06:57 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 3341

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278761

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008168

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi

Thứ hai - 14/09/2020 21:13
Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi

Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi

Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau theo dõi xong chương 1 với chương đề Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu? của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Hôm nay chúng ta sẽ bước vào chương thứ nhì của sách này với chương đề: “Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Lợi Ích”


Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi


        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng nhau theo dõi xong chương 1 với chương đề Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu? của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Hôm nay chúng ta sẽ bước vào chương thứ nhì của sách này với chương đề: “Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Lợi Ích”
 

        Khi chúng ta đang gây gỗ với người bạn đời của mình hoặc đang cằn nhằn vì chiếc máy vi tính không chịu hoạt động đúng theo như chức năng của nó, thì đề cập về mục đích của Đức Chúa Trời trong sự giận dữ, có thể dường như chỉ là vấn một lý thuyết suông.
 

        Trên thực tế, chúng ta có thể cho rằng sự giận dữ của con người sẽ làm cho Đức Chúa Trời không đẹp lòng. Nhưng tôi tin rằng sự giận dữ của con người được thiết kế bởi Đức Chúa Trời để thôi thúc chúng ta có hành vi xây dựng khi đối diện với việc làm sai quấy hoặc khi đối đầu với sự bất công. Chúng ta không hiểu điều này rõ lắm bởi vì thông thường chúng ta tức giận khi mọi việc không diễn ra theo cách chúng ta mong đợi.
 

        Chúng ta sẽ bàn thêm về sự giận dữ hợp lý và cơn giận vô căn cứ, nhưng mục đích của chúng ta ở đây là trở lại với câu hỏi nền tảng: “Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự giận dữ của con người là gì?” Câu trả lời là “Cơn giận được thiết kế để thôi thúc chúng ta có hành động tích cực khi chúng ta đang đối đầu với sự bất công”. Tôi tin điều này được minh họa bởi chính mình Đức Chúa Trời.
 

        Kinh Thánh nêu lên sự so sánh rõ rệt giữa cơn giận của Đức Chúa Trời với sự yêu thương của Ngài.
 

        Trong thời Cựu Ước, Ngài đặc biệt sai một tiên tri đến để rao báo với dân sự rằng Ngài nổi giận trước những việc làm gian ác xấu xa của họ và kêu gọi họ ăn năn. Nếu dân sự ăn năn, cơn giận của Đức Chúa Trời nguôi đi và mọi việc đều tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu họ không ăn năn, Đức Chúa Trời tiếp tục hành động.
 

        Sứ điệp của Đức Chúa Trời gởi đến tiên tri Giê-rê-mi bày tỏ điều này.
 

        “Hãy đi, xây về phía bắc, rao lên những lời nầy: Đức Giê-hô-va phán: Hỡi Y-sơ-ra-ên bội nghịch; hãy trở về! Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì ta hay thương xót; ta chẳng ngậm giận đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy. Chỉn ngươi phải nhận lỗi mình: Ngươi đã phạm tội nghịch cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; ngươi đã chạy khắp mọi ngả nơi các thần khác ở dưới mỗi cây xanh, mà không vâng theo tiếng ta, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì ta là chồng ngươi…” (Giê-rê-mi 3:12-14).
 

        Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ chân lý và đi theo những sự giả dối. Cơn giận của Đức Chúa Trời thôi thúc Ngài sai tiên tri Giê-rê-mi đi đến và kêu gọi dân sự ăn năn.
 

        Đức Chúa Trời cũng có hành động tương tự trong việc sai tiên tri Giô-na đi đến thành Ni-ni-ve. Dân chúng của thành Ni-ni-ve nghe biết danh của Đức Chúa Trời.

        Khi Giô-na cảnh báo về sự hủy diệt thành trong bốn mươi ngày, Thánh Kinh chép rằng: “Dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ.”
 

        Chẳng bao lâu nhà vua truyền lịnh, “Mọi người khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình. Ai biết rằng hoặc Đức Chúa Trời sẽ không xoay lại và ăn năn, xoay khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết, hay sao?”
 

        Dân thành Ni-ni-ve biết rằng cơn giận của Đức Chúa Trời luôn được tác động bởi tình yêu thương của Ngài. Vì thế Thánh Kinh ghi lại rằng: “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xoay bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó” (Giô-na 3:5, 8-10).
 

        Cơn giận của Đức Chúa Trời được biểu lộ bằng hành động tích cực; đó là rao báo cho kẻ làm ác rằng mọi việc ác sẽ bị hình phạt.
 

        Vì cớ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ, Ngài không thể để cho sự bất công thoát khỏi hình phạt. Tuy nhiên, khi dân thành Ni-ni-ve ăn năn và xoay khỏi đường lối gian ác của họ, lòng thương xót của Đức Chúa Trời khiến Ngài tha thứ cho họ.
 

        Việc làm sai quấy đã được chỉnh sửa lại cho đúng đắn. Cơn giận của Đức Chúa Trời đã đáp ứng yêu cầu tích cực của nó.
 

        Một số sinh viên nghiên cứu Kinh Thánh trong thời đại hiện nay đã đặt thành nghi vấn những hành vi đoán phạt nghiêm khắc của Đức Chúa Trời trên dân Y-sơ-ra-ên của Ngài và các dân tộc láng giềng của họ. Qua những hành vi này họ mường tượng ra hình ảnh của một vị thần đầy căm thù và hủy diệt.
 

        Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, người ta khám phá rằng khi Đức Chúa Trời dùng đến những biện pháp quyết liệt như thế đó là vì lợi ích cơ bản của tạo vật Ngài. Sự thánh khiết của Ngài sẽ không cho phép Đức Chúa Trời giữ yên lặng khi con cái Ngài bị dính líu vào hoạt động gian ác xấu xa, và tình yêu thương của Ngài luôn tìm cách để bộc lộ cơn giận Ngài vì lợi ích rộng lớn hơn của nhân loại.
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Thế thì điều gì khiến Chúa Giê-xu giận dữ?
 

        Khi chúng ta trở lại với Tân Ước và xem xét cuộc đời của Chúa Giê-xu, chúng ta thấy rằng Ngài cũng có hành động tích cực, đầy yêu thương chống lại những điều xấu xa đã khuấy động cơn giận của Ngài. Có lẽ sự kiện được biết đến nhiều nhất trong những sự kiện này là từng trải của Chúa Giê-xu trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem khi Ngài nhìn thấy các thương buôn mua bán bò, chiên, và bồ câu.
 

        Ngài phán: “Có lời chép: ‘Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp’” (Ma-thi-ơ 21:13).
 

        Khá lâu trước đó trong chức vụ Ngài, Chúa Giê-xu đã trách mắng những kẻ đổi bạc: “Sao các ngươi dám làm cho nhà Cha ta thành ra nhà buôn bán!” (Giăng 2:16). Sứ đồ Giăng ghi lại rằng Chúa Giê-xu “bện một cái roi bằng dây, bèn đuổi hết thảy khỏi đền thờ, chiên và bò nữa; vãi tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ” (Giăng 2:15).
 

        Một số người sẽ hỏi: “Tinh thần tha thứ của Chúa Giê-xu ở đâu?”
 

        Không cần phải thắc mắc chúng ta có thể giả định rằng nếu những kẻ làm điều sai quấy ăn năn, rất có thể Ngài đã tha thứ cho họ. Nhưng hãy nhớ, sự tha thứ của Đức Chúa Trời luôn là sự đáp ứng lại trước sự ăn năn của con người. Hành động của Ngài không chỉ chứng minh với các thương buôn mà cả với các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng những điều đang diễn ra là không xứng hiệp đối với đền thờ của Đức Chúa Trời.
 

        Trên thực tế, Giăng ghi lại rằng: Môn đồ Ngài bèn nhớ lại lời đã chép rằng: “Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt tôi” (Giăng 2:17 cũng như Thi thiên 69:9). Các môn đồ nhìn thấy thật rõ ràng cơn giận của Chúa Jesus đang được bộc lộ, và họ cho rằng cơn giận đó xuất phát từ mối quan tâm sâu xa và đầy công chính của Ngài rằng nhà Cha Ngài phải là một nơi để cầu nguyện chứ không phải là một nơi để mua bán.
 

        Một dịp khác Chúa Giê-xu đang ở trong nhà hội vào ngày Sa-bát, và một người bị teo tay đến với Ngài. Những người Pha-ri-si đang tìm dịp để kiện cáo Chúa Jesus về việc vi phạm luật về ngày Sa-bát, vì thế Chúa Giê-xu hỏi họ: “Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người?” Những người Pha-ri-si đều nín lặng và Mác thuật lại rằng Chúa Giê-xu “lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán cùng người nam rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người giơ ra, thì tay được lành” (Mác 3:4-5).
 

        Chúa Giê-xu bị nổi giận bởi ý tưởng duy luật của những người Pha-ri-si, vốn đặt việc giữ các luật lệ về ngày Sa-bát lên trên việc giúp đỡ cho nhu cầu của con người. Hành động của Chúa Giê-xu là chữa lành người này tại trước mặt họ, bác bỏ ý tưởng xấu xa của họ và chứng minh cách sinh động trước mọi người rằng sự cứu giúp con người là quan trọng hơn các sự tuân giữ nghi thức tôn giáo.
 

        Bởi đó, mẫu mực thiên thượng rất rõ ràng: Phản ứng của Đức Chúa Trời trước cơn giận luôn là thực hiện hành động yêu thương, tìm cách ngăn chặn điều ác, và cứu chuộc kẻ làm ác.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Còn chúng ta thì sao? Phản ứng của chúng ta trước sự không ngay thẳng và bất công thì như thế nào? Xin kính mời quý thính giả nhớ đón nghe tiếp đề tài này vào tuần sau để chúng ta cùng học biết nguyên nhân cùng cách thức xử lý cơn nóng giận trong một cách thức đầy khôn ngoan.
 

        Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Xin kính chúc quý thính giả thân yêu một cuối tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè.
 

        Xin thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: sự giận

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn