08:01 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 13


Hôm nayHôm nay : 4287

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270327

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999734

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Lời Xin Lỗi

Thứ ba - 12/04/2016 21:25
Lời Xin Lỗi

Lời Xin Lỗi

Kính thưa quý độc giả, Vào ngày 13 tháng hai năm 2008, đương kim thủ tướng Úc Đại Lợi, ông Kevin Rudd, đã thay mặt chính phủ và quốc hội, chính thức tuyên bố lời xin lỗi đến với người thổ dân Aboriginies và thế hệ thổ dân bị cách ly với gia đình



              Kính thưa quý độc giả,

              Vào ngày 13 tháng hai năm 2008, đương kim thủ tướng Úc Đại Lợi, ông Kevin Rudd, đã thay mặt chính phủ và quốc hội, chính thức tuyên bố lời xin lỗi đến với người thổ dân Aboriginies và thế hệ thổ dân bị cách ly với gia đình, hay người Úc thường gọi là “The Stolen Generation”. Lời xin lỗi của thủ tướng Kevin Rudd công khai nhìn nhận những sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm, đã gây bao đau khổ, mất mát và chia lìa trong nhiều gia đình thổ dân Úc.

              Vào khoảng giữa năm 1910 và 1970, có khoảng 100,000 trẻ em trong các gia đình thổ dân Aboriginies tại Úc đã bị cảnh sát hay các nhân viên đặc trách an sinh xã hội, cưỡng bức cách ly với gia đình của các em. Đa số các em này dưới 5 tuổi và thủ tục cưỡng bức cách ly rất tự tiện; hễ em nào là người thổ dân thì bị bắt đi, có vậy thôi. Các em này bị bắt đưa vào các ký túc xá, viện mồ côi, một số em vào làm con nuôi của các gia đình người Úc da trắng. Nhiều em bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng về tình dục. Các em không được đi học đầy đủ và thường bị bắt làm các việc nặng nhọc trong nhà hay tại các nông trại.

              Lý do chính của việc cách ly cưỡng bách này là các chính phủ tiểu bang và chính phủ liên bang Úc Đại Lợi vào thời đó, có ý định đồng hóa các em thổ dân trong một hay hai thế hệ, ghép các em vào khuôn khổ xã hội theo kiểu Âu châu của người Úc da trắng, nhằm xóa đi ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ cùng các truyền thống của người thổ dân Úc. Các em bị cách ly thật xa với gia đình; cha mẹ không được biết con mình bị đem đến đâu và không có cách chi tìm kiếm tung tích được. Thăm viếng, thư từ hoàn toàn bị cấm đoán và các em được hướng dẫn mình là những đứa trẻ mồ côi. Tình trạng cách ly này dẫn đến nhiều hậu quả đau buồn. Đa số các em này lớn lên mà không biết nguồn gốc gia đình, không có ý thức chủng tộc hay văn hóa, cảm thấy bất an, thiếu tự tin, mang nặng mặc cảm tự ti, chán đời, muốn tự tử, hay lâm vào cảnh nghiện ngập, hút sách hay bạo động.

              Quý độc giả thân mến,

              Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người thổ dân kéo về thủ đô Canberra, và sự hiện diện của nhiều vị thủ tướng tiền nhiệm, trong bài diễn văn dài 360 chữ, thủ tướng Kevin Rudd đã bắt đầu như sau:

              “Quốc gia Úc Đại Lợi đã đến lúc phải xử lý một công việc chưa được hoàn tất và đó là lý do quốc hội đã họp lại ngày hôm nay…để xóa đi một vết nhơ trong lịch sử của quốc gia này và trong tinh thần giảng hòa, để mở ra một trang sử mới cho đất nước to đẹp này…chúng tôi xin lỗi.”

              “Chúng tôi xin lỗi vì những luật lệ và chính sách của chính phủ và quốc hội qua những nhiệm kỳ liên tiếp, đã gây nên sự đau buồn to lớn, chịu đựng và mất mát đến những người bạn thổ dân Úc Đại Lợi.”

              “Chúng tôi xin lỗi vì đã cách ly các trẻ em thổ dân Aboriginal và thổ dân vùng đảo Torres Strait ra khỏi gia đình, cộng đồng và quê hương của các em”.

              Kính thưa quý độc giả,

              Có người cho rằng lẽ ra chính phủ Úc đã phải ngỏ lời xin lỗi đến cộng đồng người thổ dân từ lâu lắm, tuy vậy muộn màng vẫn còn hơn là không bao giờ xin lỗi. Có người cho rằng nói ra lời xin lỗi không cũng chưa đủ, nhưng họ đòi hỏi chính phủ phải có những chính sách và chương trình hành động cụ thể, nhằm đền bù, vớt vát phần nào những đau thương và mất mát của cộng đồng thổ dân trong quá khứ. Tuy vậy, đại đa số dân chúng Úc, nhất là những người Aboriginals, đã tỏ ra hài lòng và chấp nhận lời xin lỗi của thủ tướng Kevin Rudd.

              Quý độc giả thân mến,

              Thật ra, lời nói xin lỗi là một trong những lời nói đầy sức mạnh và vô cùng cần thiết trong mỗi đời sống cá nhân. Khi được nghe lời xin lỗi, người bị tổn thương có cơ hội được bình phục trong tâm hồn, không còn thấy người phạm lỗi là một mối đe dọa nữa. Khi được xin lỗi, người bị tổn thương sẽ được thêm sức mạnh và lý do để quên đi cơn giận dữ, thôi không còn bị ám ảnh bởi quá khứ nặng nề nữa và có cơ hội để bày tỏ lòng tha thứ tới người đã gây thiệt hại cho mình.

              Khi nói ra được lời xin lỗi, người phạm lỗi sẽ tránh được tình trạng bị ray rứt trong lương tâm, giảm bớt tính kiêu căng, có cơ hội phục hồi lại mối giao hảo với bạn bè hay người thân. Lời xin lỗi sản sinh ra tính khiêm nhường và giúp người phạm lỗi “nhớ đời” những sai lầm hầu tránh được sự tái phạm về sau.

              Nếu người phạm lỗi không nói được lời xin lỗi, người bị tổn thương sẽ mang mãi trong lòng sự cay đắng. Nỗi muộn phiền có thể nguôi ngoai theo thời gian, nhưng sẽ khó mà hoàn toàn tan biến được. Nếu không có lời xin lỗi, khoảng cách giữa hai người sẽ càng ngày càng xa cách. Nhưng chỉ vài lời xin lỗi một cách chân thành, có thể chữa lành vết thương lòng, tránh cho nó không ung mủ hay lở loét nặng nề thêm lên với tháng ngày. Kinh Thánh có dạy rằng “Hãy nhận lỗi với nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh” (Gia-cơ 5:16)

              Kính thưa quý độc giả,

              Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa Hằng Sống, có cảnh cáo những ai quá kiêu ngạo, đến nỗi chẳng thể hạ mình, ngỏ lời xin lỗi, chấp nhận trách nhiệm về những vi phạm do mình gây ra. Trong sách Châm Ngôn 16:18, vua Sa-lô-môn đã khẳng định “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào”. Nếu một người không thể khiêm nhượng, để nhận lỗi cho những hành động sai quấy thật rõ ràng của mình, thì người đó có một khuyến tật thật lớn trong tâm tính và khuyết tật này, sớm muộn gì, sẽ làm người đó sụp đổ hay té nhào trong cuộc sống.

              Thêm nữa, chúng ta hãy xin lỗi theo như cách thức chúng ta đã phạm lỗi. Khi chúng ta làm tổn thương một người một cách công khai, hãy xin lỗi với người đó một cách công khai. Nếu chúng ta hạ nhục một người trước một đám đông, lời xin lỗi trong nơi kín đáo, có tính cá nhân có thể không đủ chân thành và hữu hiệu.

              Ông William Beaverbrook, chủ của một tờ báo tại Anh quốc, có lần đã đăng một bài báo bôi nhọ danh dự ông Edward Heath, lúc đó là một nghị sĩ trong quốc hội và sau này trở thành thủ tướng Anh. Sau khi đăng bài báo trên, William cảm thấy mình có lỗi. Trong một dịp tình cờ, William gặp được Edward tại phòng vệ sinh của câu lạc bộ Luân đôn và ông đã ngượng ngùng, nói lời xin lỗi như sau:

              “Anh Edward, tôi đã suy nghĩ thật nhiều về bài báo và biết mình có lỗi với anh. Giờ đây, tôi xin lỗi anh”

              Lúc đó, Edward trả lời lại một cách miễn cưỡng:

              “Cũng được, nhưng lần sau, tôi ước rằng anh hạ nhục tôi trong phòng vệ sinh và xin lỗi tôi công khai trên báo chí!”

              Quý độc giả thân mến,

              Khi có lỗi với một người, chúng ta hãy cố gắng chân thành xin lỗi theo như cách thức mà chúng ta đã phạm lỗi. Thông thường lời xin lỗi ngắn gọn “Tôi xin lỗi” lúc đối mặt nhau cũng đủ. Nhưng khi mức độ tổn thương quá nghiêm trọng, lời xin lỗi lúc mặt đối cần được đi kèm với một lá thư để khẳng định sự khiêm nhượng và tính chân thành.

              Cũng hãy chuẩn bị vì khi nói lời xin lỗi, người bị tổn thương có thể nổi giận. Hãy kiên nhẫn để cho người đó bày tỏ nỗi niềm thất vọng, đau đớn của họ và khi làm như vậy, chúng ta bày tỏ sự tôn trọng và công nhận những cảm xúc bị thương tổn do chính chúng ta gây ra. Đừng bao giờ nói “Bạn phản ứng quá đáng” hay “Bạn đang làm lớn chuyện”, nhưng hãy nói “Tôi xin lỗi vì đã làm bạn giận dữ. Bạn có quyền nóng giận với tôi trong chuyện này. Tôi sẽ cố gắng để không làm bạn buồn phiền nữa”.

              Sau khi nói lời xin lỗi, hãy tập kiên nhẫn và chờ đợi. Mọi sự không thể trở lại bình thường ngay lập tức sau khi xin lỗi. Người bị tổn thương cần được thời gian để trút bỏ những cảm giác cay đắng, đớn đau và để được chữa lành. Sau khi ngỏ lời xin lỗi, bên cạnh sự kiên nhẫn và chờ đợi, hãy bày tỏ sự hối hận của mình qua những hành động tích cực và cụ thể.

              Kính thưa quý độc giả,

              Như chúng ta đều biết “nhân vô thập toàn” và học lời xin lỗi rất cần thiết cho đời sống. Nếu trong đời sống mỗi ngày, chúng ta không sao tránh hết được những sai xót trong những mối liên hệ với nhau, thì chắc chúng ta cũng không sao tránh được những vi phạm với Thiên Chúa trong suy nghĩ, trong lời ăn tiếng nói và trong cách sống. Có mấy ai trong chúng ta tưởng nhớ và biết ơn Đấng đã tạo ra và nuôi sống mình? Có mấy ai trong chúng ta tìm kiếm Ngài trong đời sống?

              Trong khi không mấy ai tưởng nhớ và biết ơn Đấng Tạo Hóa, thì chính Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, sinh ra như một con người, mang tên Giê-xu. Đời sống trọn lành của Người đã nhắc nhở nhân loại về Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương, nhân từ và thánh khiết. Chính Chúa Giê-xu sau đó đã chết thật đau thương và sĩ nhục trên cây thập tự, lãnh bản án tội thế cho tất cả chúng ta. Thật ra, Thiên Chúa là Đấng đã bị chúng ta làm tổn thương nhiều nhất.

              Ước mong quý vị và các bạn chân thành và khiêm nhượng, để nhận rằng mình là người có lỗi với Ngài, như lời Kinh Thánh có khẳng định “Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối và không chịu nhìn nhận sự thật.” (1 Giăng 1:8).

              Ước mong tất cả chúng ta có thể nói lời xin lỗi với Đấng Tạo Hóa. Ngài là Đấng nhân từ và rộng lượng, sẽ tha thứ và bôi xóa mọi vi phạm của chúng ta, qua sự chết thế của Cứu Chúa Giê-xu, như lời Thiên Chúa có hứa “Nhưng nếu chúng ta thú tội với Chúa, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta, đúng theo bản tính công chính của Ngài.” (1 Giăng 1:9)

              Hãy xin lỗi nhau để nối lại những mối tình thân.

              Hãy xin lỗi Thiên Chúa để trở lại làm hòa, trở lại làm con yêu dấu vĩnh cửu của Ngài.

              Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn