09:44 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 19


Hôm nayHôm nay : 4644

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270684

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000091

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Kết quả Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội

Thứ ba - 06/02/2018 19:31
Kết quả Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội

Kết quả Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng. T


                Kính thưa quý độc giả,

                Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng. Từ ngữ then chốt cho thế giới chúng ta ngày nay là stress, nghĩa là sự căng thẳng. Sự căng thẳng, là một tình trạng phổ biến vốn tấn công hết thảy chúng ta, cho dù ở lứa tuổi nào đi nữa. Theo Tiến sĩ Hans Selye, thì “stress”, hay sự căng thẳng, là “tỷ lệ của sự hao mòn trong cơ thể.” Có khi những phản ứng căng thẳng bên trong chúng ta lặng lẽ đến mức chúng ta không nhận thức được sự hiện diện của chúng trên đời sống mình. Ví dụ như, cơ thể chúng ta phản ứng với những căng thẳng liên quan tới sự xâm nhập của vi trùng. Có khi sự căng thẳng là do môi trường sống, sự ô nhiễm không khí và tiếng ồn, điều kiện sinh sống quá đông đúc, áp lực của những thời hạn cuối cùng phải hoàn thành công việc, sự cạnh tranh trong đời sống, hoặc bất kỳ một biến cố hay hoàn cảnh nào đó đòi hỏi người ta phải thích nghi hoặc thay đổi. Thí dụ như đổi nơi cư trú, đổi nghề, vợ hay chồng có công việc mới hoặc bị mất việc làm, hôn nhân tan vỡ, con dọn ra khỏi nhà, vân vân.

                Không phải mọi sự căng thẳng đều tồi tệ bởi nó bao hàm một yếu tố đòi hỏi chúng ta thay đổi hoặc thích nghi với sự thay đổi. Vì lý do này, yếu tố gây ra căng thẳng có thể bao gồm hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tiến sĩ T. H. Holmes và R. H. Rahe tại Đại Học Y Khoa Washington thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu rộng và liệt kê một danh sách các “biến-cố-thay-đổi-đời-sống”. Danh sách này được phân loại rõ rệt từng biến cố với chỉ số căng thẳng trung bình tương đương, cho thấy các biến cố trong đời sống của con người có liên hệ tới sự tấn công hay xâm nhập của bệnh lý. Nhóm nghiên cứu của hai ông đã nhận dạng bốn mươi ba biến cố trong một Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội vốn có khả năng dự đoán đáng lưu ý đối với sự tấn công của bệnh tật và sự suy nhược.

                Tuần qua chúng tôi đã trình bày cùng quý thính giả bảng liệt kê các biến cố đã diễn ra trong đời sống bạn suốt mười hai tháng vừa qua. Mỗi biến cố lại có bảng điểm đi kèm. Sau khi xác định những biến cố trong bảng lượng giá và số điểm, quý thính giả cộng tất cả điểm lại để có số điểm tổng cộng. Thí dụ, nếu người phối ngẫu của bạn qua đời trong vòng 12 tháng vừa qua, thì chỉ số căng thẳng trung bình của biến cố này là 100 điểm, trong khi đó, sự qua đời của người thân trong gia đình có chỉ số căng thẳng trung bình là 63 điểm, và sự qua đời của người bạn thân có chỉ số căng thẳng trung bình là 37 điểm.

                Nếu quý thính giả không kịp theo dõi các biến cố trong Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội, hoặc không kịp ghi lại đầy đủ chỉ số căng thẳng trung bình của mình trong những biến cố mà chúng tôi đã trình bày, thì quý thính giả có thể đọcnơi đây và hoàn tất bảng đánh giá cho mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem kết quả Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội và chỉ số căng thẳng trung bình của mỗi biến cố trong đời sống.

                Kính thưa quý độc giả,

                Nếu chỉ số căng thẳng trung bình của bạn nằm dưới mức 150 điểm thì bạn ở phía an toàn. Nếu bạn đạt được từ 150 đến 300 điểm, khả năng bạn có thể bị ngã bệnh hay bị chấn thương trong hai năm tới là 50-50. Điều đó chẳng tốt đẹp chút nào. Nếu bạn đạt trên 300 điểm, bạn nên chắc chắn là bạn có bảo hiểm y tế toàn bộ ở mức tối đa, bởi vì khả năng ngã bệnh của bạn lên đến 90 phần trăm rồi!

                Ví dụ, chúng ta hãy nhìn vào một giám sát viên văn phòng điển hình. Chúng ta đặt tên cho anh ta là Ken. Ken vừa được thăng chức (như vậy chỉ số căng thẳng trung bình của Ken là 20 điểm). Sự thăng chức đồng nghĩa với việc Ken phải gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn trong công việc hiện tại. Kèm theo việc thăng chức, Ken cũng được tăng lương hậu hỉ. Việc này có chỉ số căng thẳng trung bình là 38 điểm. Cộng thêm với việc vợ của Ken bắt đầu quay trở lại làm việc (chỉ số căng thẳng trung bình của biến cố này là 26). Cuối cùng, vì có thêm tiền từ lương của hai vợ chồng, Ken quyết định mua căn nhà mơ ước của họ. Việc mua nhà mới có chỉ số căng thẳng trung bình 20. Mua nhà, đồng nghĩa với việc mượn nợ ngân hàng. Sự thế chấp mới này có chỉ số căng thẳng trung bình là 31 điểm. Tiền trả nợ ngân hàng cho căn nhà mơ ước của gia đình Ken sẽ được chi trả bởi tiền lương của vợ anh và mức lương tăng của anh. Các trách nhiệm mới của Ken đòi hỏi việc thường xuyên tiếp đãi khách, và Ken phải tuân theo chế độ kiêng cử khắt khe để không bị lên cân. Việc thay đổi trong thói quen ăn uống có chỉ số căng thẳng trung bình là 15 điểm.

                Không may thay, sự căng thẳng được thêm vào trên công việc đã tạo nên những áp lực trong hôn nhân của họ. Ken và vợ anh cãi lẫy nhiều hơn, nghĩa là chỉ số căng thẳng trung bình của việc này là 35 điểm. Vì họ gây gổ nhiều hơn, điều đó đã có ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ chăn gối của họ. Như vậy, chỉ số căng thẳng trung bình của Ken lại tăng thêm 39 điểm. Nếu chúng ta dừng lại ở đó, Ken đã tích lũy 224 điểm, đủ để đặt anh ta trong khung 50-50. Và ngay cho dù anh ta có đi nghỉ hè, thì việc này lại đem đến chỉ số căng thẳng trung bình là 13 điểm. Nếu Ken lên một cuộc hẹn với một nhà tư vấn hôn nhân để tiến hành sự giải hòa của vợ chồng anh, việc này sẽ có chỉ số căng thẳng trung bình là 45 điểm. Giả dụ rằng Ken xin quay trở lại với công việc cũ của mình, thì việc này lại đem đến chỉ số căng thẳng trung bình là 36, nghĩa là sẽ vẫn bao gồm những sự thay đổi thêm nữa và sự căng thẳng gia tăng.

                Nếu chúng ta đẩy Ken lên trên 300 điểm trên bậc thang căng thẳng trung bình, vẫn còn một phần mười cơ may là anh ta sẽ không ngã bệnh hoặc tàn tật. Mối quan tâm của chúng ta là làm sao để mình được là người nắm lấy một phần mười cơ may ấy. Bí quyết cho việc vượt qua sự căng thẳng được tìm thấy trong sự Tự-Nhủ của chúng ta.

                Kính thưa quý độc giả,

                Nếu sự Tự-Nhủ của Ken nghe như những điều bên dưới đây thì anh ta đang gặp rắc rối lớn:

  • Lẽ ra mình không nên nhận sự đề bạt thăng chức ấy.
  • Tại sao vợ mình lại không thể hiểu sự căng thẳng mình đang trải qua? (Xét cho cùng, lẽ ra cô ấy nên hiểu chứ!)
  • Lẽ ra vợ chồng mình nên chờ đợi thêm một thời gian trước khi mua căn nhà ấy.
  • Tại sao vợ mình lại không thể chỉ cần thích nghi với thực tế là cô ấy cần phải đi làm và đừng chất gánh nặng thêm cho mình? (Bạn biết đấy, lẽ ra vợ mình nên làm như vậy.)
  • Tốt nhất là nhà tư vấn hôn nhân này phải giúp vợ mình hành động phải lẽ, nếu không thì cuộc hôn nhân của bọn mình sẽ không tồn tại được! (Ông ta phải làm như thế, nếu không thì!)
  • Mình muốn đưa cô ấy đi nghỉ ngơi, nhưng bọn mình lại không đủ khả năng thực hiện việc đó. (Nghĩa là vợ mình cần phải là một người hiểu chuyện, hiểu lý lẽ!)

                Sự tự nhủ của Ken theo chiều hướng trên sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng của anh bởi việc kết nối những cảm xúc giận dữ gắn chặt với những đòi hỏi anh đang áp đặt trên vợ anh và trên cuộc sống. Ken đang tự mở cửa ngõ cho sự ngã lòng bởi vì anh đang đặt để quá nhiều đòi hỏi trên bản thân mình. Và rồi theo cách đó, anh chỉ đang làm gia tăng những cảm xúc mất-tự-chủ mà anh đang tranh chiến.

                Kính thưa quý độc giả,

                Ken cũng có thể thật dễ dàng suy nghĩ những ý tưởng như sau:

  • Có lẽ sự thăng tiến đó không phải là tất cả những gì mình đã nghĩ đến, nhưng mình lại nỗ lực hết sức để đạt được nó.
  • Hẳn nhiên mình mong ước vợ mình hiểu được áp lực mình trải qua.
  • Mình vui là bọn mình có thể nhận được sự giúp đỡ cho cuộc hôn nhân của mình. Bà xã là người rất quan trọng đối với mình, và mình mong muốn làm mọi thứ trong khả năng mình có để giúp giải quyết tình huống hiện nay.
  • Bằng cách này hay cách khác bọn mình sẽ vượt qua được những điều đang xảy ra, bởi vì cuộc sống là tốt đẹp và mình yêu thương gia đình của mình.

                Bởi vì yếu tố chính trong sự căng thẳng là yếu tố thuộc lãnh vực tâm lý, nên sự Tự-Nhủ của Ken chính là điều anh đang kiểm soát vốn có thể giúp anh vượt qua được những yếu tố gây căng thẳng trong đời sống mình.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ nghe cách giải quyết tốt đẹp của một người đã trải qua rất nhiều cảnh ngộ phức tạp và cách người ấy vượt qua những biến cố đầy căng thẳng và đau đớn trong đời sống mình bằng sự tự nhủ. Kết quả là người ấy có một sự sung mãn trong đời sống và bình an trong tâm hồn, trở nên một tấm gương sáng cho nhiều người noi theo. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn