01:53 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 46

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 5085

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10160

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23019193

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Thiên Sứ Báo Tin

Thứ hai - 18/12/2017 20:40
Thiên Sứ Báo Tin

Thiên Sứ Báo Tin

“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Ma-thi-ơ 1:23)



               “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Ma-thi-ơ 1:23)

               Kính thưa quý độc giả,

               Thiên Chúa dựng nên hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va. Mối liên hệ mật thiết giữa A-đam, Ê-va và Thiên Chúa kéo dài được một thời gian, rồi sau đó đã bị gãy đổ một cách đớn đau. Quỷ vương, cũng là một tạo vật của Thiên Chúa, là một lực lượng thần linh, đầy kiêu ngạo, lắm mưu mô và nhiều tham vọng, lúc nào cũng muốn tiến chiếm quyền tối thượng của Thiên Chúa, đã ra sức dụ dỗ A-đam và Ê-va bất tuân Ngài. Quỷ vương, đã đội lốt con rắn trong vườn Ê-đen năm xưa, dùng món đòn xảo quyệt, hứa hẹn tri thức, khôn ngoan và ngôi vị vinh hiển ngang hàng với Thiên Chúa, để làm mềm lòng A-đam và Ê-va. Thủy tổ của loài người, trong giây phút yếu lòng, đã quyết định bất tuân Thiên Chúa để chạy theo những tham vọng giả dối của Quỷ Vương. Kinh Thánh định nghĩa thái độ hay hành động không vâng lời, có ý chống nghịch lại Thiên Chúa là tội lỗi.

               Chính A-đam và Ê-va đã đem mầm mống tội lỗi vào trong nhân loại. Trong khi Thiên Chúa sáng tạo sự sống và xây dựng tình thân, thì tội lỗi dẫn đưa đến cái chết về thể xác, bẻ gãy mối quan hệ, đẩy con người xuống hàng tội nhân và buộc con người phải chịu sự phán xét của Đấng Tối Cao đúng như lời Kinh Thánh đã khẳng định: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27).

               Tội lỗi đã đào một hố sâu ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa. Không một phương thức nhân tạo nào, không một triết lý hay tôn giáo nào, không một nỗ lực nào của con người, cho dù thành tâm đến đâu, có thể xóa bỏ được khoảng cách vô cùng giữa Thiên Chúa thánh khiết tuyệt đối và con người với bản chất tội lỗi sâu sắc, như lời tiên tri Ê-sai đã nói: “Chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi ; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi.” (Ê-sai 59:2).

               Tội lỗi cũng phân cách giữa con người với nhau, đem đến bao tang thương, hận thù, tranh chiến, chia lìa ngay từ trong gia đình, trong tình bạn, cho đến cộng đồng, xã hội, các dân tộc và các quốc gia. Xã hội càng văn minh, con người ngày càng mở mang kiến thức, thì tội lỗi vẫn không suy giảm, nhưng chỉ càng trở nên sâu sắc và tinh vi hơn.

               Tội lỗi làm con người đánh mất đi mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Bạn và tôi được dựng nên để trở nên bạn của Thiên Chúa là Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ. Thế nhưng, từ khi phạm tội, con người làm sao nhận được sự chân, thiện, mỹ giữa một thế gian ô uế, đầy dẫy những tội ác này ? Có một khoảng trống vắng trong mỗi tâm hồn mỗi chúng ta, mà vật chất, của cải, thú vui, danh vọng, nghề nghiệp bận rộn, hay những điều tương tự của cuộc đời này không thể lấp đầy được. Cuộc đời bỗng trở nên vô nghĩa đến đớn đau, như người xưa đã từng mô tả qua câu “sinh, lão, bịnh, tử”, hay như thi hào Nguyễn Công Trứ đã từng than thở:

               Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
               Trần có vui sao chẳng cười khì?
               Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,
               Chứa chi lắm một bầu nhân dục.

               Quý độc giả thân mến,

               Trong khi loài người đau đớn trong tội lỗi, thì Cha Thiên Thượng cũng đau đớn gấp vạn lần hơn chúng ta. Qua bao thế hệ và thời đại, Thiên Chúa dùng thiên nhiên đẹp đẽ và kỳ diệu để nhắc nhở loài người về sự hiện hữu của Ngài. Thiên Chúa cũng liên tiếp sai phái các tiên tri và các sứ giả đến, đánh thức lương tâm con người, mong loài người ăn năn thức tỉnh để quay về với tình yêu của Ngài. Nhưng trong khi tội lỗi đã hoàn toàn thống trị, làm sao con người có thể tới gần Thiên Chúa, làm sao bạn và tôi có thể hình dung được Thiên Chúa là ai, làm sao chúng ta cảm nhận tình yêu Ngài trọn vẹn như thế nào và làm sao loài người nếm biết được thiên đàng hạnh phúc, đẹp đẽ đến dường bao?

               Đây là một vấn đề nan giải, nên cũng cần có một biện pháp thật toàn hảo. Nếu con người tội lỗi không vươn tới được Thiên Chúa, thì không còn một lựa chọn nào khác, nhưng chính Thiên Chúa phải rời thiên đàng để đến với loài người chúng ta. Sau khi sai phái nhiều sứ giả, thì chính Thiên Chúa cuối cùng đã tự nguyện đến trong thế gian này, trong một con người, bằng xương, bằng thịt, để loài người có thể trông thấy Thiên Chúa, chứng kiến thế nào là tình yêu trọn vẹn, kinh nghiệm được sự bình an và niềm hạnh phúc của thiên đàng ngay trên đất.

               Vua của muôn vua phải trở nên một thường dân, Đấng Sáng Tạo phải trở nên loài thọ tạo. Lời loan báo của các tiên tri, hàng trăm năm trước khi Thiên Chúa giáng trần, như một tia hy vọng chớp lên màn đêm của tội lỗi:

               “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Ma-thi-ơ 1:23)

               Kính thưa quý độc giả,

               Khi thời điểm và hoàn cảnh thích hợp đã đến, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần để cứu vớt loài người ra khỏi xích xiềng của tội lỗi. Thời điểm đó cách nay đúng 2007 năm, khi đế quốc La-mã đang thống trị một phần thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, đế quốc La-mã đã thống nhất cả Âu châu, vùng Tiểu Á, các nước Trung Đông và một phần Bắc Phi Châu lại với nhau. Đế quốc hùng mạnh này, với nhiều chiến thuyền và thương thuyền ngang dọc trên biển Địa Trung Hải, cùng với trục lộ giao thông chằng chịt trên bộ để liên kết những quốc gia thuộc Âu, Á, Phi với nhau, đến nỗi người ta đã từng nói “Mọi con đường đều dẫn tới La-mã”. Chính nhờ hệ thống giao thông hữu hiệu này, mà sau đó, chương trình cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa đã được mau chóng lan truyền ra khắp năm châu bốn biển. Cũng trong thời kỳ này, tiếng Hy lạp là ngôn ngữ phổ biến của nhiều quốc gia, do ảnh hưởng còn lại của vua Alexander Đại Đế thuộc đế quốc Hy lạp trước đó. Chính qua ngôn ngữ Hy-lạp, câu chuyện giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa đã được ghi lại và phổ biến đến mọi dân tộc trên thế giới.

               Chúng ta vừa lược qua thời điểm và hoàn cảnh, nhưng câu chuyện giáng sinh được bắt đầu với nàng thiếu nữ Ma-ri hiền lành, thuộc làng Na-xa-rét, một ngôi làng hẻo lánh, bình dị, ở về phía bắc của xứ Do thái, với cư dân khoảng độ 2000 người. Là một thiếu nữ vừa mới lớn, Ma-ri đã được gia đình đính hôn với chàng thợ mộc Giô-sép chân thật, người ở cùng làng. Lúc đó, nàng Ma-ri rất bận rộn với bao toan tính và chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời mình, thì đột nhiên, một biến cố thật diệu kỳ xảy đến với nàng. Theo ký thuật của sử gia Lu-ca, Thiên Chúa đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên, là vị thiên sứ kề cận và gần gũi nhất với Ngài, mang trọng trách báo tin đến cho nàng Ma-ri. Thiên sứ Gáp-ri-ên đã đến với Ma-ri và nói rằng:

               “Hỡi người được ơn lớn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi!”

               Nàng nghe lời ấy thì rất bối rối, suy đi nghĩ lại về sự chào mừng đó là gì. Thiên sứ bèn nói rằng:

               “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn nơi Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ thọ thai, sanh một con trai, đặt tên là Giê-xu. Con ấy sẽ là lớn, được gọi là Con của Đấng Chí Cao; Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi của Đa-vít tổ phụ Ngài. Ngài sẽ làm Vua nhà Gia-cốp cho đến đời đời, nước Ngài không cùng.”

               Ma-ri bèn thưa cùng thiên sứ rằng: “Tôi không biết đến đàn ông, thì thể nào có điều đó?”

               Thiên sứ đáp rằng: “Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ phủ bóng trên ngươi; cho nên Đấng thánh sanh ra phải gọi là Con Đức Chúa Trời. Kìa, Ê-li-sa-bết bà con ngươi cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; nàng vốn có tiếng là son sẻ mà nay cưu mang được sáu tháng rồi. Bởi vì không điều gì bất năng cho Đức Chúa Trời cả.”

               Ma-ri thưa rằng: “Đây là con đòi của Chúa; xin được nên cho tôi như lời của ngài.” Đoạn, thiên sứ lìa nàng.” (Lu-ca 1:26–38)

               Quý độc giả thân mến,

               Do quyền năng Thiên Chúa mà trinh nữ Ma-ri đã thọ thai. Điều này làm Giô-sép vô cùng đau đớn và tủi nhục, vì chàng chưa hề ăn ở với nàng; nhưng vì là người có nhân nghĩa nên Giô-sép không nỡ bêu xấu nàng trước mọi người và chàng đang kiếm cách để từ hôn kín đáo. Trong lúc đang suy tính, thì thiên sứ đã hiện ra với chàng trong giấc chiêm bao và nói rằng:

               “Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một trai, hãy đặt tên là Giê-xu, vì Ngài sẽ cứu dân tộc mình thoát khỏi tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 1:20–21)

               Giô-sép thức dậy, làm theo lời thiên sứ của Chúa đã dặn bảo, cưới Ma-ri về làm vợ, nhưng hai người không ăn ở với nhau cho đến khi nàng sinh một con trai thì đặt tên là Giê-xu. (Ma-thi-ơ 1:24–25)

               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta không thể nào hiểu hết được vì sao Thiên Chúa đã lựa chọn Ma-ri và Giô-sép, nhưng chúng ta biết chắc đây không phải là một sự tình cờ. Mặc dù chỉ là một thiếu nữ quê mùa đơn sơ, nhưng Ma-ri là biết kính sợ Thiên Chúa, có lòng tin cậy, vâng lời và cũng can đảm. Tính tình đoan trang, tấm lòng trinh trắng của nàng đã tôn cao danh Chúa. Bào thai Giê-xu không phải bởi tình ý của nàng hay của Giô-sép, nhưng là do quyền năng nhiệm mầu Thiên Chúa, để Ngôi Hai Thiên Chúa có thể giáng thế làm người. Còn chàng Giô-sép nhân nghĩa, sẵn sàng nhường bước để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện, đã trở nên một điểm tựa vững chải cho Ma-ri và hài nhi Giê-xu.

               Thời điểm, hoàn cảnh, con người và nơi chốn, tất cả đã được dự liệu một cách hoàn hảo, vì Thiên Chúa có một chương trình hoàn hảo và một sứ điệp hoàn hảo để gởi đến nhân loại, như lời Kinh Thánh đã khẳng định:

               “Nhưng đúng kỳ hạn, Thượng Đế sai Con Ngài xuống trần gian, do một người nữ sinh ra trong một xã hội bị luật pháp trói buộc, để giải phóng những người làm nô lệ của luật pháp, và cho họ quyền làm con Thượng Đế.” (Ga-la-ti 4:4-5).
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn