14:14 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 266597

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996004

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Cần Được Nghỉ Ngơi

Thứ ba - 09/01/2018 20:23
Cần Được Nghỉ Ngơi

Cần Được Nghỉ Ngơi

Quý độc giả thân mến, Tại sao cuộc sống ngày nay người ta cứ quần quật làm việc, đêm nối ngày, liên tục bảy ngày một tuần? Thể xác và tinh thần chúng ta có thể làm việc liên tục thâu đêm, suốt sáng, ngày này nối tiếp ngày kia không?



                Quý độc giả thân mến,

                Tại sao cuộc sống ngày nay người ta cứ quần quật làm việc, đêm nối ngày, liên tục bảy ngày một tuần? Thể xác và tinh thần chúng ta có thể làm việc liên tục thâu đêm, suốt sáng, ngày này nối tiếp ngày kia không?

                Căn bệnh “hối hả” là tình trạng thật căng thẳng đang đè nặng trên xã hội tân tiến ngày nay. Chúng ta hối hả chạy từ cuộc hẹn này đến cuộc hẹn khác, từ việc này qua việc kia. Nhiều người hối hả trong cuộc sống vì thật lòng muốn chu toàn mọi trách nhiệm từ trong gia đình, ra đến nơi công việc làm và các công tác xã hội. Nhiều người hối hả vì mãi mê theo đuổi sự giàu có về vật chất và tiền bạc, và mặc nhiên cho rằng càng giàu có là càng thành công.

                Nhà văn Celia Brayfield của thời báo Luân đôn có lần nhận định như sau: “ba mươi năm tham muốn đã đem đến cho chúng ta thật nhiều phương tiện xa xỉ mà các thế hệ trước không dám mơ tới, nhưng cũng chẳng chừa cho chúng ta một thời giờ rãnh rỗi nào để tận hưởng những phương tiện này”. Trong bài viết của nhà văn này, bà luôn nhấn mạnh đến tình trạng “nghèo đói về thời giờ” trong xã hội ngày nay. Trong lời kết luận, bà đã khuyến cáo các đọc giả rằng “nếu chúng ta không sớm ý thức về tình trạng nghèo đói về thời giờ trong thế giới hiện đại, chúng ta sẽ đi đến một tình trạng cùng đường, không còn hy vọng thay đổi được nữa. Chúng ta đã quá khổ sở, chịu đựng, cô đơn, căng thẳng và bịnh hoạn…”

                Đây có phải là lời nhận định quá đáng chăng? Có thể là như vậy, nhưng bạn và tôi không thể phủ nhận những triệu chứng của một xã hội đang ở trong sự căng thẳng thật cao độ!

                Không có thời giờ để nghỉ ngơi trong xã hội tân tiến ngày nay, nhiều giám đốc công ty phải làm việc ít nhất 14 tiếng mỗi ngày trong văn phòng hay chạy vòng vòng để lo đôn đốc hay sắp xếp công việc. Có người phải có mặt trong sở làm từ 6 giờ sáng và rồi phải vào sở làm vào cuối tuần nữa.

                Dường như tốc độ chạy đua của xã hội văn minh đang gây khốn đốn cho chúng ta. Một nghiên cứu mới đây cho thấy làm việc nhiều giờ quá sẽ gây tổn hại về đời sống tinh thần, tình trạng tâm lý và tình cảm của chúng ta. Giáo sư Jonathan Scales thuộc viện đại học Health and Social Services Institute tại Anh quốc, qua công trình nghiên cứu của ông, đã nhận định rằng “có những bằng chứng cho thấy làm việc quá nhiều giờ trong một thời gian dài sẽ đưa mức độ căng thẳng lên cao và giảm thiểu đời sống tình cảm của một người”.

                Bên cạnh triệu chứng hối hả thường xuyên là con người càng ngày trở nên thiếu kiên nhẫn một cách lạ thường. Chúng ta không còn có thói quen kiên nhẫn chờ đợi nữa. Chúng ta muốn có mọi sự ngay bây giờ. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà lúc nào người ta cũng sốt ruột và nôn nả. Một triệu chứng thường thấy là những cơn thịnh nộ trên các đường phố. Cứ hễ khi nào bị một chiếc xe khác cản trở đôi chút làm cho bực mình, là nhiều người nổi nóng lên và làm những hành động vô cùng nguy hiểm như phóng nhanh, qua mặt ẩu vv. Triệu chứng hối hả của thời đại cũng phản ánh qua thái độ cư xử của trẻ em. Theo như phóng viên Minette Martin của tờ Daily Telegraph tại Anh quốc thì “đầu óc của trẻ sơ sinh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những phương cách dễ dãi là bỏ mặc con cái cho TV và các trò chơi trên computer, cũng như những loại nhạc ầm ĩ, với hậu quả là ngày nay đại đa số các em không còn đủ sức tập trung vào một chuyện gì hơn được một vài giây đồng hồ”.

                Tất cả chúng ta cần được ngồi xuống, hít thở một cách nhẹ nhàng, nghỉ ngơi và cần thời gian để suy nghĩ về một vấn đề gì đó một cách mạch lạc, hữu lý và mang lại lợi ích lâu dài.

                Tiếc thay, trong những thập niên qua, thay vì nghỉ ngơi cho đúng mức, chúng ta lại cắt giảm giờ ngủ của mình. Tờ báo The Times cho biết chúng ta ngày nay trung bình ngủ ít hơn 90 phút so với những thế hệ trước chúng ta một thế kỷ. Thống kê mới nhất tường trình rằng chúng ta ngủ trung bình chỉ khoảng 7 giờ 12 phút mỗi đêm, có nghĩa là ít hơn 25 phút so với thống kê của 10 năm trước. Trong thực tế, có nơi người ta ngủ ít hơn nữa.

                Quý độc giả thân thương,

                Rõ ràng là con người cần làm việc nhưng cũng cần thời giờ thích hợp để nghỉ ngơi. Tiếc thay, chúng ta đang sống trong một xã hội hoạt động theo kiểu 24/24. Một vài người làm việc, ăn uống, vui chơi, đi mua sắm vòng vòng cả ngày mà không hề nghỉ ngơi. Cũng giống như thành phố New York được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ” và một vài thành phố lớn khác, có nhiều người tiếc nuối, ngại ngùng không muốn dừng lại để leo lên giường nằm ngủ. Bằng chứng cho thấy tình trạng kiệt sức là một hiện tượng có tầm vóc quốc gia đang đe dọa sức khỏe và tình trạng hạnh phúc của nhiều người.

                Nhiều dịch vụ và cửa hàng được mở ra 24/24 tại các thành phố lớn khắp nơi trên thế giới. Dịch vụ mua bán trên mạng internet lúc nào cũng hoạt động bất kể ngày giờ nào. Có người đặt tên cho tình trạng buôn bán cả ngày lẫn đêm và ngày càng thịnh hành này là “sự thực dân hóa ban đêm”, có nghĩa là bành trướng công việc qua cả ban đêm để làm việc này, việc kia, miễn sao cho thuận tiện, chứ không còn quan tâm đến cái đồng hồ đang chỉ mấy giờ rồi.

                Các thói quen trong xã hội cũng thay đổi hẳn trong vòng vài thế hệ qua. Cách đây không lâu, thì trong một mái ấm gia đình, sau một ngày làm việc vất vả, người chồng về nhà và cả gia đình quây quần ăn tối, trò chuyện và nghỉ ngơi. Nhưng trong thời đại ngày nay, cả vợ lẫn chồng cùng đi làm, rồi cả hai cùng về nhà, thường là vào những giờ giấc khác nhau, để rồi bắt tay một phiên thứ nhì trong ngày với công việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp và bao nhiêu thứ trách nhiệm khác. Đối với ai có chút cơ hội để nghỉ ngơi, thì ngày nay đã có TV với nhiều đài khác nhau hoạt động 24/24. Chúng ta có thể lựa chọn thì giờ xem TV lúc nào ta muốn. Kết quả là xã hội ngày nay đang đánh mất khái niệm về thời giờ thiên nhiên, tức là người ta không còn phân biệt đâu là ngày, đâu là đêm nữa và ngày nào là đầu tuần hay cuối tuần nữa. Sự chạy đua, căng thẳng và áp lực đang đè nặng trên nhiều người chúng ta. Chúng ta mệt mỏi, đuối sức nhưng không dám nghỉ ngơi, e rằng nếu dừng lại nghỉ ngơi thì công việc sẽ ứ đọng, dồn đống ra đó.

                Quý độc giả thân mến,

                Thượng Đế là Đấng tạo dựng nên loài người chúng ta. Do vậy, Ngài biết rất rõ về tình trạng thể chất và tinh thần của chúng ta, cũng như biết chúng ta có khuynh hướng dồn nhét nhiều công việc vào với nhau. Sau khi Ngài hoàn tất công trình sáng tạo trong sáu ngày, chính Ngài đã ra mệnh lệnh cũng như làm gương là một dành một ngày để nghỉ ngơi, như có chép trong sách Sáng Thế Ký 2:1-3 như sau: “Như thế, trời đất và vạn vật đều được sáng tạo xong. Đến ngày thứ bảy, công trình hoàn tất, Thượng Đế nghỉ mọi việc. Thượng Đế ban phúc và thánh hóa ngày thứ bảy (Sa-bát), vì là ngày Ngài nghỉ mọi công việc sáng tạo”.

                Quý độc giả thân thương,

                Thượng Đế chúc phước và biệt riêng ra một ngày nghỉ có phải vì lợi ích của Ngài không? Câu trả lời là “không”. Thượng Đế không cần nghỉ ngơi như loài người chúng ta, nhưng Ngài đã dừng công việc sáng tạo sau sáu ngày để nghỉ ngơi trong một ngày. Ngài đã làm gương để chúng ta cũng nên noi theo là trong 7 ngày, chúng ta cần được nghỉ ngơi khỏi công việc mình trong một ngày. Chính Chúa Cứu Thế Jêsus cũng đã khẳng định nhu cầu này khi nói rằng: “Lễ Cuối tuần được lập ra để giúp loài người, chứ không phải loài người được tạo nên để phục vụ ngày lễ đó” (Mác 2:27).

                Cần thời giờ để nghỉ ngơi. Trong chu kỳ 7 ngày, chúng ta cần 24 tiếng nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lực, tinh thần và ý chí. Sự căng thẳng vì làm việc quá độ là một vấn nạn cho sức khỏe trong thời đại ngày nay. Chứng huyết áp cao là do chúng ta không thể nghỉ ngơi được. Thượng Đế đã cố ý chia ra có ngày và đêm để chúng ta làm việc và nghỉ ngơi. Trong một tuần, Ngài cũng dành cho chúng ta 24 tiếng đồng hồ để yên nghỉ và tìm đến với Ngài, như Ngài đã phán trong Mười Điều Răn như sau: "Phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11). Đây là một mệnh lệnh đầy yêu thương, vì Thượng Đế quan tâm đến sức khỏe, tinh thần và sự hạnh phúc cho con người là tạo vật quý yêu nhất của Ngài. Tiếc thay, xã hội ngày nay cứ tiếp tục chạy đua với thời gian và tự gây hại mình.

                Một ngày nghỉ cuối tuần sẽ giúp chúng ta làm việc có kết quả tốt hơn trong sáu ngày còn lại. Một ngày nghỉ ngơi cuối tuần sẽ cho chúng ta có dịp suy nghĩ chính chắn về những công việc mình sẽ làm. Một ngày nghỉ cuối tuần sẽ giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa và mục đích lâu dài của cuộc sống. Thời giờ nghỉ ngơi để gia đình sum họp, cha mẹ với con cái, vợ chồng với nhau. Hãy dành thời giờ để ngắm cảnh hoàng hôn lặng dần trên biển vắng, lắng nghe tiếng chim gọi đầu ngày, để nhận ra có một Đấng Tạo Hóa thật kỳ diệu và đầy yêu thương. Thời giờ nghỉ ngơi là để đến với Thượng Đế, cảm ơn Ngài vì những năng lực, ý chí và thành đạt mà Ngài đã ban cho bạn trong sáu ngày làm việc vừa qua. Thời giờ nghỉ ngơi là lúc chúng ta tạm xa rời những cuộc đua chen, để được an ủi, vổ về như Chúa Jêsus đang mời gọi bạn “Hỡi những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang ách với Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn. Vì ách Ta êm dịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30).

                Hãy dừng lại và yên nghỉ trong cánh bóng toàn năng và yêu thương của Thượng Đế.

                Thân chào quý vị.
 

Tùng Tri phỏng dịch theo “Good News Magazine” và “Christianity Today”
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn