01:15 EDT Thứ hai, 06/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 6801

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 53421

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23062454

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 1)

Thứ ba - 23/06/2015 21:37
Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 1)

Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Quý độc giả nghĩ gì về chính bản thân mình? Có phải đôi khi chúng ta thấy hài lòng về chính mình, những cũng lắm lúc cảm thấy thất vọng với chính bản thân? Có phải đôi khi ta thấy yêu thích chính mình, nhưng cũng nhiều lần chán nản với chính con người của mình?
 

               Kính thưa quý độc giả,

               Quý độc giả nghĩ gì về chính bản thân mình?

               Có phải đôi khi chúng ta thấy hài lòng về chính mình, những cũng lắm lúc cảm thấy thất vọng với chính bản thân? Có phải đôi khi ta thấy yêu thích chính mình, nhưng cũng nhiều lần chán nản với chính con người của mình?

               Khi chúng ta cảm thấy hài lòng với bản thân, chúng ta trở nên vui vẻ, yêu đời, thoải mái trong tâm trí, tự tin hơn, trở nên nhạy bén hơn. Ngược lại, khi chúng ta bực dọc với chính mình, chúng ta cảm thấy u buồn, nghi ngờ; cảm thấy sao mình quá nhỏ nhoi, vô dụng.

               Thái độ hay cái nhìn của chúng ta về chính bản thân mình là một yếu tố vô cùng quan trọng để có một đời sống tâm lý cân bằng. Các nghiên cứu cho thấy những ai có thái độ đúng đắn về bản thân thường học giỏi hơn, thăng tiến nhanh chóng trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong hôn nhân, ít gặp trở ngại trong những mối giao tiếp, ít bị trầm cảm hay lo sợ vẩn vơ.

               Một anh chàng sinh viên kia, chẳng bao giờ mở lời khen các bạn cùng lớp khi họ đạt được điểm cao. Ngược lại, anh cứ soi mói để chỉ trích các bạn. Anh chàng này không thể chung vui với sự thành công của người khác vì anh không cảm thấy vui, không cảm thấy hài lòng về chính bản thân mình. Cái anh chàng này, sau này lấy vợ, lập gia đình, với cái tính ưa so đo, tranh cạnh, thế nào cũng chọc giận bà xã, gây ra lắm cảnh “chén bay dĩa vỡ” trong nhà không sai. Theo các nhà phân tâm học, anh chàng này “đánh thấp” giá trị bản thân của mình. Mà tại sao anh lại rơi vào tình trạng như vậy? Trở lại với quãng đời thơ ấu, anh có một người cha vô cùng khó tính và khắt nghiệt. Anh đã cố gắng hết sức mình mà cha anh chẳng bao giờ khen ngợi hay tỏ ra hài lòng với anh. Mẹ anh vì khiếp sợ chồng nên đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Do vậy, anh lớn lên trong phập phồng, lo âu, có tính so đo và bị dồn ép phải luôn luôn cố gắng để cạnh tranh, để được phần hơn.

               Thật vậy, con người chúng ta vừa mạnh mẽ nhưng cũng lại rất dễ vỡ. Chúng ta có thể đủ sức chịu đựng cảnh đói nghèo, cực nhọc, những bắt bớ, tù đày, những chuyến vượt biên “thập tử nhất sinh”, ấy vậy mà chỉ một lời mỉa mai, một cái nhìn khinh bỉ, một cử chỉ chối từ của một người thân yêu có thể khiến trái tim chúng ta hoàn toàn bị tan vỡ.

               Tâm hồn chúng ta giống như một miếng kiếng cửa sổ, có thể bền bĩ với nắng mưa, nhưng chỉ cần một vật tuy nhỏ nhưng nhọn đập vào, là miếng kiếng sẽ vỡ ra từng mãnh vụn. Cái vật đập vào kiếng, phải nhọn đến mức nào thì mới đâm thấu, đập vỡ miếng kiếng một cách nhẹ nhàng, phụ thuộc vào cách chúng ta đánh giá về chính bản thân mình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Trong Anh ngữ, hai từ “self” và “esteem” được ghép lại để trở nên từ “self-esteem”. Từ “self” có nghĩa là “chính mình” hay “bản thân”, còn từ “esteem” có chung gốc từ với từ “estimate”, có nghĩa là “đánh giá” hay “ước lượng”. Một số tự điển Việt Nam dịch chữ “self-esteem” là “lòng tự trọng”, nhưng trong chương trình phát thanh hôm nay, chúng tôi xin tạm dùng cụm từ “tự đánh giá bản thân” để được rõ nghĩa hơn.

               Tự đánh giá bản thân hay “self-esteem” là tự ước lượng về chính con người mình. Có người tự ước lượng về mình khá chính xác, nhưng cũng có người đánh giá bản thân mình quá thấp hoặc quá cao. Việc tự đánh giá này đôi khi là ý thức, nhiều khi là vô thức. Có người biết mình có những yếu điểm, nhưng không muốn thú nhận với chính mình, cố tình “vờ” đi trong suy nghĩ của chính bản thân. Thậm chí có những người bề ngoài tỏ ra rất kiêu ngạo, huênh hoang, cho mình là “tài ba nhất” trong thiên hạ, nhưng thực ra họ đang khoác một “cái vỏ bọc” bên ngoài để che đậy cho một tâm trạng bên trong với hoài nghi và đầy bất mãn với chính bản thân họ. Nhậu nhẹt lu bù, sử dụng nhiều chất kích thích, dễ nóng giận, tự ti mặc cảm, hay xấu hổ hay mắc cỡ, thích “nổi đình nổi đám”, thích được chú ý, ưa làm nỗi vv. có thể là triệu chứng của một người đang tự đánh giá thật thấp về bản thân mình.

               Nghệ thuật quảng cáo chào hàng là khiến người ta nghi ngờ về giá trị bản thân của mình và đồng thời dụ dỗ người đó vươn tới một giá trị bản thân cao hơn với những cách thức thật đơn giản và dễ dàng. Xe hơi bóng loáng, quần áo thời trang “đồ hiệu” đắt tiền hơn chất lượng thật, nhà cửa tiện nghi, kết bè kết bạn với những người thành công nổi tiếng là những cố gắng thông thường để cảm thấy mình quan trọng và để nâng cao giá trị bản thân. Những phương thức này có thể khiến một người cảm thấy mình thật là xứng đáng, thật là giá trị, nhưng cảm giác này này chỉ ngắn ngủi chóng qua, để xô đẩy người đó tiếp tục cuộc săn đuổi không bao giờ chấm dứt về “giá trị bản thân” của mình. Thực vậy, ngày nay người ta đổ ra biết bao nhiêu tiền của để mua lấy những phương cách đơn giản để nâng giá trị bản thân. Mặc dù vậy, tự ti mặc cảm, cảm thấy giá trị mình thấp kém đang là một vấn nạn lớn của xã hội ngày nay và đây cũng là nguồn gốc của những rắc rối trong đời sống tình cảm của rất nhiều người.

               Quý độc giả thân mến,

               Đôi khi, chúng ta lẫn lộn giữa sự khiêm nhượng (humility) và việc đánh giá thấp về chính bản thân mình (low self-esteem). Có một số người, khi thành công, lại không dám vui sướng, không dám nghĩ tốt về mình, vì cho rằng đây là thái độ tự cao. Những người này nghĩ rằng mình phải tỏ ra khiêm nhượng và cho rằng, khiêm nhượng đồng nghĩa với việc đẩy mình xuống thấp, thậm chí phải ghét chính mình nữa.

               Trong khi tự đánh giá thấp hay “low self-esteem” là cảm thấy mình vô dụng, nhỏ nhoi, thì khiêm nhượng hoàn toàn không có nghĩa là khom lưng hay cúi đầu, cũng không phải khinh thường, tự cho mình là thấp hèn, vô dụng. Khiêm nhượng không phải là tự “hạ bệ” chính bản thân và cũng không phải là ghét bỏ chính mình. Sự khiêm nhượng đúng nghĩa là thấy về con người mình và chấp nhận bản thân mình như Đấng Tạo Hóa thấy mình và chấp nhận chính mình.

               Con người chúng ta là tạo vật cao quý nhất trước mặt Đấng Tối Cao, vì chỉ duy loài người mới được tạo dựng theo ảnh tượng cao quý của Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có ký thuật về cuộc bàn luận của Ba Ngôi Thiên Chúa trước khi bắt tay thực hiện tuyệt tác của Ngài: “Thượng Đế phán: "Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để quản trị các loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các loài gia súc, dã thú và bò sát trên mặt đất." (Sáng Thế Ký 1:26).

               Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu thấu tại sao loài người chúng ta lại được vinh dự như vậy, như vầng thơ của thi sĩ Đa-vít có ghi:

               Con cũng không thể nào hiểu thấu,
               Thế nhân là gì mà Chúa bận tâm?
               Tại sao Ngài đến viếng thăm con người?
               Chúa tạo người chỉ kém Ngài vài phân,
               Đội lên đầu danh dự vinh quang,
               Cho người cai quản toàn vũ trụ,
               Khiến muôn loài đều phải phục tùng. (Thi Thiên 8:4-6)

               Bên cạnh địa vị cao quý, chúng ta cũng phải nhìn nhận con người chỉ là tạo vật hữu hạn và cần phải nương dựa vào Đấng tạo dựng ra mình, như cành cây muốn sống tươi tốt thì phải gắn liền vào gốc cây, như Chúa Cứu Thế Giê-xu khẳng định:

               “Ta là cây nho, các con là cành. Người nào sống trong Ta và được Ta sống trong lòng sẽ kết quả dồi dào, vì ngoài Ta các con chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5)

               Như vậy, sự khiêm nhường thật sự là nhận biết giá trị cao quý của mình trước mặt Đấng Tạo Hóa nhưng đồng thời cũng biết mình chỉ là loài thọ tạo. Một người có tánh khiêm nhường đúng nghĩa công nhận những điểm mạnh, những tài năng thiên phú Chúa ban cho, nhưng cũng không phủ nhận những giới hạn, yếu điểm của mình. Sự khiêm nhường thật sự không tập trung hẳn về phía khuyết điểm mà cũng không tập trung duy vào ưu điểm mà thôi.

               Ngược với sự khiêm nhường là tánh tự cao, tự đại, cho rằng mình giỏi hơn ai hết, rằng mình có thể tự đứng vững trên đôi chân, chẳng cần ai hết và cũng chẳng cần Thượng Đế giúp đỡ. Tánh tự cao thường là một biểu hiện vô ý thức của tình trạng tự đáng giá bản thân mình thật thấp. Khi một người huênh hoang khoe rằng “tôi biết hết” hay “tôi làm giỏi nhất, không ai bằng tôi cả”, thực ra người ấy đang thuyết phục những người chung quanh và chính bản thân mình rằng người ấy có thể làm được việc. Nếu người ấy biết chắc mình có khả năng, thì đã không phải ra công tốn sức, phí thời giờ để biện minh, để giải thích, để thuyết phục những người chung quanh và chính mình nữa.

               Một người tự đáng giá tích cực về chính bản thân mình hay có một “positive self-esteem” thường không mắc phải vào tính tự cao tự đại cũng như tránh được tính tự ti mặc cảm. Một người đánh giá lành mạnh và đúng đắn về chính bản thân mình cũng sẽ là người khiêm nhường thực sự, là người “biết người biết ta”, sẽ gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống, tận hưởng những mối quan hệ tốt đẹp với người thân, với láng giềng, bạn đồng sự vv.

               Thế nhưng điều gì ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn về chính bản thân bạn? Làm sao có thể xây dựng được một cái nhìn tích cực về bản thân? Nếu một người đã quen tự ti mặc cảm hay đã quen với tính tự cao, tự đại, có cách nào để điều chỉnh lại về cái nhìn về chính mình?

               Xin kính mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi những điều này quan trọng này trong tuần tới.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Trân - Tham khảo từ tài liệu của Dr Bruce Narramore
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn