10:41 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 27

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 24


Hôm nayHôm nay : 8358

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 13433

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23022466

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Điều Này Không Phải Lẽ​​

Thứ hai - 28/09/2020 20:47
Điều Này Không Phải Lẽ​​

Điều Này Không Phải Lẽ​​

Chúng ta đang ở phần cuối của chương thứ 2 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Tuần trước chúng ta đã xem xét tiểu đề “Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công”.


Điều Này Không Phải Lẽ​​

          
          Kính thưa quý thính giả,
 

          Chúng ta đang ở phần cuối của chương thứ 2 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Tuần trước chúng ta đã xem xét tiểu đề “Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công”.
 

          Như đã trình bày qua, bởi vì chúng ta mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời, cho nên mỗi người trong chúng ta đều có một sự quan tâm đến sự công chính, ngay thẳng, và công bằng ở một mức độ nào đó. Bất cứ khi nào chúng ta đối diện với điều mà chúng ta tin là không ngay thẳng, không tử tế, hoặc không công bằng, thì chúng ta kinh nghiệm sự giận dữ. Sự giận dữ này nhằm để thôi thúc chúng ta có hành vi tích cực, đầy yêu thương, để tìm cách làm cho những điều sai quấy trở nên đúng đắn; và để phục hồi mối quan hệ với người làm điều sai quấy.
 

          Sự giận dữ không được dự định để khích động chúng ta làm những việc tiêu cực với những người có thể đã cư xử xấu, đối xử bất công với chúng ta, cũng không nhằm để cho phép chúng ta nói hay làm những việc tiêu cực, không có tính xây dựng với kẻ lân cận mình.
 

          Mục đích chủ yếu của sự giận dữ là để thôi thúc chúng ta có hành vi tích cực, đầy yêu thương để khiến cho mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn so với lúc đầu khi chúng ta nhận ra chúng.
 

          Tổ chức MADD, viết tắt của “Mothers Against Drunk Drivers”, xin tạm dịch là: “Các Bà Mẹ Chống Lại Các Tài Xế Say Rượu Khi Lái Xe” được ra đời từ sự giận dữ. Các bà mẹ nhìn thấy cảnh con cái họ bị giết chết trên đường phố bởi những tài xế say rượu khi lái xe. Khi những tài xế này ra trước tòa án, họ chỉ bị đánh mạnh vào cổ tay, có lẽ bị phạt chút ít tiền, và rồi được phép trở lại lái xe tiếp ngày hôm sau.
 

          Các bà mẹ đã nói: “điều này là không hợp lý.” Chính sự giận dữ, bị kích động bởi sự bất công mà họ nhìn thấy, đã thôi thúc bà Lightner và các bà mẹ bị tổn thương khác thành lập một tổ chức quốc gia mà sau đó đã phát triển thành hơn bốn trăm hiệp hội.
 

          Lúc đầu, phương pháp của họ là thay phiên nhau ngồi trong phòng xử án khi những người bị buộc tội “lái xe dưới ảnh hưởng của rượu” đang bị xét xử. Họ nhìn vào mắt của quan tòa, các luật sư, và các tài xế say rượu. Sự hiện diện của họ khiến cho các quan tòa phải suy xét cẩn thận trước khi trao trả bằng lái xe cho một tài xế say rượu.
 

          Họ cũng gây sức ép trên các nhà làm luật của tiểu bang để ban hành những đạo luật cứng rắn hơn chống lại việc lái xe khi say rượu. Tiền phạt cho việc lái xe dưới ảnh hưởng của rượu đã trở nên nghiêm khắc hơn trong vài năm qua, và số tài xế bị rút bằng lái vì lái xe dưới ảnh hưởng của rượu, tăng lên nhiều hơn so với trước đây. Tất cả bởi vì một số bà mẹ đã tức giận. Tổ chức MADD tiếp tục tìm kiếm những sự cải cách của tòa án và pháp luật.
 

          Tổ chức SADD, viết tắt của “Students Against Driving Drunk”, xin tạm dịch là “Sinh Viên Chống Lại Việc Lái Xe Khi Đang Say Rượu”, được hình thành theo một cách thức tương tự. Sinh viên không hài lòng về sự thiệt hại gây ra bởi các sinh viên say rượu khi lái xe; họ nói, “Thật không phải lẽ khi cho phép một sinh viên đồng bạn lái xe trong khi đang bị ảnh hưởng của rượu.” Những sinh viên này bắt đầu tổ chức, và cam kết nhờ một tài xế tỉnh táo, lái xe đưa các sinh viên đã say rượu về nhà. Họ có hành động tích cực, đầy yêu thương để đối phó lại sự giận dữ của mình.
 

          Kính thưa quý thính giả,
 

          Việc xóa bỏ chế độ nô lệ tại Anh và Mỹ diễn ra bởi vì một số đông người cảm thấy tức giận về các tình trạng của xã hội thời bấy giờ.
 

          Câu chuyện về William Wilberforce, một con người có niềm tin lớn lao, là một thành viên giàu có của Quốc Hội, và cũng là nhà cải cách xã hội, thật quen thuộc với nhiều người. Hai trăm năm trước (tức là khoảng vào năm 1807), Wilberforce và Thomas Clarkson đã thuyết phục chính quyền Anh thông qua một đạo luật chống lại nạn buôn nô lệ, nhưng trong nhiều thập niên trước đó, Wilberforce đã tiến hành một chiến dịch không mệt mỏi, đọc các bài diễn văn đầy nhiệt tình tại Quốc Hội để trình bày tỉ mỉ, cũng như công khai chỉ trích những điều sai trái của tệ nạn buôn nô lệ.
 

          Bên kia bờ đại dương, tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một số đông người, đàn ông có, đàn bà cũng có, đã nhìn vào tình trạng bắt người làm nô lệ và thầm nhủ: “Đây là điều không đúng”. Nhiều năm sau đó, điều sai trái này đã chấm dứt khi tổng thống Lincoln ký kết “Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ”. Nhưng cần phải có những con người bị khuấy động bởi sự giận dữ trước điều sai trái và sự bất công, những người như Harriet Beecher Stowe, tác giả của quyển sách “Túp Lều Của Chú Tom” để khơi dậy lương tâm của một dân tộc.
 

          Điều này phù hợp với những ao ước của Đức Chúa Trời được nói đến trong sách tiên tri Ê-sai 58:6-7 rằng: “Không phải cách kiêng ăn mà Ta chọn lựa là tháo xiềng gian ác, mở dây cột ách, trả tự do cho kẻ bị áp bức, bẻ gãy mọi ách, hay sao? Chẳng phải là chia cơm với kẻ đói; đem người nghèo không nhà cửa về nhà mình; khi thấy người không áo che thân thì mặc cho và không tránh mặt làm ngơ đối với người ruột thịt, hay sao?”
 

          Nhưng điều này hoạt động ra sao, làm sao có thể ứng dụng nguyên tắc này vào trong đời sống mỗi ngày?
 

          Chúng ta hãy trở lại với Brooke, người mà chúng ta đã gặp trong chương vừa rồi.
 

          Cô tức giận với các con của mình còn ở lứa tuổi mẫu giáo vì những điều mà cô xem là những hành vi không đúng đắn của chúng, bực tức với chồng cô bởi vì anh không giúp đỡ cô thật đúng mức trong các công việc gia đình, bực dọc với chính mình bởi vì cô đã chọn lựa nghỉ làm việc để ở nhà trông nom các con, và cuối cùng giận dữ với Đức Chúa Trời bởi vì cô nghĩ rằng Ngài đã để cho cô rơi vào tình trạng rối ren này.
 

          Ngay bây giờ, chúng ta không quan tâm tới việc Brooke sẽ có những hành động cụ thể nào; chúng ta chỉ đang nêu câu hỏi là “mục đích sự giận dữ của Brooke là gì? Tôi cho rằng nó nhằm thôi thúc cô có hành vi tích cực, đầy yêu thương để giải quyết điều mà cô cho là không tử tế, không công bằng, không đúng, và thiếu lòng thương người. Cô sẽ không bỏ qua cơn giận của mình. Sự giận dữ giống như một ngọn đèn đỏ bật sáng nhấp nháy trên giàn đèn của một chiếc xe. Nó cho thấy rằng có một điều gì đó cần được chú ý đến.
 

          Sự giận dữ có thể là một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, tích cực, ích lợi để khiến chúng ta hướng đến hành động yêu thương, để uốn nắn lại những điều sai trái và chỉnh sửa lại sự bất công, nhưng nó cũng có thể trở thành một cơn thịnh nộ dữ dội, vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
 

          Vì thế điều khó khăn là tất cả những mục đích tích cực và tuyệt vời này của sự giận dữ dường chạy trốn chúng ta khi quý vị và tôi đang ở trong cơn tức giận. Chúng ta quên hẳn đi là mình nên chỉnh sửa mọi sự cho đúng đắn lại, và thay vào đó, chúng ta lại rơi vào kết thúc với mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thúc bách kế tiếp: Làm thế nào chúng ta có thể xử lý cơn giận trong một cách thức tích cực?
 

          Quý thính giả thân mến,
 

          William Rogers là một chàng cao bồi Mỹ, nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ, nghệ sĩ hài, nhà bình luận xã hội và diễn viên điện ảnh. Là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới vào những năm 1920 và 1930, ông đưa ra nhận định: "People Who Fly Into A Rage Always Make A Bad Landing”, xin tạm dịch là: “Những ai bay cuốn lên trong cơn cuồng nộ, sẽ luôn luôn đáp xuống đất với thật nhiều đau thương”.
 

          Chúng ta vừa theo dõi xong chương 2 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman.

          Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Xin hẹn gặp lại quý thính giả vào tuần sau, để cùng với chúng tôi khám phá về nguyên nhân cùng cách thức xử lý cơn nóng giận một cách đầy khôn ngoan. Xin kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè.
 

          Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn