14:27 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 17


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 266645

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996052

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Sự Lo Lắng Có Thể Dẫn Đến Việc Lừa Dối Chính Mình

Thứ ba - 12/12/2017 19:22
Sự Lo Lắng Có Thể Dẫn Đến Việc Lừa Dối Chính Mình

Sự Lo Lắng Có Thể Dẫn Đến Việc Lừa Dối Chính Mình

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ tám trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu.



               Kính thưa quý độc giả,

               Tuần qua chúng ta đã bắt đầu chương thứ tám trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu. Mỗi người chúng ta đã từng ít nhất là một lần trong đời lo lắng hay lo âu về một điều gì đó. Chúng ta cũng có thể đồng ý với nhau, rằng sự lo lắng có khuynh hướng làm tê liệt chúng ta khiến ta cảm thấy bất lực, nản lòng, thấy mình không đủ khả năng để kháng cự lại một biến cố nào đó ở ngoài tầm kiểm soát. Khi lo lắng, chúng ta đang đè nén hay bóp nghẹt những cảm xúc trong lòng, ngăn cản bất cứ sự tuôn tràn nào của tiềm năng sáng tạo trong đời sống mình.

               Một trong những khó khăn chúng ta gặp phải trong sự lo lắng của mình, là việc tách biệt sự lo lắng ra khỏi mối quan tâm chân thật. Sự quan tâm đem đến cảm giác thôi thúc chúng ta hành động. Sự quan tâm tập trung vào hành vi cư xử và các sự kiện có thể kiểm soát được. Trong khi đó, sự lo lắng tập trung vào các sự kiện và hành vi cư xử vốn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Sự lo lắng là một nỗ lực để kiểm soát tương lai nhưng có khi chúng ta lại gán sự lo lắng cho những sự kiện thất bại trong quá khứ, và lo âu rằng hậu quả của một việc nào đó trong quá khứ có thể xảy ra trong tương lai. Chúng ta thêm vào bảng liệt kê những điều mình “nên làm” hay “cần phải làm” nhằm tránh phạm phải cùng một lỗi lầm đã xảy ra trong quá khứ.

               Rồi từ điểm ấy, chúng ta lấy những ý tưởng này và mở rộng chúng vào tương lai, lo lắng về khả năng mình không thể thực hiện hết những tiêu chuẩn, những điều “nên làm” hay “cần phải làm” do chính mình đặt ra. Chúng ta lo lắng về quá khứ và tương lai quá mức, đến nỗi cuối cùng chúng ta thấy mình bị tê liệt trong thời điểm hiện tại. Có thể quý thính giả thấy mình đang lo lắng về việc tìm được một việc làm. Bạn có thể quanh quẩn với những ý nghĩ như:

  • Nếu như mình không thể tìm được một việc làm thì sao?
  • Nếu như mình tiêu xài hết số tiền để dành của mình thì sao?
  • Mình phải tìm một việc gì đó để làm và kiếm ra tiền!
  • Thật không công bằng là mình đã mất việc làm!
  • Mình phải làm việc!

               Điều Tự-Nhủ đầy lo lắng này của bạn trong hiện tại đã đưa nhu cầu cần có một việc làm lên ngay tức khắc. “Mình phải tìm được một việc làm!” Bạn sẽ không chấp nhận bất cứ chọn lựa nào khác! Trong tâm trí mình, bạn đã tạo nên một điều tuyệt đối bằng cách đòi hỏi là bạn phải có việc làm. Bằng cách nâng những tiêu chuẩn ấy lên thành một điều tuyệt đối, bạn đã bảo đảm rằng bạn có một điều gì đó để lo lắng. Nhưng trong khi tiến hành, bạn cũng đã nhốt mình trong một lối suy nghĩ vốn giới hạn những sự chọn lựa của bạn. Bởi việc giới hạn những sự chọn lựa của mình, bạn trở nên bất động. Bạn không thể thực hiện bất cứ việc hoạch định sáng tạo nào bởi vì bạn quá bận rộn lo lắng. Bạn bị rơi vào sự lo lắng đến nỗi cuối cùng bạn bị mắc bẫy trong hiện tại. Kết quả là bạn hầu như không thể lê chân ra khỏi nhà để tìm việc.

               Quý độc giả thân mến,

               Đôi khi những nỗi lo lắng và lo âu của chúng ta dẫn đến việc phát triển hành vi cư xử có xu hướng ép buộc và nỗi ám ảnh sợ hãi. Bạn trở nên điên cuồng với việc cần phải rửa tay liên tục vì bạn sợ nếu lỡ có một mầm bệnh bám vào tay bạn và làm cho bạn mắc bệnh thì sao? Bạn bị ám ảnh với sự lo lắng rằng nếu như bạn hết tiền thì sẽ ra sao? Nếu số dư trong sổ ngân hàng của bạn xuống dưới 500 đô hoặc mỗi khi bạn cần phải rút một số tiền ra khỏi quỹ tiết kiệm của mình, bạn luôn bị hốt hoảng tột độ với ý nghĩ là mình đã bị sạch túi mất rồi. Bạn phát triển hội chứng sợ nơi cao bởi lo lắng với giả thiết là nếu như bạn đứng trên chóp của một tòa nhà cao và một cơn gió mạnh ập đến có thể thổi bạn rơi xuống đất thì sao. Bạn phát triển chứng sợ hãi khoảng rộng, bạn sợ đi ra ngoài đường với ý nghĩ nếu như bạn ra khỏi nhà và một người nào đó hay một điều gì đó tấn công bạn thì sao. Danh sách của những ví dụ có thể tiếp tục thêm mãi, luôn luôn với kết quả là bạn bị trói buộc bởi chính mình, bị chính bản thân làm mình tê liệt trong hiện tại.

               Sự lo lắng trong lòng chúng ta có thể dẫn đến việc ta lừa dối chính mình. Thỉnh thoảng khi tôi thấy mình lo lắng về việc có đủ tiền, thì tôi liền không dám kết toán sổ tài khoản của mình để xem mình còn bao nhiêu tiền. Đó quả là điều thật điên rồ! Nhưng sự thật là như thế đấy. Tôi có thể ngồi tại bàn làm việc và nhìn vào quyển sổ ngân hàng cùng cái máy tính, và tôi cũng chỉ có thể ngồi đó mà thôi! Tôi không muốn biết mình còn lại bao nhiêu tiền. Có lẽ bởi vì ai đó có lần đã bảo tôi rằng điều tôi không biết sẽ không làm tổn thương tôi. Nhưng thường là bởi vì nỗi lo sợ không có đủ tiền trong tài khoản ấy—nghĩa là sự lo lắng của tôi—làm tê liệt tôi. Sự Tự-Nhủ của tôi nói, “Mình không thể nào chịu nổi khi biết chính xác số tiền mình còn là bao nhiêu! Nếu như mình không có đủ thì sao? Điều đó sẽ dễ sợ biết bao!” Vì thế sự không biết của tôi là niềm hạnh phúc lớn nhất, cho đến khi ngân hàng gửi giấy báo cho biết số tiền rút đã vượt hơn mức cho phép. Thình lình những sự lo lắng của tôi trở thành sự thật, và tôi nhanh chóng bị khích động quay trở lại tìm cho ra xem mọi thứ tồi tệ đến mức nào.

               Điều chúng ta làm khi chúng ta quá lo lắng về những việc sẽ xảy ra trong tương lai và biến chúng thành điều lo lắng duy nhất trong suy nghĩ của mình, thì chúng ta cũng đang hết lòng khẳng định điều mình tin tưởng. Nếu chúng ta luôn lo lắng về công ăn việc làm, thì chúng ta đang nói rằng một trong những điều chính yếu chúng ta tin cậy cho tương lai của mình, chính là công việc. Chúng ta đặt sự tin cậy vào công ăn việc làm ấy để bảo vệ cho tương lai mình. Hoặc nếu chúng ta đang lo lắng về tiền bạc, chúng ta đang đặt đức tin cho tương lai mình nơi tiền bạc. Nếu chúng ta lo lắng về việc phải đi lên trên chóp của các tòa nhà cao tầng, chúng ta đang nói rằng tương lai mình đặt trên việc tránh xa các tòa nhà cao tầng. Điều mà chúng ta tạo nên một sự tuyệt đối là điều chúng ta tin cậy.

               Kính thưa quý độc giả,

               Sự Tự-Nhủ của bạn tố giác bạn. Những nỗi lo lắng của bạn xác định lớp phủ an toàn cho tương lai bạn. Nhưng bạn phải có một việc làm tốt đến mức nào? Bạn phải có bao nhiêu tiền trong ngân hàng để được an ninh? Bạn có thể đi lên bao nhiêu tầng trong một tòa nhà cao tầng mà vẫn cảm thấy an toàn? Bạn có thể đi cách nhà mình bao xa mà vẫn còn an tâm? Bạn có thấy sự khó khăn chăng? Bạn đang đặt lòng tin cậy của mình nơi một điều gì đó vốn có giá trị tương đối! Bạn không bao giờ có thể có đủ tiền cả. Bạn không bao giờ có thể biết chắc liệu đây có phải là việc làm tốt nhất mà bạn có thể có chăng. Vẫn luôn có khả năng là bạn đã có thể tìm được một việc làm tốt hơn. Sức khỏe bạn phải tốt đến mức nào để bạn không cần lo lắng về nó? Bạn không bao giờ biết rõ là bạn có khỏe mạnh đủ chăng. Tất cả những điều đó đều là những đối tượng tin cậy dễ vuột mất, vì chúng không bao giờ hoàn toàn vững chắc.

               Bí quyết để phá vỡ chu kỳ lo lắng và lo âu khiến tê liệt chúng ta là tìm ra một điều gì đó vững chắc để tin cậy. Đối với tôi, điều duy nhất đáng tin cậy cho tương lai là chính Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu vạch ra sự chọn lựa rõ rệt chúng ta phải thực hiện khi cần phải giải quyết những khuôn mẫu của sự lo lắng và lo âu. Trong Ma-thi-ơ 6:24 Ngài phán, “Chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.” Bạn không thể tin cậy Đức Chúa Trời cho tương lai và đồng thời lại lo lắng về việc có đủ tiền bạc... hoặc có đủ sức khỏe... hoặc có việc làm tốt nhất... hoặc... bất cứ điều gì đang khiến bạn phải luôn lo lắng về nó.

               Chúa Giê-xu đã dạy môn đồ của Ngài rằng:

               Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? (Ma-thi-ơ 6:25-27)

               Câu trả lời hiển nhiên là không ai có thể. Nhưng chúng ta đã có thể tiếp tục với câu trả lời ấy và nói rằng thay vào đó, chúng ta thật sự đang bớt đi thời gian của đời mình với sự lo lắng và lo âu. Chúng ta đang làm cho đời sống rút ngắn đi hơn là kéo dài thêm.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn