02:33 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 7148

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 31205

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23040238

Trang nhất » Dưỡng linh » Bài giảng

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Sự Kỳ Diệu Của Màng Nhện

Thứ hai - 14/03/2016 21:48
Sự Kỳ Diệu Của Màng Nhện

Sự Kỳ Diệu Của Màng Nhện

Trong thế giới nầy, từ trong nhà ra đến ngoài phố, từ những mảnh vườn bé nhỏ cho đến chốn rừng sâu, đâu đâu chúng ta cũng thấy công trình khéo léo và thông minh của Đấng Tạo Hóa.



                     Trong thế giới nầy, từ trong nhà ra đến ngoài phố, từ những mảnh vườn bé nhỏ cho đến chốn rừng sâu, đâu đâu chúng ta cũng thấy công trình khéo léo và thông minh của Đấng Tạo Hóa. Mọi vật Ngài sáng tạo đều xinh đẹp, đều tuyệt hảo. Một trong những sinh vật đó là loài nhện.

                     Ca dao nước ta có câu:

                     Đêm khuya ra đứng bờ ao,
                     Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ
                     Buồn trông con nhện giăng tơ
                     Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
                     Buồn trong chênh chếch sao mai
                     Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ…

                     Đặc điểm của nhện là tài làm tổ một cách có kỹ thuật. Nhện có nhiều bộ phận nhả tơ hay buồng tơ nằm ở phần sau bụng của chúng. Mỗi bộ phận nhả tơ tạo ra những sợi tơ khác nhau: có sợi dính có sợi khô. Sợi tơ khô để làm giàn giá, làm tổ, làm mạng lưới; sợi tơ dính làm bẫy bắt mồi. Qua lăng kính hiển vi, chúng ta thấy được 2 bí mật của nhện: Thứ nhất, dầu những sợi tơ thật chắc khó bị đứt, nhưng nó cũng có tính đàn hồi co giãn nhờ vậy khi bị gió lay động hay vật gì đụng phải, mạng nhện giãn ra nhưng sau đó lại trở lại bình thường như cũ. Thứ nhì, sợi tơ nhện rỗng giống như ống dẫn nước, bên trong có chứa hóa chất để tạo thành keo. Khi tổ nhện bị khô, chất keo rỉ ra từ bộ phận nhả tơ làm mạng nhện tươi mới lại.

                     Tôi xin mời quý vị và các bạn hãy theo dõi cách làm tổ của một loài nhện lớn ở Âu châu.

                     Trước hết nhện leo lên một cành cây hay sợi dây được chọn (điểm A) để giăng sợi tơ đầu tiên, nhện buông mình xuống đất, rơi đến đâu thì nhả tơ loại dính đến đó, nhưng khi đến gần mặt đất, nhện ngưng nhả tơ, rồi dùng sợi tơ đó leo lên trở lại điểm xuất phát đầu tiên (điểm A). Nhện chờ gió để đưa đầu kia của sợi tơ dính vào điểm B ngang hàng với điểm A (giống như sợi dây phơi áo quần). Đây là một việc làm không dễ bởi vì phải chờ đợi gió có khi rất lâu để đưa sợi tơ bay đúng chỗ. Sợi tơ nồng cốt này cần phải thẳng, nằm ngang, và treo đúng vào chỗ nhện muốn (Hình 1)

Hình 1
Hình 2
Hình 3

                     Sau đó nhện làm cho sợi tơ này chắc hơn bằng cách đi chầm chậm trên sợi tơ đầu tiên và nhả tơ mới dính với sợi tơ đó. Như vậy các sợi tơ bện vào nhau và nhện cứ tiếp tục nhả tơ khi đi qua, đi lại cho đến khi sợi tơ thật chắc.

                     Tiếp tục, nhện đi trên sợi tơ vừa làm xong, cũng nhả tơ nhưng nhả nhiều hơn làm sợi tơ này chùng xuống theo hình vòng cung (Hình 2). Rồi nhện đi đến chính giữa sợi tơ chùng đó, buông mình xuống vào cành cây hay vật gì ở phía dưới, vừa buông vừa nhả tơ. Như vậy quý vị có thể hình dung lúc này màng nhện có hình chữ Y (Hình 3).

                     Nhện làm khung chung quanh (Hình 4), rồi giăng tơ thẳng từ tâm đi ra (Hình 5). Sau đó nhện nhả tơ loại không dính theo hình xoắn ốc (Hình 6). Cuối cùng, dựa vào tơ xoắn ốc, nhện dùng tơ loại dính đan vòng tròn, vừa đan vừa lấy bỏ tơ hình xoắn ốc (Hình 7). Các sợi tơ này đan theo hình tròn sát nhau hơn, mềm dẻo hơn, co giãn nhiều hơn. Vì vậy khi con mồi nào bị dính vào tơ, càng vùng vẫy nhiều, càng bị dính chặt và khó thoát thân hơn. Màng nhện tuy đơn giản nhưng trông thật đẹp mắt, nhất là dưới ánh nắng sớm, hạt sương trên mạng nhện óng ánh.

Hình 4
Hình 5
Hình 6
Hình 7

                     Khi xây tổ hoặc khi mạng nhện bị hư, nhện cái phá bỏ tất cả mạng nhện cũ, trừ sợi dây ngang nồng cốt đầu tiên. Thật đây là hành động khôn ngoan vì làm dây nầy rất khó, phải chờ đợi cơn gió, có khi phải đu đưa nhiều lần mới thành công. Nhện cái tận dụng năng lực, xây tổ thật chắc chắn, an toàn cho việc ấp trứng và cho các con lúc nở ra.

                     Một điều kỳ diệu Đấng Tạo Hóa phú cho loài nhện là biết thích ứng với hoàn cảnh. Khi thời tiết nóng như tại thành phố Melbourne, nhiệt độ hơn 40°C trong mấy ngày liên tiếp, thì nhện rời tổ để tìm nơi mát mẻ hơn rồi chờ lúc nhiệt độ hạ xuống thì chúng làm tổ khác, nếu không chúng có thể chết vì sức nóng tàn khốc của mặt trời.

                     Thưa quý vị và các bạn,

                     Khác với con người là cần được những người đi trước dạy dỗ, huấn luyện để mới có thể sống còn và thực hiện những công trình, thì nhện không được cha mẹ dạy làm tổ, nhưng chúng có thể làm tổ y như cha mẹ đã làm. Đức Chúa Trời đã phú vào vật thọ tạo của Ngài bản năng đặc biệt để chúng có thể sống còn. Ngài ban sự thông minh cho chúng và thỏa đáng mọi nhu cầu của chúng, cho chúng sống theo đúng mục đích của Ngài cho từng loài vật.

                     Đặc biệt nhất trong muôn loài thọ tạo, loài người là loài được Đức Chúa Trời thương yêu và ban cho nhiều hơn tất cả. Đức Chúa Trời phú cho quý vị năng lực, thông minh, khôn ngoan, khả năng để quý vị tận hưởng mọi ân lành của Ngài. Có một số người không tin Đức Chúa Trời cho rằng Ngài bất công vì bao khổ đau, bất hạnh xảy ra hằng ngày trên trái đất nầy. Thật ra, tất cả những tai ương, khổ đau, chết chóc xảy ra khắp nơi trên trần thế nầy là vì tội lỗi. Chính tội lỗi đã ngăn cách chúng ta với Đấng Tạo Hóa mình; chính tội lỗi đã xây hàng rào giữa người nầy người khác, dân tộc nầy với dân tộc kia. Đức Chúa Trời phán rằng: Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước. (Giê-rê-mi 5:25).

                     Tội lỗi cũng đã khiến loài người không thể kêu cầu đến Đấng Tạo Hóa mình. Thánh Kinh chép: Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa. (Ê-sai 59:2) Thánh Kinh cũng chép rằng: Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời(Rô-ma 3:23) Đang khi chúng ta bó tay tuyệt vọng, Chúa Cứu Thế đã đến đúng lúc để chết thay cho chúng ta, là người tội lỗi, xấu xa. Thông thường, ít thấy ai chịu chết cho người công chính, hiền lương, nhưng dù sao, nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. Trước là người tội lỗi, ta còn nhờ máu Chúa mà được tha thứ, nay ta sạch tội rồi, hẳn Ngài sẽ cứu ta khỏi hình phạt khủng khiếp Đức Chúa Trời dành cho thế gian. (Rô-ma 5:6-9).

                     Vậy làm thế nào để trở lại với Đấng Tạo Hóa mình? Có ba bước quý vị cần làm:

  1. Nhận biết tình trạng xa cách của mình với Đấng Tạo Hóa, nhận biết tội lỗi mình.
  2. Ăn năn những sự vi phạm mình, hãy cầu nguyện như một nhân vật trong Thánh Kinh rằng "Nếu lòng con xu hướng về tội ác, Chúa hẳn đã không nhậm lời con. Nhưng quả Chúa nghe con, nhậm lời con cầu nguyện" (Thi Thiên 66:18)
  3. Tiếp nhận sự sống vĩnh phúc bằng cách mời Chúa Cứu Thế Jesus vào lòng mình. Thánh Kinh hứa rằng: Nếu miệng anh em xưng nhận Giê-xu là Chúa, và lòng anh em tin Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại thì anh em được cứu rỗi. Vì do lòng tin, anh em được kể là người công chính, và do miệng xưng nhận Ngài, anh em được cứu rỗi. Thánh Kinh cũng chép rằng: “Ai tin Ngài sẽ không thất vọng” (Rô-ma 10:9-12)

                     Thưa quý vị,

                     Loài nhện tuy nhỏ bé không đáng kể gì, thế mà Đức Chúa Trời còn nuôi chúng, ban cho chúng bản năng kỳ diệu. Huống gì loài người, Ngài yêu thương, trân quý chúng ta. Quý vị và tôi được Ngài sáng tạo để sống khắng khít với Ngài, để chúng ta hưởng được sự sống phước hạnh. Nhưng vì tội lỗi, con người đã mất đặc quyền đó. Dầu vậy, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, Ngài không nỡ để chúng ta sống trong buồn lo, chết trong hành phạt kinh khiếp trong hỏa ngục, Ngài đã ban Chúa Cứu Thế Jesus chết thế tội chúng ta trên thập tự giá và đến ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Rất mong quý vị đến với Chúa ngay giờ nầy để nhận được sự sống kỳ diệu ấy.

                     Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến Sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn