05:13 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 8372

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 32429

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23041462

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

“Con Ông Con Bà”

“Con Ông Con Bà”

“Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).

Xem tiếp...

Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 2)

Thứ ba - 30/06/2015 21:40
Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 2)

Bạn Nghĩ Gì Về Chính Mình? (Bài 2)

Khi chúng ta đánh giá về chính bản thân mình đúng đắn và lành mạnh, hay có một “healthy self-esteem”, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, yêu đời, tự tin, không bị lo sợ vẩn vơ, thành đạt trong học vấn, thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong hôn nhân và ít gặp rắc rối trong những mối quan hệ với người khác.



              Kính thưa quý độc giả,

              Quý độc giả nghĩ gì về chính bản thân mình?

              Khi chúng ta đánh giá về chính bản thân mình đúng đắn và lành mạnh, hay có một “healthy self-esteem”, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, yêu đời, tự tin, không bị lo sợ vẩn vơ, thành đạt trong học vấn, thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong hôn nhân và ít gặp rắc rối trong những mối quan hệ với người khác. Những người đánh giá đúng đắn về bản thân mình thường cũng có đức tính khiêm nhường đúng nghĩa.

              Ngược lại, một người tự đánh giá mình thấp kém, hay có một “low self-esteem” thường cảm thấy nhút nhát, lo sợ, bất an. Những người không hài lòng về chính bản thân mình thường tỏ ra rất khó khăn với người khác, như thường so đo, xét nét, chỉ trích, tranh cạnh, ganh ghét và thường gặp rất nhiều rắc rối trong đời sống tình cảm, trong hôn nhân và mối quan hệ với những người xung quanh. Khi tự đánh giá mình quá thấp, một người có khuynh hướng trở nên tự ti mặc cảm, ưa thẹn thùng mắc cỡ, hay đôi khi mang tính tự cao tự đại một cách vô ý thức, vì thái độ tự tôn nhiều khi là một cách thức để trấn an, để tự thuyết phục lại chính bản thân là mình không đến nỗi tệ như mình đã nghĩ.

              Cảm thấy bản thân mình thấp kém, trở nên tự ti mặc cảm, khiến một người dễ bị rơi vào nhiều cạm bẫy ngon ngọt, như chạy đua theo lối sống hào nhoáng bên ngoài để mong nâng lên giá trị của mình trước mặt người khác. Cảm thấy mình thấp kém là một vấn nạn lớn của xã hội ngày nay và nguồn gốc của nhiều rắc rối trong đời sống tình cảm của rất nhiều người.

              Câu hỏi quan trọng trước vấn đề này là điều gì giúp chúng ta đánh giá bản thân một cách lành mạnh và đúng đắn?

              Quý thính giả thân mến,

              Có bốn yếu tố chính để giúp một người đánh giá lành mạnh và đúng đắn về chính bản thân mình.

              Yếu tố thứ nhất là khả năng nhận biết những ưu điểm và giá trị của chính mình. Khi bạn nhận biết mình có giá trị gì thì bạn đang nhận biết con người thật bên trong mình là ai, bạn đang biết mình có thể đóng góp gì cho xã hội và đang biết mình có thể làm gì để giúp đỡ những người chung quanh bạn. Nếu bạn không nhận biết mình có những khả năng hay có giá trị nào, bạn dễ rơi vào mặc cảm tự ti vô dụng.

              Yếu tố thứ nhì là cảm nhận mình được thương mến. Có lẽ đây là yếu tố trọng tâm trong bốn yếu tố để có một “healthy self-esteem” hay một thái độ lành mạnh về bản thân. Để cảm thấy hạnh phúc và giảm thiểu những rắc rối trong cuộc sống, bạn cần cảm nhận mình được người khác yêu mến, chấp nhận, cảm thấy mình thuộc về hay gắn bó vào một nơi chốn hay một tập thể nào đó. Khi được yêu, bạn có nguồn nương tựa để trở nên can đảm trong các những mối giao tiếp hàng ngày. Một người không cảm thấy được thương mến dễ thấy mình lẻ loi, bị cô lập và trầm cảm.

              Yếu tố thứ ba là mức độ tin cậy vào chính bản thân mình hay “confidence”. Có tin tưởng vào khả năng của chính bản thân mới giúp bạn dám bước ra, đối diện với những công việc hay những thách đố mới. Ngược với thái độ tin tưởng vào bản thân là tinh thần khiếp sợ, cảm thấy mình “vô tài bất tướng”, khiến chúng ta lo âu, căng thẳng và bất an.

              Yếu tố thứ tư là cảm giác an ninh. Trong khi thái độ tin tưởng vào khả năng của chính mình hay confidence có tính cách “đối nội”, tức là mình tự nói với chính mình “Tôi có khả năng làm được chuyện này”, thì cảm giác an ninh có tính cách “đối ngoại”, tức là mình nói với chính mình rằng “Có người vẫn còn đáng tin” hay là “Thế giới không hoàn toàn là bẫy sập, vẫn có nơi chốn còn an toàn”. Cảm giác an ninh phản ánh mức độ tin tưởng của chúng ta vào những người chúng ta giao tiếp hay thế giới chung quanh mà chúng ta phải tiếp xúc. Dĩ nhiên không phải mọi người đều đáng tin cậy như nhau cũng như thế giới này, không phải mọi nơi đều hoàn hảo, nhưng qua những kinh nghiệm tích cực trong quá khứ, chúng ta có thể nói với bản thân rằng mình vẫn có những người bạn tốt và thế giới này vẫn có những nơi chốn yên lành. Những ai không có cảm giác an ninh, thường phập phồng lo sợ, không biết khi nào tai họa, vận xui sẽ đổ chụp xuống cuộc đời mình.

              Kính thưa quý độc giả,

              Thái độ lành mạnh trong việc tự đánh giá bản thân không phải tự nhiên mà có. Một đứa bé mới chào đời, không tự nhiên mở mắt, mỉm cười rồi mở miệng nói: “Chào tất cả mọi người. Tôi vừa chào đời. Tôi yêu thích bản thân tôi cũng như yêu mến tất cả quý vị nơi đây. Bây giờ tôi sẽ bắt đầu cuộc đời của tôi với quý vị nhé!”.

              Trong thực tế, một đứa trẻ vừa mới sinh ra hoàn toàn không biết mình là một cá nhân riêng rẽ. Đứa bé cũng không nhận biết mẹ của nó cũng là một cá nhân riêng rẽ khác. Nó hoàn toàn không có khái niệm về chính mình hay người chung quanh. Một đứa bé vừa mới sinh ra chỉ vừa bắt đầu một cuộc hành trình để định hình thái độ của mình đối với bản thân. Diễn tiến của cuộc hành trình cùng những nâng đỡ mà đứa trẻ nhận được trong cuộc hành trình, sẽ quyết định phần chính yếu trong thái độ tự đánh giá về bản thân mình khi nó trưởng thành. Khi được cha mẹ bồng ẵm, chăm sóc, thương yêu, nâng đỡ, đứa trẻ sẽ lớn lên với lòng tự tin và thái độ tốt về chính bản thân mình. Khi không được quan tâm đầy đủ, đứa trẻ có thể lớn lên với thái độ tự ti, mặc cảm và đánh giá thấp về chính mình.

              Cách đây nhiều năm, lúc đó con trai của tôi chỉ mới 8 tuổi, thì một ngày kia, mẹ con chúng tôi dắt nhau đi mua bánh pizza về nhà để ăn tối. Sau khi đặt mua bánh và đã trả tiền xong, trong thời gian chờ nướng bánh, chúng tôi đi dạo các cửa hàng chung quanh. Mười lăm phút sau, chúng tôi trở lại tiệm lấy bánh rồi bước ra xe. Đứa con trai tôi hí hửng chạy trước, mở cánh cửa xe phía sau, chui vào rồi xòe hai tay ra, nói với tôi: “Để con cầm bánh cho mẹ”.

              Trước khi đặt hộp bánh vào tay nó, tôi hỏi: “Con có chắc là con giữ được hộp bánh không?”

              “Chắc mà, mẹ đừng lo”, nó nói với khuôn mặt tràn đầy tự tin.

              Quý vị biết không, khi tôi đặt hộp bánh vào tay nó, vì một lý do nào đó, nó không giữ chiếc hộp thăng bằng, khiến phần lớn miếng bánh đã rơi tuột xuống sàn xe của tôi. Cơn tức giận lúc đó đã khiến tôi muốn la lớn rằng: “Sao con vụng về quá vậy? Mẹ đã hỏi con trước rồi mà? Sao con không cẩn thận gì hết vậy?” Nhưng lúc đó tôi cũng vừa kịp kiềm lại, vì chợt nhớ rằng, những lời lẽ nặng nề của mình sẽ tổn thương đến lòng tự trọng, hay giá trị bản thân của nó. Thay vì la con nặng nề, tôi nhìn nó rồi nói: “Như vậy là tối nay mẹ con mình ăn bánh pizza lộn ngược rồi!”. Hai mẹ con phì cười rồi cả hai bắt đầu thu dọn. Khi về tới nhà, đứa con trai đã giúp tôi chà rửa sàn xe để nó không tiếp tục bốc mùi pizza trong xe. Xong đâu đó, hai mẹ con vào nhà ăn phần pizza còn lại trong hộp.

              Tối hôm đó, khi đặt con vào giường ngủ, nó hỏi tôi: “Mẹ ơi, như người mẹ khác sẽ nói ra sao?”

              Tôi hỏi nó lại: “Con nói gì mẹ không hiểu?”

              “Cái bánh pizza hồi chiều đó mẹ. Khi cái bánh pizza bị rớt, một người mẹ khác sẽ nói gì với con?”

              “Mẹ không biết. Còn con nghĩ sao”

              “Chắc là bị la dữ lắm, phải không hả mẹ?”

              Quý thính giả thân mến,

              Cái sự cố làm rớt bánh pizza, thay vì trở nên một “tai nạn” làm tổn thương lòng tự trọng của con, đã biến thành một “cơ hội” để củng cố giá trị bản thân cho nó. Các bậc cha mẹ là những người có ảnh hưởng quan trọng trên lòng tự trọng của con cái. Do vậy, chúng ta nên tránh giận dữ quá đáng để khỏi vội chụp cho con mình những cái mũ nặng nề như “đồ ngu”, “đồ đần”, “đồ làm biếng”, “đồ vô tích sự”, “đồ vụng về”. Những cái mũ nặng nề này sẽ cứ phủ chụp, đè nặng trên trí nhớ, phá hoại lòng tự tin, khiến nó trở tự ti và nhút nhát trong đời. Hơn thế nữa, thái độ sợ hãi cũng sẽ cản trở lòng tin của nó tìm kiếm và đến gần với Thượng Đế, vì con trẻ thường hình dung và so sánh hình ảnh của Đấng Tối Cao với thái độ và cách đối xử của cha mẹ mình. Lời Kinh Thánh có căn dặn: “Hỡi những bậc làm cha mẹ, đừng đối xử với con cái mình khó khăn đến độ khiến chúng buồn giận, nhưng hãy trưởng dưỡng chúng trong khuôn phép và lời răn dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4)

              Bên cạnh cha mẹ và người thân trong gia đình, thầy cô, bè bạn nơi trường lớp cũng ảnh hưởng trên tầm nhìn của đứa trẻ về chính bản thân nó. Truyền hình, báo chí, điện ảnh thường trình bày những con người thành công có nét xinh đẹp, quyến rũ, thông minh, cường tráng, đầy cá tính. Những hình ảnh này, cộng với lòng hoài bão đến từ cha mẹ, thầy cô, hòa lẫn với nhau một cách ý thức cũng như vô thức, thấm nhuần trong suy nghĩ của đứa bé, cộng với khả năng thiên phú và bản năng tự nhiên, sẽ hình thành trong tâm trí nó một mẫu người lý tưởng mà nó muốn đeo đuổi.

              Dựa theo tiêu chuẩn của mẫu người lý tưởng này mà một đứa bé khi lớn lên sẽ nỗ lực và tự đánh giá về chính bản thân mình. Khi chúng ta đạt được gần tới “mẫu người lý tưởng” của mình, chúng ta yêu thích và đánh giá tốt về bản thân mình. Khi chúng ta không với tới được “mẫu người lý tưởng”, chúng ta thất vọng và dễ bị tự ti. Nét chính yếu của mẫu người lý tưởng trong mỗi cá nhân hình thành trong khoảng mười năm đầu tiên của cuộc đời và có thể trở nên cố định nếu chúng ta không tích cực để cố tình để thay đổi.

              Mặc dầu nét chính yếu của mẫu người lý tưởng trong mỗi cá nhân hình thành trong khi tuổi còn thơ, nhưng hình ảnh này vẫn tiếp tục thay đổi trong suốt quãng đời còn lại, phụ thuộc vào nhân sinh quan, sức khỏe, mức độ thành công trong cuộc sống, mối liên hệ với người khác. Khi chúng ta thành đạt, lại được người khác khích lệ và khen ngợi, thái độ tự đánh giá bản thân ngày càng thăng tiến. Ngược lại, khi chúng ta đã nỗ lực không ngừng nhưng vẫn bị chê bai, từ chối thì lòng tự tin càng ngày càng hao mòn.

              Quý độc giả thân mến,

              Có thể những thất bại trong quá khứ, những đỗ vỡ trong hôn nhân, những vấp ngã trong tình cảm đang là những vết thương lòng khiến chúng ta không còn tự tin hay đang nghĩ thật thấp về chính bản thân mình.

              Có thể chúng ta đang lên cân, tóc bắt đầu rụng nhiều khiến quý vị mặc cảm về cái nhìn hay vóc dáng của chính mình.

              Có thể cuộc đời chúng ta lúc nào cũng bị một cái bóng khác che khuất, với một người bên cạnh luôn luôn tỏ ra thông minh hơn, thành công hơn, quyến rũ hơn, năng động hơn khiến lòng tự trọng của bạn và tôi càng ngày càng chao đảo.

              Thi sĩ Đa-vít, sống cách nay khoảng 3000 năm, trước khi trở thành vị vua thứ nhì của dân Do-thái, đã phải trải qua nhiều chuỗi ngày cơ cực, phải lẫn trốn vì bị săn đuổi ráo riết. Bất chấp cho hoàn cảnh như thế nào, những người chung quanh nghĩ ra sao về ông và đôi khi chính Đa-vít cũng cảm thấy nao sờn, ông tìm thấy được năng lực, lòng tự tin và sự nâng đỡ vô tận qua cái nhìn tràn đầy thương mến và vững bền của Đấng Tạo Hóa trước mỗi một cá nhân là tạo vật yêu quý của Ngài, như chính Đa-vít diễn tả:

              Lạy CHÚA, Ngài đã xem xét và biết tôi.
              Ngài biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy;
              Từ xa Ngài đã nhận thấy tư tưởng tôi.
              Ngài thấy rõ con đường tôi đi, lúc tôi nằm nghỉ;
              Mọi đường lối tôi Ngài đều quen thuộc.
              Vì trước khi lưỡi tôi nói ra một tiếng,
              Kìa, CHÚA đã biết tất cả rồi.
              Ngài bao phủ tôi phía trước lẫn phía sau,
              Ngài đặt tay bảo vệ tôi.
              Sự hiểu biết của Ngài thật quá diệu kỳ cho tôi;
              Cao quá để tôi đạt đến được.
              Vì chính Chúa tạo nên tạng phủ tôi;
              Ngài dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.
              Tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã được tạo nên một cách đáng sợ và diệu kỳ;
              Các công việc của Chúa thật diệu kỳ, linh hồn tôi biết rõ lắm. (Thi Thiên 139:1-6, 13-14)

              Còn sứ đồ Giăng, một người sống gần gũi với Chúa Giê-xu, đã bày tỏ sự kinh ngạc của mình về tình yêu lớn lao của Đấng Tạo Hóa đối với mỗi con người, qua sự hy sinh chết thế của Con Trời trên cây thập tự, như ông có ghi: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu. Thượng Đế sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người.” (Giăng 3:16,17)

              Thật vậy, cũng giống như thi sĩ Đa-vít và sứ đồ Giăng, biết rõ Đấng Tạo Hóa nghĩ gì về chính bản thân quý vị; biết rõ Ngài đã và đang làm điều gì cho bạn sẽ giúp chúng ta nhận ra lại giá trị cao quý của chính mình, cho dầu bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, người khác nghĩ về bạn ra sao hay chính chúng ta đang nghĩ gì về chính bản thân mình.

              Kính mời quý vị cùng khám phá thêm về điều kỳ diệu này với chúng tôi trong tuần tới.

              Thân chào quý vị và các bạn.


Tùng Trân - Tham khảo từ tài liệu của Dr Bruce Narramore
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn