ngợi khen Ngài giữa dân đông. (Thi 35:18)
            Người làm chứng ơn phước Chúa mục đích để tôn vinh Chúa là Đấng Quyền năng, yêu thương, giúp đỡ, nhậm lời cầu nguyện, giải cứu mình ra khỏi hoạn nạn hay bịnh tật. Người làm chứng phải chuẩn bị bài làm chứng của mình cho thật tốt, cô đọng nhưng đầy đủ và để tôn vinh Chúa. Có người không biết  cách nên nói rất dài dòng, kể lể lê thê về nỗi khổ của mình khiến Hội chúng phân tâm, phàn nàn không còn chú tâm vào sự thờ phượng nữa và cuối cùng không có gì để tạ ơn Chúa, tôn vinh danh Chúa cả. (chuyện một người lên đọc thơ ca ngợi mẹ mình trong Ngày hiếu kính cha mẹ…thay vì cảm tạ Chúa đã cho mình có được một người mẹ như thế!)
 

            7.Thái độ thờ phượng kỉnh kiền, hết lòng là tôn vinh Chúa:
            - Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi! (Thi 95:6)
            - Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi khen Chúa, tôn vinh danh Chúa đến mãi mãi. (Thi 86:12)
            - Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.(Giăng 4:23-24)
            Đến nhà thờ để thờ phượng Chúa chứ không phải đi “xem lễ”…, một người phải phục vụ Chúa qua sự thờ phượng chứ không phải là một khán thính giả xem thử chương trình hôm nay có gì hay hay dở rồi phê bình hay chỉ trích…
            Nhà thờ là chỗ để tương giao với Chúa và thông công với nhau, không phải đi nhà thờ để cho vui, để giải trí hay để giết thì giờ hoặc để không mắc lòng ai đó…
            Thờ phượng Chúa bằng chính tâm linh và sự chân thật trong lòng là sự thờ phượng mà Chúa ưa thích. Vì vậy: Đến nhà thờ với một thái độ khiêm nhường, thành tâm, kỉnh kiền, yên lặng và hết lòng là yếu tố cần phải có trong suốt giờ thờ phượng Chúa.
            Thờ phượng tôn vinh Chúa như thế nào? Sau đây là một số chỉ dẫn thêm:
            - Trang trọng nhưng vui vẻ, bình an, thoải mái mà không phải quá căng thẳng. Hết lòng là chú tâm vào sự thờ phượng mà không bị xao lãng, lo lắng, lo ra hay quan tâm những điều khác.
            - Không vỗ tay cốt để hoan hô tài năng của một ai đó…
            - Không nói chuyện riêng, gây ồn ào, mất trật tự trong nhà thờ.
            - Không để chuông điện thoại reo, dùng chế độ rung và có thể ra ngoài nghe điện thoại hoặc tắt điện thoại.
            - Không đi trễ, về sớm, cốt chỉ để nghe giảng. Đó là một người đi nghe chứ không phải đi thờ phượng Chúa, đi cho người ta thấy rồi biến mất lúc nào không biết.
            - Ngồi ở trong nhà thờ thờ phượng Chúa đàng hoàng chứ không phải lòng vòng ở bên ngoài cho đến hết giờ thì thôi.
            - Không mãi chỉ nghĩ về tiết mục của mình sẽ nói hay hát rồi sau khi nói hay hát xong, lại tiếp tục suy nghĩ về tiết mục của mình suốt giờ thờ phượng, sau đó lắng nghe xem cho ai bình phẩm gì không. Xin đừng quá nặng lòng về điều đó, hãy để lòng yên tịnh thờ phượng Chúa mà không bị xao lãng bối rối.
            - Không chỉ chú ý đến bài giảng của mục sư hay hoặc không hay mà thái độ thờ phượng Chúa của chúng ta sáng hôm nay như thế nào.
            - Không làm việc riêng trong giờ thờ phượng Chúa như đọc sách, soạn bài, dùng điện thoại cảm ứng, Ipad để xem tin tức, nhắn tin, lướt web. Hạn chế di lại chụp hình trong giờ thờ phượng, lôi kéo sự chú ý của tín hữu làm xao nhãng sự thờ phượng. (chuyện Ông Thủ quỹ viết biên lai trong suốt giờ thờ phượng để kịp giao biên nhận sau giờ nhóm, ông chỉ thấy “tiền” suốt giờ thờ phượng, từ tuần nầy qua tuần kia…)
            - Nên đem Thánh ca, Kinh Thánh để sử dụng, hạn chế sử dụng điện thoại tiện ích vì sẽ khó ghi chú câu Kinh Thánh và ghi chú bài giảng được, lại gây cớ vấp phạm cho nhiều người dùng điện thoại trong nhà thờ mà không phải xem Kinh thánh.
            - Không phát biểu linh tinh hay đứng lên phản ứng to tiếng về một việc nào đó trong giờ thờ phượng Chúa. Nói có nơi, có chỗ và phải tôn thánh danh Chúa.
            -  Trong giờ thờ phượng, không biến tòa giảng thành sân khấu biểu diễn, nhà thờ thành hí trường làm chỗ ngồi cho khán giả hoặc trở thành sân chơi cho mọi trò chơi sinh hoạt.
 

            Kết luận:
            - Hết thảy các dân mà Chúa đã dựng nên, sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, và tôn vinh danh Chúa. (Thi 86:9).
            Đây là câu Kinh Thánh mà Đa-vít đã viết cho khải tượng trong nước 1000 năm bình an, hay trong cõi đời đời muôn dân sẽ thờ phượng Ngài. Để đến với sự thờ phượng Chúa phước hạnh trong tương lai thì phải có sự thờ phượng Chúa ngày hôm nay. Nếu không tôn vinh Chúa trong sự thờ phượng hôm nay thì tương lai sẽ không có cơ hội được tôn vinh Chúa trong sự thờ phượng trên Thiên đàng.
 

            Đời sống của chúng ta là đời sống thờ phượng Chúa. Nếp sống của chúng ta là nếp sống thờ phượng và tôn vinh Chúa mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn sự thờ phượng Chúa qua lễ nghi thờ phượng Chúa tại nhà thờ thì cũng đáng để chúng ta tôn thánh Danh Chúa.
            Vậy, kiểm tra lại, chúng ta có tôn vinh Chúa trong giờ thờ phượng Chúa không?
            Mỗi lần chúng ta thờ phượng Chúa ở nhà thờ hay ở nơi nào có sự nhóm lại, chúng ta có làm sáng Danh Chúa không?
            Xin Chúa cho mỗi người chúng ta kiểm điểm lại các sự sai trật của mình để điều chỉnh lại cho đúng để giờ thờ phượng Chúa được thuộc linh và tôn cao Danh Chúa, đẹp lòng Đức Chúa Trời, khiến Ngài vui ngự và ban phước trên Hội Thánh của Ngài cùng con dân Chúa, m ỗi khi chúng ta ra mắt Ngài. A-men!

MsNc. Đinh Thuận
 
Từ khóa: nhà thờ, chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn