15:19 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 75

Máy chủ tìm kiếm : 34

Khách viếng thăm : 41


Hôm nayHôm nay : 10018

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 25260

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23034293

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Cách Nói Lời Xin Lỗi

Thứ hai - 18/04/2016 21:25
Cách Nói Lời Xin Lỗi

Cách Nói Lời Xin Lỗi

Kính thưa quý độc giả, Trong tiết mục Đời Sống Phước Hạnh tuần qua, chúng ta đã bàn về sự cần thiết và những lợi ích quan trọng của lời xin lỗi. Lời xin lỗi đầy khiêm nhường sẽ khôi phục lại mối quan hệ.



               Kính thưa quý độc giả,

               Trong tiết mục Đời Sống Phước Hạnh tuần qua, chúng ta đã bàn về sự cần thiết và những lợi ích quan trọng của lời xin lỗi. Lời xin lỗi đầy khiêm nhường sẽ khôi phục lại mối quan hệ. Lời nói xin lỗi chân thành sẽ giúp cho người phạm lỗi và cả người bị tổn thương có thể xóa đi những lỗi lầm trong quá khứ, trút đi những gánh nặng của dĩ vãng và cùng nhau bước vào một tương lai tốt đẹp hơn.

               Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những giá trị quan trọng mà duy chỉ có lời xin lỗi mới có được, cũng như khám phá những cách thức xin lỗi phù hợp với mỗi hoàn cảnh và cá nhân.

               Quý độc giả thân mến,

               Giá mà chúng ta đang sống trong một thế giới tuyệt hảo, thì chắc chúng ta không cần phải học cách nói lời xin lỗi. Nhưng tiếc thay, thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới có nhiều nan đề và thử thách. Chúng ta chắc không thể sống còn trong thế giới này nếu không biết cách học nói lời xin lỗi. Các nhà nhân chủng học, qua nhiều công trình nghiên cứu, đã kết luận rằng mọi người, mọi dân tộc đều có cảm quan về đạo đức; đó là biết phân biệt điều gì là đúng, điều gì là sai. Các nhà tâm lý học gọi đây là “lương tâm”, còn các nhà thần học thì gọi đây là “cảm quan về điều nên làm” hay một cách vắn tắt hơn là “dấu ấn thiên thượng”.

               Đúng như nhiều người suy nghĩ, những điều lương tâm cho phép làm hay lên án cấm đoán, thay đổi tùy theo văn hóa. Thí dụ như trong văn hóa người Eskimo, nếu một người bị lạc đường và cạn hết lương thực, người đó có thể đi vào lều của bất cứ một người không quen biết nào và tự nhiên ăn những thức ăn tìm được trong đó và hành động này là hoàn toàn hợp với lẽ phải. Nhưng trong văn hóa Tây phương, hành động tự tiện đi vào nhà một người lúc vắng mặt, bị xem là “xâm phạm” và đáng bị lên án. Mặc dầu những điều lương tâm cho phép có thay đổi theo văn hóa, nhưng mọi người đều có cảm quan để phân biệt những điều đúng sai. Một khi lẽ phải của một người bị xâm phạm, người đó sẽ bất bình và oán giận người đã gây nên hành động sai trái. Chính hành vi sai trật sẽ trở nên vật chướng ngại, làm ngăn cách, gãy đỗ mối quan hệ giữa người phạm lỗi và người bị tổn thương. Dầu có mong muốn đến đâu, cả hai không thể tiếp tục sống mà xem như hành động sai trật này chưa hề xảy ra. Khi một người bị xâm phạm hay bị tổn thương, theo lẽ tự nhiên, người đó mong muốn lẽ công bằng phải được thực hiện.

               Kính thưa quý độc giả,

               Thật ra xử lý theo luật công bằng, bù đắp lại thiệt hại, có làm cho người bị tổn thương thỏa mãn trong lòng phần nào, nhưng sự công bằng không sao khôi phục lại mối quan hệ đã bị đỗ vỡ. Nếu một người ăn cắp một một món đồ nào đó, bị bắt quả tang, bị đem ra tòa, bị tòa phạt, phải bồi hoàn lại cho người mất đồ hay bị phạm giam trong tù, chúng ta nói “lẽ công bằng đã được thực hiện”, nhưng mối liên hệ giữa người ăn cắp đồ và người bị mất đồ đã gẫy đổ sẽ vẫn còn gẫy đổ. Nhưng nếu người ăn cắp đồ, sớm hối hận về hành vi sai trái của mình, ngỏ lời xin lỗi và hoàn trả lại món đồ ăn cắp, thì mối quan hệ giữa hai người có cơ hội được phục hồi.

               Mỗi con người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng tha thứ rất to lớn và diệu kỳ. Khi một người quen biết phạm lỗi với chúng ta, mặc dù đang đau đớn, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta vẫn ao ước được phục hồi lại mối quan hệ với người đó, hơn là giải quyết vấn đề theo lối “trả đũa” hay “gỡ huề” cho thật sòng phẳng. Đặc biệt là khi mối quan hệ càng gần gũi, thân mật, thì ước muốn được tái lập hay phục hồi lại tình thân, tình bạn, tình yêu vượt trội lên hẳn ý chí muốn được giải quyết theo kiểu công bằng. Khi một ông chồng đối xử tệ bạc với vợ mình, người vợ sẽ đau khổ và bị giằng co bởi hai ước muốn: đó là thực thi lẽ công bằng hay khôi phục lại tình chồng vợ. Nếu người chồng ăn năn và chân thành xin lỗi vợ mình, hai người có thể phục hòa với nhau. Nhưng nếu người chồng vẫn dửng dưng và chẳng bao giờ nói lời xin lỗi; điều này sẽ đẩy người vợ vào con đường “thực thi lẽ công bình”, với kết quả hai người sẽ đem nhau ra tòa, phân chia tài sản theo luật định, rồi sau đó, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”.

               Chỉ vì thiếu lời nói xin lỗi mà bao gia đình đã tan nát, vợ chồng chia tay, cha mẹ trách cứ con cái, con cái oán hờn cha mẹ, anh em, bạn bè không còn gặp mặt nhau. Chỉ vì thiếu lời nói xin lỗi, mà hận thù ngày càng chồng chất, xô đẩy chúng ta đi theo con đường “thực thi lẽ công bằng”. Lẽ công bằng có thể được thực thi qua kiện tụng, qua pháp luật, nhưng nếu lẽ công bằng của pháp luật cũng chưa đủ thỏa mãn, thì người ta có thể “thực thi lẽ công bằng” qua những cách thức riêng tư như phá hoại, trả thù, hạ sát vv. Nhưng thảm cảnh ly dị, gia đình chia lìa, tình bạn xa cách có thể giảm thiểu hay tránh được, nếu người ta biết hạ mình để xin lỗi nhau một cách chân thành.

               Quý độc giả thân mến,

               Chúng ta thường được hướng dẫn nhiều về thiện chí tha thứ hơn là cách nói lời xin lỗi. Chúng ta thường chú trọng vào sự tha thứ mà đôi khi xem nhẹ lời nói xin lỗi. Thực ra, lòng tha thứ chân thật và sự hàn gắn một tình thân đã đổ vỡ là hai tiến trình chỉ có thể xảy ra khi có lời nói xin lỗi.

               Một người vợ khó lòng mà tha thứ cho ông chồng đang ngoại tình, nếu người chồng vẫn tiếp tục hành vi sai trái của mình mà không hề xin lỗi vợ mình. Thiên Chúa chỉ tha thứ mọi vi phạm của quý vị và tôi, chỉ khi nào chúng ta ăn năn những tội lỗi và thành tâm xin lỗi Ngài, như lời Kinh Thánh có chép “Nhưng nếu chúng ta thú tội với Chúa, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta, đúng theo bản tính công chính của Ngài” (1 Giăng 1:9). Ngược lại, nếu chúng ta vẫn khăng khăng chối tội và không hề xin lỗi Ngài, thì chúng ta vẫn không được Thiên Chúa tha thứ và cơn thạnh nộ của Đấng Tạo Hóa vẫn còn ở trên đời sống chúng ta, như lời Kinh Thánh khẳng định “Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Thượng Đế nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.” (1 Giăng 1:10).

               Thực ra, có người bị người khác làm tổn thương và cũng sẵn lòng tha thứ mà không cần nghe đối phương nói lời xin lỗi, nhưng thường sự tha thứ đơn phương như vậy chỉ đem lại lợi ích chữa lành cho người bị tổn thương, nhưng không phôi phục lại được mối liên hệ giữa người bị tổn thương và người đã gây tổn thương cho người khác. Chỉ khi nào người có lỗi thốt lên lời xin lỗi, thì mới dẫn đến sự tha thứ trọn vẹn và đem lại cơ hội khôi phục lại mối liên hệ. Nếu mối liên hệ trước kia là thân mật, sau khi xin lỗi, sẽ trở lại đậm đà như xưa. Nếu mối liên hệ chỉ là sơ giao, sau khi xin lỗi, sẽ trở nên gần gũi hơn xưa. Những mối tình thân thì phải luôn luôn đi kèm với thiện chí xin lỗi, lòng tha thứ và ý muốn được phục hòa. Những mối liên hệ sở dĩ trở nên lạnh nhạt và xa cách, chỉ vì chúng ta ngại ngùng, thiếu khiêm nhượng và chân thành để nói lời xin lỗi với nhau.

               Kính thưa quý độc giả,

               Bên cạnh sự khiêm nhường, lòng chân thành và thiện chí muốn nói lời xin lỗi, chúng ta cũng cần biết cách nào xin lỗi như thế nào. Trong tuần trước, chúng ta có nhắc với nhau rằng, khi ta lỡ phạm lỗi với một người, thì hãy xin lỗi người đó theo cách mà ta đã gây ra tổn hại cho người đó. Nếu chúng ta hạ nhục một người công khai, hãy xin lỗi người đó một cách công khai, với sự chứng kiến của nhiều người. Tiếp nữa là hãy sau khi nói lời xin lỗi, hãy kiên nhẫn chờ đợi vì mọi sự cần thời gian mới trở lại bình thường được.

               Trong tuần này, chúng ta sẽ khám phá cách nói lời xin lỗi theo ngôn ngữ nào để người bị tổn thương có thể cảm nhận và tha lỗi được. Theo như tiến sĩ tâm lý học Gary Chapman, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Năm Ngôn Ngữ Của Tình Yêu”, cho biết có 5 năm ngôn ngữ chính của lời nói xin lỗi:

               - Có người chấp nhận lời xin lỗi, khi chúng ta chỉ nói đơn giản rằng “Tôi thành thật xin lỗi”.

               - Có người mong đợi lời xin lỗi có đi kèm theo tinh thần trách nhiệm về những thiệt hại đã xảy ra, và người này mong người phạm lỗi nói rằng “Tôi đã sai trật và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.”

               - Có người chỉ chấp nhận lời xin lỗi khi người phạm lỗi tích cực thực thi một điều gì đó để bù đắp lại những thiệt hại, và người này muốn được nghe hỏi rằng “Tôi phải làm gì để bù đắp lại sự thiệt hại, để làm cho sự việc được tốt hơn?”.

               - Có người mong đợi người phạm lỗi ăn năn, hối hận và quay hướng 180 độ, và người này muốn được nghe lời khẳng định “Tôi hứa sẽ thay đổi và không bao giờ tái phạm nữa”.

               - Có người mong muốn người phạm lỗi bày tỏ lòng trân quý mối liên hệ, tìm kiếm sự tha thứ và đặt trọng tâm trong sự giải hòa; người này muốn được nghe rằng “Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm bạn bị tổn thương. Tôi coi trọng và quý mến bạn. Mong bạn tha thứ cho tôi”

               Quý độc giả thân mến,

               Khi một người phạm lỗi, chúng ta ao ước được nghe lời xin lỗi, để tha thứ, để phục hòa, hơn là mau chóng tìm cách trả đũa, gỡ huề. Đó là một đặc tính quý giá mà chúng ta thừa hưởng từ Thiên Chúa vì chúng ta được Ngài dựng nên với bản tính yêu thương giống như Ngài. Mà thật vậy, trong khi mỗi chúng ta không ngừng theo đuổi theo ý riêng và tham vọng, phạm biết bao nhiêu lỗi lầm với Đấng Tạo Hóa, thì Ngài vẫn kiên nhẫn và nhân từ, không vội thực thi những hình phạt tương xứng, như lời Kinh Thánh có ghi:

               “Chúa Hằng Hữu xót thương, nhân ái,
               Khoan nhẫn và mãi mãi yêu thương…
               Chúa không báo trả tương xứng tội ta phạm,
               Cũng chẳng gia hình thích đáng lỗi ta làm.” (Thi Thiên 103:8,10)

               Hơn ai hết, chính Thiên Chúa muốn tha thứ mọi vi phạm của chúng ta và khôi phục chúng ta trở lại với Ngài. Do vậy, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, sinh ra làm người, mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế đã đến thế gian này, không để đoán xét, nhưng tìm kiếm chúng ta trở về với Ngài và cứu chúng ta tránh khỏi những hệ quả đời đời của tội lỗi, như lời Kinh Thánh có chép “Thượng Đế sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người”(Giăng 3:17).

               Chúa Giê-xu đã vì tội lỗi của chúng ta mà chết đau thương trên cây thập tự, lãnh thế cho chúng ta bản nợ tội. Sau khi chết đi, bị chôn trong mồ, Chúa Giê-xu đã không chết luôn, nhưng Ngài đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang.

               Thiên Chúa đang sẵn sàng xóa bôi mọi vi phạm của quý vị và tôi. Ngài ao ước khôi phục chúng ta trở lại địa vị làm con yêu dấu của Ngài. Cả một thiên đàng phước hạnh muôn đời đang rộng mở. Cả một đời sống tràn đầy tình thương và hy vọng đang chờ đón quý vị và tôi.

               Tất cả những điều kỳ diệu này, sẽ là sự thật ngọt ngào, khi quý vị và tôi, khiêm cung và thành tâm, đến với Thiên Chúa và nói được lời xin lỗi với Ngài, như lời Kinh Thánh đã khẳng định “Người che giấu lỗi mình sẽ không được may mắn thịnh vượng, nhưng nếu thú nhận và từ bỏ tội, sẽ được Thượng Đế xót thương.” (Châm Ngôn 28:13)

               Xin kính chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri - Dựa theo “The Five Languages of Apology” by Dr. Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn