18:22 EDT Thứ hai, 06/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 21


Hôm nayHôm nay : 10119

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 58496

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23067529

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Lan Truyền

Lan Truyền

“Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác; Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình” (Châm Ngôn 3:33).

Xem tiếp...

Chức Năng Của Da

Thứ tư - 08/07/2015 22:20
Chức Năng Của Da

Chức Năng Của Da

Trung bình một người trưởng thành có diện tích lớp da bao bọc cả cơ thể từ 1,5 đến 2 m2, dày từ 2 đến 3 mm, cân nặng 4 kg rưỡi (9 pounds), chứa đựng nhiều mạch máu, nếu nối chúng lại sẽ dài đến 11 dặm. N
 

                Trung bình một người trưởng thành có diện tích lớp da bao bọc cả cơ thể từ 1,5 đến 2 m2, dày từ 2 đến 3 mm, cân nặng 4 kg rưỡi (9 pounds), chứa đựng nhiều mạch máu, nếu nối chúng lại sẽ dài đến 11 dặm. Như vậy da được coi là bộ phận lớn nhất và cũng là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người. Giả như một người mà không được làn da bao bọc thì trông đáng sợ làm sao! Vì da kết chặt các bộ phận trong cơ thể con người chúng ta lại với nhau, đồng thời da cũng bảo vệ chúng ta khỏi những vi trùng và vi khuẩn nguy hiểm. Khi gặp nhiệt độ nóng da toát ra nhiều mồ hôi để giúp thân nhiệt chúng ta được điều hòa. Chúng ta thường xuyên nên tắm rửa để giúp cho làn da được sạch sẽ và tươi mát bởi vì mỗi phút cơ thể chúng ta thải ra 50,000 tế bào da đã chết. Nếu tính số lượng tế bào da đã chết của con người cả thế giới đưa vào bầu khí không khí thì lên đến một tỉ tấn.

                Da của chúng ta là một sự sáng tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời, với những chức năng cơ bản nhất là giúp chúng ta cảm nhận được thế giới chúng quanh mình. Có năm chức năng tiếp nhận khác nhau của da, giúp ta phản ứng trước những cơn đau hay đụng chạm, tiếp xúc với người khác. Đấng Tạo Hóa phú cho người mù xúc giác và thính giác bắn nhạy. Nhờ vậy người mù nhận biết hay 'nhìn thấy' thế giới xung quanh mình qua sự rờ, chạm và âm thanh.

                Một cựu nhân viên cứu hỏa, thuật lại kinh nghiệm của ông sau những lần tiếp xúc với những nạn nhân của cơn hỏa hoạn. Nhà cửa của họ tiêu tan, tài sản mất hết, họ cảm thấy hoang mang lo sợ, không điều gì có thể giúp cho họ vơi bớt niềm đau ấy. Nhưng nếu những nạn nhân nầy được có người ngồi bên cạnh với lời nói cảm thông nhẹ nhàng, một cái vỗ vai trìu mến, hay cái bắt tay nhân hậu sẽ giúp người đó sớm vượt qua cơn khủng hoảng ấy.

                Năng lực tiếp xúc có thể mang đến sự đổi mới cho cuộc đời chúng ta. Đó chính là những gì Chúa Cứu Thế Jesus đã làm. Chúa Jesus là Đấng Tạo Hóa, là Ông Trời mà người Việt chúng ta rất tôn kính và tin tưởng. Khi nhìn thấy con người phải đối diện với những khổ đau, bệnh tật, chết chóc… Ngài không ngồi trên trời để nói lời yêu thương mà đích thân đến trần gian để tiếp xúc với con người và giải cứu con người.

                Một môn đệ thân tín của Chúa, đã sống kề cận với Chúa trong 3 năm rưỡi đã thuật lại rằng: "Chúa Cứu Thế đã có từ ban đầu, từ trước khi sáng tạo vũ trụ, thế mà chính mắt tôi đã được hân hạnh thấy Chúa, chính tai tôi đã nghe Chúa dạy và tay tôi đã rờ Chúa. Chúa là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Sự Sống đã đến trần gian và chúng tôi xin xác quyết chúng tôi đã thấy Sự Sống ấy: tôi nói về Chúa Cứu Thế, Nguồn Sống vĩnh cửu! Ngài ở với Chúa Cha và đã xuống đời, sống với chúng tôi. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, tôi đang kể cho anh em những điều mắt thấy tai nghe tường tận, để anh em có thể cùng chúng tôi vui hưởng mối giao hảo với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Cứu Thế. Chúng tôi viết cho anh em những điều ấy để niềm vui chung của chúng ta được hoàn toàn." (1 Giăng 1:1-4).

                Khi còn ở tại thế gian, Chúa Jesus đã nhiều lần rờ, đụng đến con người: "Ngài rờ đến bà gia của Phi-e-rơ, cơn sốt liền dứt, bà đứng dậy phục vụ Ngài" (Ma-thi-ơ 8:15) Chúa rờ mắt hai người mù, bảo: “Theo đức tin các con, mắt các con phải được lành!” Lập tức mắt hai người thấy rõ (Ma-thi-ơ 9:29) Khi Chúa Jesus đến thành Na-in, một đoàn dân đông theo Ngài, gần đến cổng thành, Chúa gặp đám tang một thiếu niên, con trai duy nhất của một quả phụ. Thấy bà mẹ kêu khóc, Chúa động lòng thương xót, liền bảo: “Đừng khóc nữa!” Ngài tiến tới đặt tay trên quan tài, các người khiêng liền dừng lại. Chúa gọi: “Con ơi, Ta bảo con ngồi dậy!” Thiếu niên liền ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Chúa giao cậu lại cho mẹ cậu. (Lu-ca 7:14)

                Thật ra Chúa Cứu Thế Jesus không cần phải rờ để chữa lành bệnh, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa Toàn năng, Ngài chỉ cần phán một lời là bệnh tật được lành, ngay cả người chết trong mồ 4 ngày, đã có mùi hôi, mà khi Chúa gọi người chết sống lại và bước ra khỏi mộ. (Ngôi mộ của người chết là một cái hang, được đục trong núi, có tảng đá chận. Thi thể người chết không ở trong quan tài mà chỉ được đặt nằm trên sàn đá). (Giăng 11:38-44)

                Nhưng vì sao Chúa lại rờ đến những bệnh nhân ấy! Đặc biệt là một bệnh nhân với chứng bịnh truyền nhiễm là bệnh cùi. Bệnh cùi là một chứng bịnh nguy hiểm, người bệnh không được tiếp xúc với ai! Nhất là thời kỳ Chúa Jesus, cách đây 2000 năm. Vi trùng cùi (Hansen) tấn công hệ thống thần kinh khiến cho người không cảm thấy đau đớn. Dầu chân đá vào đá, giẫm vào gai nhọn, nhưng người bịnh không cảm thấy đau đớn chi. Người cùi có thể nhặt củ khoai lang đang nướng trong than lửa đỏ mà không không cảm nhận rằng mình đã bị phỏng. Theo luật Do Thái thời đó, một người bị bệnh cùi mỗi khi gặp người khác phải kêu lên “Ô uế! Ô uế!" để người khác tránh xa. Người cùi cũng bi ngăn cấm không được vào đền thờ hay tiếp xúc với thân nhân bạn hữu, phải sống ở ngoại thành, nhờ vào thực phẩm, nước uống của người trong thành mang ra.

                Nhưng đối với Chúa, Ngài không quan tâm đến sự ô uế hay truyền nhiễm của chứng bịnh quái ác nầy. Ngài quan tâm đến người mang chứng bịnh ấy. Thánh sử ký thuật lại rằng: "Một người cùi đến quỳ trước mặt Chúa, cầu xin: “Nếu Chúa vui lòng, Chúa có thể chữa cho con lành bệnh.” Chúa động lòng thương xót, đưa tay sờ người cùi và bảo: “Ta sẵn lòng, lành bệnh đi!” Lập tức bệnh cùi biến mất, người bệnh được chữa lành. Chúa bảo anh ấy đi ngay, và nghiêm nghị căn dặn: “Con đừng cho ai biết nhưng cứ đến ngay thầy tế lễ xin khám bệnh, và dâng lễ vật như luật pháp Môi-se đã ấn định, để chứng tỏ cho mọi người biết con được lành.” Nhưng anh ấy đi đến đâu cũng khoe mình được Chúa chữa lành. Người ta đến vây quanh Chúa, đến nỗi Ngài không thể công khai vào thành phố, phải ở lại nơi vắng vẻ. Nhân dân khắp nơi kéo đến với Ngài." (Mác 1:40-45)

                Tôi nghĩ là người cùi nầy vô cùng sung sướng, vì chẳng những bệnh cùi thể xác của anh được Chúa chữa lành mà lòng của anh cũng ấm lại vì anh nhận được tình yêu và sự cảm thông của Chúa. Ngài là Đấng toàn năng cao cả, nhưng lại đoái thương đến con người hèn hạ như anh. Hay nói cách khác điều anh mà cần hơn cả sự chữa lành, là sự chạm đến.

                Có một bác sĩ thuật lại rằng: Một ngày kia có một người đến thăm một bà đang được nằm điều trị trong bệnh viện. Khi người nầy đến cửa phòng của bệnh nhân thấy tấm bảng có hàng chữ “Xin vui lòng gặp y tá trước khi bước vào phòng” Người nầy liền đến gặp các y tá. Các y tá không rõ bệnh nhân đó mắc chứng bịnh gì nhưng họ tin rằng bà ta mang một chứng bệnh truyền nhiễm, nên người thăm không được đụng vào người bà, nếu muốn vào thăm, trước khi vào phải rửa tay, phải mặc bộ đồ bảo vệ và phải mang bao tay. Sau một thời gian ngồi cạnh giường trò chuyện thăm hỏi, người khách nầy nhận thấy có điều gì là lạ nơi đôi mắt của bệnh nhân. Ông ta hỏi: “Thưa bà! Dường như bà có điều gì muốn nói, xin bà đừng ngại.” Bệnh nhân lên tiếng: “Thưa ông tôi muốn có người bắt tay tôi, mà không phải mang bao tay.”

                Thưa quý vị, Chúa Cứu Thế Jesus đã đến trần gian chẳng những chữa bệnh cho thế nhân qua lời phán, Ngài còn chạm đến loài người chúng ta, những ai đến với Ngài. Và ngay giờ nầy nếu quý vị đến với Chúa, Ngài sẽ ôm chầm quý vị vào lòng. Đức Chúa Trời phán cùng dân Ngài rằng: "Ta sẽ làm Chân Thần của các ngươi suốt đời, cả đến khi các ngươi tóc bạc răng long. Ta đã sinh thành các ngươi, thì Ta cũng sẽ săn sóc, bồng ẵm và giải cứu các ngươi." (Ê-sai 46:3-4)

                Chúa Cứu Thế Jesus cũng phán rằng: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Đức Chúa Trời đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu. Đức Chúa Trời sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người." (Giăng 3:16-17)

                Rờ đến con người là một trong những phương cách cơ bản nhất của Chúa Cưu Thế Jesus, Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, để nói cho con người chúng ta rằng Ngài yêu chúng ta. Ngài chăm sóc, thương xót, cảm thông nỗi đớn đau, khổ nạn của con người chúng ta phải sống trong thế giới bất an nầy, rồi phải chết trong tuyệt vọng, Ngài đã đến để giải cứu loài người ra khỏi tội và án phạt của tội lỗi.

                Có một người tên Doug Nichols kể lại rằng vào năm 1967, ông ta đến Ấn Độ để rao giảng Tin Lành, loan truyền ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Jesus cho dân tộc nầy. Nhưng khi đến nơi ông không thể tiếp tục theo đoàn truyền giáo vì bị bệnh thình lình. Ông phải vào bệnh xá để được điều trị bệnh lao và nằm tại đây suốt mấy tháng. Ông không thể nói được ngôn ngữ của người bản xứ nên không biết làm gì hơn là tặng cho bác sĩ, y tá, các bệnh nhân khác những cuốn sách nhỏ nói về ơn cứu rỗi của Chúa Jesus bằng tiếng xứ họ, nhưng tại nơi đó không ai chịu nhận. Những đêm đầu tiên nằm tại đây ông ho rất nhiều, ho đến 2 giờ sáng. Ông thuật lại rằng: Vào một đêm khuya kia, đang lúc tôi lên cơn ho, thì có một bệnh nhân nằm bên kia hành lang cố đứng lên khỏi giường nhưng vì sức yếu, ông cụ té lại trên giường. Tôi không biết là ông ta muốn cần gì, ông cụ cố làm nhiều lần nhưng không được. Sau cùng ông kiệt sức. Rồi tôi nghe ông cụ thút thít khóc. Sáng hôm sau khi thức dậy tôi mới biết là khuya nầy ông ta muốn đi cầu tiêu, nhưng vì yếu sức quá ông không thể đi được mà phóng uế ngay trên giường của mình. Mùi hôi thúi nồng nặc bốc lên khắp cả phòng khiến các bệnh nhân cất tiếng chửi, các y tá nổi nóng kéo ông cụ qua một bên thật mạnh bạo để họ dọn giường. Một y tá không kèm được cơn giận đã đánh ông cụ. Ông cụ co người lại rồi cất tiếng khóc. Khuya kế đó, lúc cơn ho nổi lên, tôi thấy ông cụ cố đứng lên, té xuống như trước. Dầu không thích mùi hôi, dầu không muốn nhúng tay vào việc nầy nhưng tôi phải ra khỏi giường để giúp ông cụ. Khi hai tay tôi đặt lên vai cụ, cụ nhìn tôi với đôi mắt đầy sợ hãi. Tôi mỉm cười nhìn cụ rồi bồng cụ trên tay. Đưa cụ vào phòng vệ sinh, chờ cụ đi cầu xong tôi bồng cụ trở lại giường. Cụ ôm chầm tôi, đặt nụ hôn trên má tôi, thì thầm nói nhưng tôi không hiểu ông nói gì. Sáng hôm sau, một bệnh nhân khác đánh thức tôi mang cho tôi một tách trà nóng. Anh ta cũng xin tôi cuốn sách mà trước đó anh khước từ. Khi ánh nắng mặt trời lên thì bệnh nhân khắp phòng đều xin tôi những cuốn sách nhỏ ấy. Suốt ngày hôm đó các y tá và bác sĩ cũng mong cho mình được xem sách ấy nói gì.

                Thưa quý vị điều gì đã đổi thái độ của các bệnh nhân và các nhân viên trong bệnh xá. Vì sao trước đó họ không muốn biết sứ điệp của Chúa Cứu Thế Jesus mà sau đó lại muốn biết? Câu trả lời là nhà truyền giáo nầy đã dụng đến nơi sâu kín của lòng họ.

                Chúa yêu quý vị, Ngài muốn chạm đến quý vị, Ngài muốn ôm chầm quý vị, để ban ơn cứu rỗi cho quý vị, để quý vị có được mối tương giao thật ngọt ngào với Ngài. Rất mong ngay giờ nầy quý vị đến với Chúa, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa với cả lòng tri ơn, trìu mến.

                Kính chào quý vị và các bạn.
 

Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn