04:37 EDT Chủ nhật, 05/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 8251

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 43802

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23052835

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Sa Lầy

Sa Lầy

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi Thiên 1:1).

Xem tiếp...

Chương 9: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng

Thứ ba - 30/01/2018 20:16
Chương 9: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng

Chương 9: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng.



              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng. Từ ngữ then chốt cho thế giới chúng ta ngày nay là stress, nghĩa là sự căng thẳng. Stress, hay sự căng thẳng, là một tình trạng phổ biến vốn tấn công hết thảy chúng ta, cho dù ở lứa tuổi nào đi nữa. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình đang nắm quyền kiểm soát mọi thứ, thì sự căng thẳng vẫn có thể làm cho chúng ta bối rối chao đảo.

              Một cuộc nghiên cứu tại Đại Học Baylor cho thấy rằng chỉ riêng sự căng thẳng thôi cũng có thể gây ra cơn đau tim cho những người khỏe mạnh. Điều này cho thấy rằng người ta thậm chí không cần phải chất chứa những cảm giác giận dữ và thù oán suốt nhiều năm để gây nên bệnh tim mạch vành.

              Trong cuộc nghiên cứu của Baylor, các nhà khoa học quan sát hai nhóm heo. Một nhóm heo được đặt dưới sự căng thẳng trong một khoảng thời gian. Sau đó cả hai nhóm thú đều bị chặn các động mạch vành lại. Những con thú ở trong nhóm đã trải qua sự căng thẳng đều chết hết trong vòng vài phút, trong khi những con thú trong nhóm kia lại không chết, ngay cả khi nguồn cung cấp máu chủ yếu cho tim của chúng bị chặn lại.

              Bài viết tiếp tục vạch ra rằng sự tắc nghẽn tạo nên cơn đau tim gây tử vong đã phát tác bởi một yếu tố tâm lý. Yếu tố tâm lý cần thiết để gây nên tác động ấy chính là sự căng thẳng. Chính điều chúng ta đang suy nghĩ, hoặc cách chúng ta đang suy nghĩ—hoặc cả hai việc này—là yếu tố gây nên sự căng thẳng.

              Theo định nghĩa của Tiến sĩ Hans Selye, thì “stress”, hay sự căng thẳng, là “tỷ lệ của sự hao mòn trong cơ thể.” Đôi lúc những phản ứng căng thẳng bên trong chúng ta lặng lẽ đến mức thậm chí chúng ta không nhận thức được sự hiện diện của chúng trên đời sống mình. Ví dụ như, cơ thể chúng ta phản ứng với những căng thẳng liên quan tới sự xâm nhập của vi trùng. Những hình thức phổ biến hơn của sự căng thẳng được tìm thấy trong môi trường sống của chúng ta, chẳng hạn như sự ô nhiễm không khí và tiếng ồn, điều kiện sinh sống quá đông đúc, áp lực của những deadlines - tức là thời hạn cuối cùng phải hoàn thành công việc - và sự cạnh tranh. Trên thực tế, sự căng thẳng có thể được định nghĩa như là bất kỳ một biến cố hay hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống của một người, vốn đòi hỏi người ấy phải thích nghi hoặc thay đổi.

              Kính thưa quý độc giả,

              Vào lúc đầu, cơ thể đáp ứng lại với sự căng thẳng bằng một phản ứng báo nguy. Các thay đổi diễn ra khắp toàn thân nhằm mục đích huy động tất cả tuyến phòng thủ của cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại mối hiểm nguy. Trung tâm của sự đáp ứng này là hai tuyến thượng thận nhỏ. Một tín hiệu được phát ra từ tuyến yên đến hai tuyến thận để phóng thích một trong hai loại kích thích tố vào hệ thống. Một kích thích tố được phóng thích trong lúc có sự căng thẳng đột ngột; một kích thích tố khác được phóng thích khi có sự căng thẳng kéo dài. Chúng giúp điều tiết số lượng và sự phân phối các chất lỏng trong cơ thể, duy trì huyết áp, bảo toàn năng lượng, giúp cơ thể đối phó với sự lây nhiễm, và cho phép các kích thích tố khác hoạt động hữu hiệu hơn trong toàn cơ thể. Các tuyến thận được trợ giúp bởi các tuyến khác và hệ thần kinh của cơ thể.

              Đó là một sự miêu tả giản lược về cơ thể học của sự căng thẳng. Về mặt thể chất, các kết quả có thể hoặc tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào khả năng huy động các sự phòng thủ của cơ thể chúng ta.

              Kính thưa quý độc giả,

              Không phải mọi sự căng thẳng đều tồi tệ. Như được định nghĩa bởi Tiến sĩ Hans Selye, sự căng thẳng bao hàm một yếu tố đòi hỏi chúng ta thay đổi hoặc thích nghi với sự thay đổi. Định nghĩa ấy bao gồm trong bản thân nó một thực tế, là các yếu tố gây ra căng thẳng có thể bao gồm hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Thực tế này được dẫn chứng bằng tư liệu trong một cuộc nghiên cứu sâu rộng do hai Tiến sĩ T. H. Holmes và R. H. Rahe của Đại Học Y Khoa Washington thực hiện. Họ liệt kê một danh sách các “biến-cố-thay-đổi-đời-sống” được phân loại rõ rệt vốn dường như có liên hệ tới sự tấn công hay xâm nhập của bệnh lý. Kế đó họ nhận dạng bốn mươi ba biến cố trên một Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội vốn có khả năng dự đoán đáng lưu ý đối với sự tấn công của bệnh tật và sự suy nhược.

              Để sử dụng thang đánh giá này, bạn chỉ việc cho biết các biến cố đã diễn ra trong đời sống bạn trong suốt mười hai tháng qua. Kế đó, bạn hãy thêm vào các giá trị bằng số cho các mục được kiểm tra để có điểm tổng cộng của mình. Thí dụ, nếu người phối ngẫu của bạn qua đời trong vòng 12 tháng vừa qua, thì chỉ số căng thẳng trung bình của biến cố này là 100 điểm, trong khi đó, sự qua đời của người thân trong gia đình có chỉ số căng thẳng trung bình là 63 điểm, và sự qua đời của người bạn thân có chỉ số căng thẳng trung bình là 37 điểm. Bây giờ mời quý thính giả bắt đầu theo dõi Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội và chỉ số căng thẳng trung bình của mỗi biến cố trong đời sống.

              
Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội
Biến cố trong đời sống Chỉ số căng thẳng 
trung bình
1. Sự qua đời của người phối ngẫu 100
2. Việc ly hôn/ly dị 73
3. Việc ly thân 65
4. Thời gian bị tù giam 63
5. Sự qua đời của người thân trong gia đình 63
6. Bị thương hay bệnh tật 53
7. Việc kết hôn 50
8. Bị sa thải/bị mất việc 47
9. Việc hòa giải trong hôn nhân 45
10. Sự nghỉ hưu/về hưu 45
11. Thành viên trong gia đình có sự thay đổi về sức khỏe 44
12. Việc mang thai 44
13. Những khó khăn về tình dục 39
14. Việc có thêm thành viên mới trong gia đình 39
15. Sự tái điều chỉnh công việc kinh doanh 39
16. Tình trạng tài chánh có sự thay đổi 38
17. Bạn thân qua đời 37
18. Đổi sang nghề nghiệp khác 36
19. Thay đổi trong số lần tranh cãi với người bạn đời 35
20. Nợ mua nhà trả góp trên 10.000 đô la 31
21. Sự tịch thu tài sản thế chấp hay nợ nần 30
22. Thay đổi trách nhiệm trong công việc 29
23. Con trai hoặc con gái dọn ra ngoài 29
24. Rắc rối với bên sui gia như cha mẹ chồng hay vợ, rể/dâu v.v... 29
25. Có sự thành đạt cá nhân vượt trội 28
26. Vợ bắt đầu đi làm hoặc ngưng làm việc 26
27. Việc bắt đầu đi học hay nghỉ học 26
28. Sự thay đổi về điều kiện sống 25
29. Sự sửa đổi các thói quen cá nhân 25
30. Rắc rối với người chủ 23
31. Sự thay đổi về giờ giấc hay điều kiện làm việc 20
32. Đổi nơi cư trú khác 20
33. Đổi sang trường học khác 20
34. Sự thay đổi trong việc giải trí 19
35. Sự thay đổi trong các sinh hoạt của hội thánh 19
36. Sự thay đổi trong các hoạt động xã hội 18
37. Sự thế chấp hoặc vay mượn dưới 10.000 đô la 17
38. Sự thay đổi trong thói quen ngủ nghỉ 16
39. Sự thay đổi trong số lần họp mặt gia đình 15
40. Sự thay đổi trong thói quen ăn uống 15
41. Nghỉ hè hay những kỳ nghỉ lễ 13
42. Lễ Giáng Sinh 12
43. Những sự vi phạm luật không đáng kể 11
              Được in lại theo sự cho phép của nhà xuất bản từ The Journal of Psychosomatic Research, tập 11: T. H. Holmes và R. H. Rahe, Thang Đánh Giá Sự Tái Điều ChỉnhVề Mặt Xã Hội. Bản quyền © 1967 của Ct. Elsevier Science.

              Kính thưa quý độc giả,

              Nếu quý độc giả không kịp theo dõi các biến cố trong Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội, hoặc không kịp ghi lại đầy đủ chỉ số căng thẳng trung bình của mình trong những biến cố mà chúng tôi vừa trình bày, thì quý độc giả có thể vào trang mạng của chúng tôi ở địa chỉ www.PhatThanhHyVong.com để đọc và hoàn tất bảng đánh giá cho mình. Sau đó, quý độc giả hãy cộng tất cả điểm của mình lại và chúng ta sẽ cùng nhau phân tích vào tuần sau.

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn