12:07 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 4089

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279509

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008916

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Anh Ấy Không Nên Làm Điều Đó Với Cô Ta

Thứ hai - 31/08/2020 21:12
Anh Ấy Không Nên Làm Điều Đó Với Cô Ta

Anh Ấy Không Nên Làm Điều Đó Với Cô Ta

Kính thưa quý thính giả, Chúng ta đang ở chương 1 với chương đề Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu? của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của tiến sĩ Gary Chapman.


Anh Ấy Không Nên Làm Điều Đó Với Cô Ta

 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Chúng ta đang ở chương 1 với chương đề Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu? của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của tiến sĩ Gary Chapman.
 

        Tuần trước chúng ta đã cùng nhau theo dõi và tìm hiểu câu hỏi: Vì Sao Lại Giận Dữ? Sự giận dữ đến từ đâu và vì sao chúng ta kinh nghiệm nó? Tiến sĩ Gary Chapman trình bày như sau:
 

        Tôi tin rằng khả năng giận dữ của con người có nguồn gốc sâu xa trong bản tánh của Đức Chúa Trời. Tôi đang gợi ý rằng sự giận dữ xuất phát từ hai khía cạnh của bản tánh thiên thượng của Đức Chúa Trời: tính thánh khiết của Đức Chúa Trời và tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
 

        Thánh Kinh tuyên bố rằng Đức Chúa Trời là thánh. (xin xem I Phi-e-rơ 1:16; Lê-vi ký 11:44-45, chẳng hạn). Từ “thánh” có nghĩa là “biệt riêng khỏi tội lỗi.” Dù chúng ta đang nói về Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, hay Đức Thánh Linh, thì không hề có tội lỗi trong bản tánh của Đức Chúa Trời. Trước giả Tân Ước viết về Chúa Jesus rằng Ngài “bị thử thách (hay bị cám dỗ) trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).
 

        Một đặc điểm chánh yếu thứ nhì của bản tánh Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Sứ đồ Giăng tóm tắt toàn bộ sự giảng dạy của Thánh Kinh khi ông nói thật ngắn gọn rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:8). Tình yêu thương không được xem là ngang bằng với Đức Chúa Trời; nhưng đúng hơn, trong bản tánh thiết yếu của Ngài, Đức Chúa Trời tràn đầy yêu thương. Đây không chỉ là khái niệm của Tân Ước về Đức Chúa Trời. Từ đầu cho đến cuối, Thánh Kinh mặc khải Đức Chúa Trời là Đấng hết lòng hết sức chăm lo cho lợi ích của các tạo vật Ngài đã dựng nên. Bản tánh của Đức Chúa Trời chính là yêu thương.
 

        Chính từ hai đặc tính thiên thượng này mà cơn giận của Đức Chúa Trời được thể hiện. Kinh Thánh thường cho thấy rằng Đức Chúa Trời từng trải sự giận dữ. Từ ngữ “cơn giận” (hay “sự giận dữ”) được tìm thấy 455 lần trong Cựu Ước; trong đó 375 lần nói đến cơn giận của Đức Chúa Trời. Tác giả Thi Thiên cũng nói: “Thật là Đức Chúa Trời hằng ngày nổi giận cùng kẻ ác” (Thi Thiên 7:11b).
 

        Hãy đọc cuộc đời của Chúa Jesus, bạn sẽ thấy vô số tình huống qua đó Chúa Jesus đã bày tỏ sự giận dữ (ví dụ, xin xem Mác 3:1-5; Giăng 2:13-17). Bởi vì Đức Chúa Trời là thánh và bởi vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nên tất yếu là Đức Chúa Trời trải qua sự giận dữ. Tất cả các luật lệ đạo đức của Đức Chúa Trời đều dựa trên sự thánh khiết của Ngài và tình yêu thương của Ngài; tức là, chúng luôn đứng với điều phải, điều đúng, và chúng luôn vì lợi ích của các tạo vật Ngài. Đức Chúa Trời ao ước con người làm những điều phải lẽ và tận hưởng những lợi ích của việc làm này. Ngài phán với dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, “Hãy xem, ngày nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và phước lành, sự chết và tai họa, vì ngày nay, ta bảo ngươi thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đi trong các đường lối Ngài, và gìn giữ những điều răn luật lệ và mạng lịnh Ngài, để ngươi sống, gia thêm, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong xứ mà ngươi sẽ vào nhận lấy” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:15-16).
 

        Cơn giận của Đức Chúa Trời bị khuấy động lên khi Ngài nhận biết những hậu quả tai hại của tội lỗi con người. Chính sự quan tâm đối với sự công bằng và sự công chính của Đức Chúa Trời đã khơi dậy cơn giận của Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó, khi Đức Chúa Trời nhìn thấy điều ác, Ngài cảm thấy giận dữ. Sự giận dữ là phản ứng hợp lý của Ngài trước sự bất công hay những gì không công chính.
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Phân đoạn kế tiếp chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi hôm nay có tựa đề là “Anh Ấy Không Nên Làm Điều Đó Với Cô Ta”
 

        Vậy thì tất cả những bản tính của Đức Chúa Trời có liên quan gì với cơn giận của con người? Thánh Kinh chép rằng chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh của Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 1:27). Mặc dầu hình ảnh ấy đã bị làm cho phai mờ vì chúng ta đã sa ngã phạm tội, song nó không bị xóa bỏ hoàn toàn.
 

        Con người vẫn còn mang dấu vết của hình ảnh Đức Chúa Trời sâu thẳm trong tâm hồn họ. Vì thế, ngay cho dù chúng ta sa ngã, chúng ta vẫn có một sự quan tâm nào đó đối với sự công bằng và sự đúng đắn. Hãy tìm người vô thần nhất mà bạn biết và theo dõi người ấy trong một tuần lễ, rồi bạn sẽ nghe anh ta phát biểu những câu như: “Điều đó không đúng. Anh ấy không nên làm điều đó với cô ta. Cô ta đã đối xử sai trật với anh ấy.”
 

        Hãy ăn cắp chiếc xe hơi của anh ấy và xem thử anh ta có bộc lộ sự giận dữ chăng? Hãy nói xấu con gái hay vợ hoặc bạn gái của anh ta thì bạn sẽ thấy rằng đột nhiên anh ta là một tạo vật vô cùng đạo đức, lên án hành động của bạn cách công khai.
 

        Hãy lắng nghe đứa bé đang bắt đầu tập nói, và chẳng bao lâu bạn sẽ nghe đứa bé nói, “Mẹ ơi, điều đó không công bằng.”
 

        Đứa bé đã có được sự phán đoán về đạo đức từ đâu? Tôi cho rằng nó được in sâu trong bản tánh của đứa bé, được tôi luyện bởi sự dạy dỗ của cha mẹ bé, đúng là như thế; nhưng đứa bé tự nhiên biết khi nào mình đã bị người khác đối xử bất công và nó sẽ bày tỏ điều đó cách tự do không chút ngần ngại.
 

        Vậy thì, sự giận dữ là cảm xúc nổi dậy bất cứ khi nào chúng ta đối diện với những gì mình nhận thấy là sai trật. Các phản ứng thuộc cảm xúc, sinh lý và giác quan sẽ bừng bừng bùng nóng lên trong cơn giận, khi chúng ta đối diện với sự bất công.
 

        Vì sao một người vợ cảm thấy giận dữ đối với chồng mình? Bởi vì trong tâm trí của bà, ông ấy đã làm cho bà thất vọng, bối rối, nhục nhã, hay bị khước từ. Nói tóm lại, ông ấy đã “đối xử bất công với bà.”
 

        Vì sao các bạn thiếu niên tức giận cha mẹ? Bởi vì thiếu niên ấy nhận thấy rằng cha mẹ đã không công bằng, không yêu thương, không tử tế, rằng cha mẹ đã đối xử bất công.
 

        Vì sao một người đàn ông đá vào chiếc máy cắt cỏ của mình? Bởi vì chiếc máy không “hoạt động đúng đắn.” Chiếc máy, hay người chế tạo ra nó, đã làm cho anh ta bị tổn hại.
 

        Vì sao tài xế bấm còi khi đèn giao thông chuyển qua màu xanh? Bởi vì họ lý luận rằng người phía trước họ “cần phải chú ý tín hiệu đèn và lẽ ra đã phải chạy tới trước sớm hơn hai giây.”
 

        Hãy cố nhớ lại lần cuối bạn trải qua sự giận dữ và nêu câu hỏi: “vì sao mình nổi giận?” Có thể câu trả lời của bạn sẽ nêu lên một sự bất công nào đó. Ai đó hoặc một điều gì đó đã đối xử không công bằng với bạn. Một điều gì đó sai trật. Sự giận dữ của bạn có thể đã nhắm vào một người, một đồ vật, một tình huống, bản thân bạn, hay Đức Chúa Trời; nhưng trong mọi trường hợp đã có ai đó hay một điều gì đó đã đối xử bất công với bạn.
 

        Chúng ta không đang bàn thảo về cái nhìn của bạn sai quấy hay đúng đắn. Chúng ta sẽ đề cập điều đó ở một chương sau. Điều chúng ta đang thiết lập, đó là sự giận dữ bắt nguồn khi bạn thấy một điều gì đó sai quấy và cảm quan đạo đức này bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của một Đức Chúa Trời thánh khiết, cũng là Đấng đã thiết lập quy luật đạo đức để mang lợi ích cho các tạo vật của Ngài.
 

        Sự giận dữ không phải là xấu; sự giận dữ không phải là tội lỗi; sự giận dữ không phải là một phần của bản chất sa ngã trong chúng ta; sự giận dữ không phải là Sa-tan hành động trong đời sống chúng ta. Hoàn toàn ngược lại. Sự giận dữ là chứng cớ cho thấy rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời; nó thể hiện rằng chúng ta vẫn còn có một sự quan tâm nào đó đối với công lý và sự công chính bất chấp tình trạng sa ngã của chúng ta.
 

        Khả năng trải qua sự giận dữ là chứng cớ mạnh mẽ rằng chúng ta vượt hơn loài vật tầm thường. Nó bộc lộ sự quan tâm của chúng ta đối với sự đúng đắn, công lý, và sự công bằng. Từng trải giận dữ là chứng cớ về bản tính cao quý của con người chúng ta, chứ không phải tình trạng hư hỏng đồi bại đâu.
 

        Chúng ta cần cảm tạ Đức Chúa Trời về khả năng có thể giận dữ. Khi một người ngưng không còn cảm thấy giận dữ nữa, người ấy mất đi cảm quan, hay bị lãnh cảm với những vấn đề có liên quan đến đạo đức. Thiếu mối quan tâm về đạo đức này, thế giới sẽ là một nơi thật sự đáng sợ!
 

        Điều đó dẫn chúng ta đến với câu hỏi quan trọng thứ hai của mình: “Mục đích của sự giận dữ là gì?” Hay đi sát với vấn đề hơn, câu hỏi phải là: “Mục đích của Đức Chúa Trời khi ban cho người khả năng giận dữ là để làm gì?
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Chúng ta vừa theo dõi xong phần cuối của chương 1 Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu? của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.
 

        Trước khi Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị một câu nói đầy ý nghĩa của thủ tướng Anh Winston Churchill rằng: “Tầm vóc của một người lớn đến mức nào, phụ thuộc vào tầm cỡ các sự việc khiến người đó nổi nóng”.
 

        Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè. Xin thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn